THIỀN TẬP CHỈ NAM 3

Thiền sư Nhất Hạnh

|Phần 1| Phần 2| Phần 3|

23.
Loại thực phẩm thứ tư là thức thực, nghĩa là ảnh hưởng của tâm thức cọng đồng và của môi trường trong đó ta đang sống trên tâm thức của ta.
Nếu ta sống trong một môi trường trong đó hầu hết mọi người đều có một nguồn tư niệm thực không lành mạnh, tâm thức ta sẽ bị ảnh hưởng, và sớm muộn gì ta cũng sẽ mong muốn, hành xử theo cách thức của những người chung quanh. Con cháu ta và các em ta nếu chung đụng lâu ngày với những người quen tư duy, nói năng và hành xử một cách bạo động, cũng sẽ trở thành bạo động. Ở trong một môi trường xấu, những hạt giống xấu như thèm khát, bạo động và căm thù trong ta thường xuyên bị tưới tẩm, trong khi những hạt giống lành mạnh như hiểu biết, thương yêu, tha thứ, bao dung, không có một cơ hội nào. Vì vậy ta phải nhìn lại môi trường của ta, và nhìn lại những người ta tiếp xúc hằng ngày. Nếu ta có bạn tốt, đi trên con đường lành mạnh, ta sẽ được các bạn ta che chở và dìu dắt. Ta phải có can đảm rời bỏ được môi trường xấu và chấm dứt liên hệ với những người đang kéo ta đi về những nẻo đường xấu. Dù gặp phải nhiều ràng buộc, khó khăn và thiếu thốn, ta cũng phải quyết tâm ly khai môi trường xấu và những người bạn xấu. Hành động ly khai này rất khẩn cấp, không thể trì hoãn được. Nếu ta giác ngộ được là ta đang bị lôi kéo về một con đường xấu ác, thì ta sẽ có đủ can đảm để ly khai. Ở lại, ta sẽ không có đủ năng lượng để tự bảo vệ, đừng nói là giúp được kẻ khác. Sau này khi ta đã đạt tới vững chãi, và có đông đảo bạn hiền, ta mới có khả năng để giúp họ chuyển hóa môi trường và tâm thức.

24.
Bụt dạy khi ta có một nỗi khổ, một niềm đau trong ta, ta hãy quán chiếu cho rõ nỗi khổ niềm đau ấy và tìm ra cho được loại thực phẩm nào trong bốn loại thực phẩm nói trên đã nuôi dưỡng thành niềm đau nỗi khổ ấy.
Bụt nói: không có gì có thể tồn tại được nếu không có thực phẩm nuôi dưỡng nó. Niềm đau hay nỗi khổ của ta cũng thế: nó có thực phẩm của nó. Nếu ta cắt đứt nguồn thực phẩm ấy thì niềm đau nỗi khổ ấy cũng sẽ tiêu tán. Giáo lý “bốn loại thực phẩm” được Bụt nói rõ trong một Kinh gọi là Kinh Tử Nhục. Giáo lý này rất thích hợp với thời đại chúng ta, thời đại của sự tiêu thụ bừa bãi không có chánh niệm. Bạn đã biết về bốn loại thực phẩm, và bạn đã hiểu được bản chất của giới thứ năm trong năm giới. Nếu bạn hành trì được theo giới thứ năm thì khổ đau sẽ từ từ chuyển hóa và sức khỏe tinh thần và cơ thể bạn sẽ được phục hồi với niềm vui sống. Chúng ta hãy cùng đọc lại giới thứ năm trong chương 17:
NĂM GIỚI

Đây là Giới Thứ Nhất:
Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.
Đây là Giới Thứ Hai:
Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.
Đây là Giới Thứ Ba:
Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.
Đây là Giới Thứ Tư:
Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.
Đây là Giới Thứ Năm:
Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.

25.
Nếu bạn đang có những khó khăn trong việc truyền thông với bố mẹ, thì thiền tập có thể giúp bạn vượt thoát được những khó khăn ấy và tái lập lại niềm tin và tình thương giữa cha mẹ và con cái.
Có khi ta có cảm tưởng rằng cha mẹ không còn thương yêu ta nữa và ta cũng không còn thương yêu và ân nghĩa gì nữa với cha mẹ; nhưng cảm tưởng ấy chỉ là một cảm tưởng do khổ đau chồng chất quá nhiều trong quá khứ gây ra. Sự thực thì tình thương vẫn còn đó, nhưng nó không phát hiện được nữa, vì biết bao nhiêu tầng lớp của khổ đau, bực bội, hiểu lầm và oán hận đã chồng chất trên nó, đè nén lên nó vì vậy cho nên ta mới có cảm tưởng là nó đã “chết” rồi. Nếu lỡ ta có chết đi thì cha mẹ sẽ khóc hết nước mắt và hối tiếc là đã không đối xử với ta nhẹ nhàng hơn. Và nếu lỡ bố mẹ ta chết đi thì ta cũng sẽ khóc hết nước mắt và hối tiếc là ta đã không đối xử nhẹ nhàng hơn với quý vị. Này người bạn trẻ, anh đừng dại dột, chị đừng dại dột. Đừng tìm cách trừng phạt bố mẹ, làm cho bố mẹ khổ đau hối hận bằng cách đi tự tử. Đi tự tử không phải chỉ là do tuyệt vọng, đi tự tử tức là có ý muốn trừng phạt người mà mình nghĩ đã làm cho mình khổ đau. Bạn hãy thực tập những gì đã học trong những chương trước để có đủ bình tĩnh, sáng suốt mà nhìn thấy điều ấy. Ta ra đời là để thương yêu không phải là để trừng phạt, dù là trừng phạt kẻ thù, đừng nói trừng phạt những bậc đã sinh thành ra ta. Cái cảnh năm cô nữ sinh lấy khăn đỏ buộc tay nhau và cùng nhảy xuống sông tự tử (chuyện mới xảy ra hồi tháng trước ở quê nhà) làm cho tôi đau buồn quá đỗi. Tôi không muốn những chuyện như thế lại xảy ra cho bất cứ ai trong chúng ta.

26.
Ta có thể gọi tên khổ đau: oán hận, bực tức, bế tắc, hận thù, tuyệt vọng, chán chường,… Đó là những phiền não thiêu đốt ta.
Nếu ta không biết cách xử lý và chuyển hóa chúng, ta sẽ bị chúng thúc đẩy và sai sử. Ta sẽ có những tư tưởng đen tối, bạo động, ta sẽ nói những lời tạo ra tan vỡ, ta sẽ có những cử chỉ và động tác làm nát tan tình nghĩa và phá vỡ tương lai. Nếu biết thực tập thiền quán, ta sẽ có đủ năng lượng để ôm ấp và làm dịu lại những niềm đau nỗi khổ ấy, ta sẽ có những khả năng ôm ấp chúng và nhìn sâu vào bản chất của chúng. Nhìn sâu tức là thiền quán. Thay vì chạy trốn khổ đau hay đè nén khổ đau, ta ôm ấp lấy khổ đau trong vòng tay thiền quán và nhìn sâu vào bản chất nó. Và khi nhìn sâu thì ta thấy được sự thật những khổ đau ấy đã phát sinh từ những tri giác sai lầm của chính ta và của những người kia. Người kia có thể là cha hay mẹ của ta.
Tri giác sai lầm, từ ngữ đạo Phật là vọng tưởng. Vọng là sai lầm, tưởng là tri giác. Cha mẹ có thể đã là nạn nhân của tri giác sai lầm, mà chính ta cũng đã có thể là nạn nhân của tri giác sai lầm. Cả hai bên đã không có chủ ý làm khổ nhau. Cả hai bên đều đã hành xử trên cơ bản tri giác sai lầm và đã vụng về khi tiếp xử với nhau.

27.
Bạn hãy quán tưởng một thiếu phụ lần đầu tiên biết mình có thai em bé.
Thiếu phụ ấy cảm thấy rung động cả thân tâm khi biết rằng mình đang mang trong mình một sinh mạng mới. Chưa sinh con mà người mẹ đã cảm thấy thương yêu con rồi. Bà mẹ đã có thể bắt đầu nói chuyện với con và đã vẽ ra trong đầu cái hạnh phúc được làm mẹ. Con mình chính là sự tiếp nối của mình, con mình cũng chính là mình. Trong tình mẹ con, con là mẹ, mẹ là con. Hai mà là một. Tình thương ấy là tình thương không phân biệt chủ thể và đối tượng. Cái thấy đó là vô phân biệt trí (the wisdom of non-discrimination), chừng nào cái thấy ấy còn thì không có kỳ thị, không có giận hờn, không có oán trách. Em bé được sinh ra, lớn lên trong tình thương ấy. Cho đến khi em bé bắt đầu hành xử như một con người độc lập, không hoàn toàn tùng phục ý muốn của mẹ mình hay cha mình.
Nếu là người biết thiền quán, thì người mẹ sẽ thấy rằng tuy đứa con bắt đầu có những ý tưởng, những hành động và những ngôn từ không phù hợp với sự trông chờ của mình, nó vẫn là con của mình, nó vẫn là sự tiếp nối của mình, nó vẫn là mình. Và mình phải thực tập kiên nhẫn với chính mình. Nếu không có cái thấy ấy, bà mẹ sẽ bắt đầu thấy khổ, và sự bực bội, giận hờn oán trách bắt đầu phát sinh.

28.
Có khi cha con, hoặc mẹ con giận nhau đến mức người này không muốn nhìn mặt người kia nữa, và tệ hơn, người này không muốn nhìn nhận người kia là con mình nữa, hoặc là cha hoặc mẹ mình nữa.
Đó là một sự tình đáng tiếc. Nhìn cho thật sâu, ta thấy hạt giống ngày xưa của tình thương cũng vẫn còn đó, nhưng đã bị chôn sâu dưới nhiều tầng lớp bực bội và giận hờn. Cả hai đều đã đi qua một quá trình vụng về, đã gây khổ đau và hờn tủi cho nhau, đã không thấy được con mình là sự tiếp nối của mình, và mình là sự tiếp nối của cha và mẹ mình. Ta thử đặt một câu hỏi: ta giận cha, ta giận mẹ, ta không muốn dính líu gì tới cha hay mẹ nữa, nhưng ta có thể lấy (trục xuất) cha mẹ ra khỏi ta không? Ta giận cha giận mẹ, nhưng ta vẫn cứ là sự tiếp nối của cha mẹ, ta đang chính là cha và mẹ, và như vậy; ta đang giận chính ta, ta đang thù hận chính ta, và cha hoặc mẹ cũng đang tự giận mình, cũng đang tự thù hận chính mình.Thấy được sự thực ấy, ta biết ta chỉ có một con đường thoát duy nhất: hòa giải với cha mẹ trong ta, hòa giải với cha mẹ ngoài ta. Ta phải hòa giải với con cái trong ta, ta phải hòa giải với con cái ngoài ta, bởi vì con cái ngoài ta đang mang ta đi về tương lai. Mà muốn hòa giải thì phải khơi lại nguồn suối thương yêu đang bị lấp nghẽn; khơi suối thương yêu có nghĩa là tháo bỏ những lớp khổ đau hờn tủi đang đè nặng trên hạt giống thương yêu ban đầu. Đây là công việc của thiền quán, đây là chuyện thiền quán có thể làm được.

29.
Trong khi thực tập hơi thở chánh niệm, ta có đủ bình tĩnh và sáng suốt để thấy rằng cả hai bên (cha và con, mẹ và con) đều đang đau khổ, chứ không phải chỉ một bên làm cho bên kia khổ đau.
Rằng mỗi bên đều không có khả năng quản lý sự đau khổ giận hờn của mình nên đã tự làm khổ mình và làm khổ người kia. Khi khổ đau, ta cứ tin rằng chính người kia muốn làm cho ta đau khổ, và ta chỉ là nạn nhân của lời nói và hành động của người ấy. Ta quên mất là ta đã từng phản ứng bằng những lời nói và những hành động có tác dụng trừng phạt, bởi vì ta tưởng nói như thế và làm như thế thì người kia sẽ khổ và do đó ta sẽ bớt khổ. Và khi người kia khổ thì người kia cũng muốn bớt khổ bằng cách nói và làm những điều có tác dụng làm cho ta đau. Và như thế cả hai bên cứ leo thang làm đau khổ cho nhau. Và khi mức đau khổ của hai bên đã lên cao thì ta có cảm tưởng trái tim ta đã chai lại, và ta không có khả năng thương người kia được nữa. Vì vậy mới có chuyện cha từ con, mẹ từ con, hoặc con từ cha mẹ. Nguồn suối yêu thương bị tắc nghẽn, hạt giống yêu thương bị bít lấp và khô cứng. Phép thực tập giúp ta khơi lại được dòng suối yêu thương, tưới tẩm được hạt gống ân tình. Bao nhiêu người nhờ thực tập đã làm được như thế.

30.
Phép thực tập đầu để khơi suối yêu thương là phép thực tập lắng nghe.
Lắng nghe là hạnh nguyện của bồ tát Quán Thế Âm. Vị bồ tát này có khả năng làm cho người bớt khổ bằng cách sử dụng phép lắng nghe. Lắng nghe với tâm từ bi thì chỉ một giờ đồng hồ sau người kia đã thấy bớt khổ. Lắng nghe với tâm từ bi được gọi là bi thính (compassionate listening). Lắng nghe với tâm từ bi không phải là chuyện dễ, bạn phải tập luyện ít nhất là một tuần mới có thể làm được. Trước hết, bạn phải ngồi lại và nhìn kỹ để thấy được những khổ đau, những khó khăn, những bức xúc, những tuyệt vọng của người kia. Có thể là bậc thân sinh ra mình đã không có khả năng nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa được những khổ đau của bản thân nên đã tự làm khổ mình và trút xuống bạn những đau khổ không được chuyển hóa ấy. Chưa ai từng giúp được người ấy, kể cả bạn. Bạn đã không giúp được người ấy mà bạn còn làm cho tình trạng nặng nề thêm vì những phản ứng phát xuất từ sự bực tức và khổ đau của bạn. Bạn biết là bạn có một phần trách nhiệm trong cái khổ đau và bức xúc của người ấy. Người ấy cần được giúp đỡ để thoát ra khỏi được tình trạng ấy. Thay vì nhận được sự giúp đỡ, người ấy lại bị trách móc, giận hờn và trừng phạt. Thái độ lạnh nhạt của mình cũng là một sự trừng phạt. Trực tiếp hoặc gián tiếp chứng tỏ rằng mình không cần đến người ấy, cũng là một sự trừng phạt. Tự làm khổ mình, đi tự tử cũng là một sự trừng phạt. Chỉ khi nào quán chiếu mà thấy thương được người kia thì bạn mới bắt đầu có khả năng thực tập lắng nghe người ấy. Lắng nghe là để giúp người kia bớt khổ.

31.
Bước thứ hai là nắm cho vững hơi thở chánh niệm từ bi trong khi nghe.
Bởi vì, hạt giống bực bội và giận hờn của mình có thể sẽ bị tưới tẩm nếu lời nói của người kia mang tính chất của sự buộc tội, lên án, trách móc, nếu lời nói của người kia có tính cách chua chát, đắng cay, và nhất là khi người kia có nhiều nhận thức quá sai lầm. Trong khi nghe bạn phải tự nhắc nhở: nghe là để giúp người kia nói ra được cho người kia bớt khổ, và vì vậy dù người ấy có trách móc, lên án, chua chát v.v… mình vẫn cứ lắng nghe. Nếu mình cắt lời người ấy hoặc chỉ cho người ấy thấy cái sai lầm của người ấy trong khi người ấy đang nói, thì người ấy sẽ không có cơ hội trút ra được những tâm tình khổ đau của người ấy. Nghe như thế mới thật là nghe với tâm từ bi. Mình tự bảo là trong tương lai, mình sẽ có nhiều cơ hội để cung cấp những dữ kiện về sự thật đã xảy ra để người ấy có thể điều chỉnh những tri giác sai lầm của người ấy, nhưng bây giờ chưa phải là lúc ấy, bây giờ lá lúc mình thực tập bi thính. Nếu nhớ được như thế trong suốt buổi lắng nghe thì có nghĩa là bạn đã duy trì được chánh niệm từ bi. Nhờ năng lượng của từ bi che chở, hạt giống bực tức và giận hờn trong ta sẽ không bị tưới tẩm, và ta có khả năng ngồi nghe chăm chú với tất cả thân tâm ta. Được như thế thì buổi lắng nghe sẽ có giá trị trị liệu rất lớn. Trong suốt buổi lắng nghe, ta chỉ nên thỉnh thoảng nói một câu ngắn: tội nghiệp ba quá, tội nghiệp mẹ quá, vậy mà con không biết, ba nói thêm cho con nghe đi, mẹ nói thêm cho con nghe đi. Con rất muốn nghe để được hiểu thêm tấm lòng của ba, của mẹ.

32.
Bắt đầu buổi lắng nghe, bạn phải sử dụng ái ngữ.
Nếu sau khi quán chiếu, nhìn thấy được nỗi khổ niềm đau và những khó khăn mà vị thân sinh ra mình chưa vượt thắng được, tự dưng bạn thấy trong lòng dâng lên một niềm thương cảm, và bạn muốn giúp cho người ấy được bớt khổ. Với niềm thương cảm ấy bạn có khả năng sử dụng được ái ngữ, thứ ngôn ngữ mà lâu nay bạn không sử dụng được. Bạn có thể nói : “Thưa Ba (hoặc thưa Mẹ), con biết lâu nay Ba có nhiều phiền muộn và bức xúc trong lòng. Con đã không giúp được Ba mà lại còn làm cho tình trạng khó khăn hơn. Con đã phản ứng bằng sự giận hờn, sự trách móc. Con đã nói và đã làm những cái gây thêm khó khăn và khổ đau cho Ba. Con đã quá vụng về. Con xin Ba tha thứ cho con vì những vụng về lầm lỗi đó. Trong thâm tâm, con đâu có muốn làm cho Ba khổ. Chỉ vì trong cơn bực tức con không kiềm chế được con, nên con đã nói hoặc đã làm như thế. Con biết con là sự tiếp nối của Ba (hoặc Mẹ), và nếu con khổ thì Ba cũng khổ. Sở dĩ con đã phản ứng vụng về và dại dột như vậy là tại vì con đã không thấy được những khó khăn, những bức xúc trong lòng Ba. Nay con đã thấy được một phần nào những khó khăn của Ba, con rất lấy làm hối hận. Con đâu có muốn làm cho Ba khổ. Chỉ vì con không thấy được những khó khăn ấy của Ba mà thôi. Xin Ba giúp con. Xin Ba nói cho con nghe thêm về những khó khăn và bức xúc của Ba để con có thể hiểu Ba thêm và để từ nay về sau con sẽ không còn dại dột trách cứ và phản ứng một cách dại dột. Ba ơi, Ba giúp con đi. Nếu Ba không giúp con thì ai mà giúp được con đây. Ba ơi, con muốn nghe và muốn hiểu. Con sẽ lắng hết lòng nghe Ba. Ba nói cho con nghe đi, Ba.”

33.
Có rất nhiều người trẻ Âu châu và Mỹ châu sau bốn năm ngày thực tập trong một khóa tu, đã khơi dậy được nguồn suối thương yêu trong lòng họ và đã có thể sử dụng được ái ngữ để làm hòa được với cha hay mẹ.
Tôi rất hạnh phúc đã giúp cho không biết bao nhiêu cặp cha con hay mẹ con hòa giải được với nhau bằng phương pháp ái ngữ và lắng nghe. Nếu bạn đang có khó khăn vớ i bậc sinh thành ra mình, tôi xin bạn hãy thực tập để có thể sử dụng được các phép ái ngữ và lắng nghe ấy. Nếu mình có khả năng lắng nghe được cha mẹ, cha mẹ sẽ sẵn sàng lắng nghe lại cho mình. Mình có quyền và có bổn phận nói cho cha mẹ nghe tất cả những bức xúc, những khó khăn và những ước vọng sâu kín của mình, với điều kiện là mình sử dụng ngôn từ hòa ái. Với ái ngữ, mình có thể nói ra được những gì trong lòng mình, và người kia sẽ có khả năng lắng nghe được mình. Trong khi nói, mình đừng trách móc, lên án, buộc tội, chua chát, mỉa mai, … Mình chỉ nói ra nỗi khổ niềm đau của mình. Và mình nói rằng nếu có gì mình thấy sai, nghe sai và hiểu sai thì xin người kia chỉ cho mình để mình điều chỉnh lại nhận thức. Ái ngữ và lắng nghe là những phương tiện mầu nhiệm để tái lập lại truyền thông, hòa giải được hai bên, và đem trở về hạnh phúc. Tại Mai Thôn, mỗi năm chúng tôi thường bảo trợ những nhóm người Do Thái (Israeli) và Ba Lạc Tư Đán (Palestinians) tới tu tập tại Làng Mai. Ban đầu họ không muốn nhìn nhau, không thể nói chuyện với nhau, vì cả hai bên đều đầy dẫy khổ đau, sợ hãi, hận thù và nghi kỵ. Chúng tôi để cho họ ở riêng, giúp cho họ tập thở, tập đi, tập ngồi trong chánh niệm, tập cho họ ôm ấp được niềm đau nỗi khổ trong lòng. Sau đó một tuần chúng tôi mới thực tập lắng nghe và ái ngữ. Nhờ thực tập như thế, họ có khả năng nhận thấy rằng bên kia cũng là những con người đã từng gánh chịu khổ đau, oan ức, đã từng giận hờn, nghi kỵ, sợ hãi, đã từng mất cha, mẹ, anh em, bạn bè trong cuộc xung đột giống hệt như bên phía mình. Một khi thấy được như thế thì hận thù lắng xuống, tình xót thương dâng lên, mà mình có thể nhìn bên kia với con mắt từ bi và nói với bên kia những lời hòa ái. Bạn có biết không? Cuối cùng thì cả hai phía cùng nắm tay đi thiền hành, ăn cơm chung, uống trà chung và thực tập chung, như là một nhóm và luôn hứa rằng khi trở lại Trung Đông họ sẽ tổ chức để có thể tiếp tục sự thực tập, và mời những người khác đến thực tập để xóa bỏ hận thù, dựng lại tình thương. Này bạn, sự thực tập ái ngữ và lắng nghe để tái lập truyền thông với cha mẹ là một công tác cấp bách. Bạn đừng chần chừ. Hãy bắt tay ngay vào việc. Tôi hết lòng cầu chúc bạn thành công.