TRĂM NĂM NHƯ MỘT GIẤC MỘNG


Thiền sư Đàm Dĩnh (989-1060) (Thiền Tăng đời Tống, người xứ Hàng Châu Trung quốc, nối pháp Thiền sư Cốc Ân, tông Lâm Tế. Sư ở chùa Long Du Kim Sơn), ở Kim Sơn, người Triết Giang, họ Khâu, hiệu là Đạt Quán, năm 13 tuổi quy y, rồi được xuất gia tại chùa Long Hưng. Năm 18 tuổi đến kinh đô, trụ ở trong vườn hoa của Thái Uý (chức quan lớn thời xưa, quản lý về quân sự) Lý Đoan Nguyện. Một hôm Thái Uý hỏi Ngài rằng:
- Xin hỏi thiền sư, mọi người đều nói là có địa ngục, rốt cuộc là có địa ngục hay không?
Thiền sư Đàm Dĩnh đáp:
- Chư Phật Như Lai nói pháp, nhằm trong không mà nói có, như mắt thấy hoa đốm trong hư không, trước thấy có sau lại không; Thái Uý hiện tại nhằm trong có mà tìm không, dùng tay vuốt nước sông, là trong không mà hiện có, thật đáng tức cười. Như có người trước mắt thấy lao ngục, vì sao trong tâm chẳng thấy thiên đường? Vui, buồn chỉ tại tâm, thiên đường, địa ngục đều ở trong một niệm, tâm thiện ác đều có thể biến thành cảnh, Thái Uý chỉ rõ tự tâm, tự nhiên không còn mê lầm.
Thái Uý:
- Làm sao thấu rõ được tâm?
Đàm Dĩnh:
- Thiện ác đều chẳng suy nghĩ.
Thái Uý:
- Sau khi bặt suy nghĩ thì tâm về chỗ nào?
Đàm Dĩnh:
- Tâm không có chỗ về, như trong kinh Kim Cang ghi: "Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia".
Thái Uý:
- Con người nếu khi chết sẽ trở về chỗ nào?
Đàm Dĩnh:
- Chưa rõ sống thì đâu thể rành chết.
Thái Uý:
- Sống thì con sớm đã biết rồi.
Đàm Dĩnh:
- Xin ông nói cho một câu là sanh từ đâu đến?
Thái Uý trầm ngâm, Thiền sư Đàm Dĩnh dùng tay thoi thẳng vào ngực ông nói:
- Chỉ tại trong đây, suy nghĩ cái gì?
Thái Uý:
- Con hiểu rồi, chỉ biết thưa hỏi, tự nhiên lầm lỗi.
Đàm Dĩnh:
- Trăm năm giống như một giấc mộng.