Thương dân


Thời Xuân Thu bên Tàu, Cảnh Công làm vua nước Tề và Yến Anh, tự là Bình Trọng làm quan Tướng Quốc. Cảnh Công trong lòng lúc nào cũng muốn nổi danh như tiên vương Tề Hoàn Công thuở trước, nhưng lại là người thích ăn chơi trác táng, xa hoa phung phí. Một lần, Cảnh Công hỏi Yến Anh là làm cách nào để cho dân giàu nước mạnh, được các chư hầu khác nghe theo, giống như thời Tề Hoàn Công. Tề Hoàn Công thuở trước dùng Quản Trọng làm Tướng Quốc, chín lần họp vua các nước, làm bá chủ chư hầu. Yến Anh rủ Cảnh Công giả dạng người thường, đi thăm dân cho biết rõ sự tình. Cảnh Công đồng ý. Thế rồi, Cảnh Công và Yến Anh đi vào chợ Lâm Chuy, ghé vào một tiệm đóng giày. Quan sát một hồi, Cảnh Công thấy giày bày bán trong tiệm rất nhiều nhưng rất ít người hỏi. Phần lớn người vô tiệm hỏi mua chưn giả. Cảnh Công lại hỏi tại sao có hiện tượng nầy. Người chủ tiệm giày nói rằng:
- Ngày nay, nhà vua lạm dụng thi hành hình phạt quá tàn khốc, những người bị chặt chưn quá nhiều. Người ta phải tìm chưn giả gắn vào mới có thể đi đứng và làm việc được.
Cảnh Công rầu rầu, cùng Yến Anh đi vào một xóm nghèo ở Lâm Chuy. Mặc dù Lâm Chuy là kinh đô của nước Tề, nhưng dân ở xóm nầy nghèo xơ nghèo xác, nhà cửa thì đổ nát, tường xiêu mái dột, còn dân cư thì áo quần rách rưới, mặt mày hốc hác bệ rạc. Cảnh Công thấy con nít trong xóm xách rổ đi hái rau dại, đứa nào cũng ốm yếu, xương xóc trơ ra như que củi, còn những cụ già thì chống gậy ăn xin ở ven đường, thấy rất thảm thiết.
Đêm ấy, trở về trào, Cảnh Công thấy lòng xốn xang, thương cảm cho dân vô cùng.
Sáng hôm sau, Cảnh Công họp bá quan để bàn kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh. Yến Anh tâu:
- Ngày xưa, tiên vương Hoàn Công sở dĩ kiến công lập nghiệp được, lại làm bá chủ Trung Ngươn được là vì biết xót thương nỗi đau khổ của dân chúng và biết tiết kiệm những xài phí của trào đình. Dưới trào Hoàn Công, nhơn tài được bổ nhiệm theo khả năng, quan lại một lòng lo việc công, nên dân chúng được yên lành, kẻ có tiền không áp bức người nghèo, kẻ có công không kiêu ngạo, người có tài không cho mình là phi phàm. Cũng dưới trào Hoàn Công, các quan đại thần không lấy nhiều bổng lộc, những người quan quả cô đơn được nuôi dưỡng, những kẻ ở địa vị cao không ngạo mạn phóng túng, những người ở địa vị thấp hèn không có thói xấu tưng bốc nịnh bợ. Nhờ đó mà đất nước mới mạnh được.
Cảnh Công nóng nghe chuyện hiện tại nên hỏi:
- Còn bây giờ thì sao?
Yến Anh trả lời:
- Bây giờ, dân chúng khổ sở, nghèo đói thế nào, đại vương đã thấy tận mắt. Ấy là đại vương dùng người không căn cứ trên tài năng, chỉ trọng dụng những bọn tiểu nhơn xiểm nịnh giỏi. Luật pháp thì thất thường, bị lạm dụng. Dân đói mà lúa trong kho để tới mục nát, còn không nữa thì bị nảy mầm. Quan lại thì chỉ chuyên môn đục khoét làm giàu. Tình trạng nầy mà kéo dài, thần sợ đất nước còn giữ không nổi, nói gì tới chuyện dân giàu nước mạnh.