Thuở hàn vi


Nước Tàu, dưới đời Tần, cai trị bởi Tần Nhị Thế Hồ Hợi.
Lúc bấy giờ có Trần Thiệp, người ở Dương Thành, nghèo nàn khốn khó, đi cày thuê cuốc mướn.
Có một bữa, Trần Thiệp, buông cày lên gò nghỉ trưa, nhìn trời rồi ngậm ngùi nói với một người bạn cày:
- Mai sau, giàu sang sẽ không quên nhau.
Người bạn cày cười:
- Chỉ đi cày thuê mà giàu sang cái nỗi gì.
Trần Thiệp thở dài:
- Con chim yến, chim sẻ làm sao biết được cái chí của con chim hồng, chim hộc (yến, tước an tri hồng, hộc chí).
Ít lâu sau, nhơn Tần Nhị Thế bất lực, vô đạo, quyền bính lọt vào tay hoạn quan Triệu Cao, anh hùng hào kiệt lục đục nổi lên khắp nơi, Trần Thiệp quy tụ được đám trai tráng ở Ngũ Dương, tiến lên chiếm đất tung hoành.
Chỉ một thời gian ngắn, Trần Thiệp tấn công Đại Trạch, quân sĩ lên đến mấy vạn, kỵ binh hơn ngàn và bảy trăm cỗ chiến xa, rồi chiếm luôn đất Trần.
Trần Thiệp xưng vương tức là Trần Vương.
Người bạn cày thuê của Trần Thiệp, nghe tin Trần Thiệp làm vua, nhớ đến lời nói “Mai sau giàu sang, sẽ không quên nhau” của Trần Thiệp lúc trước, bèn sang nước Trần tìm bạn.
Người thợ cày đến gõ cửa hoàng cung nước Trần, nói:
- Tôi muốn gặp anh Thiệp.
Thấy người thợ cày lam lũ, ăn nói lại nhà quê, viên thủ vệ trưởng trong cung toan bắt trói. Còn đang giằng co, phân trần thì Trần Vương từ trong cung đi ra. Người thợ cày gọi lớn:
- Thiệp!
Trần Vương quay lại, mời người thợ cày lên xe vào cung, người thợ cày vốn quê mùa chất phác, luôn miệng trầm trồ:
- Quá xá, Thiệp làm vua quan trọng ghê.
Người thợ cày lại đem chuyện cũ, lúc hàn vi của Trần Vương ra nhắc lại.
Có người tâu khấu cùng Trần Vương:
- Người ấy ngu dại, nói nhăng nói cuội, làm giảm uy tín của đại vương.
Trần Vương bèn sai lôi người thợ cày ra chém. Các tướng cũ của Trần Vương từ lúc khởi nghiệp ở Ngũ Dương, bỏ đi hết...
Người thợ cày tại sao mà chết? Chỉ vì chơn thành mộc mạc, nhắc lại thuở hàn vi, khố rách áo ôm của Trần Vương. Người thợ cày đã phạm một lỗi lớn là vô tình khơi lại những điều mà Trần Vương Thiệp cố tình quên đi hay cố tình dấu kín.
Ôi, cái quá khứ của mình mà tại sao lại vội quên?
Những người có một quá khứ bần hàn khốn khó, mà sau thành công lớn, thì sự thành công đó lại có giá trị, và cái quá khứ đó càng có giá trị.
Khương Công Tử Nha buôn bán không nên thân, bị vợ bỏ ở Triều Ca, ngồi câu cá ở Vị Thủy, sau làm nguyên soái cho nhà Châu, phò Châu diệt Trụ, lập nên tiếng tăm muôn đời. Đâu có ai vì cái thời hàn vi của ông mà chê trách.
Hàn Tín, thuở hàn vi phải xin cơm phiến mẫu, phải lòn trôn thằng hàng thịt giữa chợ, sau làm nguyên soái cho Hớn Cao Tổ, diệt Hạng phò Lưu, lập nên công danh muôn đời, đâu có ai nhắc lại chuyện cũ để cười ngạo.
Lại như Dự Châu Lưu Huyền Đức, dệt chiếu bán dép mà sau tam phân thiên hạ, làm vua một cõi, đâu có ai bươi móc chuyện cũ ra để rẻ rúng.
Lại như Tô Tần thời Chiến Quốc, thuở hàn vi du thuyết thất bại, lang thang lếch thếch trở về nhà mặc áo cừu rách, chưn mang dép cỏ, đầu đội thùng sách cũ, vợ ngồi trên khung dệt không thèm bước xuống tiếp, chị dâu không thèm dọn cơm cho ăn, mà sau làm tướng quốc sáu nước, cũng đâu có ai nhắc lại thuở nghèo hèn mà dè bỉu.

(Theo Hương Giáo Đề Thơ)