Thạnh Suy


Dịch Kinh có nói, “cực thạnh thì phải suy, cực cao thì phải đổ”. Lẽ thạnh, suy trong thiên hạ xưa nay vẫn thế. Những người hiểu được cái lẽ huyền nhiệm nầy thật là dễ dàng để tìm cách ứng phó trong cuộc sống. Đã lên tới chỗ cực cao, phải biết xuống để khỏi phải đổ. Mà đã đến lúc cực thạnh, phải biết lui để tránh lúc suy. Biết thì hình như ai cũng biết như vậy, nhưng lên cao rồi mà muốn xuống thấp, thạnh rồi mà muốn lui, về mặt tâm lý con người, đâu phải dễ dàng. Người đã có vị thường muốn giữ lấy cái vị. Người đã giương danh, thường cố bám lấy cái danh. Người có phúc lợi nhiều, thường muốn lưu phúc lợi lại tới già tới chết, để lại tới đời con, đời cháu. Bởi vậy, biết là một chuyện, mà làm được, lại là một chuyện khác.
Hồi thời Xuân Thu bên Trung Hoa, tại nước Tấn, có người tên Trình Trịnh. Trình Trịnh là một võ tướng, tài năng tầm thường, nhưng vì được vua nước Tấn là Cảnh Công thương yêu, nên mới được phong làm Phó Đạo Hạ Quân. Đối với một võ tướng không xuất sắc như Trình Trịnh mà giữ tới chức chỉ huy phó đạo Hạ Quân, kể cũng là tới tuyệt đỉnh. Ngồi ở chức vụ nầy, Trình Trịnh đâm lo, nhưng nỗi lòng không thể tỏ cùng bạn đồng liêu. Nhơn dịp có một đại phu nước Trịnh là Công Tôn Huy, làm chức Hành Nhân, qua Tấn để bàn việc hôn lễ giữa hai nước, biết Công Tôn Huy là người hiền, Trình Trịnh mời về nhà và hỏi riêng:
- Xin phu tử cho biết, ở chức cao, làm thế nào mà xuống được chức thấp?
Công Tôn Huy không trả lời.
Khi về tới nước Trịnh, Công Tôn Huy đem chuyện nầy kể lại cho quan Đại phu Nhiên Minh. Nhiên Minh nói:
- Hắn sắp chết rồi đó. Nếu không nữa thì hắn cũng phải chạy trốn.
Công Tôn Huy hỏi:
- Cớ sao ngài biết?
Nhiên Minh đáp:
- Một người ở ngôi chức quý, nếu có khôn ngoan, có biết sợ, có nghĩ tới xuống chức, tất là phải biết đường lối hành động.
Công Tôn Huy lại hỏi:
- Theo ngài, hắn phải làm sao?
Nhiên Minh trả lời:
- Chỉ việc nhường cho người khác. Lẽ ra, hắn phải hiểu điều đó. Hắn chỉ cần làm như vậy thôi, chớ cần gì phải hỏi. Phàm người đã lên cao mà tìm cách xuống là người khôn. Trình Trịnh không có cái khôn ngoan ấy. Tài của hắn đã không xứng chức, hắn lo sợ đến một lúc nào đó, hắn sợ bị đuổi, hoặc bị giết. Nỗi lo sợ khiến cho tâm thần hắn hoảng hốt, nên mới hỏi ngài. Lo sợ phập phồng, tâm thần hoảng hốt, không biết nhường mà xuống, làm sao sống lâu được.
Quả nhiên, ít lâu sau, Công Tôn Huy nghe tin Trình Trịnh chết ở nước Tấn.