Suy gẫm chuyện tu

Huệ Trí




BỂ KHỔ

Người biết bơi thì không sợ biển, ngược lại càng khoái bơi xa mỗi khi tắm biển. Người không biết bơi thì ngồi chơi trên bờ. Không biết bơi có thể học bơi trước khi tắm biển. Nhưng, gặp phải BỂ KHỔ như vẫn thường nghe ĐỜI LÀ BỂ KHỔ thì bơi làm sao đây? Học với ai đây? Phải chăng vì có nhiều người muốn học bơi BỂ KHỔ mà đã có không ít người muốn dạy mà thời nào cũng có để thu tu phí (như tiền học phí). Đó là những thầy tu. Nghề nào cũng có người tài giỏi nhất thì thầy tu cũng thế. Vậy, những ai muốn học bơi BỂ KHỔ thì thử tìm đến thầy tu giỏi nhất đời, nổi danh nhất xem sao? Riêng tôi, thì tuyệt nhiên không tìm họ làm gì vì không tin thầy tu bơi được trong BỂ KHỔ.


XUẤT GIA và XUẤT THẾ

Tất cả mọi vật chất đều tiếp cận nhau. Bên cạnh trường hợp tiếp cận dễ biết như các màu được pha chế, nhuộm áo quần, sự ghép cây cành, tạo giống, lây nhiễm bịnh, ngộ độc...còn có trường hợp khó nhận biết như sự ảnh hưởng tính tình mà qua đó ngạn ngữ Pháp có câu: 'dis-moi qui tu hantes, je te dirai qui tu es = hãy nói cho tôi biết bạn giao du với ai, tôi sẽ nói cho bạn hay bạn thuộc hạng người nào, gần mực thì đen gần đèn thì sáng, lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi'.
Phàm, không có gì là tuyệt đối, nên cũng có trường hợp tiếp cận nhưng không hòa vào nhau được. Thí dụ như nước và dầu đổ chung vô một chai sẽ thấy có đường phân cách, dầu ở trên-nước ở dưới / Để hai cực giống nhau của hai cục nam châm sẽ thấy chúng đẩy nhau. Tánh tình của một người cũng khó mà thay đổi nên mới có câu 'Tánh nào tật nấy / Giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời / như nước đổ đầu vịt, như không dễ gì cải tạo tư tưởng của một người bằng cách nhồi nhét nhứt thời'. Sự khác biệt giữa hai trường hợp vừa nêu được phân định rõ ràng: DÍNH MẮC và DÍNH KHÔNG MẮC.
Cũng vậy, khi đời sống nội tâm và đời sống giao tiếp bên ngoài không có ranh giới thì những gì được DÍNH từ ngoài như tình tiền danh vọng sẽ MẮC vào trong như đã có câu 'tình trong như đã mặt ngoài còn e'. Trường hợp DÍNH ngoài MẮC trong thường được biết qua những tu sĩ xuất gia phá giới. Bởi căn tu chưa thật có nên đường phân cách trong ngoài không bền. Ngược lại, ngay trong đời thường cũng đã có không ít người sống DÍNH KHÔNG MẮC, tựa như người mặc áo mưa khi đi mưa vậy, người tránh được lây nhiễm khi tiếp xúc. Những người KHÔNG MẮC vào tâm chuyện trần thế khi sống đời chung đụng nên tâm lý không bị tổn thương, hoặc có nhưng rất ít. Nhờ KHÔNG MẮC nên họ dễ duy trì tình cảm và cả lãnh cảm mà không cần phải dụng công hóa giải tư tưởng hay nghe ai chỉ dạy.
Khó nhận biết ai là người sống DÍNH KHÔNG MẮC. Vì không thể dựa vào y sắc hay hình thức sống để mà biết được như biết một tu sĩ xuất gia của một tôn giáo. Có lẽ vì vậy, mà trong thiền sử có ghi 'kể từ thời của Lục Tổ Huệ Năng thì thiền sẽ không còn dựa vào y sắc' cũng như ngạn ngữ Pháp có câu 'L'habit ne fait pas le moins = màu áo không làm nên tu sĩ'.
Nếu XUẤT GIA được biết qua y sắc và hình thức sống thì XUẤT THẾ được biết từ tính tình và tư duy.


VỌNG NIỆM và VỌNG TƯỞNG

Để giải thích về VỌNG NIỆM và VỌNG TƯỞNG tôi xin giải thích theo cách chiết tự. Nghĩa là giải thích từng từ một theo định nghĩa.
Trước hết xin giải thích về VỌNG.
VỌNG ở đây không có nghĩa là hy vọng. Nghĩa của nó nghịch với nghĩa của từ CHÂN. Khi làm việc gì mà có căn bản, có nền móng ngay từ đầu thời được bền vững và ngược lại, khi vật gì, chuyện gì, sự việc gì mà được vững bền với thời gian thì đó có nền tảng, có CHÂN. Thí dụ như màu vàng của đồng và vàng ròng thì màu vàng của đồng không bền như của vàng ròng. Nếu để lâu hay bị đốt thì vàng ròng vẫn giữ nguyên màu vàng, trước sau như một. Nói khác đi nơi nào có CHÂN nơi đó có THẬT. Nơi nào không có THẬT tức là đồ giả. Chân còn được biết trong từ kép CHÂN LÝ. Thí dụ như tất cả các định lý toán học đều được xem như chân lý vì lúc nào nó cũng trúng để giúp giải các bài toán. Vậy, VỌNG được hiểu là giả, không thật. Thí dụ, giấc mơ trong khi ngủ tưởng là thật. Nếu gặp ác mộng thì run sợ vô cùng, gặp mộng đẹp thì vui mừng thích thú, đến khi thức dậy thì vô cùng mừng rỡ hoặc tiếc nuối hùi hụi vì biết đó là chiêm bao, là VỌNG. Nói tóm, VỌNG có bản chất hư giả, ngụy tạo, không bền.
Bây giờ giải thích nghĩa của NIỆM.
Niệm thường được biết trong từ kép ý niệm. Như thế, NIỆM là ý nghĩ. Thí dụ, trong một buổi lễ tiễn đưa người ra đi vĩnh viễn có một phút mặc NIỆM. Trong phút ấy, mọi người tôn trọng sự yên lặng chung, tạm quên chuyện riêng để cùng mang ý nghĩ nhớ người ra đi.
Bây giờ giải thích nghĩa của TƯỞNG.
TƯỞNG thường được biết trong từ kép TƯỞNG tượng. Như thế, TƯỞNG là hình tư tưởng hiện ra trong trí. Thí dụ: Để có một ngôi nhà đẹp thì trước hết kiến trúc sư phải hình dung ra, TƯỞNG tượng ra hình ảnh một ngôi nhà như ý rồi dùng khả năng nghề nghiệp ghi lại hìnhTƯỞNG tượng ấy ra giấy để thợ thuyền xây cất thành thật. Nói khác đi, TƯỞNG là một hình ảnh trong trí. Khi ai đó hâm mộ một người thì người được hâm mộ trở thành người lý TƯỞNG trong đầu của người hâm mộ, nghĩa là trong đầu của người hâm mộ thường có hình của người lý TƯỞNG. TƯỞNG còn được biết từ Phật học, nó là một trong ngũ uẩn SẮC THỌ TƯỞNG HÀNH THỨC. Nói tóm, TƯỞNG là hình tư tưởng trong trí.
VỌNG NIỆM
Một người có tánh lười biếng nhưng luôn mang ý nghĩ mình là người tài giỏi. Nói thì hay về mọi điều lý thuyết nhưng không có thực chứng gì hết, lý sự không viên thông nhau. Trong tâm trí người nầy đầy ấp những ý muốn nhưng chúng qua đi rồi trở lại trong đầu, chứ không biến ý muốn thành hiện thực bằng nổ lực của mình. Một người không tin luật nhân quả mà chỉ mang ý niệm được cứu rỗi, được tha tội do chỉ tin có trời là chủ thể thưởng phạt con người. Những người như thế gọi là người sống với VỌNG NIỆM.
VỌNG TƯỞNG
Trong đời, người giống người là chuyện rất thường mà nhiều khi ta tưởng nhầm là đã có quen biết ở đâu rồi. Cũng vì thế, mà có chuyện giết lầm hay gây hại lầm hoặc thương lầm người khác. Thí dụ: Có một bà mẹ rất yêu quý đứa con độc nhất của mình. Chẳng may, đứa con ấy thất lạc vì chạy loạn. Bà mẹ đáng thương kia trở thành cuồng trí vì trong đầu bà lúc nào cũng có hình dáng đứa con yêu. Gặp bất cứ đứa trẻ nào bằng tuổi của con bà, bà đều ôm chụp vào lòng mà kêu thương hun hít như gặp lại đứa con thật của mình. Khiến mọi người đều gọi bà là bà điên trong xóm, và người ta rất sợ bà thấy con của họ. Trong chợ hay ngoài đường phố thường có những người la lối, tức bực chưởi đổng không ngừng, y như họ luôn thấy kẻ đáng ghét của mình ngay trước mặt, ai thấy họ cũng tránh xa. Vì họ sống trong cõi riêng, cõi VỌNG TƯỞNG. Vọng tưởng trong đạo,về mặt tâm linh còn tai hại đến chừng nào mà sự cuồng tín là điều thường được nhắc tới. Vọng tưởng trong đạo thì dễ bị ma quái lừa phỉnh, khiến tâm trí cuồng loạn mà làm điều bất nhân vẫn tưởng là đúng. Tu thiền mà thiếu trí thì rơi vào VỌNG TƯỞNG mà sinh ra TẨU HỎA NHẬP MA là vậy. Có người hỏi : 'Ông tu thiền, toạ thiền mấy mươi năm như vậy mà không có thầy dạy, sao ông không sợ tẩu hỏa nhập ma ?' Tôi trả lời: Theo tôi, cốt tủy của thiền không thể tìm nơi người khác, mà phải tự tìm thấy từ tâm xuyên qua mọi biệt nghiệp của kiếp người. Vả lại, đừng nghe những gì người khác nói, kể cả tôi, mà hãy nhìn kỷ những gì họ đã làm, đã sống. Bởi, chung quanh ta vẫn luôn có nhiều thiền sư không dạy thiền do họ luôn bận rộn với nghiệp đang mang.


THIÊN ĐÀNG và ĐỊA NGỤC

Nhiều lúc trên đời, chúng ta đã mất thời giờ viển vông đi tìm bình an, hạnh phúc ở những nơi không bao giờ có.
Hàng ngày chúng ta lái xe đi làm trên cùng một con đường, vào cùng một giờ khắc trong ngày, vậy mà sao có hôm một chiếc xe chớp đèn xin đi trước thì ta mỉm cười, giảm tốc độ lại và còn đưa tay lên mời họ qua. Trái lại, có ngày gặp trường hợp tương tự, ta lại cáu kỉnh chửi thề mà không cho xe nào qua mặt? Tại sao con cái ta nô đùa trong nhà mà có lúc chúng ta cảm thấy êm đềm, hạnh phúc; nhưng có lúc ta lại cảm thấy ồn ào, khó chịu, nên la rầy và bắt chúng phải ở yên?
Thì ra sự bình an, vui vẻ, hạnh phúc không phải do ngoại cảnh tạo ra, mà lại ở ngay trong chính TÂM ta. Khi lòng ta an vui thì ngoại cảnh cũng đẹp đẽ. Khi lòng ta bất ổn thì ngoại cảnh chỉ tạo nên sầu muộn. Cảnh giới Thiên Đàng hay Địa ngục từ trong TÂM ta vậy…


KIẾP SỐNG

Ở tuổi già, hẳn cũng đã có không ít người ước gì được sống trở lại với tuổi thanh xuân. Phàm, những gì mong ước mà không được thì càng buồn thêm, tâm tư sẽ không được thanh thản khi tuổi về chiều. Tôi thì không ước, không mong như thế khi biết chắc một điều là mình sẽ tái sanh theo vòng chuyển tiếp từ kiếp nầy qua kiếp khác để có đủ trở lại mọi lứa tuổi như kiếp nầy. Điều mà tôi muốn là chỉ mong sao mỗi kiếp được sống an nhiên tự tại, luôn được thanh thản dưới mọi trạng huống của đời vật chất, tình cảm xuyên qua các biệt nghiệp khác nhau hầu cho nội tâm được thi vị hóa với những tưởng nghĩ thanh cao, tư tưởng phong phú, tâm tư luôn tươi mát như hoa đồng cỏ dại đón ánh bình minh, nhẹ nhàng như gió chiều lướt trên đồng rộng, trùng xuống từ từ như sắc hoàng hôn đổi dần ở chân trời đại dương.
Không ai có thể nhớ hết những gì đã qua trong cùng một đời người nhưng không ai có thể phủ nhận là đã có một đoạn dài quá khứ mà mình đã sống và đã quên bén ấy. Thế thì, làm sao có thể nhớ được những gì của kiếp trước. Do đó, không nhớ được không có nghĩa là không có kiếp trước, không có tái sanh. Một khi đã có hiện tại và quá khứ tất nhiên phải có tương lai. Đó là logique. Chính nhờ giác ngộ mà Thái Tử Tất Đạt Đa thấy được nhiều tiền kiếp khác nhau như trong kinh Hiền Ngu đã ghi, và cũng đã có không ít người thấy được tiền kiếp của mình bằng năng khiếu đến từ tâm linh.


TÂM và CÕI

Sự sống xuyên qua 3 cõi: DỤC / SẮC / VÔ SẮC. Như thế, có nghĩa là không chỉ có một cõi DỤC, cõi vật chất mà từ đó nẩy sinh ra tình cảm./ Cõi SẮC là những hình tư tưởng kết tạo ra mơ mộng viễn vông và hình thành những giấc mơ trong khi ngủ./ Cõi VÔ SẮC là thế giới tư duy của các các thiền sư ẩn tu, của những nhà bác học, của những hiền triết, của những nhà tâm linh thông thiên, của những nhà tư tưởng về vũ trụ quan, thế giới quan. Những tư tưởng ...siêu nhiên của họ không phải là những tạp tưởng đến từ đời vật chất nên chúng không thể tạo được mộng tưởng viễn vông khiến cho người phải rơi vào mê hồn trận của hữu tình./ Hẳn là những người nầy cũng đều công nhận 'Ba cõi duy tâm, vạn pháp duy thức và Tâm tức Phật nên họ rất hài lòng với đời sống nội tâm của mình. Là người mang tên Thế họ Trần nên rất mong mọi người trong trần thế cũng có bạn là Phật như họ để trần thế luôn là địa đàng, là hữu dư y niết bàn.


TÂM PHẬT và TÂM KHỔ

Nơi nào có khổ, nơi đó có Phật.
Phật ở nơi tâm vì tâm có khổ.
Nên mới có câu: Phật tức tâm, tâm tức Phật.
Đã biết vậy rồi mà vẫn bỏ tâm, tìm Phật nơi khác.
Chỉ vì chưa quen nghe Phật thuyết pháp khi tâm có khổ. Nên mới khổ hoài.
Muốn nghe Phật thuyết ắt phải về tâm.
Không cần dời gót bỏ đi đâu cả. Trừ khi đi làm, hay đi giúp đở hoặc là đi chơi. Vì Phật ở tâm.
Nếu còn bỏ tâm mà đi tìm Phật ắt sẽ gặp Ma.
Tướng Phật, tướng Ma, phân biệt dễ dàng!
Ma thì có tướng, còn Phật thì không.
Như trong thiền ngôn cũng đã có ghi: Phùng Phật sát Phật.
Dễ gì giết Phật khi không thấy tướng! Như câu thiền ngôn thường hằng trong trí: TƯỚNG CỦA PHẬT LÀ TƯỚNG BẤT TƯỚNG.


TÌM THẦY

Ai ai cũng phải nhờ ánh sáng mặt trời hay đèn mới thấy được đồ vật, mới thấy được lối đi cho khỏi vấp đụng. Nhưng không ai có thể sống bằng ánh sáng trí tuệ của người khác. Bởi, ánh sáng trí tuệ không tìm được từ ngoài. Thế nhưng, vẫn luôn có nhiều người ngồi ngoan ngoản nghe một người, và sẵn sàng trả tu phí cho người nói, dù vẫn biết thường là những người không hề làm điều mình nói nhưng lại là người khéo nói và khéo thuận tâm lý tai nghe. Thí dụ: Khuyên người khác phải có lòng hiếu kính cha mẹ nhưng tự thâm tâm mình không còn xem cha mẹ như bao người con khác mà sự xưng hô khi gặp nhau là một bằng chứng cụ thể (Thưa Thầy, con xin được cúng Thầy..., con xin được cầu nguyện...), khuyên người khác phải có trách nhiệm làm cha mẹ nhưng không dám có con, khuyên người khác sống tình nghĩa phu thê cho đến trọn đời nhưng bản thân không là chồng hay vợ, khuyên người khác chăm chỉ học hành, phấn đấu cho sinh kế để cống hiến cho đời những tiện nghi vật chất nhưng không hề nghĩ chuyện học hành phấn đấu như bao người khác, khuyên người khác yêu dân yêu nước nhưng sợ đời binh nghiệp khi vận nước không may, và còn biết bao chuyện khác giữa lời nói và hành động của những Thầy nầy không đi đôi với nhau. Dù không làm được như nói nhưng những người nầy vẫn đạt được kết quả mà ai cũng muốn. Đó là: ĐƯỢC ĂN ĐƯỢC NÓI ĐƯỢC GÓI ĐEM CHO. Qua đó, mà những người nầy vẫn cống hiến được cho trần thế một bài học để nghiệm ra chỗ đúng sai. Nếu nghiệm ra được thì coi như đã tìm được Thầy. Mãi cho đến nay, tôi vẫn chưa nghiệm ra được chỗ đúng sai ấy và cũng không muộn nghiệm làm gì.


TÀI và ĐỨC

Học đạo là để sửa tánh.
Học đời là để khỏi ngu.
Còn học làm người thì không có. Dù khi còn niên thiếu tôi cũng đã đọc những loại sách có chuyên mục 'sách học làm người, đắc nhân tâm...' Được sinh ra từ người thì tất nhiên mình đã là người rồi. Nên không có chuyện học làm người. Bằng chứng là đâu có ai bị gọi là thú vật bao giờ. Kể cả các tội phạm trong ngục tù. Nếu gọi những tội phạm nầy là loài thú đội lốt con người thì đó là chứng cớ cho biết tâm mình cũng sẵn có sân giận chẳng khác chi họ, khác chăng là tánh sân giận kia ở nơi họ đã bị người khác nhốt lại, còn mình thì chưa đủ ác duyên đó thôi.
Học đạo:
Nhân chi sơ tính bổn thiện. Vì muốn toàn thiện nên mới học đạo. Biết tìm đâu ra trong trần thế người toàn thiện để thọ giáo? Bằng chứng, không ai được tất cả mọi người tôn vinh là sư phụ. Ngay cả các nhân vật có chữ TỬ đằng sau, như Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử... cũng chưa được nhân loại tôn vinh như một giáo chủ. Ngay cả Phật và Chúa mãi cho đến nay vẫn chưa gom được hết nhân loại về với mình, nên vẫn còn vấn đề kỳ thị tôn giáo. Do vậy, không cần phí thời gian tìm thầy học đạo làm chi cho mất thời gian quý báu. Bởi, đạo vốn đã sẵn có trong đời. Chỉ cần vừa sống vừa tìm lý đạo trong lẽ đời là sẽ thấy thôi. Đôi khi lý đạo được tìm thấy trong đời lại rất thích nghi với mình trong kiếp sống thuận nghiệp tùy duyên.
Học đời:
Theo giòng tiến hóa, nếu đứng lại là đồng nghĩa với thụt lùi. Do đó mà cần phải học để ít ra khỏi phải ngu. Thậm chí, có tiền mua sắm máy móc tân tiến để dùng mà không hiểu sách hướng dẫn kèm theo thì có khác chi cầm hòn sỏi trong tay. Người học đạo mà thiếu học đời, nhất là vào thời đại vi tính nầy thì chẳng làm lợi ích gì cho ai. Thử tưởng tượng, nếu tất cả các nhân vật có chữ Tử như kể trên đã tái sanh và đang sống giữa chúng ta thì họ sẽ sống ra sao? Họ làm được gì cho chúng ta khi chúng ta cần. Thí dụ như sửa chữa máy móc, chữa bịnh, lái xe, lái phi cơ, thông dịch ngoại ngữ, nấu ăn, may mặc, kể cả khuân vác nặng hay làm chiến sĩ giữ gìn đất nước, hoặc ít ra đờn ca mua vui. v.v..
Thời buổi nầy, khi có TÀI tự khắc sẽ có ĐỨC. Làm được gì cho ai vui, giúp cho ai vượt qua tai nạn dù chỉ trong giây phúc cũng đã là có ĐỨC rồi. Mỗi ngày, ngoài sự chung đụng chung quanh, chúng ta còn thưởng thức biết bao nhiều là điều hay lạ từ internet đến từ tài năng của nhiều người để có những giây phút vui sống, nhưng nào chúng ta biết họ là ai đâu. Theo tôi, ai bảo những người không quen biết đó với mình là sống không có ĐỨC thì tôi xem họ chửa thấu rõ nguồn gốc của ĐỨC từ đâu mà có. Cái gọi là ĐỨC không đến từ ăn hiền ở lành suông theo giáo khoa thư, từ chương, từ chữ mà đến từ TÀI năng, dù Tài ấy nhỏ nhoi đi nữa nhưng thiết thực, cho đúng với câu: có thực mới vực được đạo và con hơn cha thì đời có phước (khi xưa tôi thường nghe con hơn cha thì nhà có phước, thời nầy ở xứ người mới hay con hơn cha thì đời có phước. Bằng chứng, con mình càng có lương cao thì nuôi được nhiều người khác qua đóng thuế lợi tức, hình thức xóa đói giảm nghèo ở các xứ tiên tiến)


SỐNG và CHỌN

Sống là chọn lựa. Thật vậy, có sinh vật nào mà không chọn lựa cái mình cần khi sống. Loài ăn thịt như cọp và beo không chọn cỏ non để ăn như bò và nai / loài bay cao như chim và cò không chọn sông sâu biển rộng để sống như cá và tôm. / loài sống mùa hè như ve sầu không chọn mùa xuân để hiện diện như chim én./ Loài sống ẩm thấp như trùn và dế không chọn bông hoa để sống như ong và bướm...Khi đau bịnh cần phải chọn đúng thầy đúng thuốc mới mong lành. Khi buồn sầu cần phải chọn nơi yên tĩnh hay chốn vui mới mong giải tỏa được. Thậm chí, đồ vật vô trí cũng cần có chọn lựa cho đúng loại mới dùng được như đã có câu 'nồi nào úp vung đó'.
Sự chọn lựa nào cho sự sống được gọi là phong phú nhất của tất cả mọi loài bò bay máy cựa trên địa cầu nầy? Nếu không phải là sự chọn lựa của con người. Sự sống của con người càng đòi hỏi nhiều tiện nghi thì sự sống ấy càng có nhiều chọn lựa. Từ đó mà có nhận định: sự tiến hóa của con người được biết qua tiến trình từ ít đến nhiều, từ nghèo đến giàu, từ đạm bạc đến cao lương, từ giãn đơn đến tinh vi phức tạp. Tiến trình nầy thường bị chi phối bởi hai chọn lựa quan trọng nhất mà chỉ có con người mới có. Đó là KHOA HỌC và TRIẾT THUYẾT. Sự khác biệt giữa hai chọn lựa chính nầy là 'Bất tranh cải và có tranh cải'. Với khoa học thì không thể tranh cải được như 1+1 = 2. Muốn giải được một bài toán ắt phải áp dụng đúng định lý và hệ luận, muốn sửa chửa được máy móc cũng phải biết ít nhiều về nguyên tắc vật lý, muốn lái phi cơ hay tàu thuyền thì phải biêt sử dụng la bàn và tính tọa độ; tung độ. Nhưng đối với triết thuyết, chủ thuyết, chủ nghĩa, kể cả tôn giáo thì cho mãi đến giờ vẫn chưa có thuyết nào được gọi là ổn với tất cả mọi người vì nó thường bị tranh cải do không có định lý như của khoa học. Sự bất toàn của triết thuyết thường được thấy từ tranh biện, xung đột ý thức trước khi xảy ra chiến tranh. Do sự bất toàn nầy mà một ngươi bình thường như nông dân hay thông thái như một khoa học gia sẽ thấy chẳng có gì đáng buồn, đáng tiếc khi trong đầu thiếu đi bất cứ chủ thuyết, chủ nghĩa nào. Có thể nhờ vậy, mà họ sống được vô tư và trong sáng như hai câu chuyện sau đây:
Chuyện 1: NÓI CHUYỆN VỚI CỎ CÂY
Một cựu triết gia nay là nhà truyền giáo dẫn nhóm học trò về quê du ngoạn. Giữa cánh đồng lúa bao la cò bây thẳng cánh có một bác nông dân lưng khòm rát nắng, chân tay lấm bùn, đứng thẳng dậy vương vai vung tay hít thở khí trời như để thư giãn. Thấy bác nghỉ xã hơi, nhà truyền giáo tiến lại gần, hỏi: Bác làm việc chắc là nhọc nhằn lắm phải không?
Nhà Nông: Làm thì mệt nhưng ở không như thế nầy thì bớt mệt.
Nhà truyền giáo: Bác ở đây chỉ có một mình, không nghe ai và cũng không nói chuyện với ai. Vậy, Bác có buồn không?
Nhà Nông: Làm sao mà buồn được khi tôi còn nói chuyện được với cỏ cây, hoa lá, trời mây.
Nhà truyền giáo: Xin Bác cho nghe vài chuyện mà Bác đã nói với những thứ ấy.
Nhà Nông: Ruộng khát nước thì tôi tát nước vào. Ruộng trổ bông thì tôi vui với ruộng. Hoa lá đẹp thì tôi xem như các xinh nữ nhởn nhơ giữa đồng. Gió mát thì tôi tưởng như vợ hiền mân mê. Mây bay thì tôi xem như có tiên đằng vân trên trời.
Chuyện 2: TRANH CẢI VỚI CHÍNH MÌNH
Một nhà tư tưởng cũng là một chính trị gia sau khi tâm trí rối loạn bởi những bất đồng chính kiến từ nhiều nơi không hóa giải được, muốn tìm thư giãn. Ông ta tìm đến phòng làm việc của một bạn học cũ nay là nhà nghiên cứu khoa học. Gặp lại bạn cũ, chính trị gia hỏi:
Có bao giờ ông tranh cải với ai không?
Nhà nghiên cứu khoa học: có chứ
- Với ai?
- Với chính tôi


LÝ SỰ ĐỜI

Có một doanh nhân nọ vì quá mệt mỏi về sinh kế, lại thêm vợ hay ghen khi phải đi công tác xa, muốn buông bỏ hết cho khỏe nhưng không biết phải làm cách nào. Ông ta được một người bạn đang theo học thiền với một thầy nổi tiếng và muốn giới thiệu thầy của mình cho ông ta. Người doanh nhân nghe qua, thầm nghĩ 'một doanh nhân với nhiều trải nghiệm sống như mình mà còn chưa tự hóa giải được những chuyện tình tiền rắc rối thì người khác, nhất là người đã quay lưng lại với bao chướng ngại của đời thì làm gì mà giải được' Ông ta định từ chối, nhưng sau cũng theo bạn đến tham vấn thầy để thỏa tánh tò mò.
Doanh nhân gặp Thầy Tu:
- Thưa thầy, nhiều khi con muốn buông bỏ hết vì quá mệt mỏi nhưng không được. Thầy có cách nào giúp con không?
Thầy Tu không trả lời ngay mà ung dung nhấc bình trà vừa được châm thêm nước sôi và rót vào tách của khách đang cầm trong tay hứng trà mời.
Nước nóng đã rót tràn tách mà Thầy Tu vẫn điềm nhiên rót tiếp như để chứng thật cái an nhiên tự tại của mình trước mọi chuyện dưới sự thầm phục của các đệ tử chung quanh.
Doanh nhân bị phỏng vì nước nóng, buông ngay tách trà, nhìn Thầy Tu như để chờ đợi lời giải thích chuyện lạ đời chưa từng gặp.
Thầy Tu:
Nếu con muốn buông bất cứ chuyện gì thì hãy buông ngay trước đó. Chứ đừng để bị tai họa rồi mới buông thì đã trể.
Nói xong, Thầy Tu ra vẻ đắc ý khi thấy sự thán phục hiện ra trong ánh mắt của các đệ tử.
Câu chuyện kể đến đấy thì ngưng, nên tôi không biết phản ứng của doanh nhân thế nào. Ông ta đã học được gì từ bài học đầu tiên của thầy tu ? Ai cũng có thể tự thêm phần chót cho chuyện để biết phản ứng của doanh nhân. Riêng tôi thì thêm như sau:
Còn doanh nhân thì ngược lại, khẩu không phục mà tâm cũng không phục như các đệ tử kia, ông ngậm đắng cái LÝ SỰ ĐỜI, đành câm nín khi tay còn đang quá đau vì bỏng mà chẳng ai thèm biết tới. Ông ta nén lòng, tự trách tất cả do tánh tò mò của mình mà ra. Ông ráng giữ tư cách lịch sự của một doanh nhân khi ngoại giao. Ông nói trước khi cáo từ ra về:
Cảm ơn Thầy đã cho tôi một bài học khôn để đời. Chúc Thầy luôn có nhiều đệ tử ngu như tôi vừa rồi.


TRỨNG và GÀ

Sở dĩ có sự tranh cãi là vì sự sống thuộc nhị nguyên đối đãi. Ý của mình nói hôm nay sẽ được người khác nói lại, ý của người khác được nghe hôm nay sẽ được mình nói lại sau nầy. Thí dụ như câu chuyện TRỨNG và GÀ sau đây:
Chuyện cãi TRỨNG và GÀ
Lâu ngày không gặp nhau, cả hai anh bạn rất vui mừng khi bắt tay nhau.
Để được vui khi chuyện trò, hai anh bày chuyện ra cãi để xem ai thắng lý.
Anh thứ nhất đề nghị tranh lý về chuyện TRỨNG và GÀ. ANh thứ hai đồng ý liền.
Anh thứ nhất vô đề:
- Theo tôi thì con GÀ phải có trước TRỨNG gà mới đẻ ra TRỨNG được. Còn anh?
Anh thứ hai thầm nghĩ: 'mình là dân cãi, nếu mà chấp lý của nó thì coi như thua'. Thế là anh ta nói ngược:
- Theo tôi thì TRỨNG gà có trước. Bởi, nếu không có TRỨNG thì làm gì có con GÀ.
Anh thứ nhất biết có cãi cách mấy cũng không được đối phương chấp lý bèn đề nghị:
Bây giờ mình tạm quên chuyện TRỨNG và GÀ để uống cà phê cho thoải mái. Hẹn ngày mai cãi tiếp.
Qua ngày mai, Anh thứ nhất cũng đề nghị như lần trước nhưng lần nầy, anh vô đề khác trước, anh nói:
- Theo tôi thì TRỨNG gà có trước. Bởi, nếu không có TRỨNG thì làm gì có con GÀ.
Anh thứ hai thầm nghĩ: 'mình là dân cãi và chưa bao giờ chịu thua ai. Nếu mà chấp lý của nó thì coi như thua. Thế là anh ta cũng nói ngược theo thói quen:
- Theo tôi thì con GÀ phải có trước TRỨNG gà mới đẻ ra TRỨNG được.
Cạnh bàn nước có ông khách ngồi uống một mình, vừa nhìn từng giọt cà phê đen nhỏ từ phin lọc vừa lắng tai nghe tranh cãi về chuyện TRỨNG và GÀ từ bàn bên. Ông ta hút tàn hai điếu thuốc rồi mà chuyện cãi từ bàn bên cạnh vẫn chưa phân thắng bại. Ông ta đứng dậy ra về, vừa đi vừa cười tủm tỉm. Thấy vậy, hai anh chạy vội theo, hỏi:
- Ông cười cái gì? Có phải cười chúng tôi cãi nhau không?
Ông khách lạ:
Cảm ơn hai anh đã cho tôi nghe một chuyện cãi thú vị không đoạn kết về TRỨNG và GÀ khi tôi đang buồn không có ai chuyện trò.