Pho tượng thiếu nữ


Xưa kia, có một anh tiều phu vào rừng tìm được một khúc gỗ quý. Anh đem về nhà, nhưng không biết phải làm gì, chỉ để trong góc nhà chờ đem bán cho xưởng mộc. Một hôm có một nhà điêu khắc, thấy khúc gỗ quý gợi ý tạc một pho tượng thiếu nữ . Một anh họa sĩ thấy pho tượng đẹp xin sơn phết, to son điểm phấn làm cho pho tượng thiếu nữ càng thêm xinh . Một anh thợ may bèn may cho pho tượng một bộ y phục cực kỳ tráng lệ và gắn vào đầu một mái tóc óng ả kiều diễm. Mọi người đến xem đều trầm trồ khen ngợi. Nhưng nó cũng chỉ là pho tượng gỗ cứng ngắt, không sinh động . Chợt có một đạo sĩ đi ngang, thấy vậy Ông nói pho tượng nầy cần phải có hồn thì mới thực sự là một kỳ quan. Thế là ông làm phép thổi hồn vào pho tượng. Pho tượng bỗng nhiên biến thành một cô thiếu nữ sống động, linh hoạt, đẹp sắc xảo, kỳ ảo . Thế là những người tạo nên pho tượng tranh giành người thiếu nữ nầy, ai cũng cho mình là chủ của pho tượng. Người tiều phu thì cho khúc cây là do chính anh tìm ra, không có khúc cây quý thì pho tượng làm sao thành hình được. Anh điêu khắc thì cho mình là người tạo ra hình dáng người thiếu nữ. Anh họa sĩ thì nói do anh thì người thiếu nữ mới đẹp đẽ như vậy. Anh thợ may thì cho là nhờ có anh mà thiếu nữ mới được lộng lẫy diễm lệ. Còn đạo sĩ thì nhất quyết thiếu nữ nầy phải thuộc về Ông vì chính nhờ Ông mà pho tượng nầy biết nói cười , liếc mắt đưa tình làm cho con người say đắm.
Chuyện đưa ra công đường nhờ quan xét xử.
Quan cho rằng pho tượng gỗ một lúc nào đó sẽ bị hủy diệt, còn hồn của tượng chính là sự hiện hữu của thời gian, là một dòng sống liên tục, một bản ngã thật sự, nên phán pho tượng thuộc về đạo sĩ.
Nhưng khi tận mắt nhìn pho tượng mỹ nhân, quan trố mắt nhìn kỷ từng đường nét chim sa cá lặn của tượng, thấy ánh mắt đưa tình, giọng nói như mời gọi của tượng thì nhựa sống dâng trào, quan muốn chiếm đoạt pho tượng, ra lệnh triệu ông đạo sĩ đến công đường.
Đạo sĩ đến: 'Bẩm quan cho mời bần đạo đến có chuyện chi?'
Quan:
- Các nghệ nhân tạo dáng cho tượng mỹ nhân thì dễ tìm nhưng tìm một đạo sĩ thổi hồn vào tượng thì chỉ có ông thôi.
Đạo sĩ nghe qua tưởng là tài phép của mình được quan khen tặng. Ông vô cùng phấn khởi, nói qua giọng vui mừng:
- Bẩm quan, đó là thành quả tu tập của bần đạo ở kiếp nầy. Nhưng không biết quan có hài lòng về tượng mỹ nhân sống động ấy không ạ?
Quan:
- Kể từ khi thấy tượng mỹ nhân có hồn thì ta đây bị hớp hồn. Mỗi lần vừa vào giấc điệp là thấy nàng hiện ra và ta chuyện trò thành tiếng với nàng khiến vợ của ta nằm cạnh phải ghen tức với người đẹp trong mơ. Đã vậy, ta còn bị mắc phải bịnh hoang tưởng khiến sức khỏe kém dần mà không thầy thuốc nào chữa được. Do vậy mà cho gọi ông đến đây để hỏi: 'làm sao giết được người trong mộng?' Nếu ông đã tạo được sanh tức phải tạo được tử cho tượng mỹ nhân. Bằng không thì ông phải chết thế cho tượng.
Đạo sĩ nghe qua, thần sắc nhợt nhạt như người mất hồn. Ông ta thầm khấn trong tâm :
- Cúi xin Đức Phật nhủ lòng từ bi cứu đệ tử qua khỏi kiếp nạn nầy. Đệ tử còn vô minh dày đặt nên đã không tránh được nghiệp quả của ý, khiến người rơi vào mộng ảo liêu trai không thoát được.
Đang khi thầm khấn, đạo sĩ giật mình bởi tiếng quát to bên tai :
- Ông nghĩ ngợi gì vậy. Có chịu chết thế cho tượng không?
- Bẩm quan, bần đạo là người tu hành chỉ được phép tạo sinh chứ không được phép tạo tử nên không thể giúp quan giết được người trong mộng.
Quan:
- Vậy, ông hãy cúi lạy Phật gia hộ cho ông có khả năng khai tử như đã khai sinh cho tượng bằng cách thu lại hồn của tượng.
Đạo sĩ ngẫm nghĩ một hồi lâu và hỏi lại quan với cả lòng thành:
- Bẩm quan, điều nầy thì bần đạo có thể làm được, nhưng bần đạo muốn biết làm sao để quan tin là bần đạo đã thu lại hồn của tượng.
Quan thầm nghĩ tên đạo sĩ nầy đã mắc mưu mình rồi, liền nói :
- Dù tượng có bị phá nát nhưng trong giấc ngủ của ta vẫn còn mỹ nhân hiện về mỗi đêm thì coi như ông chưa thu lại được hồn của tượng và nhà ngươi phải chịu chết thôi.
Đạo sĩ chợt hiểu thâm ý của ông quan, bèn nói:
- Quan nằm mộng thấy mỹ nhân là vì quan chưa sở hữu được pho tượng. Bần đạo đây đã tu hành theo tà giáo và không theo chánh pháp của Phật nên đã sa vào vòng tham sân si. Lòng tham nầy làm cho tuệ giác của bần đạo bị che lấp, do đó xảy ra tranh chấp, kiện tụng. Bần đạo thật có tội, xin nhường lại pho tượng nầy cho quan và khi có nó thì quan không còn mộng mị nữa.
Quan hớn hở không cật vấn đạo sĩ nữa và đuổi ra khỏi công đường.
Kể từ khi được pho tượng, quan suốt ngày ngồi bên pho tượng để ngắm nhìn và trò chuyện với nàng. Nhưng để hiểu nàng thì không dễ. Có cái gì đó không thẩm thấu vào hồn của nàng. Hồn của nàng quá máy móc, vô cảm. Đạo sĩ chỉ tạo hồn cho nàng nhưng không tạo được trái tim. Nàng không có trái tim, không xúc động, thờ ơ với mọi người chung quanh . Vậy đó nàng là con người hay vẫn chỉ là pho tượng? Người không tim đối thoại không truyền được cảm xúc, nên quan vô cùng đau đớn, khổ sở...
Quan cho đòi đạo sĩ đến để trả lại pho tượng, nhưng đạo sĩ đã bỏ đi biệt tăm.
Thế là quan phải ôm giữ pho tượng có hồn nhưng không tim trong sự trống rỗng triền miên. Nỗi đau khổ của quan đều do chính quan tự gây ra vì đánh giá nhầm giá trị của Chân - Thiện - Mỹ, do sự tính toán dốt nát, tham lam và đam mê của quan .

Lê Tấn Tài