MỘT MẢNH PHƯƠNG TÂM KHÔNG CHỖ GỞI
Diệu Trân


“Một mảnh phương tâm không chỗ gởi
Giàn hoa chầm chậm ánh trăng soi”


Hai câu thơ của Bát Chỉ Đầu Đà theo tôi từ lúc vừa ngồi xuống tọa cụ. Không sao, một lát thơ sẽ bay đi mà, như những vọng tưởng thường tới rồi đi. Tôi xếp chân, ngồi bán già, lưng thẳng, lúc lắc cổ, hai vai cho thư giãn, trải lại vạt áo tràng ngay ngắn. Rồi. Sẵn sàng để:
“Ngoài dứt muôn duyên
Trong bặt nghĩ tưởng
Tâm như vách tường
Mới là vào đạo”

Hai mắt khép hờ mà vẫn như thấy rõ từng nét chữ lung linh “Một mảnh phương tâm không chỗ gởi. Giàn hoa chầm chậm ánh trăng soi”. Thôi chứ, đừng làm phiền tôi có được không!? Một. Thở vào một hơi dài. Hai. Thở ra một hơi dài. Ba. Thở vào một hơi ngắn. Bốn. Thở ra một hơi ngắn ....
Mặc cho tôi thở, mặc cho tôi đếm, hai câu thơ như đã quá no đầy buồng phổi, không cần thở thêm nữa, chỉ tựa cửa trăng, nhìn tôi, mỉm cười trêu ghẹo. Thôi được, trưởng giả Duy Ma Cật đã từng nói với trưởng lão Xá Lợi Phất khi bắt gặp trưởng lão đang ngồi thiền định trong rừng rằng:
“Kính thưa ngài Xá Lợi Phất, bất tất ngồi như vậy mới là ngồi tĩnh niệm. Không hiện thân và ý ở trong ba cõi, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện các oai nghi mà vẫn không xuất khỏi diệt tận định, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện thân làm các việc phàm phu mà không xả đạo pháp, ấy mới là tĩnh tọa. Tâm không trụ trong, không trụ ngoài, ấy mới là tĩnh tọa. Không bị dao động trong các kiến chấp mà tu hành ba mươi bẩy phẩm, ấy mới là tĩnh tọa. Ngồi được như vậy thì mới được Phật ấn khả”
Vô biên đại kiếp nữa tôi cũng chưa dám có ý nghĩ mong được Phật ấn khả, chỉ mượn lời này mà “giả mù sa mưa”, tự cho phép mình bàn ngang thêm một câu là “Chơi với thơ mà không bị chìm đắm trong thơ, ấy mới là tĩnh tọa!”.
Bây giờ thì trăng đã len qua khung cửa, lênh láng trong am. Tôi biết chắc những ánh bạc lấp lánh kia là trăng, chứ không mơ hồ như Lý Bạch “Nghi thị địa thượng sương”, trăng sáng mà ngỡ là sương rơi trên thềm đất.
Dưới ánh trăng, mảnh phương tâm đang nhẹ nhàng, từ ái mở ra. Sao không trọn tâm mà chỉ một mảnh thôi ? À, chỉ một mảnh thôi mà còn không chỗ gởi thì trọn tâm biết có ai chờ ! Lại nữa, có nhiều loại tâm lắm, tâm sân tâm hận, tâm thiện tâm ác, tâm thương tâm ghét ..... Mảnh phương tâm của hành giả là tâm gì ?
Hỏi rồi mới biết mình thật là ... vô tâm. Làm sao mảnh phương tâm này có thể là tâm sân hận, tâm bất thiện được, khi chỉ một mảnh thôi mà hành giả cất giữ, nâng niu, kiên nhẫn, cẩn trọng chờ đối tượng để gởi gấm ? Ba chữ “không chỗ gởi” nói lên tâm trạng này chăng ? Khi ta có cái ta cho là đẹp đẽ, ta trân quý nhưng ta không ích kỷ, không hưởng một mình, ta muốn tìm người để gởi. Nhưng ngoài kia “Tơ nắng dài tâm sự. Bồi hồi mộng vẫn không” (*) nên biết đâu mà gởi, biết ai mà chia ? Trạng huống này tránh sao khỏi chút bùi ngùi nhỉ ?
Nhưng không, tôi lầm ! Đây không phải tâm trạng bùi ngùi, vì từ “Một mảnh phương tâm không chỗ gởi” đã chảy vào cõi tịnh lạc bát ngát của “Giàn hoa chầm chậm ánh trăng soi” không qua một chuyển tiếp u hoài nào. Chính cái cảm xúc ái ngại khởi lên khi vừa đọc câu đầu, rồi bất chợt đón nhận giòng thiền vị ngay câu sau đã khiến tôi nhận ra giá trị đích thực nơi mảnh phương tâm đó. Tâm này chẳng phải chỉ là tâm hành giả mà là tâm của bất cứ ai biết mở ra bằng sự thanh thoát, tĩnh mặc để nhìn thấy được sự nhiệm mầu rất Thường trong những cái Vô Thường. Giàn hoa vẫn ở đó, bên hàng giậu, dù có trăng hay không trăng. Cũng như, trăng vẫn sáng dù hoa còn tươi hay đã tàn. Nhưng, khi trăng chầm chậm tỏa xuống bên hoa thì hoa và trăng đã tạo thành một họa phẩm sống động, một họa phẩm chứa đựng đủ tâm thức Alaya trong từng vệt sáng ngà, trong từng nhụy hoa rung. Trăng sẽ chỉ là trăng nếu trăng không lồng bóng xuống mặt hồ để trăng và nước cùng thể hiện được nét đẹp tuyệt diệu của sự sống động lung linh, để sự tương ưng cho trăng biết trăng sáng nhường nào, nước trong là bao. Khúc gỗ, dù gỗ quý, vẫn chỉ là khúc gỗ nếu không có bàn tay nghệ nhân đẽo gọt thành tượng Phật uy linh. Vạn hữu, người và cảnh nương nhau, sáng tạo nghệ thuật để THỰC CHỨNG PHÚT GIÂY HIỆN TẠI.
Và trong thầm lặng tuyệt đối, cái đẹp đích thực mới hiển bầy.
Cảnh sẽ soi Tâm khi cảnh với tâm là một. Giàn hoa chầm chậm lồng bóng trăng khuya đã soi sáng nét an nhiên tự tại nơi mảnh phương tâm. Tâm uyên nguyên đó đã mở ra thì ngôn ngữ “không chỗ gởi” chỉ là tiếng gọi thầm lặng chứ không phải là tiếng than vãn. Như hoa đã nở bên hàng giậu là tiếng thầm lặng gọi mặt trời hồng giấc trưa, gọi trăng sao đêm rằm, gọi gió đến đùa qua khe lá làm rơi rụng mấy hạt sương mai. Hoa lên tiếng gọi bởi tâm hoa ân cần, bởi hoa biết rằng với sự hài hòa cùng các bạn kia, tất cả sẽ hiện hữu qua thông điệp “Dùng Huyễn tạo Chân, dùng Vô Thường kết thuyền Bát Nhã qua sông để thấy được Thường”.
Đã biết vạn hữu quanh ta dù nhỏ từ hạt cải tới lớn như núi Tu Di đều do lý duyên sinh mà thành thì tất ta hiểu rằng, Hiện đó rồi Diệt; trong Diệt lại đã sẵn mầm Hiện, nên những chiếc lá vàng đã vui vẻ lìa cây vì chúng biết, cùng với đất kia, chúng sẽ nuôi cây để lại Hiện. Không có tiếng gọi thầm lặng nào mà không có sự đáp ứng, dù bằng duyên này hay duyên khác.Tiếng gọi tĩnh mặc từ “Một mảnh phương tâm không chỗ gởi”, nghe thật kỹ, sẽ thấy không thầm lặng lắm đâu. Trong tiếng gọi đó có âm thanh của Đại Hồng Chung ngân xa, xa thật xa, lân mẫn gọi những Tâm Chung trở về. Có lẽ thế.
Vì tâm vị kỷ thì cần chi băn khoăn nơi gởi !

(Như-Thị-Am, tháng tám, 2006)