Khôn dại

Đời Xuân Thu, vua nước Tề là Hoàn Công đi săn, đuổi theo một con hươu, đến một hang đá, thấy ông lão ở đó, mới hỏi:
- Hang này tên gọi là hang gì?
Ông lão đáp:
- Là hang Ngu Công.
- Sao lại đặt tên như thế?
- Tại kẻ hạ thần ở đây nên mới có tên như thế.
Nhà vua nhìn ông lão hồi lâu rồi hỏi:
- Coi bộ lão không phải người ngu, cớ sao lại gọi là Ngu Công?
Ông lão chậm rãi thưa:
- Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con nghé. Nghé lớn lên, hạ thần đem đi bán, lấy tiền mua một con ngựa con đem về nuôi chung cùng bò cái. Một hôm, chàng thanh niên đến lấy lý rằng bò cái không đẻ được ngựa con, nên bắt con ngựa đem đi. Hạ thần không cãi được, đành chịu mất ngựa. Xa gần nghe chuyện, ai cũng chê hạ thần là ngu, mới gọi hang hạ thần ở đây là hang Ngu Công.
Nhà vua cười lớn:
- Như thế thì lão ngu thật!
Trở về cung, Hoàn Công đem chuyện ông lão mất ngựa kể lại cho quan Tể Tướng là Quản Trọng nghe, Quản Trọng nói:
- Đó chính là cái ngu của Di Ngô này. Nếu được vua giỏi như vua Nghiêu, bầy tôi giỏi như Cao Dao, thì khi nào có kẻ dám ngỗ ngược lấy không ngựa của người ta vậy! Ngu Công đành chịu mất ngựa, hẳn vì biết rõ hình pháp ngày nay không ra gì. Xin Chúa Công kíp chỉnh đốn chính sự lại.
Đức Khổng Phu Tử nghe chuyện, gọi đệ tử:
- Đệ tử ta đây? Hãy ghi lấy việc ấy. Hoàn Công là Bá Quân, Quản Trọng là hiền thần, tuy đã vào bậc khôn ngoan mà còn tự cho là ngu dại.
- Đành chịu mất ngựa như thế, sao gọi là khôn?
- Khôn là vì biết rõ hình pháp không ra gì, thà chịu mất ngựa còn hơn đi kiện. Bởi đi kiện để mong lấy lại ngựa, nhưng quyền bính ở trong tay bọn tham quan ô lại do hình pháp không ra gì sinh ra và làm cho hình pháp trở thành công cụ để đè ép và bóc lột dân lành, nơi tụng đình, công lý không còn, mà chỉ còn có cường quyền bạo pháp; như thế thì kiện đã không mong lấy lại được ngựa, mà có khi còn mất luôn bò. Đó là lý tất nhiên. Vì tham nhũng và ngang ngược là do chính thể thúi nát sinh ra, thì thế nào lại chẳng giống nhau được. Kẻ cướp ngựa con, người cướp bò cái, là việc không thể tránh được. Cho nên chịu mất một để khỏi mất hết, như thế chẳng phải là khôn lắm sao?