Hòa thượng và chú Tiểu



Một bữa nọ, Hòa thượng và chú Tiểu cùng đi hóa duyên. Hai thầy trò đi, đi mãi như thế mà không biết đã vượt qua bao nhiêu núi non trùng điệp, những rừng cây bạt ngàn hun hút. Hòa thượng ung dung tự tại đi trước, chú Tiểu vai mang tay nãi lẽo đẽo theo sau, hai người cùng săn sóc bầu bạn lẫn nhau. Chú Tiểu vừa đi vừa nghĩ trong lòng:
“Cuộc sống con người mấy mươi năm thật ngắn ngủi, phải trải qua sanh, già, bệnh, chết, luân hồi mãi trong vòng Lục đạo thật khổ vô cùng. Vì thế, nếu ta muốn tu hành để giải thoát cho mình và cứu độ tất cả chúng sanh thì nên mau mau lập chí nguyện Bồ-tát. Phải siêng năng tinh tấn, không thể giãi đãi.”. Khi chú Tiểu nghĩ đến đây, Hòa thượng đang đi phía trước bỗng dừng chân lại, quay nhìn chú Tiểu và nói với nét mặt vô cùng hoan hỷ: “ Này con, đưa tay nãi ta mang cho. Con hãy đi phía trước ta!”. Chú Tiểu ngơ ngác không hiểu đầu đuôi ngọn nguồn thế nào nhưng vẫn làm theo lời Hòa thượng dạy. Trút bỏ tay nãi nặng nề, chú Tiểu ung dung đi về phía trước. Chú cảm thấy không có lúc nào nhẹ nhõm, thảnh thơi như lúc này.
Đi được một đoạn chú lại nghĩ: “À, mà trong kinh Phật có dạy, Bồ-tát phải tùy thuận sự mong cầu của tất cả chúng sanh mà thực hành hạnh Bố- thí, cứu khổ muôn loài. Việc này khó quá, chắc mình làm không nổi! Vả lại, cuộc sống trong thiên hạ khổ nạn nhiều như vậy, đến khi nào ta mới cứu độ hết được đây?! Thôi, chẳng thà ta tự lo cho bản thân, sống thong dong tự tại như lúc này thì thật là sung sướng biết bao!”. Ý niệm này vừa khởi lên, lập tức chú nghe giọng nói nghiêm nghị của Hòa thượng: “ Chú dừng lại!”. Chú Tiểu nghe vậy liền dừng lại và cảm giác như có điềm không lành đang xảy ra. Bước lên một bước, Hòa thượng quẳng tay nãi cho chú Tiểu và nói: “ Này, mang tay nãi lên vai và đi theo sau ta!”.
Chú Tiểu nghĩ thầm: “Làm người thật khổ! Vừa mới nhen nhóm chút niềm vui đó, thế mà chỉ trong nháy mắt nỗi buồn đã ập đến. Tâm niệm con người thật không biết đâu mà lường trước được. Đúng là “Tâm viên ý mã” mà! Hay là, để thực hành Bồ-tát hạnh, ta phải đối diện với những khổ nạn của kiếp sống này để rồi cùng với mọi người kết duyên lành, làm nhiều việc phước thiện, đem hạnh phúc an vui đến cho mọi người?!”. Ngay lúc đó, Hòa thượng lùi lại và nói chuyện với chú Tiểu một cách vui vẻ, tự mình vác tay nãi lên vai và mời chú Tiểu đi trước.
Chú Tiểu lúc thì phát tâm, lúc thì thối tâm như thế cho đến lần thoái tâm thứ ba, Hòa thượng cũng đối xử với chú Tiểu như hai lần trước. Cuối cùng, vì không thể chịu đựng được nữa, chú muốn giải mối hoài nghi trong lòng, liền bạch với Hòa thượng: “Sư phụ à, hôm nay Ngài làm sao thế? Lúc thì bảo con đi lên phía trước, lúc thì bảo con lùi lại phía sau. Rốt cuộc là Sư phụ muốn con phải thế nào? Con mệt Sư phụ quá trời!”. Hòa thượng giữ vẻ điềm nhiên, ôn tồn nói: “ Con ạ, tuy rằng con có tâm tu hành nhưng đạo tâm của con chưa kiên cố: khi cảm động thì phát đại nguyện, khi ưu phiền thì thoái thất Bồ-đề tâm. Tiến tiến thoái thoái như vậy thì đến khi nào mới thành Phật được?”.
Nghe Hòa thượng dạy như vậy, chú Tiểu cảm thấy trong lòng vô cùng hổ thẹn. Ngay trong giây phút đó, chú lại khởi lên tâm Bồ-tát. Hòa thượng đọc được ý nghĩ đó và bảo chú đi lên phía trước. Lần này chú không dám đi trước nữa. Chú chân thành bộc bạch với Hòa thượng: “Sư phụ à, bây giờ con đã thành thật phát tâm rồi! Kể từ nay trở đi, dù cho vật đổi sao dời, đại tâm đại nguyện của con lúc nào cùng kiên cố, một bước cũng không bao giờ thối chuyển.”.
Hòa thượng nghe như vậy lòng vô cùng hoan hỷ, hết lời khen ngợi chú Tiểu. Trên đường về, hoa bên đường đua nhau nở rộ, những chú chim líu lo hót rộn rã trên cành. Hai thầy trò sánh bước bên nhau nói cười, tiêu diêu tự tại.