Hiềm thù rất tai hại
và bắt ta trả một giá rất đắt

(Trích Chương XIII - Quẳng gánh lo đi và vui sống)

Dale Carnegie
Nguyễn Hiến Lê dịch



Đêm kia, trong một cuộc du lịch, tôi có ghé thăm công viên Quốc gia ở tỉnh Yellowstone. Tôi ngồi trên khoảng đất cao, trước một khu rừng thông rậm rạp cùng với một số khách du lịch khác. Bất thần, một con gấu xám Bắc Mỹ, - mối kinh hoảng của rừng thẳm - bỗng xuất hiện dưới ánh đèn pha và bắt đầu nghiến ngấu những khúc thịt vụn do nhà bếp công viên vứt ra đó. Viên kiểm lâm ngồi trên mình ngựa, gần những du khách, liền vui miệng kể cách sinh sống của các giống gấu, nhất là gấu Bắc Mỹ này. Ông ta cho chúng tôi hay rằng nó là giống vật khỏe nhất Tây bán cầu, ngoài trông giống trâu và, có lẽ, ngoài giống gấu Kadiak. Thế mà, tối đó, tôi lại thấy chú gấu Bắc Mỹ để cho một con vật khác đứng gần nó và không những thế, lại cho con vật này ăn cùng nữa: con chồn. Cố nhiên con gấu biết rằng chỉ có một cái tát là con chồn sẽ nát như tương. Vậy mà nó không tát. Tại sao thế? Tại kinh nghiệm bảo nó biết rằng làm như vậy chẳng ích lợi gì.
Chính tôi cũng đã có lần nhận định điều ấy. Hồi còn là đứa nhỏ chạy rong trên các cánh đồng cỏ xứ Misssouri, tôi thường bắt được giống chồn bốn chân; và khi trưởng thành, đôi khi tôi cũng gặp một vài con chồn “hai chân” lẩn lút trong các phố Nữu Ước. Kinh nghiệm lâu đời và chua cay đã dạy tôi rằng hai giống chồn, bốn chân cũng như hay cẳng, chẳng đáng cho ta bận ý.
Khi ta thù oán ai, tức là ta đã cho họ dịp ảnh hưởng đến đời ta: ảnh hưởng đến giấc ngủ, đến cái thú ăn, đến tiền tiềm lực, đến sức khỏe và sự yên tĩnh trong tinh thần của ta. Bọn cừu nhân chỉ cần biết chúng đã làm ta phải băn khoăn, phải bứt rứt là nhẩy lên vì sung sướng. Ta thù oán chúng, chắc chắn là chẳng làm cho chúng đau đớn chút nào, mà trái lại làm cho đời luôn luôn thành ác mộng.
“Nếu những kẻ ích kỷ tìm cách lừa dối bạn, thấy bạn tử tế lại làm quá, thấy bạn tin lại lừa đảo, thì bạn đừng giao du với chúng nữa, coi chúng như không có, nhưng chớ nên tìm cách trả đũa lại. Khi bạn nghĩ cách để trả thù tức là bạn đã tự làm mình đau đớn hơn là làm đau đớn kẻ bạn định tâm hại…”
Theo ý bạn thì lời lẽ đó của ai mà khôn ngoan đến thế ? Chắc lại của một người theo duy tâm luận, nói dựng đứng như nhà tiên tri phải chăng? Thưa không. Tôi đã đọc những câu ấy trong một tờ thông tri của ty Cảnh sát Milwaukee.
Thử hỏi tại sao ý muốn “trả đũa” lại có hại cho bạn? Theo tờ tạp chí Life thì ý muốn đó có thể làm sức khỏe bạn phải vĩnh viễn suy nhược. Tác giả một bài đăng trong tờ Life có viết rằng: “Tính xấu đặc biệt thường thấy trong số những người đau bệnh động mạch là tính thù vặt. Khi tính xấu này luôn luôn biểu lộ, nó sẽ làm cho bệnh ấy thành kinh niên và có khi thành bệnh đau tim”.
Tôi có một người bạn thân vừa mới đây bị một cơn đau tim kịch liệt. Thầy thuốc bắt anh ta phải tĩnh dưỡng và nhất là không được nổi nóng với bất cứ một cớ nào, vì lẽ thầy thuốc nào cũng biết rằng người đau tim rất có thể chết bất thần khi nổi giận. Chắc bạn chẳng cho là thật? Tôi xin kể một chứng minh. Cách đây mấy năm, một ông chủ hàng cơm tỉnh Spokane, thuộc tiểu bang Washington, đã ngã đùng ra chết sau một cơn thịnh nộ. Đây là bài tường thuật của viên cảnh sát trưởng, mô tả trường hợp xảy ra tai nạn: “Ông William Falkaber 68 tuổi, chủ một tiệm ăn, đã tự giết mình khi đang nổi giận vì người bếp không nghe lời ông mà cứ uống cà phê trong đĩa chứ không uống bằng tách. Ông ấy nổi khùng vác súng lục đuổi người bếp, rồi bỗng ông ngã vật ra chết thẳng, tay hãy còn nắm chặt khẩu súng. Viên y sĩ nhà nước đến khám nghiệm tử thi, tuyên bố ông đứt mạch máu vì “thịnh nộ”.
Xem đấy bạn thấy rằng Chúa Giê Su, khi dạy “ta hãy yêu kẻ thù của ta”, không những đã vạch ra cho những kẻ theo đạo Ngài một con đường tinh thần, đồng thời lại đã dạy họ một bài học về cách giữ gìn sức khỏe mà khoa học trong thế kỷ hai mươi nầy cũng phải công nhận là đúng. Hơn nữa, Người đã chỉ cho các bà cách làm tăng vẻ đẹp.
Các bạn cũng như tôi, ai cũng đã có lần thấy bộ mặt đàn bà khắc khổ vì giận dữ, hay biến tướng vì thù oán. Không một mỹ viện nào ở thế gian lại có thể chữa những bộ mặt này, trừ một trái tim đầy hỉ xả, đầy tình thương yêu nhân loại.
Sự thù oán không những làm tinh thần mất bình tĩnh, mà còn giết từ hương vị của đời sống đến những thú vui nhỏ nhặt nhất như ăn một bữa cơm ngon. Thánh kinh nói: “Ăn một đĩa rau mà vui vẻ, còn hơn là ăn cả một con bò quay có hương vị của oán thù”.
Bạn không biết rằng kẻ thù của ta sẽ xoa tay sung sướng khi biết vì tức giận họ mà ta cáu kỉnh, héo hắt, kém sắc, đau tim và rất có thể sẽ giảm thọ sao?
Nếu ta không thể yêu được kẻ thù, làm tốt cho họ, thì ít ra ta cũng phải yêu lấy ta chứ? Ta phải yêu ta, khiến họ không thể làm chủ hạnh phúc, sức khỏe và những nét nhăn trên mặt ta được chứ?
Chúa Giê Su khi khuyên ta nên tha thứ “một trăm lần” cho những kẻ thù của ta. Chúa đã dạy một bài học thực nghiệm vô giá. Tôi muốn kể ra đây một bức thư của ông Georrge Rona, hiện ở tỉnh Upsala, thuộc Thụy Điển. Ông ta trước kia làm trạng sư tại tỉnh Vienne và đến ngày quân đội Quốc xã sang xâm lăng Áo, ông trốn sang Thụy Điển. Vì số tiền lưng mang được theo quá ít ỏi, ông đành phải tìm việc làm. Vì viết và nói thông thạo nhiều thứ tiếng nên ông hy vọng sẽ kiếm được việc trong một hãng xuất cảng. Ông gởi đơn xin việc, nhưng tới đâu người ta đều trả lời rằng, trong thời kỳ chiến tranh, người ta không thể thu nhận một thư tín viên ngoại quốc, tuy nhiên họ cũng ghi tên và sẽ gọi đến ông, nếu cần... Trong khi đó, một thương gia gởi cho ông Georrge Rona lá thư sau đây: “Những ý nghĩ của ông về công việc của tôi, hoàn toàn sai lầm và có phần lố bịch nữa. Trước hết, tôi xin nói rằng, tôi cũng chẳng cần mướn một thư tín viên; sau, nếu cần đi nữa, tôi cũng chẳng mướn ông, bởi vì ông không viết nổi một bức thư bằng tiếng Thụy Điển cho đúng mẹo. Chứng cớ là bức thư của ông đầy những lỗi vậy”.
Khi đọc bức thư phúc đáp ấy, ông ta tức uất người. Cái lão Thụy Điển này có quyền gì mà dám mắng ông dốt! Lại tức hơn nữa là chính thơ của lão cũng đầy những lỗi! Ông Rona lập tức lấy giấy bút ra viết gởi cho lão một bài học. Nhưng sau nghĩ lại, ông tự nhủ: “Kể cũng phải, làm sao mình biết được lão này nói vô lý? Mình có học tiếng Thụy Điển, nhưng đâu phải là tiếng mẹ đẻ của mình! Như vậy rất có thể mình viết sai mà không biết. Tốt hơn mình nên học thêm tiếng này rồi tìm chỗ khác vậy. Ấy thế, lão đó đã vô tình bảo lỗi cho mình đây. Lời lẽ của lão nghe đáng bực thật, nhưng mình cũng phải cảm ơn lão. Phải đấy, mình đi viết thơ cám ơn lão ta mới được”.
Thế là ông George Rona xé nát lá thơ “nói móc” vừa viết xong và thảo lá thư khác lời lẽ như vầy: “Ông thiệt đã có lòng tốt, bỏ chút thời giờ phúc đáp tôi. Bởi vậy tôi rất cảm phục cử chỉ của ông, nhất là khi ông nói không cần một thư tín viên thông tiếng ngoại ngữ. Tôi lấy làm hổ thẹn đã có những ý nghĩ sai lầm về quý hãng. Sở dĩ tôi đã mạn phép gởi đơn vì tôi nghe có người mách rằng hãng ông lớn nhất trong phạm vi xuất cảng. Còn những chỗ viết sai mẹo trong thơ tôi mà ông đã vạch ra, xin thú thật là tôi không nhận thấy, và không ngờ tôi lại viết sai nhiều đến thế. Từ hôm nay, tôi sẽ cố gắng học thêm tiếng Thụy Điển, hầu lần sau sẽ không phạm những lỗi như một đứa trẻ mới học nữa. Tôi có lời cảm ơn ông đã vạch ra những lỗi để tôi biết mà tự rèn luyện thêm”.
Mấy ngày qua, ông George Rona bỗng nhận bức thư của ông chủ hãng buôn này mời đến hội kiến. Ông George Rona đến chỗ hẹn và được nhận vào làm. Chính ông đã khám phá ra rằng một câu trả lời hòa nhã có thể làm nguôi cơn giận của một người.
Có thể rằng ta chẳng đủ nghị lực để đàn áp những thói thường của con người, để có thể yêu kẻ thù của ta. Nhưng hãy nên vì sức khỏe và hạnh phúc của chính ta mà tha thứ cho chúng, mà quên chúng đi. Đó là điều hay nhất, khôn ngoan nhất nên làm. Khổng Tử dạy rằng: “Bị mất cắp, bị vu oan chẳng phải là điều quan trọng, nếu ta bỏ không nghĩ đến nữa”. Có một lần tôi hỏi người con trai đại tướng Eisenhower rằng ông ta có thấy cha ông để ý thù ghét ai không. Ông trả lời: “Chẳng khi nào thân phụ tôi lại rỗi thì giờ nghĩ đến những kẻ mà người không ưa”.
Có một ngạn ngữ nói rằng một người mà bị kẻ khác phạm tới cách nào cũng không nổi nóng được, thì là người ngu. Nhưng thật ra, chính người ấy phải là một nhà hiền triết. Viên Thị trưởng Nữu Ước, William J. Gaynor là một người như vậy. Ông bị cơ quan ngôn luận phe đối lập cực lực công kích phỉ báng, rồi cuối cùng một kẻ quá khích bắn ông bị thương nặng. Khi được chở đến nhà thương, khi phấn đấu với tử thần, ông đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại: “Mỗi tối, tôi tự nhủ phải tha thứ tội lỗi cho mỗi kẻ thù của tôi”. Chắc bạn cho rằng ông ta đã đi quá lý tưởng, đã tỏ ra mình hiền hậu và hỉ xả một cách quá đáng? Bạn hãy so sánh ông ta với nhà triết học đại tài người Đức, ông Schopenhauer, tác giả cuốn "Học nghiệm về lạc quan của chủ nghĩa". Ông nầy đã coi đời người như một cuộc phiêu lưu vô vị và nặng nhọc, buồn chán lạ thường. Trong thâm tâm ông thất vọng, nhưng vẫn tự nhủ rằng “phải cố làm sao tránh không oán hận một ai”.
Tôi đã có dịp gặp ông Bernard Baruch - viên cố vấn chính thức của sáu vị Tổng thống Hoa Kỳ: Wilson, Harding, Coolidge, Hoover, Roosevelt và Truman. Tôi hỏi có lần nào ông phải bực tức vì những lời công kích của phe đối lập không thì ông đáp: “Chẳng ai có thể hạ giá trị hay làm tức tôi được. Tôi sẽ không để cho họ làm như vậy”.
Trải qua bao thế kỷ, nhân loại đã quy phục những người theo gương Chúa Trời, nhất định không chịu để cho sự thù oán giày vò. Tôi nhiều lần đứng trong Công viên Quốc gia Jasper ở Gia Nã Đại, chiêm ngưỡng vẻ đẹp xán lạn của một trong những ngọn núi đẹp nhất Mỹ Châu. Ngọn núi ấy là ngọn Edith Cavell, lấy tên một viên nữ khán hộ người Anh, ngày 12 tháng chạp năm 1915 đã can đảm và bình tĩnh đứng như một thần nữ trước đội quân hành hình Đức. Cô Edith Cavell bị buộc tội chứa chấp, chạy chữa và nuôi tại nhà cô ở Bruxelles một số quân nhân Anh, Pháp và giúp họ trốn sang Hòa Lan. Vào buổi sáng mùa đông hôm đó, khi viên cố đạo người Anh vào phòng giam cô tại nhà tù quân sự Bruxelles, cô đã thốt ra hai câu mà sau nầy người ta đã khắc vào bia để cho hậu thế đọc và suy nghĩ : “Bây giờ con mới biết lòng yêu nước không đủ làm tinh thần con được thư thái trước khi chết. Con phải bỏ hết oán hận, hết ý nghĩ chua chát đối với bất cứ”. Bốn năm sau, thi hài cô được chở về Anh và nhà thờ Westmister Abbey đã làm lễ cầu hồn. Ngày nay một pho tượng đá hoa cương được dựng trước phòng Triển lãm Quốc gia - một bức tượng nhắc nhở cho những ai qua lại, một vinh dự hoàn toàn nhất của Anh Cát Lợi. “Bây giờ con mới biết lòng yêu nước không đủ làm tinh thần con thư thái trước chết. Con phải bỏ hết oán hận, hết ý nghĩ chua chát đối với bất cứ ai”.
Phương pháp chắc chắn nhất để quên kẻ thù là ta để hết sức lực, trí não phụng sự một chính nghĩa cao cả hơn bản thân ta. Lúc đó, những lời thóa mạ, những hành động của người khác để hại ta sẽ chẳng quan hệ chút nào vì ta đã quyết định bỏ ngoài tai những điều không trực tiếp liên quan đến chính nghĩa mà ta phụng sự.
Để dẫn giải ý nghĩ nầy, tôi xin kể một việc xảy ra hồi 1918 trong khoảng rừng bao la xứ Mississipi: một vụ công chúng gia hình ông Lawrence Jones, viên giáo học da đen. Trước đây mấy năm, tôi có đến thăm trường học do ông Lawrence Jones sáng lập, trường Hương Thôn Piney Woods - để diễn thuyết trước học sinh. Ngày nay, danh của trường này lan truyền khắp trong nước, và những việc tôi kể đã xảy ra trong thời kỳ hỗn loạn của trận thế giới chiến tranh thứ nhất. Hồi đó, tại miền trung Tiểu bang Mississipi, người ta đồn rằng những người Đức đã gieo rắc mầm nổi loạn trong đám dân da đen. Vì ông Lawrence Jones là người da đen, lại là người sáng lập ra nhà trường nói trên và đồng thời là mục sư trong giáo đoàn người da đen, nên ông bị buộc vào tội tích cực hoạt động gây ra cuộc phiến loạn. Một nhóm người da trắng, khi đi qua nhà thờ có thoáng nghe ông Jones lớn tiếng thuyết giáo các con chiên rằng: “Đời là một tranh đấu trong đó mọi người da đen phải vũ trang để chiến đấu lấy sống còn và thắng lợi”.
Võ trang! Chiến đấu! Chỉ hai chữ ấy là đủ rồi. Những người da trắng nóng nảy kia liền nhảy lên ngựa đi phi báo tin này cho những trại lân cận, rồi cùng họp thành một đám người hò la tiến tới nhà thờ. Họ tròng mối dây thòng lọng vào cổ vụ mục sư da đen và kéo lê ông ta trên đường suốt hai cây số đến chỗ hành hình. Đến đây họ đặt ông lên trên một đống cành khố, định đánh diêm đốt. Nhưng bỗng một người trong đám la lên rằng “Bắt lão thuyết giáo một lần nữa rồi hãy hỏa thiêu!” Ông Larwrence Jones, đứng trên đống củi, ở cổ có múi dây thòng lọng bắt đầu nói về đời ông và nhất là tự biện hộ. Ông tốt nghiệp Đại học đường Iowa vào năm 1907. Lòng trung thành, sự thẳng thắn, trí thông minh, sức học và tài chơi nhạc khí của ông đã làm cho thầy bạn mến yêu. Khi tốt nghiệp ông đã tự chối không chịu để một chủ khách sạn gây dựng cho ông và cũng chẳng nhận đề nghị của ông một người bảo hộ văn nghệ địa phương. Tại sao vậy? Bởi vì ông vẫn mơ tưởng một diễm ảnh cao xa. Ông đã đọc tiểu sử ông Booker Washington, nên nguyện suốt đời sẽ chuyên tâm giáo huấn những người đồng chủng nghèo khổ và ngu si nhất. Cũng vì muốn theo đuổi mục đích đó, ông đến một vùng chậm tiến nhất trong các tiểu bang miền Nam, một nơi cách Jackson chừng 30 cây số, thuộc tiểu bang Mississipi. Ông cầm chiếc đồng hồ lấy 165 mỹ kim và mở trường dạy học , ngay giữa rừng, lấy một gốc cây làm bàn. Ông lại kể những khó khăn của ông để truyền cho những đứa con trai và con gái da đen một nền học vấn sơ thiểu, để làm cho chúng sau này trở thành những nông dân, những người thợ máy, những người bếp, những người nội trợ tốt. Ông nhắc tên những người da trắng đã giúp ông để lập nên Trường Piney Woods, những người da trắng đã cho đất, và vật dụng làm nhà, lợn, bò, và tiền để ông thi hành chức nghiệp.
Ông Larwrence Jones tiếp tục nói, với giọng thành thật và cảm động, ông nói để biện hộ không phải cho thân ông, mà cho chính nghĩa đang theo đuổi. Ông càng nói, đám người phẫn nộ kia càng nguôi dần. Sau cùng một cựu chiến binh trong trận Nội chiến đứng ra tuyên bố: “Tôi nhận thấy người đàn ông trẻ tuổi nầy nói thật. Tôi biết những người da trắng mà ông ấy đã kể tên. Y quả đã làm việc tốt, và chúng ta đã nhầm mà buộc tội y. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp y chứ không phải là treo cổ y đâu nhé”. Nói xong, ông già thi hành ngay, ngả mũ đi tới từ người để quyên tiền giúp ông Lawrence Jones. Tiền quyên được tất cả 52 mỹ kim và không người nào đến chứng kiến vụ hành quyết “con cừu ghẻ da đen nầy” lại không cho đôi chút.
Sau đó ít lâu, người ta hỏi ông Larwrence Jones có thù oán những người đã kéo lê ông trên đường và chực thiêu sống ông không, ông đáp: “Tôi còn bận trí biện hộ cho chính nghĩa của tôi, còn thì giờ đâu mà thù oán họ. Tôi còn mê mải với một lý tưởng đáng giá gấp ngàn lần thể chất tôi. Hơn nữa tôi chẳng bao giờ rảnh để đối đáp với ai, và cũng chẳng ai bắt tôi phải để tâm thù”.
Trước đây mười tám thế kỷ, Epitète đã bảo cho người đồng thời hay rằng ai gieo gió sẽ gặt bão và định mệnh bao giờ cũng làm cho những người phạm lỗi phải chịu quả báo về những lỗi lầm của họ. Ông nói: “Dần dà, mỗi người sẽ phải trả nợ những hành động vô luân thường đạo lý mà y đã phạm. Kẻ nào ghi vào đầu thực lý này sẽ không bao giờ nổi nóng với ai, và sẽ không oán trách, không thóa mạ, không ghét bỏ một người nào hết”.
Người bị ghét, bị vu cáo và bị chỉ trích nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà tôi biết là ông Abraham Lincoln. Vậy mà theo lời Herndon, người viết tiểu sử Tổng Thống Lincoln, thì ông không bao giờ xét người đồng thời theo cảm tình theo sự ruồng ghét riêng. Khi cần tìm một nhân vật để giao phó cho một chức vị, ông Lincoln hoàn toàn thỏa thuận để cho mọi người đối lập với ông có quyền ra ứng cử cũng như một người thuộc phe ông. Ngay đến khi nhận thấy người đáng giữ chức đó là người hay chỉ trích và vu oan cho mình nhiều nhất, ông cũng giao địa vị đó cho người ấy như một người bạn thân, nếu người bạn nầy có đủ những điều kiện cần thiết... Tôi không hề thấy ông đổi một viên chức chỉ vì khác chánh kiến hay vì tư thù.
Một đôi khi ông Lincoln cũng phải đối phó sự đố kỵ của những người mà chính ông đã đưa lên địa vị cao cấp. Tuy nhiên ông cho rằng: “Ta không thể trách một người đã làm hay không làm việc này, việc kia. Chúng ta ai cũng thừa hưởng những điều kiện sinh sống, những trường hợp xảy ra theo hoàn cảnh trình độ giáo dục và những thói quen. Chính những yếu tố này tự bao giờ đã tích hợp và sẽ tiếp tục tích hợp thành tính tình của ta”.
Xét cho cùng, ông Lincoln nói đúng. Nếu bạn và tôi chúng ta cùng thừa hưởng của tổ tiên những đặc điểm về thể chất và tinh thần như những kẻ thù của chúng ta, nếu chúng ta cũng sống như họ, cũng hưởng những hạnh phúc hay những ưu phiền như họ, chắc chúng ta cũng hành động như họ. Chúng ta sẽ không làm khác họ được. Nhà triết ly học Clarence Darron thu gọn thí dụ này trong câu: “Biết rộng tức là hiểu nhiều và khi đã hiểu thì không chỉ trích và buộc tội ai cả”. Như vậy, đáng lẽ thù oán, ta hãy thương hại và cám ơn Chúa đã sinh chúng ta không giống kẻ thù ta.
Nói tóm lại, nếu bạn muốn tạo cho mình một tinh thần thanh thản có thể mang lại hạnh phúc cho bạn, bạn hãy theo nguyên tắc:
Đừng bao giờ tìm cách trả đũa những kẻ thù của bạn, vì như vậy, bạn tự làm đau khổ nhiều hơn những người bạn định hại. Hãy theo gương đại tướng Eishenhower, đừng phí phạm thì giờ, dù một phút đi nữa, để nghĩ đến những người bạn không ưa.