Công thành thân thối


Hiền giả Epictète nói: “Hai con chó con đương giỡn với nhau. Nếu ta liệng cho chúng một miếng xương, chúng sẽ cắn nhau trối chết”. Tuy là lời nói tầm thường mà bao hàm một thứ triết học sâu xa không biết chừng nào. Đem loài chó ám chỉ loài người thì cũng hơi đắng cay… đau đớn thật, nhưng sự thật như thế, biết sao bây giờ!
“Miếng xương” có thể là một miếng đất hay một tòa nhà, một ngôi khanh hay một cương vị… Hễ cùng cho có một giá trị như nhau mới có cùng nhau tranh đấu… Trái lại thì không. Người ta có đi tranh với chó miếng xương vụn hay không? Kẻ mà chí đã gác ngoài thế sự, xem vinh hoa như bã phù vân… thì còn đi chơi với người ta cái ngôi khanh tước làm gì được. Hàn Tín và Hán Vương tranh nhau, bởi hai người này cho cái phú quí vinh hoa là sinh mạng. Chứ với Trương Lương thì Hán Vương có muốn tranh, cũng không thấy có chỗ nào cùng tranh cho được. (“Phù duy bất tranh, cố thiên hạ mặc năng dữ chi tranh”. Chỉ vì không tranh nên thiên hạ không sao cùng tranh được.) Sau khi nhà Hán đã yên ổn Trương Lương đóng cửa không tiếp khách, ở yên mãi trong nhà không ra ngoài, lấy triết lý thanh cao để bảo vệ tấm thân. Có ai đến chơi thì lại nói: “Người ta sinh ra trong trời đất, chẳng khác như bóng câu qua khe cửa, trăm năm như cái chớp mắt mà thôi. Tôi muốn lui vào trong chỗ núi rừng, tìm tiên học đạo để làm cái kế trường sinh, chứ hết thảy công danh chẳng qua như đám phù vân có gì là thú. Chỉ vì nay đội ơn Hoàng đế quyến luyến nên chưa nỡ bỏ đi đấy thôi. Thực ra lòng tôi vốn không ham thích cái vinh hoa phú quý ở đời; huống chi tấm thân đa bệnh, khí huyết suy lần, nếu không sớm tìm cách tu dưỡng lấy mình, e một mai tinh khí hư hoa đi rồi thì dẫu có muốn tu cũng vô ích…”
Đấy là cái đạo “công thành thân thối, minh triết bảo thân”, tức là cái đạo “ngoại kỳ thân nhi thân tồn” (gác thân ra ngoài mà thân còn) và “bất tranh nhi thiện thắng” (không tranh mà thắng hoàn toàn) của cổ nhân vậy.

(Thuật xử thế của người xưa)