Ân Nghĩa


Trong các mối quan hệ, cách đối nhân của người xưa, “nghĩa” vừa được xem là yêu cầu căn bản, vừa được xem là tiêu chí để đánh giá phẩm chất đạo đức của một người. Người mà không có tín nghĩa thì sẽ không có trước có sau, làm việc không đến nơi đến chốn, không có lòng biết ơn, nói chi đến việc trả ơn?
Mạnh Tử coi “nghĩa” là con đường to lớn hơn hết trong thiên hạ mà người quân tử, bậc đại trượng phu phải đi theo. Khổng Tử đánh giá rất cao đức “nghĩa” và chủ trương “Quân tử lấy nghĩa làm trên hết. Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn” . Khổng Tử cũng viết: “Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi.” , ý nói người quân tử hiểu rõ về nghĩa, làm việc gì cũng đặt cái nghĩa lên trước, còn kẻ tiểu nhân hiểu rõ về lợi, làm việc gì cũng chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân. “Nghĩa” là yêu cầu căn bản, cũng là đạo đức tốt đẹp mà một người phải thực hành được, vậy “nghĩa” là gì?
Chữ nghĩa (義) dạng phồn thể bao gồm chữ ngã (我) và chữ dương (羊). Thời xưa, dê là con vật dùng để tế sống, đem ra tế lễ Thần linh, Trời đất, thể hiện tinh thần hiến dâng. Còn chữ Ngã (我) là ta, đặt ở dưới chữ dương ((羊) mang ý nghĩa là sự hiến dâng, tức là tinh thần phụng sự.
Ngoài ra, chữ dương (羊) còn mang một ý nghĩa khác là sự lương thiện, tốt lành, cát tường. Nhìn vào tổng thể chữ nghĩa (義) chúng ta hiểu, “nghĩa” là phụng sự, dâng hiến, vì người khác, ngoài ra vì công bằng (tín ngưỡng) mà chinh chiến cũng được xem là có nghĩa.
Khi “nghĩa” phù hợp với tự nhiên, Thiên lý thì nó là chính nghĩa, “nghĩa” trái với tự nhiên, Thiên lý thì nó là phi chính nghĩa. Lúc điều phi chính nghĩa đem lại sự nguy hại to lớn đối với nhân loại thì thảo phạt, chinh chiến, dẹp bỏ cái phi chính nghĩa ấy sẽ là một loại việc làm chính nghĩa. Thời cổ đại, các cuộc chinh chiến, thảo phạt dùng “thiện” làm mục đích thì mới được xưng là “nghĩa”. Do vậy có thể thấy, “thiện” chính là điều kiện tiên quyết của “nghĩa”.
Bởi vì “Nghĩa” là phù hợp với thiên đạo, là một loại thể hiện của thiên đạo. Cho nên, từ xưa đến nay con người luôn tin tưởng vững chắc rằng, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng tà! Cũng chính bởi, “nghĩa” là thể hiện của thiên đạo, cho nên, bảo vệ chính nghĩa cũng là trách nhiệm của mỗi người.
Người với người đối đãi với nhau phải có nghĩa, tức là phải phù hợp với đạo nghĩa, thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của mình được coi là có nghĩa.
Người nếu có ơn tất sẽ báo ơn, gặp việc thiện thì sẽ làm một cách không nề hà, trong lòng không cảm thấy hổ thẹn thì cũng được xem là có nghĩa.
Hàn Tín không quên ơn bà lão cho cơm. Sau khi đã công thành danh toại, Hàn Tín trở lại quê hương. Việc đầu tiên mà ông làm là đi tìm người phụ nữ mà ông đã gặp trong thời trai trẻ và báo ơn bà bằng một lượng tiền vàng rất lớn.
Có thể thấy, tuỳ từng hoàn cảnh, đối tượng, mà việc giảng giải về “nghĩa” là khác nhau. Tựu trung lại, có thể nói, phạm trù “nghĩa” bao gồm những cái cao thượng, chính trực, tốt đẹp và phù hợp với nhân và lễ. Làm điều “nghĩa” là để thi hành đạo nhân và giữ gìn lễ tiết. Bởi vậy, “nghĩa” được coi là cái gốc của mọi sự việc, còn người quân tử thì bao giờ cũng phải lấy “nghĩa” làm cái cốt yếu, cơ sở cho mọi suy nghĩ và hành động.

An Hòa