Thiền Ngôn 52

Thiền là gì?



Trọng tâm của đạo Phật là không làm điều ác, giữ tâm luôn thanh tịnh và phát triển trí tuệ. Ngày nay mọi người đều cố gắng làm phước, nhưng ít người nghĩ đến và thật sự hiểu việc từ bỏ điều ác. Nếu tu tập đúng thì chúng ta phải từ bỏ điều ác trước rồi mới phát triển điều thiện. Nếu chúng ta không từ bỏ điều ác, thì chúng ta dùng tâm gì để làm điều thiện? Điều thiện sẽkhông thể ở lại vì không có chỗ cho nó. Trước hết chúng ta phải quét hết bụi bặm, rác rưởi. Sau đó chúng ta mới có thể đem vào những thứ sạch sẽ.
Thiền sư Ajahn Chah


Vẻ đẹp của cuộc sống không phải chỉ là lương thiện, mà là thấy ra cả hai mặt thiện ác của cõi trần gian. Lương thiện và an bình thôi chưa đủ, vì sự vận hành của pháp không phải chỉ có sinh mà cũng cần có khắc. Khi con thấy ra hai mặt của cuộc sống thì tâm con thanh tịnh, và khi thanh tịnh con thấy tất cả đều là vẻ đẹp kỳ diệu của cõi Ta-bà này.
Thiền sư Viên Minh


Thiền là chuyển động của tình yêu. Không phải yêu thương một người hay nhiều người. Giống như nước ai cũng có thể uống được từ bình chứa, dù bằng vàng hay bằng đất và không bao giờ cạn...
J. Krishnamurti


Nếu bạn sắp đặt để Thiền định thì không phải là Thiền. Nếu bạn sắp xếp để là người tốt thì lòng tốt sẽ không bao giờ bừng nở. Nếu bạn đào luyện tính khiêm cung thì cũng không có được khiêm cung. Thiền là ngọn gió thổi vào khi bạn để mặc cửa mở; nhưng nếu bạn cố ý để cửa mở, cố ý mời gọi thì Thiền sẽ không bao giờ xuất hiện...
J. Krishnamurti


Khi hành thiền, chúng ta không cố làm điều gì, không làm cho điều gì phải diễn ra, chỉ cố gắng chú ý tới những gì đang diễn ra như nó đang là. Đây là một điểm rất quan trọng: nhìn thật sâu sắc vào cuộc đời như nó đang là; chỉ nhìn thật sâu, mà không làm bất cứ điều gì với nó cả...
Thiền sư Sayadaw U. Jotika


Thiền rất đơn giản. Vấn đề là bạn có chấp nhận đơn giản hay không mà thôi, Thấy chỉ biết thấy, nghe chỉ biết nghe, ngửi chỉ biết ngửi, nếm chỉ biết nếm, xúc chạm chỉ biết xúc chạm, nghĩ chỉ biết nghĩ. Chỉ vậy thôi...
Thiền sư Sayadaw U. Jotika


Nhiều người phân vân khi thấy ngày nay có nhiều thầy và nhiều lối hành thiền khác nhau. Nhưng chẳng qua cũng giống như chuyện đi vào thành phố bằng nhiều lối khác nhau. Dầu đi lối nào, nhanh hay chậm rốt cuộc cũng đến thành phố. Thông thường các phương pháp hành thiền chỉ khác nhau bề ngoài. Nhưng có một điều cốt yếu là các phương pháp hành thiền đúng theo lời Phật dạy phải dẫn đến chấm dứt tham ái. Cuối cùng bạn phải vất bỏ mọi hệ thống, mọi phương pháp, và ngay cả vị thầy của mình. Phương pháp nào dẫn đến sự dứt bỏ, diệt trừ tham ái thì đó là phương pháp thực hành đúng đắn.
Thiền sư Ajahn Chah


Đừng quá đặt nặng phương diện đạo đức - thiện ác - mà quên rằng đó chỉ là những "chất liệu" để con giác ngộ. Dù cuộc đời diễn ra thế nào thì bạn vẫn lấy đó làm bài học để giác ngộ ra Sự Thật nơi tự thân và cuộc sống, chứ không phải để hoàn thiện theo một kiểu mẫu lý tưởng nào. Không có đạo đức hoàn hảo trong đời sống tương đối, chỉ khi trong đời sống tương đối mà giác ngộ ra cái tuyệt đối thì đạo đức mới thật sự hoàn hảo. Vì vậy, chỉ cần giác ngộ Sự Thật, không cần trở thành cái "ta" hoàn hảo.
Thiền sư Viên Minh


Tìm kiếm những điều mà ta cho là mình thực hành để thấy được nó, đó không phải là thiền chánh niệm. Thiền chánh niệm chỉ là hay biết về tất cả những gì đang đến với bạn.
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya


Khi nhắm mắt hành thiền, bạn có cảm tưởng rằng suy nghĩ tự nhiên đến rất nhiều. Song thực ra tâm mình lúc nào cũng suy nghĩ như vậy cả. Bạn chỉ không nhận ra được điều đó, bởi vì khi mở mắt bạn chú ý đến các đối tượng bên ngoài nhiều hơn là đến các suy nghĩ trong tâm.
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya


Nếu bạn cứ muốn đắc được tầng thiền định thì bạn không thể đạt được. Nói cách khác, bạn không thể đạt tới tầng thiền định nếu bạn đòi hỏi điều đó khi thiền tập. Tầng thiền định chỉ xảy ra theo tiến trình tự nhiên, đó là tiến trình nhân-quả chứ không phải theo ý muốn người thiền. Do vậy, bạn phải tạo ra nhiều nhân giúp nó khởi sinh kết quả. Một nhân chính đó là sự tĩnh tại của tâm, được duy trì trong một thời gian dài. Năng lượng chảy vào sự-biết, sự thuần-biết, và tâm sẽ đi sâu vào bên trong hoa sen và dần dần mở bung các cánh sen ra. Dần dần, từng bước từng bước, từng giai đoạn—nó xảy ra theo tiến trình dần dần chứ không theo kế hoạch thời gian của bạn, nó không xảy ra như ý bạn muốn; nó chỉ xảy ra theo tiến trình nhân-quả tự-nhiên của nó.
Thiền sư Ajahn Brahm


Trong tâm trí con người chúng ta tư tưởng lúc nào cũng khởi lên không ngừng, tựa như luồng nước trong giòng sông lúc nào cũng chẩy mãi không ngừng. Bị tư tưởng làm cho đắm chìm và mê hoặc cũng giống như múc nước ra rồi trữ lại ở đó. Nhưng chúng ta có tri giác, có khả năng quán sát thấy tư tưởng của mình thực sự là gì, cũng giống như nước có khả năng chẩy tự do và trôi đi qua tất cả. Bị đắm chìm và mê hoặc trong tư tưởng sẽ đưa đến phiền não.
Thiền sư Luangpor Teean


Trên phương diện thân tướng, chẳng có gì khác biệt giữa người giác ngộ và kẻ phàm phu. Nhưng về phương diện tâm linh, tư chất và phẩm chất của những kinh nghiệm, người giác ngộ vượt cao hơn hẳn một phàm phu bình thường.
Thiền sư Luangpor Teean


Hành thiền là cách sống tự nhiên với luật thiên nhiên. Chẳng hạn như khi ngồi thiền ta hay biết hết các đối tượng đang diễn ra lúc bấy giờ, đến rồi đi. Chỉ nhìn chúng một cách tự nhiên như người ngồi bên bờ sông nhìn nước sông trôi qua, mắt chỉ nhìn mà không dính mắc vào dòng nước đang thay đổi trong từng giây từng phút.
Thiền sư Kim Triệu


Qua việc chánh niệm và tỉnh giác thật sự, chân lý sẽ được hiển bày. Và sự hiển lộ chân lý này cũng chính là sự chứng đắc về tâm linh. Khi dâng hiến đời mình cho một lý tưởng thánh thiện vạ sống trọn vẹn trong đó, chúng ta tạo điều kiện cho chân lý hiển lộ mà nó còn gọi là trí tuệ - trí tuệ sâu sắc và thật sự - soi sáng vào bản chất của sự vật. Chân lý hiển lộ không thể diễn tả bằng lời. Ngôn ngữ không đủ khả năng diễn đạt kinh nghiệm chứng ngộ.
Thiền sư Ajahn Sumedho


Trong cuộc sống, bạn cần phải học cách không mong đợi bất cứ sự đền đáp nào đối với những điều mình đã làm cho người khác. Với chánh niệm cũng vậy, bạn cần phải học cách không mong đợi bất cứ kết quả hay kinh nghiệm tốt đẹp nào đến với mình.
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya


Đừng thực hành một cách quá nghiêm túc, hãy thực hành một cách bình lặng và trân trọng.
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya


Khi thiền phát triển bạn sẽ cảm thấy mình trở thành hiền dịu, mong manh – cũng như tiếng cười sẽ trở thành dễ dàng cho bạn, nước mắt cũng sẽ trở thành dễ dàng cho bạn. Nhưng những nước mắt này sẽ không là của buồn bã hay đau buồn. Những nước mắt này sẽ là của vui vẻ, phúc lạc; những nước mắt này sẽ là của lòng biết ơn, của sự cám ơn. Những nước mắt này sẽ nói điều mà lời không thể nói; những nước mắt này sẽ là lời nguyện của bạn. Và lần đầu tiên bạn sẽ biết rằng nước mắt không chỉ để diễn đạt nỗi đau của bạn, khổ của bạn, phiền não của bạn; đó là cách chúng ta đã dùng chúng. Nhưng chúng có mục đích còn lớn lao hơn nhiều để hoàn thành: chúng đẹp vô cùng khi chúng tới như cách diễn đạt niềm cực lạc.
Osho


Khi...Tâm được thoát ly khỏi sự tù túng, giam hãm của vật chất. Bạn chợt nhận ra bản chất chân thật của mình thực ra là một cái gì rất vô hình, rất bao la, không mang một hình tướng nào cả; Bạn chính là Hiện Hữu, là đời-sống-ở-khắp-mọi-nơi, là hiện Hữu trước khi Hiện Hữu khoác lên mình những chiếc áo của hình tướng, là Hiện Hữu trước khi bị đồng hóa với hình tướng. Bạn sẽ nhận ra rằng bản chất chân thực của bạn chính là cái Biết vô hình tướng, là khả năng nhận thức tất cả những gì đang xảy ra ở đây và cùng một lúc, ở khắp mọi nơi, chứ không phải là những gì mà bạn thường tự đồng nhất mình vào đó. Đó là niềm an bình của Thượng Đế. Là chân lý tối thượng về bản chất của bạn, vì bạn không phải là cái này hay cái kia, mà bạn chính là Tất-Cả-Những-Gì-Đang-hiện-Hữu.
Eckhart Tolle


Trong cuộc đời vô thường đừng cố gắng tìm kiếm sự vĩnh hằng (thường), cũng đừng nỗ lực tìm hiểu hiện tượng biến đổi diễn ra như thế nào, mà chỉ nên nhìn lại thái độ nội tâm khi đối diện với tất cả những biến đổi vô thường ấy. Thái độ đúng là pháp biến đổi như thế nào thì chỉ thấy là như vậy chứ không cho là, phải là, sẽ là. Mọi chuyện đến đi đều thấy là pháp tự nhiên vô ngã. Đó mới chính là chứng ngộ được thực tính vô thường.
Thiền sư Viên Minh


Cái sai lớn nhất của người tu hành là muốn nỗ lực để tạo ra cứu cánh hoặc muốn sở hữu cái mình cho là đúng, là tốt, là lý tưởng cao siêu nhất, không biết rằng tâm mình vốn thanh tịnh trong sáng mà cứ mải mê hướng ngoại tìm cầu. Đó là tu tập không đúng hướng, mà đã không đúng hướng thì phương tiện càng thiện xảo càng xa rời thực tại chân như.
Thiền sư Viên Minh


Có chánh kiến không phải nhờ vào niềm tin hay chấp nhận một giáo điều, mà là hiểu biết rõ ràng. Sự hiểu biết rõ ràng này nảy sinh từ cách phân tích sắc sảo thực tại. Chính nhờ thế mà dần dần, ta sẽ nghi ngờ niềm tin vào sự tồn tại tự có của các hiện tượng (trước đây, tri kiến sai lầm đã khiến ta đinh ninh như vậy) và nó sẽ được thay thế bằng một cách nhìn đúng đắn về vạn vật.
Đức Dalai Lama