Vườn thiền


      Vườn thiền là một loại hình nghệ thuật phổ biến ở Nhật . Các thiền sư Nhật đã mượn nghệ thuật nầy để tạo ra môi trường phù hợp cho việc tu học . Tại kinh đô Kyoto ( Nhật Bản) , ngôi chùa Ryuanji (Long An) nổi tiếng khu vườn cảnh . Khu vườn cảnh này chẳng có bông hoa ,cỏ cây, mà chỉ được thiết kế bằng mười mấy hòn đá và rất nhiều cát trắng . Mới nhìn vào, chẳng có gì nổi bật cả nhưng trải qua sự thiết kế linh xảo của thiền giả thì lại rất có sức hấp dẫn kỳ diệu tạo cho người tham quan một cảm giác thư thái , dễ chịu .
      Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng họ đã tìm ra điều bí mật đằng sau cảm giác thư thái đó: khu vườn hơn 5 thế kỷ đã gửi một thông điệp ẩn - một bức tranh “hình cây” - tới tiềm thức của chúng ta.
      Vườn là một khoảnh sân hình chữ nhật, kích thước 30 x 10 mét, bao ba mặt là những bức tường đất, mặt thứ tư là hè gỗ. Bên trong được rải một lớp sỏi trắng và 15 tảng đá lớn. 15 tảng đá này có kích cỡ khác nhau, được xếp thành 5 khối riêng biệt. Mỗi ngày, thảm sỏi lại được đảo đều, theo hình vòng tròn quanh mỗi khối đá và theo hàng ở những chỗ còn lại. Những khối đá được sắp xếp khéo đến nỗi, dù bạn quan sát từ góc độ nào cũng chỉ thấy được 14 tảng. Từ lâu, người ta vẫn tin rằng khi đến thăm vườn Thiền, tinh thần của bạn sẽ được khai sáng.


      Trong nhiều thế kỷ, nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích về khu vườn được UNESCO xếp vào hàng di sản thế giới này. Có giả thuyết cho rằng thảm sỏi trắng tượng trưng cho đại dương, và những hòn đá là các quần đảo của Nhật Bản. Giả thuyết khác lại nhìn thấy ở đó một gia đình nhà hổ, gồm một con mẹ và những con non, đang bơi qua một biển cát trắng… Tuy nhiên, vẫn chưa ai giải thích được sức hấp dẫn kỳ diệu của vườn Thiền. Nay, sử dụng những tính toán đối xứng, nhóm nghiên cứu của Gert Van Tonder, Đại học Kyoto, đã nhận ra hình một thân cây nằm trong những khoảng trống giữa những khối đá đó. Thân cây này cũng nằm thẳng hàng với một vị trí tốt nhất trong một ngôi đền cổ ở cạnh đó, để từ đây có thể nhìn ra vườn. Van Tonder nói: “Một cách vô thức, chúng ta đã tri giác thấy hình thân cây ẩn, và chính nó đã đem lại vẻ quyến rũ bí ẩn cho vườn Thiền”. Van Tonder cũng đã thử tính toán trong trường hợp những khối đá được xếp ở các vị trí ngẫu nhiên khác. Kết quả là ông không hề tạo được một hình cây tương tự. Điều đó chứng tỏ người xưa đã bố trí khu vườn này không phải theo một cách tình cờ. Và khu vườn, giống như nụ cười bí ẩn của Mona Lisa, hàng thế kỷ qua vẫn có sức quyến rũ với hàng triệu du khách.


      Khu vườn trang trí bằng các hòn đá nầy được Tây phương biết đến dưới tên gọi là Vườn thiền (Zen garden , tiếng Nhật gọi là Zen niwa)) do nhà văn nữ Hoa kỳ Loraine Kuck viết trong cuốn sách " 100 khu vườn của Kyoto" ( 100 Gardens of Kyoto ) .
      Các ngôi vườn Phật giáo thì đã có từ thế kỷ thứ 6, nhưng những nét đặc trưng về khung cảnh khô (dry landscape) của vườn thiền mãi đến thế kỷ 14 mới bắt đầu. Một số vườn Thiền chỉ bao gồm sự kết hợp của các khối đá. Tuy nhiên những điểm nổi bật của một mảnh vườn Thiền Nhật bản thường là khung cảnh khô tạo nên một sắc thái giống các tranh vẽ 3 chiều. Mảnh vườn không quá lớn, kích thước gần với một sân chơi nhỏ hơn là một khu vườn. Dùng các hiệu ứng tâm lý tạo cảm giác về không gian và khoảng cách như là việc thiết trí các cây bonsai nhỏ làm nền. Các non bộ (hay tảng đá) được đặt cẩn thận gợi cảm của núi non hùng vĩ. Cát được trải thành các dòng chảy nhỏ, tạo ra hình ảnh của nước. Cách bài trí không đối xứng và dùng cây cỏ sắp xếp giản dị và là loại cây dễ tìm. Phản ánh khung cảnh thiên nhiên.


      Nói chung , vườn thiền được thiết kế trên một diện tích nhỏ vài mét vuông với thảm sỏi trắng tinh , phiến đá lót đen tuyền , hai , ba tảng đá được lựa chọn kỹ ... Gam màu đặc biệt trầm. Ðá có ý nghĩa quan trọng trong vườn thiền (người Nhật tự tu dưỡng tinh thần bằng cách ngồi xem đá mọc). Vườn thiền được trang trí bằng những đường nét đơn giản hài hoà, tránh sơn màu loè loẹt , tôn trọng sự giản dị , thanh khiết.
      Phong cách thiết kế vườn thiền còn ảnh hưởng sâu sắc đến kiểu thiết kế vườn hoa Trung Quốc. Ðặc biệt ngày nay, người ta chú trọng vào việc làm đẹp vườn nhà, làm đẹp tâm hồn, vậy nên vườn thiền có thể cung cấp cho các nhà thiết kế trang trí một sự tham khảo quí báu.
      Triết lý của vườn thiền là một sự cố gắng nắm bắt tinh thần hay cốt tủy của thiên nhiên hơn là một sự bắt chước thiên nhiên. Do đó, các mảnh vườn này có thể rất trừu tượng. Với cõi lòng thư thái, bình thản nên khi bước chân vào những cảnh vườn như thế, ngồi yên lặng nơi cửa vườn, ngắm nhìn đá trắng như băng giá nhưng lại dịu dàng ấm áp, bất giác tâm hồn bay bổng trong cảnh trời biển bao la, hòa quyện trong thế giới sâu rộng huyền diệu của thiền. Từng hạt cát, viên sỏi hay từng tảng đá cũng làm dấy lên trong lòng người một sự tư duy về mối tương duyên trong cuộc sống hay sự ảo hoá của kiếp người...