Tre trúc rất quen thuộc ở vùng quê Việt Nam, được trồng sau nhà, ngoài ngõ, lối đi, vv… Tre thuộc nhóm thực vật thân gỗ, rễ chùm, bên trong rỗng, phân thành nhiều đốt, trên thân tre có các mấu mắt. Tre là vật liệu phổ thông nhất được sử dụng làm mọi vật dụng trong nhà, dụng cụ nhà nông…
Trúc thân nhỏ, lá nhỏ và thưa hơn tre, mọc thành các bụi rậm. Trúc có dáng đẹp, nhỏ nên được dùng làm cây cảnh. Trúc cũng được ứng dụng rất nhiều vào việc trang trí nội thất, ngoại thất.
Ngày nay, tre - trúc được thiết kế cho những khu vườn, hàng rào, làm tiểu cảnh cho không gian ngôi nhà thêm sinh động, tươi mát, hài hòa với thiên nhiên.

Vẽ đẹp tre trúc nổi bật ở thần thái - cái đẹp về tinh thần. Tre trúc thân cứng, nhưng bên trong lại rỗng, theo Thiền đó là hư tâm hay tâm vô sở hữu, trống rỗng, không thay đổi, không tạp loạn, không hư hoại. Tre trúc mềm mại thân thương, nghiêng mình kẽo kẹt reo vui theo chiều gió, mùa đông giá rét vẫn tươi cành, xanh lá. Vì thế, tre trúc được xếp vào bộ ba “ Tuế hàn tam hữu” (ba người bạn tri kỷ trong mùa đông giá rét) tức Tùng - Trúc - Mai, ba giống cây vẫn xanh tươi khi mùa đông tới, tượng trưng cho khí tiết thanh cao, lúc khó khăn gian khổ vẫn luôn bên cạnh nhau. Cốt cách của tre trúc cũng được người xưa miêu tả: “Đất nghèo vẫn sống thẳng ngay, Phì nhiêu vẫn dáng vóc gầy thanh tao”, cao mà không kiêu, thấp mà không hèn, trường xuân, vững vàng, chắc chắn, chịu được bão tố phong ba mà không hề lay chuyển. Trúc được ví như người quân tử, có sức sống mãnh liệt nhưng cũng rất bình dị, đặt ở đâu cũng sống và đã sống là xanh tốt quanh năm.

Từ cuộc sống, tre trúc đã đi vào hồn người Việt. Trong văn, thơ, nhạc, hoạ, trong truyền thuyết, truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ… tre trúc trở thành những hình tượng đẹp đẽ.
Ngõ trúc quanh co xanh non bóng lá, mọc thành một lối đi dài sâu hun hút, là ký ức thăm thẳm, là tuổi thơ dịu dàng. Ngõ trúc ấy luôn có tiếng chim lích chích trong vòm lá xanh um mỗi sáng và thoang thoảng mùi hương thơm mỗi chiều. Ngõ trúc ấy là nơi ẩn nấp cho những trò chơi trốn tìm của trẻ con và cũng là nơi tránh né làn roi thịnh nộ của ba mẹ. Ngõ trúc ấy là nơi nâng bước chân tuổi thơ vào đời với bao yêu thương, buồn vui, quên nhớ.
"Xuân qua ngõ trúc thầm thì,
Người qua ngõ trúc nhớ gì hay không…?"




Những lũy tre bao đời vẫn thầm lặng, khiêm nhường phủ xanh xóm làng. Mất bóng tre xanh thì hồn quê cũng mất, mất một vùng trời bình yên rộn rã tiếng chim. Vẫn còn đâu đây tiếng mẹ ru con bên chõng tre kẽo kẹt, mấy con trâu nằm nhơi cỏ dưới bóng tre xanh đầu ngõ. Làm sao quên được hình ảnh dứa trẻ vắt vẻo trên lưng trâu, tiếng sáo tre, sáo trúc bay bổng từng không, đàn cò đậu trên ngọn tre điểm màu trăng trắng... Ôi, thật êm ả và thanh bình xiết bao:
"Làng tôi có lũy tre xanh,
Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng.
Bên bờ vải, nhãn, hai hàng,
Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng."

Từ đôi đũa tre lùa cơm, gấp mấm trong bửa ăn đầm ấm bên bếp lửa nồng, từ cái kèo, cái cột vững vàng, từng thanh tre, sợi lạt, mỏng manh nhưng dẻo dai, chắc chắn buộc trên mái nhà, đến chiếc đòn gánh oằn vai mẹ, cong cong hai đầu, tre làm cán cuốc, cán cày cho cha vỡ đất, tre làm rá, rổ, nong, nia, làm chõng, làm phên, tre bắc giàn cho dây mướp, dây bầu, tre làm gậy chống đỡ tuổi già, tre bắc nhịp cầu đôi lứa... sao mà thương nhớ nghẹn ngào, khôn nguôi:
“Ngó lên nuộc lạt mái nhà.
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”




Thời gian qua con cái lớn lên xa dần vòng tay che chở của cha mẹ, xa lũy tre làng êm đềm, xa người quê chân lấm tay bùn, lòng người tha hương nương náu tìm lại chút hơi ấm quê hương lúc bước chân còn mông lung giữa xứ lạ, nghe tiếng gió hú thấy sao như tiếng thở dài của người lạc mất quê xưa và chợt thấy ngõ trúc mỗi ngày thắc thỏm, sâu hơn trong bước đi khấp khiễng của người dân quê. Làng quê bây giờ thưa dần bóng tre xanh. Những ngõ tre làng trên lối đi bùn đất với nỗi niềm đông cũ, rả rích mưa phùn, lùi dần vào thuở xa xưa. Người dân bây giờ quen dần với những công trình bê tông cốt sắt mọc lên san sát không còn chỗ cho tre trúc. Rồi đây, không xa nữa, con cháu chúng ta có lẽ không còn nhìn thấy hình ảnh lũy tre, khóm trúc ngày nào!

Lê Tấn Tài