Trăng thiền




Trăng biểu trưng cho sự bình an, tĩnh lặng. Trăng soi chiếu dẫn đường cho thế nhân trong đêm dài tối tăm mê ngủ... Hình ảnh vầng trăng mang đến sự thanh thoát hồn nhiên cho tâm hồn trẻ thơ, là nguồn cảm hứng vô tận cho tao nhân mặc khách, hàm chứa cái chân lý toàn vẹn ý nghĩa sống từ đó các thiền sư tìm hiểu quy luật vận hành của tự nhiên để đạt đến sự giác ngộ.

Thiền sư Bổn Tịnh dạy rằng:
"Thiên hiểu bất nhân chung cổ động
Nguyệt minh phi vị dạ hành nhân."
(Trời sáng đâu do chuông trống đổ,
Trăng trong đâu bởi khách đi đêm.)


Dân gian thường dựa vào thực tại “trời sáng”, “trăng trong”, kèm theo “chuông trống đổ”, “đi đêm” rồi liên kết hai sự kiện với nhau mà tưởng lầm rằng: vì có “tiếng chuông” nên "trời mới sáng", hay vì “khách đi đêm” nên “trăng phải trong”. Phải chăng, những ngộ nhận nầy tích tụ lâu dài, tạo thành tấm màn vô minh che khuất tri kiến con người? Giác ngộ là thức tỉnh, là biết mình ngu. Các thiền sư đắc đạo “Tâm cảnh nhứt như” nhìn trăng thì cho “trăng vẫn là trăng”, tuyệt đối không có khái niệm phân biệt.
Ni sư Vô Nhai Như Đại (Mugai Nyodai), thuộc tông Lâm Tế Nhật. theo học với thiền sư Bukko ở Engaku trong một thời gian dài mà vẫn không đạt kết quả. Vào buổi tối ngày rằm tháng thứ 8, mặt trăng tròn chiếu sáng. Bầu trời đêm không mây, Ni sư ra giếng xách nước bằng chiếc thùng cũ đan bằng nan tre thì những nan tre chợt đứt rời và đáy thùng rơi xuống, nước chảy ào xuống đất và ảnh của mặt trăng phản chiếu biến mất theo nước. Ngay lúc ấy, Ni sư đột nhiên giác ngộ và viết một bài kệ:
"Ta đã tìm mọi cách để giữ lại chiếc thùng cũ,
Vì những sợi nan tre đã yếu ớt và sắp đứt,
Cho đến cuối cùng rồi đáy thùng cũng rơi mất.
Không còn nước trong thùng!
Không còn trăng trong nước!"


Trăng bị giam hãm trong lòng người chật hẹp nay được giải thoát khỏi thùng nước ngục tù. Sợi dây ràng buộc đã đứt. Chiết niền tre mục rã. Trăng vượt thoát lên không gian, thời gian, sáng vời vợi trên đỉnh trời. Nhìn đâu cũng thấy trăng. Trăng đầu non. Trăng cuối bãi. Trăng trên biển cả bao la, lung linh sóng vàng.
Đôi mắt của chúng ta nhìn thấy sự vật bên ngoài tưởng là thực, nhưng chẳng qua là do tư tưởng chúng ta tạo ra. Dù cho cảm nhận đó được mọi người chấp nhận, nó cũng không thể tồn tại. “Cái này có thì cái kia có” hoặc “Cái này đã có nên sản sinh ra cái kia”. Bởi sự vật tồn tại đều do nhân duyên. Một vật thể chỉ có thể xuất hiện khi nó liên kết, cùng hiện hữu, cùng vận hành với một vật thể khác và cùng biến dịch liên tục. Thiền sư Đạo Nguyên (Dōgen) cảm tác: "Trăng không bao giờ ướt và nước không bao giờ tan vỡ." Ngộ được đạo lý này, các thiền giả sống cuộc đời ung dung, tự tại, không bận tâm đến được mất, có không!
Từ Đạo Hạnh có bài kệ:

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
(Hữu không)

Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không.
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì?
(Huyền Quang dịch)


Vũ trụ vận hành do duyên khởi và biến chuyển. Cái gì duyên khởi thì vô thường. Cái gì vô thường thì không thật. Cái gì không thật thì biến chuyển. Mọi sự vật trên thế gian đều liên hệ với nhau. Fraser Cain - chủ nhà xuất bản Universe Today - viết: "Vũ trụ hiện nay mà chúng ta đang sinh sống thực ra chỉ là một tiểu vũ trụ trong một quần thể đa vũ trụ rộng lớn". Triết lý Đông Phương nhìn nhận rằng cơ thể con người cũng là một tiều vũ trụ, là một bộ phận hữu cơ, đối xứng và đồng nhất với vũ trụ. Một hạt bụi là một tiểu vũ trụ trong vạn vật. Con người là hạt bụi trong trái đất. Trái đất là hạt bụi trong dãi ngân hà.

To see a World in a Grain of Sand
And a Heaven in a Wild Flower,
Hold Infinity in the palm of your hand
And Eternity in an hour.
(Auguries of Innocence - William Blake)

Để thấy Vũ trụ trong một Hạt cát
Và Bầu trời trong một Đóa hoa Rừng,
Hãy giữ Vô cùng trong lòng tay bạn
Và Thiên thu trong một khắc đồng hồ.


Trăng là duyên khởi của thiền sư, là duyên nợ của thi nhân. Lý Bạch thuở nhỏ thường ngắm trăng trên đỉnh núi Nga Mi. Ông xa nhà lúc còn trẻ, tháng năm thăng trầm, nỗi nhớ quê hương. Mỗi lần thấy trăng, ông lấy trăng sáng, lấy cả bóng mình làm bạn trò chuyện, say sưa ca hát, nhảy múa. Trăng nối miền không gian cách biệt, vấn vương vùng trời xưa cũ. U hoài dĩ vãng, hồn tha hương dõi bóng quê nhà. Trong một đêm rằm, trên đường về quê, khi thuyền đi trên sông Thái Thạch, huyện Đương Đồ, thi nhân uống say nhảy xuống ôm vầng trăng dưới nước mà chết. Mê cuồng? Ảo vọng? Đêm trăng mộng mị, trăng tàn trong giây phút thiên thu. Cái chết liêu trai, huyền thoại cứ lưu truyền mãi...

Sàng tiền minh nguyệt quang.
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Ðê đầu tư cố hương.
(Dạ tứ - Lý Bạch)

Ánh trăng rơi trước giường,
Ngỡ đất mù hơi sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
(Đêm trăng cảm hứng - Lê Minh Uyên dịch)


Trăng chan hòa sóng nước. Trăng bát ngát cánh đồng quê. Trên nền trăng ấy, cô gái tát những gàu nước đẫm vàng ánh trăng. Trăng đẹp. Không phải cái đẹp của cánh phượng khô ép trong trang vở, mà hoa phượng đang nở trên cây. Không phải cánh bướm đậu, mà là bướm đang bay. Không phải trăng chìm lắng mà là ánh trăng sóng sánh lung linh. Cảnh đẹp. Người đẹp. Ôi, trăng nước thơ mộng, hữu tình, đêm dậy giữa đất trời thiên nhiên. Tiếng lòng ngọt ngào, dào dạt ánh trăng. Ý thơ thêm chút ảo vị cho cuộc đời:
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
(Ca dao)


Như một sự tất yếu, trăng tự bao giờ đã là nguồn hứng cho thơ. Có bao giờ thi nhân khi nhìn trăng trên trời, sao đêm lấp lánh mà không cảm nhận cái bao la vô cùng vô tận của vũ trụ. Vàng úa đêm thu, xanh lạnh đêm đông, đọng lại trong vầng trăng tỏ.

La lune était sereine et jouait sur les flots.
La fenêtre enfin libre est ouverte à la brise,
La sultane regarde, et la mer qui se brise,
Là-bas, d'un flot d'argent brode les noirs îlots.
(Clair de lune - Victor Hugo)

Trăng tỏ dập dờn trên sóng bạc
Cửa sổ hé đón gió lùa qua
Hậu nhìn biển cả lung linh sóng
Toả ánh bạc viền đảo xám xa
(Sáng Trăng - Thứ Dân dịch)


Huyễn hoặc như Beaudelaire. Một đêm đang trôi qua... Trăng biến thành thiếu phụ xinh đẹp, người buồn khi phải ngủ quên, để một giọt nước mắt rơi làm nhà thơ bồi hồi.

Ce soir, la lune rêve avec plus de paresse;
Ainsi qu'une beauté, sur de nombreux coussins,
Qui d'une main distraite et légère caresse
Avant de s'endormir le contour de ses seins.
(Tristesses de la lune - Beaudelaire)

Đêm nay trăng mộng cũng lười
Để em dáng tuyệt, bùi ngùi gối chăn
Bàn tay nào chút ân cần
Mân mê vòng ngực cho nàng ngủ say
(Nỗi buồn của trăng - Minh Sơn Lê dịch)


Người buồn cảnh cũng buồn. Trăng xúc cảm tùy theo tâm cảnh. Đời loạn ly. Hai phương trời xa cách, nhớ người thân thương. Tiếng thơ quyện vang trong "Nguyệt Dạ", nhìn trăng lại mong ước ngày hội ngộ:

Kim dạ Phu Châu nguyệt,
Khuê trung chỉ độc khan.
Dao liên tiểu nhi nữ,
Vị giải ức Trường An.
Hương vụ vân hoàn thấp,
Thanh huy ngọc tý hàn.
Hà thì ỷ hư hoảng,
Song chiếu lệ ngân can?
(Đỗ Phủ)

Châu Phu này lúc trăng soi,
Buồng the đêm vắng riêng coi một mình.
Đoái thương thơ dại đầu xanh,
Tràng An chưa biết mang tình nhớ nhau.
Sương sa thơm ướt mái đầu,
Cánh tay ngọc trắng lạnh màu sáng trong.
Bao giờ tựa bức màn không,
Gương soi chung bóng lệ dòng dòng khô.
(Đêm trăng - Tản Đà dịch)


Tản Đà buồn thu hiu hắt, buồn đời thế gian. Hành nhân thất thểu. Kiếp sống nổi trôi dệt mộng thành thơ ngông nghênh, đòi lên Cung Nguyệt tâm sự với chị Hằng:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần giới em nay chán nữa rồi.
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.


Trăng. Trăng. Trăng sáng vằng vặc cả một dãy sông trên trời. Những ngày tháng cuối đời, Hàn Mặc Tử say sưa với ánh trăng huyền diệu. Trong cô quạnh, trong nỗi đau thể xác, trong cái chết gần kề, thế giới của thi nhân là thế giới ớn lạnh hồn:
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy,
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.
(Say Trăng)


Trăng Hàn Mặc Tử là thứ ánh sáng êm dịu, chập chờn, mông lung, ảo huyền. Vườn trăng là vườn mơ. “Bến sông trăng” là bến mộng. Thi nhân là khách lạ đi giữa nhiệm mầu, cao cả và vô biên.
Dòng nước chảy cũng biết buồn
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn hiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
(Đây thôn Vĩ Dạ)


Bóng trăng dõi soi trên đường thiên lý. Ánh trăng nhập hồn người luôn biến đổi. Cái gì đó hun hút sâu thẳm bên trong. Nguyễn Du nhìn trăng treo giữa trời như tấm gương tâm thức để người soi lại mình, đối diện với lòng mình:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dậm trường.


Ánh trăng của Izumi lại không lấp lánh vằng vặc, man mác một sắc màu sâu thẳm diệu kỳ. Con đường tối, thấp thoáng người đi, trăng trên cao. Đẹp tao nhã, dịu dàng. Cảm xúc bay bổng tuyệt vời.
Từ bóng tối tôi đi
Vào con đường tăm tối
nhưng đằng xa kia
trên triền núi
ánh trăng lên diệu kỳ
(Izumi Shikibu - Nhật Chiêu dịch)


"Có – Không" tựa như sóng trăng, bóng trúc. Thân người như cành trúc, trăng là trạng thái tỉnh thức của hành giả. Trăng không can dự vào trúc mà chính là tác nhân tạo ra một nhân duyên: bóng trúc quét lên thềm nhà. Cũng như vầng trăng in trong nước, bóng trúc quét thềm là một duyên hợp thành giữa trúc và trăng. Nếu nhìn mắt thường sẽ thấy bóng trúc “quét mà không gợn lên mảy bụi”, nhưng từ trạng thái tỉnh thức, sẽ biết rõ cái chuyển động “quét” thực ra chỉ là bóng của trúc hiện trên thềm nhà. Trăng vẫn có đấy, trúc vẫn có đấy. Trăng là Bản Tánh Chơn Như đang ẩn tàng trong đám mây mù, khi đến thời, mây tan thì trăng hiện. Thi nhân chạm trán giây phút thiên thu trong cái mong manh, cái gì mà ta không thể nắm bắt được.

Trăng nghìn thu vẫn đẹp
Vì không thuộc về ai,
Hồn khát khao chiếm hữu
Trăm năm nỗi đau dài.

.. Ta một đời ngây dại
Chạy đua với mặt trời.
Vừa thấy bờ hạnh phúc
Hoàng hôn phủ xuống đời.

Danh, lợi, tình mộng mị
Tợ đáy nước trăng ngà,
Lặn chìm trong mê hoặc
Nên ngàn đời xót xa.
(Ánh trăng tan - Thích Tánh Tuệ)


Mỗi hơi thở là mỗi hương sắc ngạt ngào. Nhẹ nhàng. Tĩnh lặng. Bóng tối bao phủ khu rừng nhưng trăng vẫn long lanh ánh bạc trên vòm cây, nhánh lá. Cám ơn trăng đã xúc động, “Ngàn xưa, tự ngàn xưa. Trăng vẫn chưa hề lặn”. Bóng trăng nào dọi soi một khoảng không gian xưa. Đó là một đồi dạ lan trong miền u tĩnh:

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gả từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say

Bóng trăng tịch mặc hiên nhà
Thành đàn nẩy hạt tỳ bà quyện hương
Gió thu từ độ tha phương
Về trên hốc gỗ bên đường lặng im
(Động Hoa Vàng - Phạm thiên Thư)


Ý tưởng vô thường của thiền rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Sống và chết chỉ là trăng trôi, thoáng ẩn, thoáng hiện, hợp rồi tan, tan rồi hợp, hiển thị sự tàn phai, đổi thay của sự vật như vốn dĩ nó phải là như thế. Đừng chạy theo hình tướng trăng trôi vô thường đó mà quên mất đổi thay chính là bản chất của nó. Biết là vô thường, để không bị dẫn dụ theo cái “tưởng” bên ngoài hiện tượng, bởi cái nhìn của Thiền là cái nhìn trực nhận, cái nhìn “như thị”.
Trong trăng có thiền. Trong thiền có trăng. Trăng thì tồn sinh siêu thoát. Thiền là trở về cái tâm hồn nhiên của trẻ thơ. Thiền thực chứng tự thân ngộ được bản thể sự vật, duyên nợ nhân sinh. Chỉ có thiền giả mới nhìn được trăng trong giọt sương khuya lung linh huyền ảo. Nhịp điệu tĩnh lặng đó khơi dậy sự bình an trong bản tính chân như.

Lê Tấn Tài
(Xuân Tân Sửu)