Tính Âm Nhạc trong Ca khúc Tống Biệt
của Hoằng Nhất Đại Sư


Thích Nữ Huệ Như


Ca khúc Tống Biệt



Có lẽ với giới tu sĩ, khi nói đến Âm nhạc tưởng chừng như là điều xa lạ, thế nhưng đối với người biết thưởng thức, am hiểu thì âm nhạc là nghệ thuật, một loại nghệ thuật biểu đạt âm thanh, biểu đạt lời lẽ của con người đối với con người, với bạn bè chí hữu, với tình yêu cuộc sống. Hơn nữa, âm nhạc còn là tiếng lòng muốn nói thay lời biệt ly hay sự đoàn viên. Do vậy, túp lều nhỏ ven đường, cùng con đường làng quen thuộc là nhân chứng cho sự “Tống Biệt” mà Đại sư Hoằng Nhất đã sáng tác khi tiễn bạn...
Tất cả mọi cuộc tiễn đưa điều không thể hẹn ngày tao ngộ, nhất là trong thời loạn lạc, mỗi sự tiễn đưa như là sự vĩnh biệt. Vì thế, Đại sư Hoằng Nhất không phải ngẫu nhiên mà viết lời ca từ xúc động lòng người đến thế. Có lẽ với Đại sư bạn hữu là tri âm! Tri âm trong cuộc đời không phải chỉ là sự hiện hữu mà là sự cảm nhận cái hay cái đẹp trên tinh thần nhân văn, tri âm tri kỷ không phải ai cũng có được, tri âm tri kỷ bắt nguồn từ câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ. Bá Nha là người đánh đàn tài giỏi. Tử Kỳ chỉ là người câu cá. Nhưng chỉ có Tử Kỳ mới thấu hiểu tài đánh đàn của Bá Nha. Khi Tử Kỳ chết, ba năm sau đó Bá Nha đã trở lại khúc sông xưa tìm lại bạn tri âm, biết người tri kỉ không còn, Bá Nha đã đập đàn và nói rằng trên đời này chẳng còn ai nghe được tiếng đàn của ông ta nữa.
Ngoài những tính nhân văn ấy, âm nhạc còn là một bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Âm nhạc không chỉ là một hình thức giải trí tiêu khiển, nó còn có thể chia sẻ với chúng ta rất nhiều điều, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, vơi đi những hờn giận vu vơ, đưa người về dĩ vãng, tìm lại tuổi thơ xưa, nghe lòng bồi hồi, xao xuyến với tình yêu quê mẹ, với nắng ấm quê cha, với những người đã sớm rời xa Tổ quốc mà chưa được một lần về lại chốn xưa, khát vọng ấy đã khiến con người dùng âm nhạc để biểu đạt thay cho sự khát khao đồng thời đã làm sống dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng tìm về chân lý… Ngay từ thời thượng cổ, âm nhạc đã được ra đời cùng với đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất. Kể từ đấy, âm nhạc đã không ngừng được phát triển và hoàn thiện cùng năm tháng. Quả thật, nó có sức ảnh hưởng lớn đến con người, đến sự hình thành và phát triển nhân cách nơi mỗi người. Tất cả các loại hình nghệ thuật khác đều phản ánh cuộc sống hiện thực. Còn nét đặc thù riêng của âm nhạc là phản ánh hiện thực cuộc sống một cách ước lệ và trừu tượng. Âm nhạc mô tả sự vật, hiện tượng và chuyển tải tư tưởng cuộc sống con người. Có người hỏi Đại sư Hoằng Nhất rằng: Ngài là một người xuất gia đầu Phật sao lại có những tình cảm sướt mướt như vậy? Nhưng điều đơn giản và dễ hiểu đó là Đại sư đã thể hiện rõ tính nhân văn trong cuộc sống của mình. Trước khi xuất gia, như trên đã nói, Đại sư là một vị tài hoa, yêu thơ mến nhạc, nhưng với một người văn nghệ sĩ, ít nhiều ý chí cũng thoát phàm, Đại sư đã sáng tác bài ca “Tống biệt” với một tâm hồn hoàn toàn xúc động trước cảnh sắc cổ kính của thiên nhiên, một phong cảnh hùng vĩ bao la, bạc ngàn đồi núi và ẩn tàng sâu trong những ngọn núi hùng vĩ kia là những mái chùa cổ kính, Đại sư mượn thiên nhiên để biểu đạt lòng người, vì cảnh sắc và âm thanh là một loại sức mạnh có nhiều sự cuốn hút, ở đâu con người cũng nghe thấy âm thanh. Âm thanh trong tự nhiên: tiếng gió thổi, tiếng lá cây xào xạc, tiếng gà gáy, tiếng chim hót. tiếng suối chảy, nước reo, tiềng tù và, tiếng gọi nhau í ới cúa những chú mục đồng lùa trâu trở về làng khi bóng hoàng hôn đã dần khuất … Đặc biệt với bài “Tống Biệt” Đại sư Hoằng Nhất mượn mái liều nhỏ ven đường, cùng con đường làng cổ kính bên thảm cỏ thơm xanh biết tận chân trời, dưới rặng núi Nhạn Đãng, hòa cùng cơn gió muộn màng thổi qua như nâng âm thanh vi vút của hàng dương liễu quyện với tiếng lòng của kẻ ở người đi:
“Trường đình ngoại, cổ đạo biên
Phương thảo bích liên thiên
Vãn phong phù liễu địch thanh tàn
Tịch dương sơn ngoại sơn
Thiên chi nhai, địa chi giác
Tri giao bán linh lạc
Nhất hộc trọc tửu tận dư hoan
Kim tiêu biệt mộng hàn.”
(“长亭外 古道边,
芳草碧连天,
晚风拂柳笛声残,
夕阳山外山,
天之涯 地之角,
知交半零落,
一斛浊酒尽余欢,
今宵别梦寒.”)
Đại sư diễn tả cảnh người ra đi khi bóng hoàng hôn dần dần lặn xuống sau rặng núi, nơi chân trời góc biển kia, mấy kẻ tri ân có nhớ mình. Một bình rượu đơn sơ của kẻ trần thế đêm nay sẽ biệt ly bao ước mộng mà không biết ngày tao ngộ. Cách hỏi như tự phản vấn, cũng là tự nhắc mình có nhớ tri âm chăng! Một cách hỏi vô cùng ý tứ và sâu sắc có lẽ Đại sư tự hỏi lòng mình chứ không phải hỏi người bạn sắp giã biệt! Xem ra, Ngài quả là vị tài hoa trong lĩnh vực thi, thơ , nhạc, họa. Một tâm hồn yêu cảnh mến người. Quả thật, với Đại sư âm nhạc như một sự gởi gắm tâm hồn. Đồng cảm với những tâm hồn yêu thơ mến nhạc, thế hệ sau Ngài như Trịnh Công Sơn, cũng mượn âm nhạc thay cho sự nhắn nhủ con người bằng hai chữ “vô thường” đang từng sát na canh cánh bên chúng ta. Nói thế không có nghĩa là chúng ta không quan tâm đến cảnh vật hay tình người vì cho sự vật là vô thường mà là tỏ rõ cội nguồn của vô thường, của từng sự vật, từng thời cuộc. Không chỉ thế, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương lại gởi tâm tư vào tác phẩm “Đêm Đông” như lời chia xẻ với những người tha phương, không có cơ hội trở về nơi chôn nhau cắt rốn. “đêm đông có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà”. Đứng ở góc độ thế gian nhìn nhận thì bài “Tống Biệt” có vẻ như phảng phất âm hưởng của một con người tài hoa lãng tử, một tình cảm luyến lưu có phần chấp thủ; nhưng đứng ở góc độ xuất thế thì lời lẽ của bài “Tống Biệt” hoàn toàn mang tính nhân văn, sâu đậm tình người, cái chân lý sâu mầu của sự giải thoát nó không ở cảnh giới cao siêu nào cả mà là ngay trong những lời lẽ bình dị của cuộc sống thường nhật. Nếu đại sư Hoằng Nhất mãi mang tâm hồn luyến lưu thì sao Đại sư có thể nói “một hủ rượu đơn sơ được làm từ sản phẩm của những người nông dân sẽ là nhân chứng cho việc tiễn đưa vĩnh viễn cái ảo giác mơ tưởng ngày tao ngộ hàn huyên”? Hơn nữa, một người tài trí và có căn duyên sâu dày với đạo Phật, ắt hẳn Đại sư không lạ gì cái lý “Vô thường”. Một sự vô thường trong gang tấc thì làm sao có chuyện mộng hàn huyên. Thế nhưng ca từ trong bài nhạc, nếu chúng ta tinh ý sẽ thấy ngay Đại sư muốn ám chỉ nỗi vô thường gang tấc trong cuộc thế không hẹn cùng người, biệt ly hôm nay biết là biệt ly, còn chuyện mai sau có hội tụ hay không là chuyện của ngày mai. Điều này thấy rõ cái quan trọng của âm nhạc là sự đánh giá thực tại trên quan điểm mỹ học, có nghĩa là đánh giá các sự vật, hiện tượng nhưng không phụ thuộc vào cách nhìn nhận thực tiễn, thực dụng về đối tượng ấy. Ví như khi ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc, chúng ta thích ngắm nhìn nó vì nó đẹp chứ hoàn toàn không có ý nghĩ là mặt trời sẽ cung cấp năng lượng cho chúng ta, mặt trời sẽ sưởi ấm cho ta… Cách đánh giá trên quan điểm mỹ học là một cách đánh giá “vô tư”. Cách nhìn nhận sự vật đưa Đại sư đến sáng tác âm nhạc là trên tinh thần mỹ học, hoàn toàn thoát khỏi sự vướng mắc của phàm tình. Nay nhắc đến Đại sư không phải chỉ nói riêng đến âm nhạc mà là âm nhạc không có nghĩa là vắng mặt đối với tầng lớp xuất gia. Điều này cho thấy, khi xưa đức Phật còn tại thế, các vị Thánh đệ tử cũng dùng âm nhạc để ca tụng công hạnh của Phật bằng hình thức dùng âm nhạc như một sự ca tụng, cụ thể trong Đại Chánh Tạng, các tác phẩm: “Âm nhạc văn học tín ngưỡng Di Lặc Tịnh độ”, “Âm nhạc văn học Thiền tông Đôn Hoàng” và “Âm nhạc văn học khái thuật Mật giáo Đôn Hoàng”… Trong số các loại được nêu ra trên, đặc biệt tác phẩm “Đôn Hoàng thi ca”, “Đôn Hoàng biến văn” là một loại văn thể có nói có xướng, được phổ cập trong tín ngưỡng Tịnh độ Phật giáo.
Ngày ngay, không ít các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực âm nhạc và họ đã vận dụng âm nhạc trong quá trình trị liệu đối với bệnh nhân và cho thấy hiệu quả vô cùng khả quan, cho nên y học cũng gọi là “Âm nhạc trị liệu”. Xem ra, Đại sư Hoằng Nhất cũng là một vị y sư, Đại sư không chỉ để lại cho đất nước Trung Hoa sự tự hào về một nhân vật văn, thi, từ, phú, một tay thư pháp có hạng về chữ Triện. Các tác phẩm của Đại sư nay được coi là món gia bảo quý hiếm. Sư thông thạo thư pháp thời Lục Triều, từng xuất dương qua Nhật học chuyên ngành mỹ thuật tại trường Thượng Dã, đồng thời nghiên cứu âm nhạc, sáng lập Xuân Liễu kịch xã, mở phong trào vận động tân kịch nghệ ở Trung Hoa. Sau đó Đại sư về nước, dạy tại Thiên Tân Công Nghiệp Học Ðường, rồi đến Thượng Hải làm chủ bút báo Thái Bình Dương, mượn thư, họa, văn tự để tuyên truyền chống Nhật. Trong thời gian này, Sư cũng dạy về hội họa, âm nhạc tại trường sư phạm Triết Giang. Qua những lần tiếp xúc với Tổ Ấn Quang, cơ duyên tiền kiếp đã nảy nầm hội ngộ, cùng sự ngưỡng mộ sâu xa phong thái của một vị Cao Tăng đức hạnh. Đã khiến Đại sư một con người hết sức nghệ sĩ, hào phóng, vứt bỏ tất cả những phù hoa, danh lợi thế tục, xuất gia đầu Phật vào năm 1918 tại chùa Linh Ẩn (Hàng Châu), được ban pháp danh là Diễn Âm, hiệu Hoằng Nhất và Đại sư phát nguyện trọn đời tinh nghiêm trì giới.
Xã hội ngày nay không ngừng phát triển, âm nhạc cũng đồng hành với con người để xoa dịu những khủng khoảng tinh thần sau những phút giây mỏi mệt vì công việc. Do vậy có thể nói tính âm nhạc trong ca khúc “Tống Biệt” thật sự có ích khi chúng liễu triệt được nội dung của ca từ, và có cái nhìn mỹ quan mang tính nhân văn đối với mọi sự vật hiện tượng; thì dù là tu sĩ hay nhạc sĩ đều có thể dùng âm nhạc đưa con người đến với chân thiện, giúp họ thoát khỏi sự trói buộc chấp trước đối với các pháp. Pháp thiện hay bất thiện đều do nhãn quan của con người mà sanh, bản chất thật của các pháp là thanh tịnh vô nhiễm, không hề bị nhốm màu đau khổ. Do vậy, ca khúc “Tống biệt” tùy theo góc độ nhận thức của mỗi con người mà nó trở thành bất hủ với thời gian, mang đậm tính nhân văn và giàu giá trị đạo đức. Với Đại sư Hoằng Nhất, những năm tháng rau dưa đạm bạc, cũng là thời gian Đại sư dốc toàn tâm lực nghiên tầm giáo lý sâu mầu của đạo Phật và Đại sư đã để lại cho hậu thế những tác phẩm kinh điển đồ sộ như: Di Ðà Nghĩa Sớ Hiệt Lục, Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Giới Tướng Biểu Ký, Thanh Lương Ca Tập, Hoa Nghiêm Liên Tập, Giới Bản Yết Ma Tùy Giảng Biệt Lục, Tứ Phần Hàm Chú Giới Bản Giảng Nghĩa, Nam Sơn Ðạo Tổ Lược Phổ v.v… Tất cả được xếp vào Hoằng Nhất Ðại Sư Pháp Tập. Không ngờ, ngoài những tác phẩm kinh điển lưu lại cho hậu học, Đại sư lưu lại một tác phẩm âm nhạc bất hủ đối với đất nước Trung Hoa, và đã được bảo tồn như là tác phẩm có giá trị vượt không gian và thời gian, với câu từ bất hủ trong lòng người Trung Hoa cho đến ngày nay. Nơi ngọn núi Nhạn Đãng, tỉnh Triết Giang, ai ai cũng nhớ đến ca khúc Tống biệt như sự hiện hữu của Đại sư Hoằng Nhất. một con người hoàn thiện trong mọi lĩnh vực đạo đời.