THƠ THIỀN

Lê Tấn Tài



Thơ Thiền biểu đạt toàn bộ tư tưởng thiền học, là kết quả của sự dung hợp giữa thiền và thơ. Phần lớn Thơ Thiền khô khan nghiêm khắc như kinh tụng, nên còn được gọi là Kệ, có nghĩa là ca ngợi, tụng tán, dùng để khai thông trí tuệ, khẳng định giáo lý, kinh nghiệm và truyền tâm pháp cho đệ tử. Các câu vấn đáp trong thơ đôi khi dưới dạng công án rất khó hiểu. Tuy nhiên cũng có nhiều bài thơ bay bổng sống động như bài sau đây của Thiền sư Ðạo Nguyên:

"Bãi sông sóng lặng
Trong cây gió yên
Thuyền ai ngủ bến
Trăng tròn nửa đêm
Trăng sáng vằng vặc"


Thơ Thiền xuất phát từ Trung Hoa và phát triển mạnh thời nhà Đường. Ở Việt Nam phát triển vào thời Lý Trần. Các nước khác như Ấn Ðộ, Triều Tiên, Nhật Bản đều không làm loại thơ nầy. Các học giả phương Tây hầu hểt cho thơ thiền là thơ Haiku của Nhật. Thật ra thơ Haiku Nhật có đặc điểm riêng của nó. Thơ Thiền có đặc điểm riêng. Về hình thức, thơ thường dùng các thể loại Ðường luật. Ở Việt Nam thơ chỉ viết bằng chữ Hán. Lời thơ mộc mạc, mô tả các biến cố trong cuộc đời, khai ngộ sự vô thường, trực tiếp chỉ dẫn người tu đạo tin vào chân lý huyền diệu thâm sâu của đạo Phật (như các công án), khai mở tâm ra khỏi thói quen cảm xúc thông thường. Ngày nay, không cứ các thiền sư mà bất kỳ ai cũng có thể làm thơ thiền với mọi thể loại và đề tài miễn nội dung thơ chứa đựng được tất cả triết lý sâu xa về thiền học.

Nguyện Cầu
"Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.
Lang thang từ độ luân hồi,
U minh nẻo trước xa xôi dặm về.
Trông ra bến hoặc, bờ mê
Nghìn thu lửa chớp, bốn bề một phương.
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ, dù sạch đừng vương gót này..."
(Vũ Hoàng Chương)


Thiền tông chủ trương "bất lập văn tự", vì ngôn ngữ văn tự không có giá trị tuyệt đối, không diễn tả được hết những khái niệm trừu tượng về tâm linh, phải từ bỏ nó thì mới ngộ đạo. Thiền sư Thần Tán đời Đường đã mượn việc con ong cứ đâm đầu vào giấy dán cửa sổ tìm cách bay ra ngoài để nói lên việc nầy.

"Bách niên toàn cố chỉ
Hà nhật xuất đầu thì?"
(Trăm năm dùi giấy cũ
Ngày nào mới ló đầu?)

Ngôn ngữ thiền, không phải ngôn ngữ của học giả hay của người đời. Tiếng hét của thiền sư Lâm Tế, Bách Trượng thiền sư dùng gậy gõ vào cối xay, sự im lặng của Bồ Đề Đạt Ma sư tổ hay một đóa sen Đức Phật đưa lên ở hội Linh Sơn...đều là là ngôn ngữ của Thiền dùng để khai ngộ chân tâm cho môn đệ. Đây là những phương tiện để đập vỡ vỏ bọc mê ngộ của người đời. Ngôn ngữ thiền là tín hiệu giữa người truyền và người nhận, nếu không cùng tần số thì không thể bắt được. Ai cũng biết câu tụng của kinh Kim Cang “Ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm” (đừng trụ vào đâu cả để mà sanh cái tâm), nhưng chỉ một mình Huệ Năng chứng ngộ.

Ngôn ngữ thi ca thể hiện một cách chân thật, nói lên thực cảnh cuộc đời và thực trạng tâm hồn, bàng bạc giữa đời khổ lụy, êm đềm như lời ru con, nhưng chỉ những người đồng cảm mới thấu hiểu nhau. Đó là sự giao cảm tâm hồn giữa người làm thơ và người đọc thơ. Thơ dùng ngôn từ để biểu hiện rung cảm nội tâm và ngoại giới, những trăn trở của thân phận con người.

Thơ và Thiền gặp nhau ở cách thể nghiệm do cùng cảm ứng nhân sinh và vũ trụ. Tuy không cùng mục đích, nhưng cả hai gặp nhau trên con đường sanh tử, cảm nhận tính vô thường của sự vật, muốn níu lấy vĩnh cữu, nhưng không bao giờ thực hiện được. Bởi thế, thơ Thiền nhìn những gì hiện hữu trong ta và xung quanh ta là nhiệm mầu. Thi nhân nhìn lá vàng rơi, vầng mây bồng bềnh trôi, thổn thức vì cuộc đời phiêu bạt, ngắn ngủi. Thiền sư cũng thấy vậy, nhưng cho rằng con người vẫn còn nhịp thở, thì cuộc đời vẫn còn an bình. Cái nhìn của Thiền sư và Thi nhân về ngoại vật đôi khi tương tự, nhưng họ chỉ gặp nhau một điểm rồi lại rẽ hai dòng, trong thơ phong trần còn có nhiều trắc trở, trong thiền đời chao đảo vẫn dũng mãnh an nhiên tự tại.
Ai cũng từng ngắm trăng, nhưng trăng của Nguyễn Du ẩn chứa một nỗi buồn hắt hiu:
"Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường"

Và trăng của Phạm Thiên Thư chỉ là sự tĩnh lặng, đánh một giấc ngủ dài thanh thản, bình yên:
"Ta về rủ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan"


Vậy đó, thơ thiền thấy tất cả đều hiện hữu trong trùng trùng duyên khởi, dùng ngôn ngữ thiền để chuyển tải tư tưởng nhập cuộc vào đời sống trần tục (hòa quang đồng trần) và vui với đời (cư trần lạc đạo).

"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối kính vô tâm mạc vấn thiền."
(Trần Nhân Tông)


Dịch:
"Cõi trần vui đạo, hãy tuỳ duyên,
Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên.
Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm,
Vô tâm trước cảnh, hỏi gì Thiền."
(Huệ Chi)


Trong bài kệ Hữu Không, thiền sư Từ Đạo Hạnh giải bày chân lý: "Có thì đến cái nhỏ nhất (hạt bụi) cũng có, mà không thì đến cái lớn nhất (tất thảy) đều là không." Dùng ẩn dụ trăng đáy nước, vừa thực vừa ảo để nói lên sự tương đối của vạn vật và khuyên người đời đừng vướng mắc vào "Có và Không"

"Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không."


Dịch:
“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian nầy cũng không
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông
Ai hay không có, có không là gì?”
(Huyền Quang)


Lúc sắp qui tịch thiền sư Vạn Hạnh giải thích rõ hơn về bản chất sự tồn tại của bản thân "không lấy chỗ trụ mà trụ", "chẳng lấy chỗ vô trụ mà trụ". Đời người có sinh có tử, cái thân đang có rồi tất yếu sẽ đến ngày trở về không, về với cõi tây phương cực lạc, không có gì phải sợ hãi. Thiền sư bảo các đệ tử :

Thị đệ tử
"Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô."


Dịch:
"Thân như bóng chớp, có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông."
(Ngô Tất Tố)


Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài thơ An Định Thời Tiết, khuyên chúng ta cần phải tỉnh thức để sống Đạo. Chuyện sống chết, từ đâu tới, đi về đâu, đó là nhân duyên, như mây cao bao giờ cũng bay ngang đầu núi, như sóng sẽ đến thong dong ngoài biển xa, mùa xuân hoa vẫn nở, bình minh đến thì người lại tỉnh giấc…Vạn vật cứ thế mà vận hành, chớ hỏi quanh.

An định thời tiết
"Sinh tử do lai bãi vấn trình,
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành.
Sơn vân dã hữu xuất sơn thế,
Giản thuỷ chung vô đầu giản thanh.
Tuế tuế hoa tuỳ tam nguyệt tiếu,
Triêu triêu kê hướng ngũ canh minh.
A thuỳ hội đắc nương sinh diện,
Thuỷ tín nhân thiên tổng giả danh."


Dịch:
"Tử sinh đừng hỏi, kẻo phí lời.
Thời tiết, nhân duyên vốn tại trời.
Mây núi nào không bay cạnh núi,
Sóng nào chẳng ở chốn xa khơi.
Hoa nở tháng Ba, luôn vẫn vậy.
Gà gáy canh năm đánh thức người
Cái đạo, cái tâm ai thấu hiểu,
Mới biết phù du sống ở đời."
(Vô Danh)


Xuân đi hoa rụng. Xuân đến hoa nở. Theo thời tiết hoa rụng nở, theo thời gian sự đời thạnh suy. Thời gian trôi chảy, mọi vật đổi dời, sinh diệt. Đừng bảo xuân tàn hoa cũng tàn. Không, đêm qua trước sân một cành mai lại nở hoa. Đây là bài thơ ẩn ngữ dưới hình thức văn chương mà thiền sư Mãn Giác đọc cho đệ tử trước khi ngồi kiết già thị tịch. Bài thơ dùng trực giác tạo nên một biểu tượng, bắt đầu từ chỗ miêu tả một thực tại, một hình ảnh đơn giản, sinh động đến chỗ dùng cái tình trực chỉ chân tâm nhằm vượt ra khỏi sự tuần hoàn của thiên nhiên để hội nhập vào cái trường tồn của vũ trụ.

Cáo tật thị chúng
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu chủng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai."


Dịch:
"Xuân ruỗi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai."
(Ngô Tất Tố)


Tóm lại, Thơ Thiền là những lời gửi gấm của các thiền sư về sự biến đổi của vô thường, là nỗi lòng của các thi nhân về kiếp nhân sinh, với mong muốn giúp thế nhân thoát khỏi những giáo điều khô khan, cứng nhắc để nhập thế với tinh thần khai phóng, cởi mở, vừa siêu thoát lại vừa gần gũi…