THƠ HAIKU

Lê Tấn Tài



Haiku tiếng Nhật âm theo lối chữ Kanji (Hán Nhật) là bài cú, có nghĩa là câu nói để trình bày. Chữ "hai" nghĩa là "bài", trong tiếng Hán Việt có nghĩa "phường tuồng", chữ "ku" là "cú" hay "câu". Haiku là loại thơ độc đáo, rất thịnh hành của Nhật Bản và là loại thơ ngắn nhất trên thế giới, xuất hiện vào thế kỷ 17, phát triễn vào thời đại Edo từ năm 1603 đến năm 1868.

Thể thơ haiku có 3 câu 5+7+5, tổng cộng 17 âm. Tiếng Nhật đa âm, nên mỗi câu chỉ có vài ba chữ. Tiếng Việt đơn âm, nên mỗi chữ là một âm.
Bài thơ tiêu biểu sau đây của Kobashi Issa có cú pháp 5 + 7 + 5 âm tiết:
Ha-ru-sa-me ya (5 âm)
ne-ko ni o-do-ri wo (7 âm)
o-shi-e-ru ko (5 âm)

Dịch:
"Mưa mùa xuân reo
một em gái nhỏ
dạy con mèo múa theo"


Luật thơ haiku cổ điển bắt buộc phải có kigo (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa nhưng không nhất thiết nêu hẳn ra tên mùa, chỉ dùng các hình ảnh hoa lá, cây cỏ, động vật... liên quan đến mùa. Mùa xuân dùng chữ “ tuyết tan,” “hoa mận nở, hoa đào nở,” hoặc “ngỗng trời quay về.” Mùa thu tả cảnh “đêm thanh, trời vằng vặc đầy sao,” “bóng nai thoáng qua rừng,” “gặt lúa.” Mùa hè có “muỗi,” “ tiếng ve ra rả.” Mùa đông “tuyết rơi,” "tiếng củi, than nổ tí tách trong lò sưởi.” Và hình như các tác giả haiku người Nhật không bao giờ nói đến lũ lụt, động đất, bệnh tật...

Haiku chỉ mô tả việc xảy ra trước mắt, không diễn tả tâm trạng, để người đọc tự cảm xúc... Sự việc có thể liên kết hai ý nghĩ, hai ý tưởng khác nhau, hay đối nghịch nhau. Thông thường, bài thơ đưa ra hai hình ảnh: một hình ảnh trừu tượng sống động, một hình ảnh cụ thể xác định thời gian và không gian, hoặc một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường). Ví dụ:

Ôi những hạt sương (vật hiện tại)
trân châu từng hạt (ý nghĩ thứ 1)
hiện hình cố hương (ý nghĩ thứ 2)
(Issa)

Trăng soi (hình ảnh trừu tượng)
một bầy ốc nhỏ (hình ảnh cụ thể)
khóc than đáy nồi (nơi chốn cụ thể)
(Issa)

Trần gian một cõi sa mù (không gian)
hát lời sương lạc
sinh phù kiếp ve (thời gian)
(Issa)

Đôi khi
trên mặt hồ mờ sương (hình ảnh lớn)
nổi lên một cánh buồm (hình ảnh nhỏ)
(Gakoku)

Một hạt châu nhẹ sương bồng (có)
tay vừa chạm giọt về không (không)
Phật Đà
(Issa)

Ngày nay luật thơ haiku thoáng hơn nhiều, không gò bó số chữ trong mỗi câu (tổng cộng trên dưới 17 âm hay chữ), không nhất thiết phải chấm, phết hoặc chấm phết tuỳ tiện (không cần phải ở cuối câu), không cần đặt tựa, không bắt buộc phải có từ của mùa. Chỉ giữ lại hình thức 3 câu, và được đưa vào những từ ngữ trau chuốt, những ẩn dụ gợi hình, gợi cảm...
Do đó khi thơ haiku du nhập vào Việt Nam, số lượng âm tiết linh hoạt hơn nhiều, không giữ nguyên 5 + 7 + 5 nữa. Gần đây, một số nhà thơ cải biến thơ lục bát thành thơ haiku bằng cách ngắt câu trong lục bát thành thể thơ 6+4+4 hoặc 6+2+6 hoặc 2+4+8 hoặc 3+3+8... Haiku không vần, cấu trúc lỏng lẻo, nhưng vần điệu nếu được thêm vào câu thơ thì êm tai, thi vị, hấp dẫn hơn, khiến thơ haiku Nhật có đặc điểm thơ lục bát Việt.

Ví dụ: bài Xuân Muộn của Yosa Buson:
"Cây đàn chỉu nặng trên tay (6)
bỏ quên bụi phủ (4)
muộn ngày chiều xuân" (4)

Hoặc bài Vàng Phai của Miura Chora:
"Vàng phai (2)
cùng với ngàn xanh (4)
nghe ngày tháng cũ theo quanh nẻo về" (8)

Hoặc bài Lặng Yên của Basho:
"Lặng yên qua mấy từng không (6)
lời ve (2)
gõ thấu vào lòng đá xanh." (6)

Hoặc bài Sương Mù của Issa:
"Sương mù khơi (3)
bạn đồng hành…(3)
bóng đổ xuống ập chớp nhanh sương mờ" (8)

Haiku như một bài kệ, chữ nghĩa được giản lược tối đa, không dư, không thiếu để người đọc tự tìm hiểu, tưởng tượng. Nắm bắt thực tại ngay trong giây phút nẩy mầm. "Gom góp tất cả lời nói để hoàn thành một câu, vò cả đại thiên thế giới thành một hạt bụi".
Bài thơ "Con ếch" nổi tiếng của Matsuo Basho chỉ vài chữ: một ao nước, một con ếch nhảy, một tiếng nước khua động, cũng diễn tả đầy đủ cảnh vật, không dông dài..."Ao xưa” hiện hữu tự nghìn xưa và nó cũng có mặt ngay trong thời khắc hiện tại. Một con ếch nhảy làm chúng ta tỉnh thức. Haiku có thể nói là một loại thơ thiền, một cái nhìn sự vật đơn giản. Ðây là một công án, một tiếng chuông làm tỉnh thức ngộ tính con người.

古池や (fu-ru-i-ke ya)
蛙飛込む (ka-wa-zu to-bi-ko-mu)
水の音 (mi-zu no o-to)

Dịch:
"Ao xưa
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao."


Thơ haiku không chịu ảnh hưởng thơ Trung Hoa hay Tây Phương, dung hợp giữa Phật và Lão, giữa ngoại giới thiên nhiên và nội tâm con người, diễn giải cái hữu hạn và vô hạn, cụ thể và trừu tượng, có và không... Sự cảm nhận về cái đẹp thể hiện rõ nét qua các thi phẩm của bốn bực thầy trong thơ haiku Nhật Bản.

- Basho là ngôi sao sáng trong thi đàn haiku được nhiều người ngưỡng mộ và yêu thích. Các bài thơ của Ông đánh dấu một bước phát triển mới trong thơ haiku.

Trên cành khô
chim quạ đậu
chiều tàn mùa thu

Tiếng chuông đã dứt
cảm thấy mùi hương hoa
chắc hẳn hoàng hôn

Tóc mẹ còn đây
tan trong lệ nóng
sương mùa thu bay

Nụ non lá giú lên mầm
thác reo
nghe thoảng xa gần đâu đây

Năm tháng trôi tuế nguyệt bào
hoa phôi pha
tụ cội đào luân sinh

- Buson, một họa sĩ tài ba, mang đến haiku màu sắc lãng mạn mà trong thơ Basho hãy còn thiếu.

Băng qua vũng nông
bàn chân cô gái
vẩn bùn lên nước xuân trong

Đàn nhạn đi rồi
cánh đồng trước cửa
dường như xa xôi

Đồng cải nở hoa vàng
phương tây mặt trời lặn
phương đông vầng trăng lên

Trên chuông cổ
chú bươm bướm nhỏ
đang ngủ say sưa

- Issa viết trên 20.000 bài thơ haiku, mang những vần thơ đến với mọi người một cách chân thật, tự nhiên.

Nào biết đâu là
hoa rơi có Pháp
có Phật trong hoa.

Này chú dế
hãy làm người gác mộ
sau khi ta lìa đời

Mưa xuân
lá thư vứt bỏ
gió cuốn vô rừng

Mưa còn đang rơi
trong vườn cánh bướm
niềm vui tuyệt trần

Tóc mẹ còn đây
tan trong lệ nóng
sương mù thu bay

Trần gian
một cõi mù sương
ừ thôi là vậy… thế nhưng có là

- Shiki cổ súy luật tự do cho thơ haiku, vì bước vào thời kỳ hiện đại, cấu trúc truyền thống 5 -7- 5 của haiku bị lung lay phá vỡ, cách tân không chỉ về mặt hình thức cấu trúc thơ mà còn cả về nội dung, và hầu như thơ haiku tân thời đều được khởi nguồn từ Shiki.

Chim yến thoát rồi
một ngày xuân đẹp
đến giờ tàn thôi

Hực nồng lữa hạ bừng lên
lòng quay quắt nóng
nghe rền sấm vang

Trong vườn cánh bướm
đứa bé bò theo, bướm bay…
em bò theo bướm, nó bay…

Một ao nước cũ lặng lờ
nổi trôi thân ngửa
vật vờ xác ve

Thơ Đường của Trung Hoa, thơ Sonnet của Âu Châu và thơ Haiku của Nhật Bản khi du nhập vào Việt Nam đều được Việt hóa. Tuy nhiên thơ haiku chưa thực sự phổ thông trong quần chúng, dù vậy cũng đã có nhiều sáng tác độc đáo, hình thức vẫn 3 câu nhưng cấu trúc phóng khoáng hơn.

Đêm hè vắng
Cậu bé chân trần chơi cùng đom đóm
Ánh sáng nở đầy tay.
(Trần Nguyên Thạch)

Con cá thở
Bọt bong bóng vỡ
Mưa phùn
(Nguyễn Thế Thọ)

Có tiếng nói cười
Trên chiếc ghế trống
Ngày xưa em ngồi
(Thiên Bảo)

Xó chợ
Chiếc lon trống
Hạt mưa mồ côi
(Nguyễn Thánh Ngã)

Quả mướp dài
Con ong vụt đến
Đâu người tình xưa?
(Tôn Thất Thọ)

Tiễn chân người
Không lời từ biệt
Thì thầm mưa rơi
(Trần Minh Trí)

Sa mạc khô khan
Bước lạc đà
Tiếng gọi cô đơn
(Trần Tuấn Kiệt)

Thời gian
Mắt thuyền không khép
Bến sông xưa ngược chèo
(Văn Luân)

Trên cành cây chim hót
Trơ trụi chùm gai không còn lá
Trời cao đầy lửa đỏ
(Lê Minh Uyên)

Haiku được giới thiệu lần đầu sang phương Tây từ bài viết "Thơ ca Nhật Bản" năm 1910 của H. Chamberlain. Tây Phương ca ngợi haiku là soul poetry, spirit poetry (thơ tâm hồn). Và phong trào sáng tác thơ haiku ngày càng phổ biến. Dù vẫn tuân thủ hình thức thơ haiku nhưng các nhà thơ đã đưa vào haiku những suy ngẫm, cảm xúc theo thời hiện tại.

Anita Vỉgil (Hoa Kỳ)
Đang giữ anh
bên trong em nồng ấm
tiếng chim sẻ vang lừng

Jean Antonini (Pháp)
Lá chết
trong ánh sáng mùa thu
lặng lẻ

Humberto Del Maestro (Ba Tây)
Trăng mỏi mệt
ngủ một chốc
trong lòng sông

María Pilar Alberdi (Tây Ban Nha)
Dưới lòng đất
vươn lên một cánh huệ
tạo chiếc bóng

Zoi Savina (Hi Lạp)
Tôi sẽ là nước
trôi khắp nơi
vào tận môi em

Alexey Andreyev (Nga)
Những giọt nước mưa
trên mắt kính
mùa xuân không xa

Georges Hartmann (Ðức)
Môi đỏ thắm
váy ngắn củn cởn
đấy là mùa xuân

Krzysztof Karwowski (Ba Lan)
Ðêm. Hai cây
hai người
thì thầm?

Ertore José Palmero (Á Căn Ðình)
Từ ngọn đồi
nhìn ra biển cả, xóm thôn
và vầng trăng mới lên

Janice M. Bostok (Úc)
Một giọt nước
đọng trong tách trà
ánh sáng mùa đông

Ernst Ferstl (Áo)
Cỏ thở luồng khí mới
đêm cạn giòng nước mắt
trên đôi má của mây

Cyril Childs (Tân Tây Lan)
Sau ngày nghỉ
hột cát
trong túi tôi

Harsangeet Kaur Bhullar (Tân Gia Ba)
Hồ sao sáng
ánh trăng phản chiếu
lay động cùng em

Mirjana Bozin (Nam Tư)
Ngửng đầu
hái một trái táo
chợt thấy vầng trăng