THI VỊ HÓA KINH PHẬT

NHÀ THƠ PHẠM THIÊN THƯ



Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục trong lời giới thiệu :
Trong kinh Phật còn viện dẫn "Chiến thắng ngàn quân không bằng tự chiến thắng mình. Đó là chiến công oanh liệt nhất." Ông Phạm Thiên Thư như một đạo sĩ xuống núi từ Chùa Pháp Hoa và ông như người rao giảng hiền hòa về những Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ... nhất là ông đã thi hóa Kinh Kim Cương Bát-Nhã, quả là một hành động phi thường.
Mầu nhiệm thay Kim Cương!
Lạ lùng thay Kim Cương...

...Ước gì lòng tôi biến thành Kim Cương để phá tan biên giới Ta với phi Ta, để liễu ngộ sinh tử, để hết trụ vào Ta, cho cái tâm giải thoát.
Phải chăng đấy là cái tâm "Ưng vô sở trụ mà Sinh" nó đã dẫn dắt Huệ Năng về Tào Khê, nó đa làm sao cho Thái Tông khoát nhiên tự ngộ vai trò lãnh đạo nhân dân "dĩ thiên hạ tâm vi tâm- dĩ thiên hạ dục vi dục". Vào sinh ra tử suốt cả một đời ngõ hầu thực hiện cái nghĩa vô tâm:
"Lưu thủy hạ sơn phi hữu ý
Bạch vân xuất tụ bản vô tâm"


Nhà Văn Võ Phiến nhận xét về Phạm Thiên Thư :
Thử tưởng tượng: Nếu Phạm Thiên Thư sớm tối miệt mài kinh kệ, một bước không ra khỏi cổng chùa, không biết tới chuyện hẹn hò, không hề lẽo đẽo đưa em này đi rước em nọ... thì nền thi ca của chúng ta thiệt thòi biết bao. Lại thử tưởng tượng Phạm Thiên Thư quanh năm suốt tháng chỉ những em nầy em nọ dập dìu, nhớ thương ra rít, mà không màng tới Kinh Hiền Kinh Ngọc, không biết chuông mõ gì ráo, thì trong kho tàng thi ca tình ái của ta cũng mất hẳn đi một sắc thái đặc biệt đi chứ...

Nhà Thơ Thái Tú Hạp viết trong "Lên Non t́m động hoa vàng":
Tam Đảo Hạnh Phu (Yukio Mishima) một trong những nhà văn nổi tiếng của Nhật, ông có viết một truyện ngắn với nhan đề "Chuyện Tình Của Nhà Sư Chùa Shiga" ông đã diễn tả cái nghịch lý ghê gớm xảy ra trong nội tâm của một thiền sư giữa tình yêu và đạo lý... Cuối cùng "Thiền sư đã quyết định từ bỏ tất cả để ra đi. Lòng Thiền sư thật bình thản, trống không. Cái trống không thật viên mãn vì ông đã chiêm nghiệm được ở cái hố thẳm vô cùng tận đó chỉ là Sắc, Không..."
Cái điều ỡm ờ nửa Đời nửa Đạo thật khác thường của Phạm Thiên Thư đã làm cho thế gian ngẩn ngơ, hoài nghi cái chân lý ông đang đeo đuổi. Một ông sư đã biết yêu và biểu lộ tình yêu một cách quá quắt khác thường, lãng mạn còn hơn những chàng trai bình thường mới biết yêu:

...Em tan trường về
Anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề
Mai vào lớp học
Anh còn ngẩn ngơ...
...Môi em mỉm cười
Mang mang sầu đời, tình ơi!
...Ôi! Con đường về
Bông hoa còn đẹp
Lòng sao thấm mệt
Ngắt vội hoa này
Nhớ người thuở xưa...
(Ngày Xưa Hoàng Thị)

...Em làm trang tôn kinh
Anh làm nhà sư buồn
Đêm đêm buồn tụng đọc
Lòng chợt nhớ vương vương
Đợi nhau từ mấy thuở
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương...

(Pháp Thân)

Mặc dù đang ở vào thời đại cuối thế kỷ 20 nhưng tình yêu đối với nhà sư Phạm Thiên Thư vẫn còn những cảm xúc thánh thiện, khép kín một chút bẽn lẽn khi hai người yêu nhau không dám gần nhau trong bàn tay nắm, vì sợ tình yêu sẽ tan biến đi như sương khói:
...Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuối vở
Muôn thuở còn vương...

Ở cái thế giới thi ca Phạm Thiên Thư chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về Tôn giáo Tình yêu và Thiên nhiên, mặc dù ông chỉ mới xuất hiện một thời gian ngắn ngủi trước khi trang sử Văn học miền Nam xếp lại.

Hà Thi trong “ Phạm Thiên Thư, người thi hóa kinh Phật” đã viết:
Nhà thơ họ Phạm này tuy xuất hiện khá muộn (1968), nhưng cũng đã đóng góp vào văn học khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là những thi phẩm ở dạng khá độc đáo: thơ Đạo! Một trong những tác phẩm ấy của Phạm Thiên Thư đã được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc (miền Nam VN) vào năm 1973 (tác phẩm Đoạn Trường Vô Thanh)). Một số thơ của ông được phổ thành ca khúc đã mang lại một số đông công chúng yêu thích thơ ông: “Em lễ chùa này”, "Ngày Xưa Hoàng Thị", "Động Hoa Vàng", “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu”...

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng, ngủ say...
Ừ, thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu, nước xuôi...
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông... ...
Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan...


Thơ Phạm Thiên Thư cứ vấn vít nửa đời nửa đạo thật khác thường, làm cho độc giả ngẩn ngơ, bất ngờ...Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên.


Hoàng Nguyên Vũ trong bài “Cõi lạ Phạm Thiên Thư”:
Nhà thơ Phạm Thiên Thư sinh trong một gia đình bố mẹ làm nghề bốc thuốc nhưng thích thơ văn. Tuổi thơ của ông khá êm đềm. Những điều đó chỉ cho ông được những tiền đề thuận lợi, nhưng để một tài thơ bật hẳn lên thì phải là từ năm 1958, sau một biến động của cuộc đời... Chuyện là ông có nhóm bạn thơ họa Hồ Quý Ly, tụ tập đàn đúm thơ phú đêm ngày. Thấy đám văn nghệ sĩ này cứ “ương ương dở dở”, cảnh sát Sài Gòn cũ đã vây bắt. Ông phải ẩn tu vào một ngôi chùa. Đi tu, thực ra với ông không hẳn là tìm một chốn nương náu, mà ông ngộ ra một điều, ông đã tự tìm cho mình một cõi riêng, một kiểu tu hành riêng... Ông viết Động hoa vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật, như đánh dấu mình vào một cõi của chính mình trong thi đàn. Dĩ nhiên, Động hoa vàng chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời viết của Phạm Thiên Thư, nhưng nó đã làm nên một “thương hiệu” của Phạm Thiên Thư. Những câu thơ đẩy cái đạo đời bềnh bồng trên cõi Phật, làm hiện hữu cái cuộc đời đáng sống trên cái mênh mang bao la của phù vân hư ảo: Đợi nhau tàn cuộc hoa này Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ Tìm trang lệ ố hàng thơ Chữ xưa quyên giục bây giờ chim đi... Nhiều người đã cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông chỉ cười: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”. Quả thực là từ cõi Phật, ông đã làm được những điều đáng nể: thi hóa kinh Phật, sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm hoi trong văn học Việt Nam.

Thơ Phạm Thiên Thư

Chim Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài
Chim quyên từ độ bỏ thôn Đoài
Quyên chẳng buồn thảm thiết gọi ai
Về núi Nam gặp cành hoa trắng
Quặn đau lòng ngó phiến tâm mai

Đồi Cù
Thả gót giầy lãng đãng bên hồ
Trên đồi Cù thông rụng lá khô
Cơn sương trắng lùa ta mải miết
Xuống ven bờ phi hữu phi vô

Đan áo

Em ngồi đan chiếc áo len xanh
Hẹn gió thu về gửi tặng anh
Rồi bỏ đó em vào thiên cổ
Anh một đời ngóng áo thiên thanh.

Phơi áo
Xưa em phơi áo giữa thu phong
Lá vàng cài trên lụa rực hồng
Nay áo đã cuốn về thiên cổ
Lá vàng bay lạnh nỗi niềm không.