Nghệ thuật tương tác (interactive art) là hình thức nghệ thuật trong đó người xem tham gia một cách nào đó vào việc hình thành tác phẩm. Người xem không còn thụ động ngắm nhìn mà họ sẽ là những người hoàn thành mục đích hoặc tham gia vào việc thực hiện một tác phẩm nghệ thuật, nói cách khác tác phẩm nghệ thuật được cố ý để lại một khoảng mở rộng để mọi người có thể đóng góp thêm.
Sau nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn… gần đây người ta bắt đầu chú ý đến nghệ thuật tương tác (hay còn gọi là nghệ thuật quần chúng) đang vươn lên trên các hình thức nghệ thuật thông thường bao gồm các yếu tố tham dự của khán giả, với các phản ứng thực tế, tự phát. Với quan điểm nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc sống, với những cảm xúc thực của con người, gần đây nhiều nghệ sĩ, đã giới thiệu những mô hình nghệ thuật mới mà ở đó nghệ sĩ và công chúng có thể tương tác với nhau. Đặc biệt, công chúng có thể thỏa sức bày tỏ ý tưởng, cảm xúc đối với tác phẩm và nghệ sĩ. Tóm lại, nghệ thuật tương tác tạo thành tác phẩm cho mọi người tham gia.
Đó là tương tác. Nhưng nếu một cái cây rơi vào rừng và không có ai ở xung quanh để nghe nó, nó có gây ra âm thanh không? Hay nói cách khác, không phải tất cả nghệ thuật đều phụ thuộc vào khán giả? Có rất nhiều loại thiết kế nghệ thuật và các sự kiện mà chúng ta có xu hướng phân loại là nghệ thuật tương tác, đôi khi rất khó để phân biệt giữa nghệ thuật được hình thành như là sự tương tác, và nghệ thuật đơn giản chỉ trình bày với mục đích để người xem tạo ra các cách giải thích khác nhau. Ví dụ, đi bộ xung quanh hoặc xuyên qua tác phẩm điêu khắc Anish Kapoor bao gồm sự tương tác giữa con người, nhưng chính con người không quan trọng so với khái niệm. Mặt khác, Rirkrit Tiravanija tạo ra các thiết bị lắp ráp không hoàn thiện mà không có sự hiện diện của con người. Tiravanija tạo một môi trường xung quanh chiếm không gian triển lãm nhưng trông giống như chúng được lấy từ cuộc sống hàng ngày. Trái ngược với Kapoor, Tiravanija chỉ sử dụng vật chất là một giao diện (mặt tiếp xúc của một đối tượng, sự vật với thế giới bên ngoài) cho kết nối xã hội. Đối với Kapoor, hình thức và không gian là những động cơ trung tâm của người xem. Để chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật, người xem phải nhấn nút, kéo các khối, để làm cho mọi thứ "chuyển động", khán giả cũng sẽ chịu trách nhiệm về tính thẩm mỹ của một tác phẩm. Một trong những người tiên phong của cách tiếp cận đó là Roy Ascott, người đã thay đổi bức họa từ những năm 1960, cho phép người xem tự do tuyệt đối có thể đắm mình vào quá trình sáng tạo.


Tác phẩm "Cổng Mây" (Cloud Gate) của Anish Kapoor


Tác phẩm "Phản chiếu từ bàn Ping Pong"
(Reflection Ping Pong) của Rirkrit Tiravanija



Tác phẩm "Vật tương tự" (The Analogues) của Roy Ascott


Giữa trí tuệ con người và các hệ thống trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật tương tác vẫn đang mở rộng nên số lượng các dự án nghệ thuật dựa trên Internet và các chương trình trực tuyến tiếp tục phát triển, mở rộng tầm nhìn của người sáng tạo. Để đạt hiệu quả thẩm mỹ, mỗi loại hình nghệ thuật có một phương pháp tác động khác nhau. Với nghệ thuật tương tác, khán giả không chỉ được nghe, nhìn, xem... mà còn được tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tạo hoặc trở thành một phần của tác phẩm. Nhờ vậy, loại hình này thường dễ dàng “chạm” đến cảm xúc và tác động mạnh mẽ vào suy nghĩ của người xem. Như vậy, khái niệm của nghệ thuật tương tác gần gũi với xúc cảm hơn tình cảm. Jung đã từng cho rằng cảm xúc bắt nguồn từ một vài mẫu ý tượng nguyên thủy (archetypes), vốn tối cổ, có tính tập thể, phổ quát và rất nhạy cảm đến nỗi làm phát sinh một sự biến dạng ý thức, lúc đó chúng ta có cảm tưởng đã đạt được cái tương tự như trạng thái ý thức được nâng cao mà các Thiền giả Nhật Bản gọi là Satori (ngộ). Suzuki nói rằng, "thế giới của nghệ sĩ là thế giới của sáng tạo tự do. Điều này chỉ có thể đến từ những trực giác trực tiếp và tức thời khởi lên từ hiện thực tính vạn vật, không bị cản ngại bởi giác quan hay trí năng". Nghệ sĩ "sáng tạo hình và tiếng từ cái không hình và không tiếng", về phương diện này, Suzuki nói, thế giới của nghệ sĩ trùng hợp với thế giới của Thiền.
Bất cứ tác phẩm nào của nghệ thuật tương tác đều là một câu chuyện không có phần kết, luôn có cái gì không thể định nghĩa, không thể diễn đạt bằng từ, nó làm cho người thưởng thức luôn chạy đuổi theo về phía trước nhưng không bao giờ bắt kịp. Nhưng đến một lúc nào đó, lúc tâm thức đạt đến cao độ của sự bế tắt, chính lúc đó ánh sáng của sự giác ngộ sẽ tỏa sáng, như sức bật của một cán cân khi bên kia đặt xuống một trọng lượng quá lớn.
Như vậy, cái cho “thấy” của thiền trong một tác phẩm nghệ thuât tương tác cần phải đạt được các yếu tố về thời gian, sự sống, đơn giản gần với tự nhiên…, nó không phải là một bản sao mô tả, giải thích chi tiết về một sự việc cần phải thấy, sự thật luôn sống động và trung thực hơn. Với điều kiện đó, thiền trong nghệ thuật tương tác, chỉ là những nét chấm phá chủ yếu, không cần chi tiết, đơn giản như có vẻ gợi ý, bắt người thưởng thức phải suy ngẫm, tưởng tượng, lắng nghe tiếng dội lại từ tâm thức mình để tự mình tham gia vào tác phẩm. Bởi thế, nghệ sĩ hiễu rõ hơn ai hết giá trị của các khoảng trống bỏ trắng, những gì họ bỏ ra ngoài có khi còn quan trọng hơn những gì trong tác phẩm, nói đúng hơn họ chỉ vén lên một góc cho thấy và phần còn lại khán giả tự tìm lấy, đẹp hay xấu tùy vào tư duy và trình độ của mỗi người. Đây là một nguyên tắc vô vi của Phật và Lão.

Các hình thức và loại hình nghệ thuật tương tác rất rộng và mơ hồ, bao gồm nhảy múa, âm nhạc hoặc phim truyền hình, công nghệ mới hoặc nghệ thuật vi tính hóa, nghệ thuật cài đặt, kiến ​​trúc tương tác và phim tương tác... Về cơ bản bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào mà khán giả có thể tham gia và tương tác với nó trực tiếp là nghệ thuật tương tác.
Để hiểu rõ thêm nghệ thuật đặc biệt và mới mẻ nầy, xin giới thiệu sau đây một vài dự án nghệ thuật tương tác trên thế giới

1. “Before I die” - Trước khi chết, bạn muốn làm gì
Vài năm trước, cô Candy Chang mất người mình yêu quý, tinh thần cô suy sụp, bổng nhiên Cô nảy sinh một ý tưởng kỳ lạ. Cô đặt một tấm bảng đen lớn trên tường một ngôi nhà bỏ hoang ở New Orleans (Mỹ) và một giỏ nhỏ đựng phấn màu để người qua đường ghi lại điều mong muốn nhất của mình... Trên bảng ghi dòng chữ “Trước khi chết tôi muốn...” (Before I die I want to...)
Ban đầu cô chỉ muốn thử nghiệm và không biết kết quả sẽ ra sao. Nhưng hôm sau, thật ngạc nhiên, bức tường đã xuất hiện vô số câu trả lời và mỗi ngày nó cứ tiếp tục tăng lên. Chẳng hạn câu viết sau đây: “Trước khi chết tôi muốn: gặp lại người vợ đã mất, ôm cô ấy thêm một lần, thấy con gái tôi tốt nghiệp, ăn món rau trộn với một người nước ngoài, trồng một cây xanh, gạt bỏ tất cả nỗi bất an, chứng kiến hòa bình thế giới, tạo sự khác biệt trong số hàng triệu người...”.
Sáng tạo của Chang đã cho mọi người cơ hội suy nghĩ về cuộc sống của mình. Những trăn trở, những nỗi sợ hãi, ước mơ, hoài bão hay khát vọng sâu thẳm nhất đều được mọi người viết ra, chia sẻ một cách chân thành và tự nhiên.

Tấm bảng đen lớn trên tường một ngôi nhà


2. Hát karaoke "công cộng”
DTLJ (Daily tous les jours) - một studio ở Pháp - thực hiện dự án nghệ thuật tương tác khá độc đáo mang tên “Giant sing along”. Ở mỗi địa điểm, ban tổ chức thiết kế một sân khấu đơn giản ngoài trời, với màn hình lớn và 32 chiếc micro đủ kích cỡ cho cả người lớn, trẻ em cùng hát. Đến đây, mọi người đều được trở thành những “ca sĩ không chuyên” và trải qua những giây phút thú vị ca hát chung với nhau.
Các bài hát được chọn là những bài được nhiều khán giả yêu thích nhất. Đặc biệt, hệ thống xử dụng âm thanh giúp cho những ai chưa tự tin với giọng ca của mình cũng có thể thoải mái tham gia.


3. Viết lại quá khứ
Bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể... viết lại nó! Đây là ý tưởng của DTLJ khi thực hiện dự án “Rewrite the year”, giúp người xem tái tạo những sự kiện đã xảy ra trong năm theo ý muốn.
Ban tổ chức chọn lấy 365 tựa từ các tin nổi bật trên báo chí trong suốt một năm. Các đề mục này được chiếu trên một bức tường lớn. Bằng cách truy cập website của chương trình qua điện thoại, theo trí tưởng tượng phong phú của mình, người xem có thể tự do“viết lại” những phần chữ màu trên bảng.
Ban tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến khá thú vị như: “Những người biểu tình sẽ chiếm đóng phố Wall đến... Ngày phán xét”; “Các Nghị viên Cộng hòa tán thành kế hoạch cắt giảm... oxy”, “Để giải quyết vấn đề nợ nần, chính phủ Bồ Đào Nha sẽ cầu cứu viện trợ từ... châu Phi”; hay “Trung tâm nghiên cứu liên bang sẽ giúp phát triển... máy sản xuất nụ cười”...
Dự án giúp mọi người có cơ hội nhìn lại những điều không vui của năm cũ với cái nhìn thoáng và hài hước, qua đó hướng tới một năm mới khởi sắc hơn.

Các đề mục được chiếu trên một bức tường lớn.


4. Live in wonder - "Sống trong kỳ diệu"
Đây là một dự án nghệ thuật cộng đồng có tính tương tác cao, dành cho mọi người trên khắp thế giới tham gia bằng cách gửi tác phẩm và câu chuyện của mình để cùng xây dựng một tác phẩm nghệ thuật có khả năng mở rộng và biến hình, góp phần nuôi dưỡng sự sáng tạo và thấu hiểu lẫn nhau giữa các nền văn hóa.

Những người tham gia viết truyện cho "Live In wonder"


5. Bloc Jam - “Âm nhạc là thứ ngôn ngữ không biên giới”
Đây là một chuỗi dự án âm nhạc kết nối cộng đồng tại Montreal (Canada), cho phép người xem tự sáng tác những đoạn nhạc cho riêng mình. Họ chỉ cần gọi tới số của chương trình, sau đó soạn nhạc theo hướng dẫn bằng thao tác trên bàn phím, cuối cùng kết thúc bằng phím “#”.
Tác phẩm “mới ra lò” sẽ được phát ngay lập tức và khi được phát nối tiếp nhau, chúng tạo nên những bản nhạc đầy ngẫu hứng.

Dự án chương trình Bloc Jam tại Montreal


6. Họa phẩm tương tác cho phép người thưởng ngoạn nghe và cảm nhận trực tiếp nghệ thuật
Florian Dussopt và Nick Phillips ở đại học Middlesex (London) trình bày dự án "Into the Frame" (Vào khung). Nick nói: "Bằng cách xây dựng một cầu nối giữa mỹ thuật và khoa học về các điệu nhảy và âm thanh 3D, chúng tôi đã tạo ra một không gian mới thứ ba của nghệ thuật cho phép khách tham quan khám phá và cảm nhận được tác phẩm qua sự tiếp xúc và lắng nghe."
Phòng triển lãm tranh Shoreditch Red lắp đặt một bức tranh cảnh bão biển trước một thiết bị robot do khách tham quan sử dụng . Khách di chuyển bàn tay trên robot và có thể khám phá bức tranh một cách sinh động hơn: kích hoạt âm thanh 360 độ và phản hồi haptic (cảm giác được sự va chạm với nước biển) .

Bức tranh cảnh bão biển trước một thiết bị robot


7. Kết hợp giữa hư cấu và thực tế
Maurice Benayoun là một nghệ sĩ ở Paris, rất quan tâm đến khái niệm "thực tế ảo" trong những năm 1990. Tác phẩm được miêu tả là "Trò chơi điện tử siêu hình đầu tiên" (“the first Metaphysical Video Game.”) được phổ biến rộng rãi trên thế giới . Đó là tác phẩm "Đường hầm dưới đại dương", cho phép người tham dự đào một đường hầm ảo từ Trung Tâm Pompidou ở Paris qua Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện Đại ở Montreal.


8. Tác phẩm tương tác bằng ánh sáng và âm thanh
Thomas Charvériat người Paris, chuyên sử dụng LED, video, tin nhắn SMS, cảm biến ánh sáng và âm thanh để tương tác với khán giả, kết hợp các đối tượng hàng ngày, tạo ra các tác phẩm tương tác.


9. Video nghệ thuật tương tác
Lynn Hershman Leeson vừa là một nghệ sỹ và nhà làm phim người Mỹ, sáng tạo những video độc đáo như "Self-Portrait as Another Person" (1966-68), Room of One’s Own (1993)... Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của cô được gọi là Lorna (1984) - là đĩa video nghệ thuật tương tác đầu tiên, kể câu chuyện về một người phụ nữ có chứng sợ nơi công cộng , không bao giờ rời khỏi phòng của cô. Người xem tùy chọn hướng cuộc sống của mình vào một số tình tiết và có thể truy cập thông tin về quá khứ của mình bằng cách nhấp vào các đối tượng trong phòng.


10. Tổ chức các buổi trình diễn
Nathaniel Stern tổ chức các buổi trình diễn và video để phát triển các tác phẩm nghệ thuật tương tác của mình. Anh cũng thường yêu cầu khán giả tham gia vào các tác phẩm bằng cách làm các cử động cơ thể.