Thiên nhiên hay tự nhiên (nature) là tất cả những gì ở bên ngoài con người, xung quanh con người, không do bàn tay con người làm nên. Thiên nhiên còn là bầu trời, rừng, biển, sông, suối, cây cỏ, chim muông… Tất cả những thứ đó luôn luôn ở bên cạnh con người để bảo vệ và giúp ích cho con người.
Con người chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng thể thế giới nhưng tác động của con người vào thiên nhiên lại vô cùng to lớn. Dưới sự tác động của con người, ranh giới môi trường thiên nhiên và môi trường nhân tạo không rõ ràng. Ngay cả một số môi trường thiên nhiên chưa chịu ảnh hưởng của con người cũng đang giảm dần với tốc độ nhanh chóng. Các thung lũng hẻo lánh dọc theo bờ biển Na Pali ở Hawaii mang nhiều nét đẹp thiên nhiên nhưng đã bị thay đổi mạnh mẽ do con người du nhập các loài cây khác (như phi lao...) vào xâm lấn môi trường.


Rặng phi lao trên bờ biển Na Pali


Công nghệ khai thác tài nguyên thiên nhiên phát triển tốt hơn xưa và giúp giảm bớt rủi ro từ thiên tai. Tuy nhiên, trong quá trình này, con người làm biến đổi môi trường thiên nhiên một cách thô bạo. Những mối đe dọa do chính con người thực hiện đối với môi trường thiên nhiên như gia tăng dân số, phá rừng, tai biến như tràn dầu, các hoạt động như săn bắn, đánh cá phục vụ cho tiêu dùng và giải trí, và con người cũng góp phần gây ra sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật và thực vật. Sự phát quang một khu vực đất rộng lớn để trồng trọt đã làm giảm đáng kể diện tích rừng hiện hữu và các vùng đất ngập nước, làm mất môi trường sống của nhiều loài động thực vật cũng như làm gia tăng xói mòn.
Nếu phương Tây phải gần hai mươi thế kỷ mới nhìn thấy hậu quả tai hại của việc tàn phá thiên nhiên, thì ở phương Đông, vấn đề thân thiện môi trường đã được đặt ra từ lâu: "tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên". Quan điểm nầy xuyên suốt trong triết lý Phật: “Cây cỏ, đất đá, đồi núi, tất cả yếu tố của vũ trụ đều có Phật tính”.
Vẻ đẹp thiên nhiên đã và đang là chủ đề của nhiều tác phẩm nghệ thuật. Thiên nhiên được miêu tả và được ca ngợi nhiều trong nghệ thuật, nhiếp ảnh, thơ và các loại hình văn học nghệ thuật khác. Con người đã liên kết hai yếu tố thiên nhiên và vẻ đẹp với nhau. Ngoài những đặc điểm cơ bản mà nhiều triết gia đồng ý về việc giải thích những gì được coi là đẹp, thì những ý kiến khác về cái đẹp hầu như bất tận.
Việc truyền tải chủ đề hoang dã trong nghệ thuật đã trở nên phổ biến từ năm 1800, đặc biệt trong các tác phẩm của trào lưu lãng mạn. Các họa sĩ Anh quốc như John Constable và J. M. W. Turner đã chuyển sự chú ý của họ vào việc truyền tải những vẻ đẹp của thiên nhiên vào các bức họa. Trước đó, hội họa chủ yếu tập trung vào những hình ảnh tôn giáo hoặc con người. Thơ của William Wordsworth đã miêu tả sự kỳ diệu của thiên nhiên, mà trước đây được xem như là "vùng nguy hiểm". Càng ngày sự coi trọng giá trị của thiên nhiên đã trở thành một khía cạnh của văn hóa phương Tây. Jane Austencho rằng: "Thật đáng tiếc cho những người không được sớm nếm trải thiên nhiên trong cuộc đời." Luigi Pirandello cũng nói: "Thiên nhiên dùng trí tưởng tượng của con người để nâng tác phẩm sáng tạo của mình lên những tầm cao mới."


Cảnh Thu - Van Gogh


Nền văn minh công nghiệp đem lại cho con người, phía trước là những "khu rừng già bằng bê tông" và phía sau là những hoang mạc. Người ta đổ xô ra thành thị để sống trong những tòa nhà chọc trời nhưng lại thiếu không khí để thở, thiếu ánh mặt trời và không gian tự nhiên... Nhân loại đang khao khát được sống gần gũi và hòa mình vào thiên nhiên, đây là hiện tượng đặc trưng của nền văn minh xanh, có lối sống ngược lại với nền văn minh công nghiệp. Sự gắn kết giao hòa giữa Trời - Đất - Người là không thể tách rời nhau. Nói cách khác, xã hội hoàn toàn không tách rời thiên nhiên. Sự phát triển của xã hội là khách quan và tất yếu. Nhưng con người cũng trở nên phiến diện hơn nếu cứ tiếp tục giữ và hành động theo quan điểm duy kinh tế, lấy tiêu chuẩn phát triển kinh tế nhanh là mục tiêu duy nhất.
Đô thị và thiên nhiên dường như đối nghịch nhau. Không phải lúc nào chúng cũng có sự tương tác để tạo nên sự thống nhất và hòa hợp, nhưng một khi có thêm một chút sáng tạo của nghệ sĩ thì sự kết hợp sẽ tạo nên những tác phẩm ấn tượng đẹp và lạ mắt. Khi những tác phẩm nghệ thuật tương tác giao hòa với môi trường thiên nhiên xung quanh, người xem có cảm giác mình đang ở trong không gian siêu thực.
Một loại hình nghệ thuật hiện nay đang được phổ biến - nghệ thuật đường phố (Street Art), là thuật ngữ chung để chỉ các hình thức nghệ thuật thị giác được tạo ra ở nơi công cộng, thường là tác phẩm nghệ thuật tự do lấy cảm hứng từ môi trường đô thị.



Điều gì xảy ra khi nghệ thuật đường phố 'giao hòa' với thiên nhiên? Đó là những con đường tươi mát, những khu phố sôi động, những góc vườn đầy sức sống...Nghệ thuật đường phố luôn gây bất ngờ cho người xem đồng thời mang đến những cảm hứng mới lạ.





Đôi khi nghệ thuật đường phố đi xa hơn bằng cách không chỉ làm thay đổi thế giới xung quanh mà còn thực sự tương tác với nó. Đơn giản mà không đơn giản, những tác phẩm nghệ thuật đường phố độc đáo như thế này cần đến những nghệ sĩ tài năng và có trí tưởng tượng phong phú.





Khi nghệ thuật có thể biến một góc phố thân quen trở nên mới mẻ, tuyệt đẹp và sáng bừng những màu sắc, lúc đó nó sẽ để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem.



Nghệ thuật đường phố biến môi trường xung quanh trở thành một bộ phận của mình.



Sử dụng một bụi cỏ dại, gốc cây hay dàn hoa để làm trung tâm, tác phẩm nghệ thuật đường phố này khiến người xem có cảm giác đang bước vào thế giới cổ tích với muôn vàn điều kỳ diệu.






Cũng như nghệ thuật đường phố, trường phái nghệ thuật xếp đặt sử dụng thiên nhiên làm phông nền. Nghệ sĩ điêu khắc Andy Goldsworthy (Anh) đã sáng tạo nên những những tác phẩm điêu khắc ngoài trời, vô cùng ấn tượng, kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật sắp đặt và thiên nhiên xung quanh.





Kiến trúc sinh thái với mục đích đưa công trình kiến trúc gắn liền với thiên nhiên, tận dụng năng lượng tự nhiên, giảm ô nhiễm. , quan tâm đến mối liên hệ giữa thiên nhiên và sự hài hòa xã hội (văn minh), một phần của “thành phố văn minh”, kết nối con người với con người, kết nối con người với thiên nhiên.



Sự phát triển xã hội không thể tách rời môi trường thiên nhiên. Khẩu hiệu “Hãy sống thân thiện với thiên nhiên” gần như được mọi người ủng hộ và nghệ thuật hiện đại cũng phát triển theo chiều hướng nầy. Tuy nhiên, để thực hiện xu hướng phát triển mới một cách bền vững, điều quan trọng trước tiên mà con người phải làm là thay đổi thái độ và cách ứng xử của mình đối với thiên nhiên, chuyển từ hành động mang tính bóc lột, tước đoạt thiên nhiên sang thiết lập quan hệ thân thiện và đồng tiến hoá với thiên nhiên; nghĩa là, cần phải xây dựng đạo đức sinh thái mới, phù hợp với sự phát triển của thế giới ngày nay.