Nghệ thuật thực địa (nghệ thuật thiết kế cảnh quan dựa vào thực tế địa hình - tiếng Anh gọi là Land art, Earth works hay Earth art) là một loại hình nghệ thuật xuất phát ở Mỹ trong những năm 1960 khi một số nhà điêu khắc và họa sĩ - như Robert Smithson - sử dụng cảnh quan thiên nhiên, tạo ra các cấu trúc cụ thể thành một loại hình nghệ thuật hoặc một tác phẩm điêu khắc nhằm nâng cao nhận thức về mối liên hệ của con người với thiên nhiên.


Tác phẩm của Robert Smithson


Nghệ thuật thực địa được tạo ra từ các chất liệu tự nhiên như đất, đá, cỏ cây…với các vật liệu kết nối như bê tông, kim loại, nhựa đường …Trải qua nhiều thăng trầm, không chỉ dừng lại là một phong trào nghệ thuật nhất thời nổi lên nhờ phương thức tiếp cận mới (sử dụng bối cảnh thiên nhiên và chất liệu tự nhiên để sáng tạo), vẻ đẹp tự nhiên đã và đang là chủ đề của nhiều tác phẩm nghệ thuật. Thiên nhiên đã được miêu tả và ca ngợi nhiều trong nghệ thuật, nhiếp ảnh, thơ và các loại hình văn học nghệ thuật khác thể hiện thế mạnh của nó mà nhiều người đã liên kết hai yếu tố tự nhiên và vẻ đẹp, cho đến hôm nay nghệ thuật thực địa đã in đậm dấu ấn của mình như một loại hình đầu tiên và duy nhất : khởi nguồn và kết thúc ở tự nhiên và trở thành một loại hình "nghệ thuật sắp đặt ngoài trời" (Installation art) ảnh hưởng mạnh mẽ đến kiến trúc và thiết kế hiện đại.



Nghệ thuật thực địa khởi nguồn và kết thúc ở tự nhiên


Người cổ đại đã từng sử dụng đất nhào nặn, sắp đặt đá để thể hiện ý niệm và niềm tin của mình. Những thể nghiệm đầu tiên này của nghệ thuật thực địa đã được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó, các tác phẩm còn nguyên vẹn và nổi bật nhất có lẽ là những di tích còn lại trên châu Mỹ như: những tác phẩm khắc trên đá ở cao nguyên Peru của người Indian Nazca, gò đất hình rắn khổng lồ ở Ohio - Mỹ, những lều tuyết đầu tiên của người Inuit ở Canada...


Gò đất hình rắn khổng lồ ở Ohio - Mỹ


Thuật ngữ nghệ thuật thực địa chỉ thực sự xuất hiện sau những năm 1960 như một phong trào nghệ thuật đương đại (Contemporary art). Vì vậy, không khó hiểu khi nghệ thuật thực địa gắn liền với nhiều loại hình nghệ thuật trong trào lưu hiện đại như Nghệ thuật Tối giản (Minimalism), Nghệ thuật Ý niệm (Conceptualism), Nghệ thuật Sắp đặt (Installation art). Các tác phẩm điêu khắc trong nửa đầu thế kỷ XX của nghệ sĩ điêu khắc người Romani - Constantin Brancusi, dự án Bazan và cây sồi của nghệ sĩ tiên phong Joseph Beuys, cũng như thiết kế sân chơi Contoured New York của điêu khắc gia người Nhật Isamu Noguchi được coi là nguồn cảm hứng độc đáo đầu tiên cho ý niệm thực địa trong nghệ thuật kiến trúc – làm vườn – điêu khắc hay nói cách khác nghệ thuật thực địa trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho nhiều nhà thiết kế đô thị khi đi tìm giải pháp hòa hợp các yếu tố tự nhiên và nhân tạo cho cảnh quan.




Thiết kế sân chơi của Isamu Noguchi


Các nghệ sĩ đã mang tác phẩm của mình thoát khỏi bốn bức tường chật chội của viện bảo tàng và thị trường nghệ thuật thương mại tầm thường. Các tác phẩm điêu khắc cổ điển (tạo hình theo nguyên tắc về thể tích, hình khối, vật chất trong không gian ba chiều và chịu sự chi phối của những quy luật tạo hình) không được đặt trong các cảnh quan. Nghệ thuật thực địa nhằm tạo ra những bố cục gắn với cảnh trí thiên nhiên ở những nơi đồng không mông quạnh, hoang vắng cách xa cuộc sống văn minh của con người. Quá trình sáng tạo chủ yếu thực hiện bằng thủ công hay cơ giới, trên những chất liệu tự nhiên như cát, tuyết, đất, đá, cành cây, lá cây, nước… Điểm khác biệt cơ bản giữa nghệ thuật thực địa và các loại hình nghệ thuật khác chính là thời điểm sau khi mỗi tác phẩm được hoàn thành, thay vì bảo quản, chăm chút cẩn thận, nghệ sĩ theo trường phái nầy thường để chúng tự tiêu hủy dưới tác động của thời gian và môi trường.


Tác phẩm tự tiêu hủy dưới tác động của thời gian và môi trường


Với những đặc tính tự nhiên, phần lớn các tác phẩm của nghệ thuật thực địa không thể tách rời với việc lưu giữ hình ảnh thông qua việc chụp hình và ghi lại video. Đôi khi, chính việc xử lý hình ảnh một cách tinh tế lại đem đến cho tác phẩm những thông điệp mới, những cảm xúc sâu sắc mà những quan sát trực tiếp không thể mang lại. Nhiếp ảnh là sự cố gắng nắm bắt một thời điểm, trong khi những video ghi lại sự tiến triển của thời gian trong quá trình hình thành. Nếu hội họa là một tác phẩm hiện thực ngay khoảnh khắc sáng tác, điêu khắc tái hiện một hình thức cụ thể của ý tưởng, thì nghệ thuật thực địa cùng với sự trợ giúp của nhiếp ảnh gần như đã làm cả hai công việc cùng một lúc. Nghệ thuật thực địa không nhất thiết phản ánh đúng một khoảnh khắc của một thời điểm nhất định, thay vào đó mở ra cả một tiến trình thời gian. Bằng kỹ thuật "ảnh chụp liên tục" (timelapse), người xem cảm nhận được các tiến trình tự nhiên đang xảy ra xung quanh và thấy mình đang di chuyển qua thời gian.


Tác phẩm được lưu giữ hình ảnh thông qua việc chụp hình


Chúng ta thường cho rằng thế giới xung quanh như một tấm phông làm nền cho sự tồn tại của mỗi cá nhân. Thực tế, sự giao hòa phức tạp giữa con người và thế giới tự nhiên vượt xa bất cứ điều gì con người đã tạo ra hay có thể tạo ra. Một nghệ sĩ, nếu có thể bắt lấy và sáng tạo theo tự nhiên, có thể gợi lên mối liên hệ quen thuộc cho từng người thưởng ngoạn, thì tác phẩm ấy không cần lời giải thích thêm nữa. Tác phẩm tồn tại là chính nó, cho đến khi biến mất theo quy luật tự nhiên.


Tác phẩm không cần lời giải thích và biến mất theo quy luật tự nhiên


Nghệ thuật thực địa lấy cảnh quan thiên nhiên làm cấu trúc, hoàn toàn hợp với tư tưởng thiền: không hủy hoại mà hòa hợp với thiên nhiên. Thiền nhằm đánh thức con người hướng về nội tâm, xây dựng cho con người một cuộc sống an lạc, hạnh phúc thông qua việc kết hợp hài hòa giữa cá thể với tự nhiên, giữa cuộc sống vật chất với cuộc sống tâm linh. Tinh thần chính trong thiền và nghệ thuật thực địa là hòa mình và tôn trọng tự nhiên, nên cách tốt nhất để tạo sự kết nối mạnh mẽ với thế giới tự nhiên chính là mang tác phẩm của mình vào thiên nhiên.
Thiên nhiên đưa thiền giả và nghệ nhân đắm mình trong không gian tĩnh lặng nhưng kỳ vĩ. Thiền giả và nghệ nhân nhận diện từng cái cây, ôm ấp từng hơi thở, tận hưởng không khí trong lành và chan hòa với thiên nhiên tươi đẹp.
Từ lâu thiên nhiên đã làm nhiệm vụ thiền và có mấy ai lại không xúc động khi nhìn ngắm vẻ đẹp thiền của nó. Có những cây tuổi thọ còn nhiều hơn đời người, chứng minh lịch sử thay đổi và thời thế chuyển dời, nhưng nó vẫn đứng đó nhẫn nhục mặc cho nắng gió và không khí ô nhiễm. Thiên nhiên chính là hơi thở, là mạch sống, là nguồn năng lượng trong sạch và là chiếc nôi của bao nhiêu thế hệ. Cảnh quan thiên nhiên thanh thoát, mây trời, sóng nước, hoa nở, chim hót, những con đường thoai thoải đầy cỏ tươi, những chú nai ngơ ngác… đứng giữa thiên nhiên, chúng ta muốn ôm trọn lấy chúng dù chúng ta rất nhỏ bé.
Thiên nhiên hài hòa thì con người sung mãn, thiên nhiên phẫn nộ thì con người khốn khổ. Mặt trời, mặt trăng, ánh nắng, ngôi sao, cát, tuyết, đất, đá, cành cây, lá cây, nước... đều có thể là những người bạn của thiền giả và người thưởng ngoạn. Sống giữa khung cảnh thiên nhiên chúng ta không bao giờ thấy trống vắng mà lúc nào cũng thấy mình thật thanh thản và hạnh phúc...

Lê Tấn Tài