Hiện nay, các kiến trúc sư thường dùng cụm từ "Kiến trúc sinh thái", "Kiến trúc xanh", hay "Kiến trúc bền vững" (Ecology architecture) để chỉ những không gian sống thoải mái, tiện nghi, gần gũi thiên nhiên. Nói một cách đơn giản hơn, kiến trúc sinh thái là một trong những phương pháp kiến trúc mới được thiết kế, xây dựng, tập trung vào việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, không phá vỡ cảnh quan xung quanh, không gây tác động tiêu cực đến môi trường trong suốt quá trình xây dựng, sử dụng, bảo trì, cải tạo, tháo dỡ. Kiến trúc sinh thái khởi đầu từ Anh quốc (năm 1990) , sau đó lan sang các nước khác như Hoa Kỳ (1993), Canada (1998).
Xu hướng kiến trúc sinh thái trên thế giới phát triển mạnh do nhu cầu của con người cần bảo vệ môi trường bên ngoài, mang đến sự lành mạnh dễ chịu môi trường bên trong, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng thiên nhiên (hệ thống năng lượng mặt trời...), giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm và tác động của môi trường. Con người đang hướng về thiên nhiên và sống cùng thiên nhiên chứ không còn “cải tạo” thiên nhiên.
Xã hội càng ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng bận rộn, phần lớn chúng ta đều mong muốn trở về với cuộc sống yên tĩnh, tránh xa sự xô bồ của nhịp sống hiện đại, nhưng không quá đơn điệu và buồn tẻ.


Tổ chức không gian điển hình nhà ở Việt truyền thống:
ngôi nhà + sân + vườn + ao, một cấu trúc sinh thái đặc trưng.



Nhà ở Hà Lan: không gian sống đẹp như cổ tích.


Nhà mái lá ngày nay đã được thay đổi theo hướng hoàn toàn khác,
vẫn sử dụng nguyên liệu lá cho phần mái nhà. Không gian ngôi nhà
đem đến cảm giác gần gũi thiên nhiên, hỗ trợ giảm nóng hơn các
kiểu nhà ngói, nhà bê tông hay nhà mái tôn thường thấy.



Ngôi nhà vườn nhỏ nhắn diện tích 44m2
nằm bình yên giữa những rặng cây xanh mát.



Tổ hợp nhà sàn và nhà lá ở Sapa
giữa khung trời đất, cây cỏ núi rừng bạt ngàn.


Từ đó, kiến trúc sinh thái thiết lập môi trường không gian nhỏ, môi trường vi khí hậu (ngôi nhà sinh thái) … thích hợp với con người, có không gian linh hoạt, thông thoáng, đa thích dụng và đạt hiệu quả lâu dài. Kiến trúc sinh thái bảo vệ môi trường lớn chung quanh - môi trường vĩ mô (thể hiện trong toàn bộ quá trình từ khi xây dựng, sử dụng cho đến khi công trình bị loại bỏ).
Tuy nhiên, theo cách suy nghĩ của nhiều người như mang mảng xanh, cây cảnh vào không gian sống là chưa đủ. Để xây dựng một ngôi nhà thật sự “xanh” đòi hỏi nhiều phương diện từ khâu thiết kế, thi công, chi phí xây dựng, sử dụng vật liệu và năng lượng thiên nhiên như nắng, gió, giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.​..
Ngôi nhà đẹp, yếu tố mở ra với thiên nhiên phải được coi trọng. Trong bất kỳ ngôi nhà hiện đại nào, cây và nước là hai yếu tố luôn có mối quan hệ chặt chẽ tạo nên môi trường xanh thân thiện. Nước trong bể bơi, hay đài phun nước, thác nước…tạo nên màu xanh của cây, cân bằng độ ẩm trong ngôi nhà. Cây xanh ở mọi nơi, trong và ngoài nhà, cây trên ban công, sân thượng... Cây cối xanh tươi, không gian thoáng mát, không khí trong lành là điều cần thiết cho sức khỏe con người.


Phòng khách là sự pha trộn sáng tạo giữa xám, trắng và xanh lá cây.


Trang trí cây xanh có chức năng lọc không khí.


Giếng trời (Skylight) là khoảng trống thông từ mái thẳng xuống nền đất
nhằm mang lại sự thoáng đãng, ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà. Giếng trời
trong căn bếp nhỏ cải tạo không gian chật hẹp trở nên thông thoáng,
tăng tính thẩm mỹ, giúp căn bếp thêm phần sang trọng, hiện đại.


Trong tương lai, các loại gỗ, rơm, sợi cây gai và đất nện sẽ thay thế bê tông, gạch khối. Vách rơm và sườn gỗ sẽ rất chắc chắn, khi được xử lý bằng kỹ thuật cao, nén thành khối, là loại vật liệu xây dựng hoàn toàn sạch, điều nhiệt tốt, chống thấm cao, không sợ lửa, lại khá rẻ tiền. Gỗ cách nhiệt và cách âm tốt, dễ dàng tạo ra những kiểu kiến trúc có nét thẩm mỹ cao.
Trước đây, gió luân chuyển trong nhà không được tính trước trong thiết kế, bởi đã có máy điều hòa nhiệt độ. Ngày nay, hệ thống thông gió là một trong những yêu cầu thiết yếu trong xây dựng nhằm tránh ngột ngạt, tù túng và ẩm ướt không gian nội thất.

Trong quá trình hiện đại hóa, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu ngày xưa là làm sao đủ ăn, đủ mặt, có chỗ che nắng che mưa, tuy nhiên dân số càng ngày càng tăng, con người hướng tới mục tiêu cao hơn như ăn ngon, mặt đẹp, nhà cao cửa rộng. Từ đó, con người đã không ngừng khai thác, sử dụng không hợp lý và quá mức các nguồn tài nguyên dẫn đến nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên này. Bởi thế, trong những năm gần đây, nhu cầu “sống xanh”, sống thân thiện với môi trường được mọi người ưa chuộng. Trong điều kiện ô nhiễm môi trường trầm trọng như hiện nay, cùng với tình trạng thiếu thốn nhà ở, nhà ở sinh thái rất cần thiết cho chúng ta vì sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, mang lại hiệu quả về sức khỏe và kinh tế.

Lê Tấn Tài