Nghệ thuật Ikigai

Lê Tấn Tài



Tìm ý nghĩa cho cuộc sống quả là một sứ mệnh lớn lao. Một số người có câu trả lời từ thuở nhỏ, một số khác thì rất muộn. Để bắt đầu một ngày mới, mỗi sàng thứ dậy, bạn đã tìm thấy động lực cuộc sống của mình chưa và có tiến gần thêm một chút nào đến giấc mơ của bạn? Bạn làm việc không chỉ để mưu sinh mà còn là sự đam mê, vì nó khiến cuộc đời bạn hạnh phúc hơn. Ở Nhật Bản, người ta gọi đó là “Nghệ thuật Ikigai”, giúp con người chủ động tìm ra những điều mình yêu thích và có khả năng làm cho cuộc sống có ý nghĩa và giá trị.
Ikigai được ghép từ Ikiru (sống) và Kai (thấy được hy vọng), trong tiếng Nhật có nghĩa là “lý do để tồn tại” và “niềm vui để sống”, là điều tạo ra hay mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của một người. Theo Christie Vanbrermeercsh, tác giả quyển sách "Trouver son Ikigai" (Tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân) thì “Tìm được Ikigai tức là tìm được việc làm ưa thích, công việc có ý nghĩa mà bạn có thể làm tốt và qua đó bạn nhận được phần thù lao tương xứng”.

Trước khi nói về Ikigai, xin kể câu chuyện sau đây:
Ở một ngôi làng nhỏ bên ngoài Osaka, một người phụ nữ ở trong tình trạng hôn mê đã chết. Cô đột nhiên có một cảm giác là cô được đưa tới thiên đường và đứng trước một giọng nói của tổ tiên mình.
“Cô là ai?” Giọng nói kia hỏi cô.
“Tôi là vợ của thị trưởng”, cô đáp.
“Ta không hỏi cô là vợ của ai mà ta hỏi cô là ai”.
“Tôi là mẹ của 4 đứa trẻ”.
“Ta không hỏi cô là mẹ của ai, ta hỏi cô là ai”.
“Tôi là giáo viên”.
“Ta không hỏi cô làm nghề gì mà ta hỏi cô là ai”.
Và cứ thế. Bất kể cô trả lời thế nào, có vẻ cô đều không nhận được sự hài lòng cho câu trả lời của câu hỏi, “cô là ai?”
“Tôi theo đạo Shinto (thần đạo)”.
Ta không hỏi tôn giáo của cô là gì, ta hỏi cô là ai.”
“Tôi là một người thức dậy mỗi sớm để chăm lo cho gia đình của tôi và nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ ở trường.”
Cô vượt qua cuộc trắc nghiệm, và được cho trở về trần gian. Sáng hôm sau, cô thức dậy lúc mặt trời mọc và cảm thấy ý nghĩa sâu sắc và mục đích cuộc sống. Cô dự định chuẩn bị bữa trưa cho lũ trẻ và chuẩn bị những bài học hay cho học sinh ngày hôm ấy. Người phụ nữ ấy đã khám phá ra Ikigai của mình.

Khái niệm Ikigai có rất lâu đời, ít nhất từ thế kỷ 14, sư tổ kiếm đạo Miyamoto Musasi trong quyển sách “Năm vòng tròn” đã đề cập đến Ikigai. Quyển sách này hiện được người phương Tây nghiên cứu để áp dụng vào kinh doanh và ứng dụng trong đời sống gia đình. Khái niệm này khá quan trọng đối với những người muốn tự phát triển bản thân, nhưng nó thay đổi theo thời gian và khác nhau từng cá nhân. Đối với người Nhật, con người thật hạnh phúc, có được niềm vui nếu tìm ra và theo đuổi được Ikigai của mình! Một ví dụ, trẻ nhỏ Tây phương được giáo dục như một cá nhân tự lập, độc đáo, càng khác biệt càng tốt; nhưng người Nhật đứa bé được làm quen với kỹ luật. Khi ra đời, họ đi làm là để “được cống hiến”, cống hiến cho công ty, cho gia đình, cho xã hội! Họ dậy từ sáng sớm, đi xe hỏa hàng tiếng đồng hồ, chỉ để đến được trước giờ làm việc (không có khái niệm đi muộn ở Nhật!); họ sẵn sàng làm thêm giờ cho đến khi xong hẳn việc... Những người đã về hưu, sẵn sàng làm việc không thù lao, sẵn sàng là “người của đám đông”. Ở Okinawa, người già không ngừng làm việc, họ luôn tìm thấy hạnh phúc khi vẫn còn có thể làm việc mang lợi ích cho người khác, cho xã hội. Với điều kiện sống, làm việc, cống hiến như thế, khách quan mà nói thì quả là khá nặng nề, nhưng người Nhật cũng quan tâm đến những “sở thích” riêng tư. Người thì học nhạc cổ điển, học múa balet, trong các dàn nhạc cổ điển ở châu Âu bao giờ cũng có khá nhiều nhạc công Nhật, nhiều vũ công Nhật balet...
Ikigai là đi tìm mục đích của cuôc sồng. Để làm điều này, hãy vẽ 4 vòng tròn lớn (xem mô hình). Chúng sẽ giúp định hình thật rõ nét, thị hiếu, sở thích của bạn, đâu là đam mê của bạn. Mục đích của mỗi vòng tròn này là trả lời các câu hỏi sau:
- Bạn yêu thích điều gì? Tôi thích làm gì trong cuộc sống? (Việc bạn yêu thích)
- Bạn giỏi việc gì? Tôi có năng khiếu hay được thừa nhận thành thạo trong những lĩnh vực nào? (Bạn giỏi ở lãnh vực nầy)
- Bạn làm gì để được trả lương hay kiếm ra tiền? Cuộc sống hàng ngày của tôi dựa vào nguồn tài chính nào? (Việc giúp bạn kiếm ra tiền)
- Xã hội cần gì ở bạn? Tại sao xã hội cần đến tôi và bằng cách nào tôi có thể đóng góp cho lợi ích chung? (Việc xã hội cần)
Đấy là 4 vòng tròn biểu tượng Ikigai. Mỗi cá nhân có 4 lãnh vực. Nhìn vào 4 vòng tròn nầy, sẽ thấy ngay phần trung tâm giao thoa của 4 lãnh vực, cho ta hiểu tương đối về Ikigai. Trong đó, mỗi phần giao thoa của các phần khác nhau trong bốn điều này, lại cho chúng ta một chỉ dẫn khác:
- Điều mà bạn yêu thích và bạn cũng giỏi, đó chính là "đam mê" (passion)
- Điều mà bạn yêu thích, và xã hội thì đang cần điều đó, chính là "sứ mệnh" (mission)
- Điều mà xã hội cần và việc của bạn làm sẽ được trả công, chính là "việc làm" (profession)
- Điều mà bạn giỏi và việc của bạn làm sẽ được trả công, đó chính là "chuyên gia" (vocation)

Có được phần giao thoa giữa cả bốn điều này chính là điều khiến bạn có một mục đích sống để cảm thấy hạnh phúc và đầy đủ ở nhiều mặt. Tại nơi giao nhau của 4 vòng tròn, bạn sẽ tìm thấy: đam mê, sứ mệnh, việc làm và chuyên gia. Rốt cuộc, trung tâm của bông hồng này chính là Ikigai.
Tuy nhiên, Ikigai là thứ mà chúng ta cập nhật mỗi ngày, có khi còn là chặng đường cả đời. Dưới đây là 8 trường hợp từ mô hình Ikigai:
1 - Việc bạn yêu thích. Theo đuổi những thứ bạn yêu thích, nhưng có thể bạn lại không giỏi về thứ đó, không kiếm được tiền, điều đó khiến bạn không phát triển được chuyên môn, hoặc xã hội không trả tiền cho bạn. Thí dụ, bạn thích trang trí, nhưng lại không có khiếu thẩm mỹ, thời điểm ấy nghề trang trí không thu nhập cao, và trang trí cũng chưa phải là thứ mà xã hội ấy cần (vì đang thời khủng hoảng kinh tế). Khi ấy bạn sẽ thấy vui vì được làm thứ mình thích, nhưng cuộc sống quá chật vật, nghề nghiệp chẳng tiến xa được và cũng chẳng thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa nữa.
2 - Việc xã hội cần. Theo đuổi những thứ đang nóng bỏng trong xã hội cần giải quyết, nhưng bạn lại không giỏi trong việc này, cũng chẳng kiếm ra tiền và cũng không yêu thích nó luôn. Khi ấy bạn sẽ thấy việc mình làm thật ý nghĩa, nhưng cuộc sống lại rất chật vật, và cũng không tiến xa được về mặt chuyên môn. Chẳng hạn, xã hội đang nóng lên về vấn đề ô nhiễm môi trường, bạn chọn việc làm chế biến rác thải thành năng lượng sạch, nhưng bạn lại không giỏi về điện, cơ học, hóa học, không thích rác rưởi, và xã hội lúc bấy giờ cũng chưa sẵn sàng trả một mức giá cao cho các loại năng lượng nầy.
3 - Việc giúp bạn kiếm ra tiền. Theo đuổi những thứ kiếm được tiền, chọn một công việc có thể cho bạn thu nhập cao, nhưng lại không yêu thích nó, cũng không giỏi mà việc đó lại chẳng có ý nghĩa lắm với xã hội. Điều đó, có thể khiến bạn giàu có về vật chất nhưng lại cảm thấy chán công việc mình làm, không phát triển được chuyên môn và thấy mình chẳng có ý nghĩa lắm với cuộc sống. Giả sử, bạn thấy mua bán stock đang hot và có thể kiếm được tiền. Bạn đầu tư vào thị trường chứng khoáng, nhưng thứ bạn yêu thích lại là thứ khác, bạn cũng chẳng giỏi tài chính, công nghệ, còn xã hội thì đang rối ren chẳng cần thứ bạn đang theo đuổi.
4 - Bạn giỏi ở lãnh vực nầy. Theo đuổi những thứ bạn giỏi. Nhưng thứ đó lại không giúp bạn kiếm được tiền để sống, bạn cũng không yêu thích nó và thấy việc mình làm không có nhiều ý nghĩa cho xã hội. Có thể lấy ví dụ thế này, bạn chụp ảnh rất giỏi nhưng thứ đó chưa kiếm được tiền, mà thứ bạn yêu thích lại là âm nhạc. Và chụp ảnh cũng không phải là thứ đang có ý nghĩa với xã hội lúc này.
5 - Đam mê. Theo đuổi những đam mê, điều bạn giỏi và bạn thích. Bạn yêu thích thứ mình làm, phát triển được chuyên môn nhưng lại không kiếm được tiền và không thấy cuộc sống có ý nghĩa. Ví dụ, bạn yêu thích nhạc, bạn chơi rất giỏi nhiểu loại nhạc cụ, và là một nhạc trưởng nhưng ở xã hội hiện tại chưa có nhiều dàn nhạc và các buổi trình diễn nhạc lúc đó cũng chưa hẳn thứ mà xã hội cần (vì xã hội đang rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế).
6 - Sứ mệnh. Theo đuổi những sứ mệnh của mình, điều bạn thích và xã hội cần, sẽ giúp bạn cảm thấy việc mình làm thật ý nghĩa cho xã hội. Nhưng chưa chắc bạn đã giỏi điều này, và nó cũng không chắc chắn cho bạn một cuộc sống đầy đủ về vật chất. Như bạn thích cây kiểng, và bạn thấy nông thôn còn quá nhiều người nghèo. Bạn chọn nghề trồng cây kiểng với ước mong phổ biến cho nông dân kiếm thêm việc, thêm lợi tức cho gia đình. Khi ấy có thể bạn sẽ thấy được làm thứ mình thích, và cảm thấy sứ mệnh của mình thật ý nghĩa, nhưng có thể bạn sẽ không tiến xa được trong chuyên môn vì bạn không phải là chuyên gia cây kiểng và bạn có thể sẽ sống khá chật vật vì chẳng kiếm đủ tiền.
7 - Việc làm. Theo đuổi những việc làm mà xã hội cần mà lại kiếm ra tiền là nghề nghiệp mà bạn có thể thấy ý nghĩa và sống sung túc với nó. Tuy nhiên bạn lại không yêu thích nó và cũng không giỏi nó. Ví dụ, bạn làm việc trong một tổ chức từ thiện phi chánh phủ hướng tới mục đích tốt đẹp, bạn có được thu nhập cao với việc này. Nhưng bạn lại thích vẽ và vẽ rất giỏi. Lúc này sẽ khiến bạn cảm thấy có một cuộc sống sung túc, công việc ý nghĩa nhưng lại không theo đuổi được đam mê.
8 - Chuyên gia. Theo đuổi những thứ chuyên môn mà bạn giỏi và việc kiếm ra tiền. Tuy nhiên, đôi khi bạn cảm thấy không yêu công việc đó lắm và cũng có thể đó chưa hẳn thứ mà xã hội đang cần. Chẳng hạn, bạn có kỹ năng về tiếp thị, bạn đi làm trong những lĩnh vực có thu nhập hàng đầu tại thời điểm ấy, khiến bạn phát triển được sự nghiệp, kiếm được tiền nhưng bạn lại cảm thấy không yêu nó và bạn cũng thấy lĩnh vực mình đang theo đuổi có vẻ như chẳng làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, khiến bạn cảm thấy chán nản công việc và thấy cuộc sống ít ý nghĩa.

Tương tự như vậy cho các trường hợp còn lại (màu trắng trong mô hình), bạn hãy thử bỏ đi một phần trong bốn phần của mô hình Ikigai, bạn sẽ có được những phân tích và ví dụ tương tự. Như vậy, theo như "mô hình" nầy, thì Ikigai là tổng thể của đam mê, sứ mệnh, việc làm và chuyên gia , hay nói cách khác là tổng thể của "thứ bạn giỏi", "thứ bạn yêu thích", "thứ xã hội cần" và "thứ bạn kiếm được tiền". Khi đạt được tất cả những thứ này chính là đạt được Ikigai. Thí dụ, bạn giỏi về tin học, máy vi tính, trang trí, hội họa, mỹ thuật, bạn cũng thích các trang web trên mạng, xã hội đang rất cần các trang web để quảng cáo sản phẩm, cơ sở, và các dịch vụ về internet hiện nay kiếm được rầt nhiều tiền; Ikigai của bạn là chuyên viên thiết kế trang web.



Ikigai là đối tác thân thương, vì khi bạn tìm thấy nó, mọi thứ sẽ không dừng lại. Bạn sẽ tiếp tục muốn khám phá con người, tìm hiểu, đặt câu hỏi…Ikigai cũng là công việc hướng nội, không có phương pháp nào để tìm Ikigai của mình. Bạn phải tự đào trong sâu thẳm bản thân và trung thực với chính mình để tìm được Ikigai thật sự có ý nghĩa. Đối với một số người, Ikigai không phải bẩm sinh. Và con đường để khám phá nó đôi khi đầy những thử thách, bắt đầu từ tuổi thiếu niên về sự lựa chọn môn, ngành học… Christie Vanbrermeercsh giải thích: “Có nhiều con đường dẫn đến Ikigai của bạn. Mỗi người tự tìm phương cách, công thức riêng cho mình bằng cách đọc lời trải nghiệm của người đã đạt được nó. Nếu không có một phương cách duy nhất, cũng có một điều chắc chắn: bạn sẽ tìm được Ikigai của mình kể từ khi bạn quyết tâm tìm kiếm nó…" Tìm kiếm Ikigai của mình, từ trong sâu thẳm bản thân, có thể làm dâng lên nỗi sợ. Sợ phải thực sự lắng nghe chính mình và sống giấc mơ đã bị khước từ bấy lâu nay. Chritie nói thêm: ”Chúng ta không bao giờ tự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi. Nhưng sợ hãi là một dấu hiệu tốt. Chúng ta phải đối mặt với nó để tiến lên mỗi ngày, nhưng đừng để nó thay bạn đưa ra quyết định”...

Khi đã tìm ra Ikigai cho mình rồi thì làm thế nào để áp dụng Ikigai vào cuộc sống?
Hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ nhặt nhất trong công việc hằng ngày.
Buông bỏ dần những thói quen xấu, những tiểu tiết và tự ti về ngoại hình và nhìn thấy những điều quan trọng.
Giữ nguyên cá tính riêng nhưng duy trì ý thức và hoà nhập vào cộng đồng.

Tóm lại, bạn có thể đặt câu hỏi "Cuộc sống hiện tại của bạn có đáng sống không?“ và hãy tự trả lời các câu hỏi sau:
- Loại người (việc bạn thích): Mọi người đều khác nhau, có người đêm đêm ngồi chat lăng nhăng trên Facebook, có những nhạc sĩ say sưa sáng tác, người làm website miệt mài trên máy vi tính, người ngồi trước TV xem bóng đá, trong khi cô vợ ì ạch tập bụng để giảm cân... Bạn là loại người nào?
- Tương lai (việc xã hội cần): Bạn thực sự mơ ước gì? Nếu bạn muốn trở thành bác sỹ để giúp đời, thì đừng đi học dược... đừng nghĩ đến tiền lương sau này, bất chấp người xung quanh, họ hàng, bạn bè nói gì về bạn! Nếu bạn chỉ muốn trở thành một tài xế lái xe cho công ty du lịch để hướng dẫn du khách đi khắp đó đây, hãy xác định như vậy, dù bạn là con đại gia...
- Tự kiểm (việc bạn kiếm được tiền): Bạn hãy tự kiểm lại những thành tích của mình đã đạt được (bài trắc nghiệm thi tiếng Anh được bao nhiêu điểm để có thể làm thông dịch viên, tính toán có giỏi không để làm kế toán viên, hát karaoke có xuất sắc không để làm ca sĩ...) Hãy ghi chép những niềm tự hào nho nhỏ đó.
- Hiểu biết (việc bạn giỏi): Bạn hãy thật thà với mình, bạn thạo về việc gì nhất, sẵn sàng thảo luận nó suốt đêm ngày, và bạn thich đề tài nào nhất trên mạng? Nếu bạn thật sự thích bộ môn nào, thì dễ hiểu bạn phải chọn nghề gì.
- Cảm nhận (ikigai): Bạn làm có mức lương cao, hay được sếp khen, nhưng không tìm được niềm vui ở cơ quan, như vậy Ikigai của bạn có thể ở lĩnh vực khác! Nhà vô địch cuộc đua xe Eddie Irwin đã bảo: “Công việc yêu thích - đó là sở thích được trả nhiều tiền!”

Bạn trả lời các câu hỏi đó và hình dung qua các vòng tròn trong mô hình minh họa. Sau đó bạn cần lập một danh sách liệt kê những việc gì bạn không thích làm, rồi kiểm tra chéo, xem việc bạn thích và không thích có gì lẫn lộn với nhau không, từ đó Ikigai của bạn sẽ dần dần hiện rõ! Steve Jobs có nói: “Công việc chiếm phần rất lớn cuộc sống của bạn và cách duy nhất hài lòng hoàn toàn với nó - làm những gì chính bạn coi là vĩ đại. Và cách duy nhất làm những điều vĩ đại - hãy yêu cái việc các bạn làm!”