Đời người ngắn ngủi, thế gian loạn lạc, cuộc sống khổ cực, bởi thế con người thích mộng tưởng viễn vông, mơ ước một cõi nào đó như một vùng đất hứa mà không hề hiện hữu trên thế gian nầy. Thiên thai là một chốn thần tiên mà người ta mong muốn được thấy và được bước vào. Người làm thơ, viết văn, soạn nhạc cứ dựa vào những hoài vọng đó mà thêu dệt những câu chuyện, những vũ khúc nghê thường để hư ảo hóa cõi thần tiên, nơi có cuộc sống vĩnh cửu, có hoa thơm cỏ lạ, có dòng suối ngọc, có động Đào Nguyên, tiếng nhạc trầm vang khắp nơi, hoa đào mãi mãi tươi thắm, đèn trăng sáng dịu mơ màng chiếu rọi các nàng tiên vui múa...

"Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên…" (Văn Cao)
Hai gã lãng du Lưu Thần, Nguyễn Triệu mải miết ngược dòng suối, say mê đi tìm cây thuốc, lạc tới Đào Nguyên, không biết đường nào quay trở lại. Hai chàng gặp hai tiên nữ và lấy làm vợ. Song, Lưu Thần và Nguyễn Triệu không dứt bỏ được lòng trần, nhớ nhà, nhớ quê, bày tỏ tấm lòng với vợ và xin về trần thế. Hai nàng tiên khóc ròng vì biết rồi đây, cuộc chia ly sẽ là vĩnh viễn, sáu tháng đầy hạnh phúc sẽ không bao giờ trở lại. Lưu Thần, Nguyễn Triệu về đến quê thì phong cảnh đã khác xưa nhiều. Nửa năm tiên giới bằng bảy thế hệ trần gian. Hai chàng không quen biết một ai và không một ai biết Lưu Thần, Nguyễn Triệu. Hai chàng chán nản, quay trở lại núi Thiên Thai. Tìm mấy ngày, Lưu Nguyễn chẳng thấy cửa động. Cửa động Thiên Thai đã đóng rồi. Hai chàng vào rừng, và không ai thấy trở ra.

Tuy nhiên, chuyện Từ Thức cỡi áo từ quan để ngao du sơn thủy còn lãng mạn hơn nữa. Từ Thức một lần ra cửa biển Thần Phù, chèo thuyền ngắm cảnh và làm một bài thơ khắc trên vách núi đá. Bỗng từ vách núi nứt ra một cửa động, chàng bước vào, thì đấy là một chốn bồng lai tráng lệ. Chàng đang mải mê thì có hai thiếu nữ áo xanh mời chàng vào và cửa hang liền khép lại. Chàng được đưa tới gặp một tiên nữ áo trắng. Vị tiên cho biết chàng sẽ kết duyên với con gái của bà là Giáng Hương - cô gái được chàng cứu trong dịp hội “mẫu đơn” năm nào. Từ Thức cùng Giáng Hương sống những ngày hạnh phúc ở cõi tiên. Nhưng ở chốn cực lạc, chàng vẫn không nguôi nhớ quê nhà, nhớ những cuộc ngao du. Chàng ngỏ lời được về thăm quê. Khuyên chồng không được, Giáng Hương đành bằng lòng cho chàng cưỡi xe mây về trần. Về tới quê, chàng bàng hoàng vì cảnh quê vẫn như xưa nhưng không còn gặp lại ai chốn quê cũ nữa. Chàng hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ ở trong làng và được kể rằng, thuở nhỏ, cụ được nghe nói có ông tam đại tên là Từ Thức treo ấn từ quan, đi ngao du rồi mất tích. Chàng buồn bã chán ngán, một năm tiên giới bằng trăm năm trần gian. Chàng hối hận muốn quay lại cõi tiên, nhưng xe mây đã biến mất, mở phong thư mà Giáng Hương trao cho lúc tiễn biệt, thì đấy chính là lời ly biệt.

Nghe chưa đủ thú vị cho những chàng sợ vợ, đó là chuyện kể của Washington Irving về một anh chàng Rip Van Winkle. Truyện chép rằng: Anh ta rất sợ vợ như Socrate bên Tây, hay Khương Tử Nha bên Tàu, nhưng khác với Socrate chuyên ngồi lì ở bực cửa, với Khương Thượng lẻn đến thạch bàn bên sông Vị ngồi câu, anh ta bèn thoát ly lên dãy Catskill Mountains soi bóng bên dòng Hudson River. Anh ta lên đó uống rượu với mấy gã lùn, ngủ qua đêm, hôm sau trở lại nhà với nỗi lo nghe vợ mắng. Thế mà sao làng mạc đã khác xưa. Cư dân đông đúc mà chẳng mặt nào quen. Hỏi về một anh chàng Rip Van Winkle nào đó thì các bậc bô lão cho biết ông cố đó đã biệt tích trên núi Catskill lâu rồi, hỏi về bà Rip Van Winkle thì được biết bà đã qua đời 18 năm về trước. Điều nầy làm anh ta hân hoan và thở phào nhẹ nhõm. Trớ trêu thay, anh ta rất vui khi trốn thoát được bà vợ dữ, nhưng tim anh se thắt khi anh phải sống một mình trên cõi đời. Anh không phải là anh nữa. Anh cũng không phải là người khác. (Also, he was happy to have escaped his wife’s domination but his heart died within him. He was alone in the world. He was not himself. He was not somebody else.) Người đương thời mà Rip gặp là ai? Là người "tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả" (Nhìn về phía trước không thấy người xưa, nhìn về phía sau không thấy người mới lại - Thơ Trần Tử Ngang). Ở đây cổ nhân Rip lại gặp người đời sau. Khi người ta đi vào cõi mộng, thì chẳng khác chi Rip Van Winkle đi vào thế giới thần tiên của mấy chú lùn. Rồi đến khi chợt tỉnh nhìn quanh thấy lạc lỏng giữa thế gian nầy, người sao mà xa lạ, trong khi người khác cũng nhìn mình như một kẻ phiêu hốt lạ kỳ.

Thiên thai không phải là cảnh thần kỳ, hư cấu, nhưng đó là phản ánh khát vọng của con người về một thế giới vĩnh hằng, tươi đẹp và hạnh phúc. Đó là chốn đẹp nhất, hạnh phúc nhất theo quan niệm của người Phương Đông. Nhưng khi đã từ giã chốn tiên trở về cõi trần rồi thì sẽ không có ngày trở lại. Ôi trần ai khổ não, nhưng con người vẫn phải sống ở đấy, rồi mộng mị và khi tỉnh lại thì chốn Thiên Thai đã biến mất. Còn lòng người thì thơ thẩn, tìm kiếm tiếng lòng tri âm tri kỷ, tìm người tương tri mãi bâng quơ... Bước chân một đi không trở lại này không chỉ là bước chuyển động trong không gian, mà còn là bước qua ranh giới giữa hai cõi tiên và cõi trần. Chỉ một bước thôi là mất tất cả. Nhưng làm sao thoát ly cuộc đời. Sự trở về cõi trần của những kẻ lạc vào chốn tiên dường như là sự trở về với thực tại cuộc đời của người mơ mộng. Vâng! Cuộc đời ấy ... dòng đời ấy...con người cứ đi tìm mãi, tha thiết khắc khoải một tiếng lòng tương tri.
"Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ duyên thừa có thế thôi
Ðá mòn rêu nhạt nước chảy huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi
Cửa động
Ðầu non
Ðường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi"
(Tản Đà)


Trong văn chương, thi phú, Thiên Thai không có điện vàng cung ngọc lộng lẫy, đất lưu ly ngời sáng, hào quang rực rỡ... mà chỉ có là đào rơi rắc lối đi, trăng soi cửa động, đầu non, cảnh vật hữu tình y như trên trần gian. Vậy thì thiên thai không phải là hư ảo, cũng không phải ở trong trí tưởng tượng, mà thiên thai là một dạng tâm thức hiển hiện khi con người ở trạng thái vắng lặng và thanh bình. Sự an bình trong nội tâm sẽ đưa con người đến chốn vĩnh hằng của thiên thai.

Lê Tấn Tài