ĐỌC TRUYỆN "DỊCH HẠCH"
CỦA ALBERT CAMUS

Lê Tấn Tài



Dịch hạch (La peste) là quyển truyện nổi tiếng của Albert Camus xuất bản năm 1947, viết về con người và cái chết một cách tỉ mỉ và sinh động. Trong kịch bản nầy, tác giả trình bày cặn kẽ những cách ứng xử của con người như chúng ta đã từng nghe và đọc trên những mục tin tức hàng ngày về những người đang chiến đấu và đang cố gắng ngăn chận với dịch Ebola mấy năm trước đây và đại dịch Corona hiện nay.

Câu chuyện xẩy ra ở Oran, một thành phố biển ở phía Bắc Algérie thuộc Pháp. Một buổi sáng tháng tư trong khoảng thập niên 1940, bác sĩ Rieux bước ra khỏi phòng làm việc, đụng phải một con chuột chết ở giữa cầu thang; và chiều ngày hôm đó khi về nhà thì gặp một con chuột khác cũng đang giãy chết. Thoạt tiên, mọi người đều nghĩ đây là trò nghịch của bọn trẻ con, nhưng số lượng chuột chết mỗi ngày cứ tăng dần. Dân cư thành phố bắt đầu lo sợ. Rồi có những bệnh nhân được đưa vào bệnh viện và bắt đầu có người chết. Trước hết là những dấu hiệu, những cảm nhận mơ hồ, sau dần dần trở thành xác thực. Tất cả những gì người ta nghe được từ phía các nhà chức trách trong chính quyền là: “Không có con chuột nào trong khu nhà này cả”, ông lão gác cổng cũng một mực khăng khăng trong khu nhà này không có chuột, trong khi những con chuột chết ngay quanh chân ông. Truyền thông, báo chí thì cố gắng trấn an dân chúng bằng những tin tức rằng dịch bệnh đã hoàn toàn được kiểm soát trong khi thực tế thì không hề như vậy. Bệnh dịch lan tràn. Rieux là người đầu tiên tiếp nhận những dấu hiệu của nạn dịch. Ông cũng là người thuyết phục nhà chức trách có biện pháp cần thiết để ngăn chặn lây lan. Tuy nhiên, tiếng nói lẻ loi của ông chìm khuất trong nỗi hoài nghi, trước sự thờ ơ, vô can, trước sự lãng tránh không chịu nhìn nhận vấn đề. Một mình ông phải chống chọi với dịch bệnh vì ông không cho mình cái quyền chạy trốn. Ngay từ đầu, ông không tham gia vào những cuộc tranh cãi, ông cố gắng làm tốt công việc duy nhất mà nghề nghiệp của ông yêu cầu, cứu người. Nhà chức trách Oran lúng túng trong việc ứng phó tình thế, cuối cùng, cũng phải công nhận thành phố bị dịch hạch và quyết định đóng cửa thành phố để bệnh khỏi lây lan. Cuộc sống dân cư xáo trộn, nhiều gia đình ly tán... Sau những hốt hoảng đầu tiên, dân chúng Oran quen dần với thảm họa, mặc cho những cảnh chết chóc, chôn người chết, đốt xác chết một cách ghê rợn diễn ra hàng ngày. Trước cảnh dịch bệnh đang hoành hành cả một thành phố, trong tình cảnh bi đát, đen tối ấy, nổi lên một số nhân vật không nề nguy hiểm giúp đỡ bệnh nhân hoặc nghiên cứu điều chế vắc xin trị bệnh. Đó là Grand, một viên chức bình thường ở tòa thị chính; là nhà báo Rambert có người yêu ở Paris nhưng không nỡ rời thành phố chết chóc này để tìm hạnh phúc riêng tư; là cha Paneloux, vị linh mục vừa tin bệnh dịch hạch là sự trừng phạt của chúa, vừa mong muốn làm giảm nỗi đau cho con người; là nhà trí thức Tarrou, đồng cảm và quyết định đứng về phía các nạn nhân; đặc biệt là bác sĩ Rieux, người làm việc ngày đêm không mệt mỏi để cố tìm cách đẩy lùi bệnh dịch. Họ đại diện cho mỗi loại người trong xã hội, thể hiện thái độ khác nhau khi đối diện với dịch bệnh. Họ có thể là những người sợ hãi, trốn tránh, nương nhờ vào tôn giáo, hay là những kẻ thờ cơ nhân dịch bệnh mà tìm cách thủ lợi cho bản thân...Sau nhiều ngày tháng, Oran chìm trong cảnh chết chóc tang thương, bệnh dịch hạch dần dần chậm lại và đến cuối tháng giêng năm sau, bệnh coi như chấm dứt sau khi đã giết chết không biết bao nhiêu sinh mạng.

Vào thế kỷ thứ 14, Á châu và Âu châu xảy ra một trận đại dịch được cho là bắt nguồn từ sự bùng phát của bệnh dịch hạch, mà theo ước tính đã giết khoảng 50 triệu người, đến 60% dân số châu Âu thời bấy giờ.
600 năm sau, Camus đưa ra cái nhìn tiên tri của ông về thế giới phi lý của con người và ứng nghiệm khi con người hiện đại đương đầu với một đại dịch toàn cầu. Và lời cảnh báo 80 năm trước của Camus cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Với lối viết đơn giản. Camus kể một câu chuyện đơn giản về nạn dịch hạch hoành hành tại một thành phố, mang đậm nét chủ nghĩa hiện sinh. Đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của mỗi người về cuộc đời. Người ta sống, chứ không phải tồn tại.
Dịch hạch là biểu tượng của sự khó khăn, và những nhân vật trong truyện, trọng tâm là bác sĩ Rieux, biểu tượng sự dấn thân, dám hy sinh, vì ích lợi của nạn nhân chứ không vì tư lợi. Rieux nỗ lực hết sức mình, bằng nghề nghiệp của mình để đấu tranh với hoàn cảnh dịch bệnh, tin vào sự hiện hữu, vào mỗi giây phút hiện tại của đời sống, nhận trách nhiệm của mình như một người hành nghề thuốc.. Những người dấn thân không phó mặc cho số phận, họ muốn sống, nhưng không vì thế mà thờ ơ với những người bệnh đang giãy chết từng ngày. Đó là những người khiêm nhường nhưng dữ dội với chính họ, bằng lòng với thân phận nghiệt ngã, số phận hữu hạn và tình yêu nhỏ bé. Rieux viết: “Nhưng đối với tất cả những ai muốn vượt lên trên con người để tìm kiếm một cái gì đó mà chính bản thân họ cũng không hình dung nổi, thì họ sẽ không thể có được câu trả lời”.
Ngay cả cha Paneloux, một giáo sĩ đạo Thiên chúa, uyên bác và hăng hái, được mọi người trong thành phố mến yêu, kể cả những người thờ ơ với tôn giáo, có một đức tin mạnh mẽ vào sự cứu giúp của Chúa, cũng gia nhập vào đội y tế tình nguyện, hỗ trợ phát hiện bệnh nhân kịp thời để chữa trị. "Hỡi các con, cuối cùng chính ở đây thể hiện lòng từ bi của Chúa: người đưa vào mọi vật cái thiện và cái ác, sự giận dữ và lòng xót thương, dịch hạch và hạnh phúc. Cái tai họa làm các con đau đớn, chính nó nâng các con lên và chỉ đường cho các con."
Rieux nói với cha Paneloux: "Cứu rỗi nhân sinh là một chữ quá lớn đối với tôi. Tôi không nhìn xa như thế. Tôi chỉ chú ý đến sức khỏe. Sức khỏe con người trước tiên." Sức khỏe là hiện sinh, là đang sống, là vấn đề của Con Người. "Hiện sinh" không hoàn toàn có nghĩa là xa lánh, đối lập, phủ nhận cuộc sống. Cứu rỗi là hy vọng, là kiếp sau, là vấn đề của Thượng Ðế. Người thầy thuốc không hy vọng vào sự sống ra ngoài sự sống như người thầy tu. Rieux nhận rõ: "Cái chết đối với con người chỉ là án treo. Cuối cùng rồi ai cũng phải chết." Rieux ý thức được rằng chiến đấu với bệnh dịch chỉ để kéo dài thêm án treo, và cuộc chiến đấu ấy vô ích, nhưng không thể không có được. Vì nó là cơ bản, là nguồn hạnh phúc và lý do tồn tại của con người. “Không thể làm những bậc thánh và không cam chịu tai ương, người ta gắng sức làm thầy thuốc.”
Bên cạnh Rieux, Jean Tarrou trở thành người cuối cùng của thành phố Oran chiến đấu với vi khuẩn dịch hạch quái ác trong chính cơ thể mình. Từ một chàng trí thức xuất thân danh giá, cha anh là phó chưởng lý tòa thượng thẩm, trở thành anh chàng “ghét đời” lang thang khắp thế giới vì "kinh hãi theo dõi pháp luật, theo dõi những vụ xử tử hình, những vụ hành quyết, và choáng váng, khi nhận thấy rằng cha mình nhiều lần dự việc giết người". Định mệnh khiến Tarrou dừng chân ở Oran, để rồi chàng sát cánh cùng bác sĩ Rieux, tổ chức những đội y tế tình nguyện quả cảm chiến đấu với dịch bệnh. “Tarrou hình như đã tìm thấy sự thư thái gian khổ mà anh đã nói tới, nhưng anh chỉ tìm thấy trong cái chết, vào lúc nó chẳng giúp ích được gì cho anh nữa... Chắc hẳn Tarrou đã sống như vậy và đã nhận ra cái vô vị của một cuộc sống không có ảo mộng. Không thể có hòa bình nếu không có ước vọng..."
Trong đoạn kết của Dịch hạch, bác sĩ Rieux tỏ ra bình tĩnh khi nhận được tin vợ ông qua đời ở ngoài thành phố Oran vì bệnh nặng. Rieux đứng ngắm nhìn khung cảnh những người trong gia đình và những người yêu nhau sum họp tại nơi mà cánh cổng của Oran cuối cùng đã được mở và tự hỏi, sau quá nhiều những chịu đựng và đấu tranh vô nghĩa, ai còn có thể tìm thấy trong tâm trí mình sự yên bình hay cảm giác trọn vẹn khi mà những hi vọng đã không còn, rồi Rieux nhận ra rằng, điều đó có lẽ vẫn có thể, cho “những ai hiểu được rằng, nếu có một điều người ta luôn luôn mong ước và đôi khi đạt tới được, thì đó chính là tình yêu của con người.”

Nhưng tại sao truyện Dịch hạch vẫn là tiếng nói bức thiết với chúng ta ở thời điểm này? Camus tự hỏi và tự trả lời: “Nhưng dịch hạch, cái đó có nghĩa là thế nào? Là cuộc sống và chỉ có thế thôi”. Để nhận ra rằng, sau khi trải qua thảm họa, “nếu ít ra cũng thỉnh thoảng, niềm vui đến bù đắp cho những ai mãn nguyện với con người và với tình yêu tội nghiệp và dữ dội của con người, thì đó là điều công bằng”.
Nhà phê bình John Cruikshank cho rằng tác phẩm Dịch hạch phản ánh một cách siêu hình về tình trạng con người bị bỏ rơi ngay trên trái đất này. Những diễn giải về Dịch hạch có thể dài vô tận tùy thuộc vào mỗi người đọc.
Xã hội chúng ta đang sống đầy những phi lý và chúng ta sống trong sự tồn tại này. Phi lý là cội nguồn của những giá trị và thậm chí là cội nguồn của hành động. Đến hôm nay, khi loài người đang tiếp tục phải đối mặt với dịch bệnh, Dịch hạch vẫn mang đậm hơi thở thời đại. Vi trùng sẽ vẫn tồn tại, sẽ tỉnh giấc bất kỳ lúc nào, nhưng con người cũng chưa bao giờ đầu hàng, vẫn đang tiếp tục chiến đấu. Và kết quả của Dịch hạch không chỉ thể hiện niềm hy vọng, tin tưởng đối với loài người, nó còn là hồi chuông đánh thức tính đấu tranh, dấn thân của con người. "Vi trùng dịch hạch không bao giờ chết và mất hẳn. Nó có thể nằm yên hàng chục năm trong đồ đạc, quần áo, nó kiên nhẫn đợi chờ trong các căn buồng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng, trong khăn mùi xoa và các đống giấy mà..., và một ngày nào đó, để gây tai hoạ cho con người và dạy họ bài học, dịch hạch có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và bắt chúng chạy đến lăn ra chết ở một đô thành nào đó đang sống trong hạnh phúc và phồn vinh."
Tình thế và cách đối phó của con người trước thảm họa đại dịch không khác mấy so với hiện tại “... Tuy sự rút lui đột ngột của dịch bệnh vượt quá hy vọng, đồng bào chúng tôi vẫn không vội vã vui mừng... Đồng bào chúng tôi đã sẵn sàng nói tới việc tổ chức lại cuộc sống sau khi dịch bệnh chấm dứt: rõ ràng mọi người đều ấp ủ hy vọng được sống bình yên, không tật bệnh...Nhưng đâu phải ngay một lúc có thể tìm lại những tiện nghi của cuộc sống ngày trước, và phá bao giờ lại chẳng dễ hơn xây lại... Dịch hạch đã cắm sâu một tâm trạng hoài nghi sâu sắc mà họ không thể không dứt bỏ…”
Tình yêu và lòng thương xót của con người – hãy nhớ kỹ điều đó, giữa những ngày "thảm họa Corona" này sẽ còn nhiều lần con người phải đối mặt với nhiều loại virus khác nữa. Để tự nhủ với lòng mình, rằng hãy 'Can đảm lên, lúc này chính là lúc phải xử sự đúng'! Camus vẫn không quên cảnh giác với con người rằng nạn dịch hạch tiếp theo “sẽ đánh thức đàn chuột của nó một lần nữa” để đổi lấy “sự đổ vỡ và tỉnh ngộ của con người”.

Lê Tấn Tài
San José , mùa đại dịch 2020