TRÁI TIM VÀ BỘ ÓC CỦA CON NGƯỜI

Lê Tấn Tài



Bản thân chúng ta là gì? Có nhiều cách giải thích về con người của chúng ta. Thông thường con người được chia làm 2 phần: phần hồn (tinh thần) và phần xác (cơ thể). Cơ thể là bộ máy giống như phần cứng của người máy (robot). Tinh thần hay tâm trí là hệ thống điều hành giống như phần mềm được cài đặt vào trong bộ máy ấy. Lisa Barrett (giáo sư Đại học Northeastern, Hoa Kỳ), cho rằng tâm trí và cơ thể con người là hai bộ phận không thể tách rời, và não bộ là bộ phận cuối cùng tạo ra bản thân chúng ta. Tuy nhiên, sự liên kết của hệ thần kinh và hoạt động não bộ của con người phức tạp và kỳ diệu hơn nhiều so với bộ máy của robot. Bởi thế, thuyết tâm linh cổ điển vẫn cho con người được tạo thành bởi phần hồn và phần xác, trong đó linh hồn chính là bản thân của chúng ta.

Tâm trí của chúng ta là gì? Nói ngắn gọn, nó là một phần bản thân của chúng ta gồm ý thức, suy nghĩ, ước mơ, cảm xúc, ký ức... mà các nhà khoa học hiện đại định vị tâm trí nằm trong bộ não, và tin rằng bộ não điều khiển cơ thể, chẳng hạn trong não có những vùng riêng dành cho trí nhớ, ham muốn, mơ ước.., khi não bị tổn thương có thể dẫn tới rối loạn chức năng của vùng não. Nếu vùng ngôn ngữ bị tổn thương, người bệnh có thể gặp hiện tượng rối loạn ngôn ngữ với biểu hiện khá đa dạng như nói ngọng, âm điệu bị biến đổi, nói lắp, ú ớ… và gặp khó khăn khi diễn đạt, thậm chí là không nói được.
Không thể có một con người mà không có bộ não và cơ thể. Nói cách khác cơ thể chính là một phần của tâm trí con người dựa trên nguyên lý hoạt động của não bộ. Do đó, một bộ não ở trong ống nghiệm sẽ không thực sự có tâm trí như cách chúng ta đang có.
Tuy nhiên các nghiên cứu mới trong những năm gần đây cho thấy bộ não không hoàn toàn là trung tâm chỉ huy hành động, cảm xúc.., thực tế tâm trí con người là một quá trình xây dựng tổng hợp liên tục của não bộ, cơ thể và thế giới xung quanh. Ngày càng có nhiều trường hợp chứng minh các bộ phận nội tạng khác cũng đều có ký ức, thậm chí có thể tồn tại độc lập với não. Nhiều nhà khoa học đưa ra lý thuyết về “ký ức tế bào”, cho rằng một phần suy nghĩ, ký ức và sở thích của con người có thể được lưu trữ trong các tế bào của cơ thể, đặc biệt là trái tim.
Vào thập niên 2010, Paul Peasall - giáo sư lâm sàng tại Khoa Điều dưỡng tại Đại học Hawaii và Gary Schwartz - giáo sư tâm lý học tại Đại học Arizona, công bố một nghiên cứu, và ghi nhận:
“Những bệnh nhân ghép tim hoặc ghép tim phổi này không chỉ thể hiện tính cách, sở thích và đặc điểm hành vi của người hiến tạng sau ca mổ mà còn nhắc lại trải nghiệm cảm tính của người đã khuất trước khi qua đời.”
Một nghiên cứu khác, các nhà khoa học ngạc nhiên khi thấy sau khi được cấy ghép, các bệnh nhân nhận thấy khẩu vị của họ thay đổi, và tỷ lệ này cao tới 50%. Một số người lại muốn ăn thức ăn nhanh khi đi ngang qua cửa hàng McDonald's; có người thích đồ ngọt, có người thích đồ cay; có người đột nhiên muốn uống bia.
Chưa có thống kê về tỷ lệ thay đổi này, song đó là điều có thật, được phát hiện và ghi nhận ngày càng nhiều cùng với sự phát triển ngày càng cao của kỹ thuật ghép tạng.
- Claire Sylvia là vũ công chuyên nghiệp người Mỹ, năm 1988, cô 47 tuổi, do căn bệnh tăng áp động mạch phổi, sức khỏe của cô ngày càng giảm sút. Vì vậy, cô phải ghép tim và phổi. Ca phẫu thuật thành công, cô lấy lại sức khỏe và trở lại sân khấu. Nhưng điều kỳ lạ, ngay sau khi phẫu thuật, cô muốn uống bia và thèm những món ăn nhiều calo như sôcôla, gà rán KFC, ớt xanh. Là một vũ công chuyên nghiệp, cô không dám dùng những món ăn nhiều calo này.
- Người phụ nữ Jaime Sherman chưa bao giờ yêu thích thể thao, thích các món ăn cay xé lưỡi, nhưng sau khi ghép tim, cô tự nhiên có sự thay đổi sở thích một cách kỳ lạ như thích bơi, chơi bóng chày, xem bóng đá, lại rất khoái khẩu với những gia vị mà trước đây cô không ưa thích. Khi tìm hiểu, cô mới biết rõ rằng đây vốn là những sở thích của người đã hiến tặng trái tim cho cô là vận động viên bóng chày nghiệp dư của bang Kansas (Mỹ).
- Một người đàn ông 47 tuổi, sống ở Anh, từ nhỏ vốn hoàn toàn mù tịt về âm nhạc, sau ca ghép tim đột nhiên lại say mê các giai điệu nhạc cổ điển, đặc biệt là những bản nhạc viết cho đàn violon. Thì ra, trái tim đã ghép vào lồng ngực ông lại do một thiếu nữ mê say nhạc cổ điển, chơi violon hiến tặng.
- Một doanh nhân 58 tuổi sống ở bang Arizona (Mỹ) vốn say mê kinh doanh, gần như suốt đời chỉ có mối quan tâm duy nhất là tiền bạc. Sau khi được ghép tim của một nhà hoạt động xã hội, ông bỗng từ giã thương trường, dành phần lớn thời gian để đi làm từ thiện.
- Trường hợp kỳ lạ nhất của một cô bé 8 tuổi. Sau khi nhận được trái tim của một bé gái khác chết trong một vụ án mạng, bé liên tục gặp những giấc mơ khủng khiếp về vụ án. Cảnh sát, chuyên gia tâm lý đã nắm bắt được thông tin qua miêu tả của cô bé về chân dung kẻ sát nhân và bắt được hung thủ. Thủ phạm sau đó đã phải cúi đầu nhận tội trước những bằng chứng chính xác.
- Một trường hợp đặc biệt khác, David Bennett sống ở bang Maryland (Mỹ), bị suy tim nặng và không đủ điều kiện để cấy ghép tim người. Do đó, ông trở thành ứng cử viên thích hợp cho quy trình cấy ghép khác loài (xenotransplant). Ông được cấy ghép tim heo vào ngày 7-1-2022, nhưng qua đời sau 2 tháng. Rất tiếc ông này không còn sống để các nhà nghiên cứu có thể xác nhận ông thay đổi như thế nào với một quả tim heo cấy trong người.

Khoa học hiện đại, qua những kiến thức về giải phẫu và sinh lý học, khẳng định trái tim không phải nơi chứa đựng "linh hồn" cũng như cảm xúc. Nó cũng không phải là bộ phận điều khiển suy nghĩ và hành động của chúng ta. Trái tim chỉ là một cái bơm giúp tuần hoàn máu khắp cơ thể. Nhưng nó cũng không hẳn là một cái bơm bình thường. Tim là cơ quan duy nhất có thể tự vận động, nó đập trung bình tới 3 tỷ lần trong suốt một đời người. Nhưng qua chiều dài hơn hơn 5000 năm lịch sử, sự hiểu biết của con người về trái tim bị ảnh hưởng nặng nề bởi tôn giáo và tâm linh hơn là giải phẫu học. Trái tim là nơi các vị thần nhìn vào một người chết, vì thế người Ai Cập khi ướp xác, trái tim vẫn được để lại đúng vị trí của nó trong cơ thể người chết. Do đó trái tim được chọn làm biểu tượng cho tình yêu, sự lãng mạn, sự chân thành và cả lòng can đảm. Trái tim cũng là nơi chứa đựng trí thông minh, suy nghĩ và cảm xúc.
Xét cho cùng, "trái tim tan vỡ" là có thật. Trái tim không phải là nơi tạo ra cảm xúc, nhưng cảm xúc có ảnh hưởng đến trái tim. 100 năm về trước, Karl Pearson (nhà toán học và thống kê sinh học người Anh) đi bộ trong một nghĩa trang, đọc các bia mộ và phát hiện một điều: "Tại sao có quá nhiều cặp vợ chồng cùng chết cách nhau chưa đầy một năm?" Lúc ấy chưa có ai nghiên cứu về hiên tượng nầy, nhưng bây giờ, có nhiều giả thuyết, nói rằng sự căng thẳng và nỗi tuyệt vọng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của một người, đặc biệt là trái tim. Ví dụ, tình trạng rối loạn cơ tim Takotsubo, còn gọi là hội chứng "trái tim tan vỡ", trong đó cái chết của người vợ hoặc người chồng có thể làm suy yếu tim, gây ra các triệu chứng bệnh tim.
Vào thập niên 1960, 1970, nghiên cứu của 2 nhà sinh lý học Mỹ John và Beatrice Lacey cho biết quả tim thực sự “giao tiếp” với bộ não và ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận cũng như phản ứng với môi trường xung quanh. Nửa thế kỷ sau, chúng ta mới hiểu biết nhiều hơn về trí thông minh đặc biệt này:
- Tim phát tín hiệu cảm xúc, trực giác nhằm chi phối cuộc sống của chúng ta.
- Tim cũng trực tiếp điều khiển và sắp xếp nhiều hệ thống trong cơ thế, giúp chúng hoạt động nhịp nhàng với nhau.
- Tim có một hệ thần kinh độc lập được gọi là “não của tim”.
- Não của tim cùng với hệ thống dây thần kinh truyền thông tin tới não bộ, từ đó tạo ra hệ thống thông tin liên lạc 2 chiều giữa tim và não.
- Tim tự đưa ra nhiều quyết định của riêng mình.
- Tim bắt đầu đập trong thai nhi trước khi bộ não được hình thành, dựa trên quá trình “chu kỳ tự động hóa”.
Nhiều kết quả nghiên cứu khác sau đó cho thấy sự thành công trong cuộc sống phụ thuộc nhiều vào khả năng cảm xúc hiệu quả hơn là khả năng trí tuệ của não bộ. Các nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng cảm xúc có thể ảnh hưởng xấu đến tim, như stress mạn tính làm tăng huyết áp.
Các kết quả nghiên cứu của hai bác sĩ Christiane Northrup và Deepak Chopra, cho thấy kết quả các mô hình hoạt động khác nhau của tim không chỉ tương ứng với các trạng thái cảm xúc khác nhau mà còn có ảnh hưởng rõ rệt đến chức năng nhận thức.

Người sáng lập tâm lý học hiện đại William James cho rằng cảm xúc là phản ứng của trí não với một kích thích nào đó trong môi trường. Bộ não có thể nhận biết được một mối đe dọa bằng lý trí nhưng chính cảm nhận của chúng ta về tim đập mạnh và lòng bàn tay đổ mồ hôi đã biến một ý niệm mơ hồ thành một cảm xúc của cơ thể.
Bác sĩ châm cứu James Whittle, trưởng phòng Châm cứu Blue Ridge ở Asheville, North Carolina (Mỹ) cho rằng y học Tây Phương tập trung vào cơ thể vật chất, do đó các yếu tố phi vật thể như ý thức được cho là được tạo ra từ não. Trong khi đó, y học Đông phương thì cho tâm trí là cái gốc căn bản và ý thức ngụ trong tim.
Phương cách điều trị HeartMath của bác sĩ Christiane Northrup (Người Mỹ thổ dân) và Deepak Chopra (người Mỹ gốc Ấn), cho biết trái tim giống như một dòng chảy nhận thức, thấu hiểu và trực giác mà chúng ta trải qua khi tâm trí và cảm xúc kết nối chặt chẽ với trái tim. “Trí thông minh và trực giác được nâng cao khi chúng ta học được cách thực sự lắng nghe trái tim mình mách bảo. Đó là sự giải mã thông điệp dựa trên nhận thức tầm quan trọng của việc điều khiển cảm xúc trong những thử thách cuộc sống. Chúng ta càng lắng nghe và đi theo tiếng gọi của con tim, cảm xúc càng trở nên ổn định, cân bằng và gắn kết. Ngược lại, một trái tim bất ổn khiến con người dễ dàng rơi vào trạng thái bất an, giận dữ, sợ hãi và đổ lỗi”.

Trương Chi, một dân chài nghèo theo đuổi Mỵ Nương lá ngọc cành vàng. Bộ óc cho biết không nên mơ ước hão huyền, nhưng tình cảm vẫn thổn thức trong trái tim Trương Chi. Kết quả, trái tim chàng hóa đá…!
Làm sao có chuyện đó? Trong đời sống thường ngày, trong văn chương, chúng ta thường nghe nói ‘hãy lắng nghe con tim’ nhưng chỉ gần đây các nhà nghiên cứu mới thấy câu nói này có phần đúng. Trái tim có thể tạo cảm xúc và cảm giác ‘thần giao cách cảm’, những tín hiệu phát xuất từ trái tim tạo sự cảm thông của chúng ta với nỗi đau của người khác, hay sự đau nhói của chúng ta khi bị người yêu phản bội.
Có thể nói những điều này phù hợp với ý nghĩ rằng qua cơ thể, chứ không phải não bộ, chúng ta quyết định nhận thức, tình cảm... Suy cho cùng, cơ thể con người tồn tại như một sinh vật cao cấp, một cỗ máy tự lái phức tạp với vô vàn cảm biến mà thôi.
Tóm lại, bộ óc như một tàng thư thiên kinh vạn quyển, chứa đựng vô vàn tri thức. Bộ óc thuộc về lý trí, giúp chúng ta phán xét, phân biệt Đúng - Sai, Tốt - Xấu... Trong khi đó, trái tim âm thầm cần mẫn vận chuyển hàng triệu giọt máu đỏ tươi để nuôi cơ thể. Trái Tim thuộc về tình cảm, vốn “mù quáng” không có lý trí, chỉ thủ thỉ, thì thầm, trầm tư, thổn thức… rất êm và rất lặng, tự tình qua nhịp đập của con tim. Nếu chúng ta muốn có một đời sống tình cảm phong phú hơn, chúng ta cần phài lắng nghe con tim mình.