PHONG CÁCH NIKSEN

Lê Tấn Tài



Niksen là một xu hướng dưỡng sức phát sinh từ Hà Lan có nghĩa là "không làm gì cả". Thế giới bắt đầu chú ý phong cách nầy kể từ năm 2019 như một phương pháp để giảm căng thẳng (stress), cho phép bản thân thư giãn, không phải luôn luôn bận rộn với công việc, trách nhiệm và hoạt động hàng ngày, và cho phép tâm trí lang thang, nghỉ ngơi như ngồi im lặng, đi dạo, ngắm cảnh, hoặc chỉ đơn giản là không làm bất cứ điều gì đặc biệt.

Người ta thường thấy người dân địa phương tại The Hague thực hiện Niksen bằng cách ngồi trên bãi biển, đi dạo, đạp xe hoặc chỉ đơn giản là ngồi trên những chiếc ghế dài bên đường. Trong thời gian này, họ không có mục đích hoặc hoạt động cụ thể, mà chỉ nhìn bâng quơ quang cảnh xung quanh để tâm trí nghỉ ngơi. Áp lực cuộc sống đè nặng chồng chất lên con người vì thế việc giải tỏa căng thẳng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc thực hành Niksen được cho là có lợi cho sức khỏe tâm lý, giải tỏa áp lực và tạo ra một trạng thái tĩnh lặng. Đây là một cách để có được khoảnh khắc bình yên và thư giãn trong cuộc sống bận rộn của người dân Hà Lan.

Nhà báo kiêm nhà văn Olga Mecking, tác giả quyển sách "Niksen: Embracing the Dutch Art of Doing Nothing" (Niksen: Nắm lấy nghệ thuật không làm gì của Hà Lan), đã chia sẻ với BBC rằng "Với tư cách là một nhà ngôn ngữ học, tôi thích ý tưởng diễn đạt toàn bộ khái niệm 'không làm gì cả' trong một từ ngắn gọn và dễ phát âm." Ổng định nghĩa Niksen là việc "không cần phải làm bất cứ điều gì, chỉ cần cho phép tâm trí lang thang đến bất kỳ nơi nào nó muốn, mà không gắn kết bởi mục tiêu hoặc kế hoạch cụ thể." Trong bối cảnh sau đại dịch, Mecking cho rằng việc suy nghĩ lại cách chúng ta làm việc và sử dụng thời gian là điều quan trọng. Niksen có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo năng lượng và đảm bảo cân bằng sau giai đoạn khó khăn này.
Bà Flecken, một nhà tâm lý học tại Đại học Amsterdam, cho rằng Niksen giúp chúng ta chấp nhận việc nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại mà không cần phải làm gì đặc biệt.
Theo Thijs Launpach, nhà tâm lý học và tác giả sách "Crazy Busy: Staying Sane in a Stressful World" (Bận Rộn Điên Cuồng : Sống lành mạnh trong một thế giới căng thẳng), Niksen có nghĩa là "không làm gì cả hoặc thả mình vào một thú vui nào đó để tận hưởng thời gian của riêng bản thân." Ông góp ý thêm, Niksen không đồng nghĩa với việc không làm gì cả, mà là làm càng ít càng tốt, điều này chủ yếu áp dụng cho những người cao tuổi có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Tuy nhiên, các thế hệ trẻ đang trải qua căng thẳng hơn bao giờ hết, ngay cả ở Hà Lan, một quốc gia đề cao sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Trong thời điểm hiện nay, nhiều người đang đối mặt với tình trạng kiệt sức và trầm cảm do làm việc quá mức. Điều này đã thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến những khái niệm như Niksen của Hà Lan, Ikigai của Nhật Bản và Hygge của Đan Mạch. Những khái niệm này đã được đưa vào từ điển tiếng Anh để truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của sự cân bằng, bảo vệ sức khỏe tinh thần và mang đến một cảm giác an lành trong cuộc sống.
Niksen mô tả việc giải tỏa căng thẳng bằng cách không làm gì cả. Đây là một cách thức để tạm gác lại công việc, mọi lo lắng và cho phép bản thân thư giãn một cách tự nhiên. Bằng cách không làm gì, người ta có thể giải phóng tâm trí và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Ikigai mô tả ý nghĩa cuộc sống và mục tiêu cá nhân. Ikigai khuyến khích mỗi người tìm ra sở thích và sứ mệnh cá nhân của mình, và đặt nó vào trung tâm của cuộc sống. Ikigai giúp mọi người tìm được niềm vui và ý nghĩa trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Hygge đề cao sự ấm cúng, thoải mái và hạnh phúc bình dị. Hygge khuyến khích mọi người tận hưởng những khoảnh khắc đơn giản và tạo ra không gian sống thoải mái, ấm áp, thân thiện, hoà nhã.

Điều này chỉ rằng Niksen không phải là việc lướt qua phone để giải trí hoặc thực tập thiền định, mà là một hình thức thư giãn và hoạt động không có mục tiêu cụ thể. Niksen và thiền định là hai khái niệm khác nhau.
Thiền định có quy trình và phương pháp hướng dẫn, trong đó thiền giả tập trung vào một tâm điểm như hơi thở, cơ thể hoặc một đối tượng nhất định để tăng cường sự tập trung và nhận thức hiện tại. Nếp sống thiền còn là một triết lý sống. Thiền giả thường hướng tới sự giác ngộ và bình an trong cuộc sống hàng ngày, và áp dụng những nguyên lý thiền vào mọi khía cạnh của cuộc sống.
Thích Nhất Hạnh đã phổ biến khái niệm về "Ngày Làm Biếng" (Lazy Day) như một phương pháp thư giãn và tái tạo tinh thần trong việc tu tập thiền. Ngày làm biếng là ngày nghỉ, không đi đâu hết, không làm gì hết, không suy nghĩ gì hết...Ngày nghỉ không có thời khóa biểu và tranh thủ từng giây phút như ngày thường, lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Thích làm gì thì làm: nằm võng, cắm hoa, nhâm nhi ly trà, ngồi chơi trên bãi cỏ ngắm mây trôi, nghe gió thổi... Đừng sử dụng ngày nghỉ để xuống phố, chơi thể thao... Ngày nghỉ nầy là để lấy lại sự thăng bằng và di dưỡng tinh thần sau những ngày làm việc mệt nhọc...
Tuy nhiên, cần phân biệt Ngày Làm Biếng với khái niệm Niksen. Trong Ngày Làm Biếng, Thích Nhất Hạnh đề cao việc tận hưởng và thư giãn một cách chủ động, trái lại Niksen không đòi hỏi phải tập trung vào bất kỳ tâm điểm nào và cho phép tâm trí tự do lang thang.
Mặc dù cả Niksen và thiền định đều liên quan đến việc tạo ra một không gian yên tĩnh và thư giãn. cách tiếp cận và phương pháp của chúng khác nhau.

Niksen được xem như một phản ứng chống lại cuộc sống hiện đại căng thẳng và đầy áp lực. Đây là một phương pháp để khôi phục năng lượng và giảm căng thẳng bằng cách tạo ra một khoảng thời gian cho tâm trí và cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi. Niksen có thể trở thành một phần không thể thiếu trong lối sống lành mạnh, giúp thiết lập sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, không nên hiểu lầm Niksen là lười biếng hoặc trốn tránh trách nhiệm. Niksen không ám chỉ việc không làm gì với mục đích trốn tránh hay không muốn làm việc. Thay vào đó, nó tạo ra một không gian để giải phóng áp lực và trải nghiệm sự tự do của việc không làm gì trong một khoảng thời gian ngắn. Và nên lưu ý rằng Niksen không phải lúc nào cũng được coi là tích cực. Đối với một số người, nó có thể tạo ra cảm giác trống rỗng hoặc không thoả mãn. Điều quan trọng là biết lắng nghe nhu cầu và giới hạn của bản thân và tìm phương pháp giải tỏa căng thẳng phù hợp nhất.