Đọc "Lý thuyết của Sigmund Freud về giấc mơ"
của Đào Ngọc Phong


Đây là tập tiểu luận viết khá đầy đủ về lý thuyết giấc mơ của Freud.
Xin giới thiệu và tóm lược nội dung tập sách với bạn đọc.



Theo tác giả, tập sách nhỏ nầy chưa xứng đáng với danh hiệu "biên khảo triết học", nó chỉ là một bài luận nhỏ viết ra trong phạm vi học đường. Trong lời nói đầu tác giả cũng cho biết: "Những trang giấy của bài luận nầy nằm trong kẹt tủ từ những năm 1974...Tôi tự nhiên có ước muốn in lại vài chục bản làm kỷ niệm một giai đoạn của đời mình..." Quyển tiểu luận nầy gồm 3 điểm:
1/ Làm nổi rõ quan điểm nhị nguyên tâm lý qua tác phẩm "Giải minh giấc mơ.
2/ Phát kiến quan điểm nhị nguyên siêu hình qua hành trình giải minh giấc mơ.
3/ Đối chiếu một triết lý giải minh với một triết lý hiện tượng học.

Từ ngữ "Tâm Phân học" (Die psychoanalyse) gắn liền với tên Sigmund Freud và cuộc đời của ông . Gốc Do Thái, Freud (6-5-1856 / 23-9-1939) sinh ra tại Freigerg tỉnh Moravie, một tỉnh nhỏ thuộc Tiệp Khắc ngày nay. Năm 1876 làm việc trong phòng thí nghiệm của giáo sư Ernest Brucke nghiên cứu mô học về thần kinh hệ của loài cá hạ đẳng. Năm 1881, Freud tốt nghiệp y khoa bác sĩ và say mê về não bộ con người. Năm 1889, Freud áp dụng phương pháp thanh tẩy tâm lý lần đầu tiên trong việc chữa trị bệnh tâm lý. Và Freud đã tìm ra tâm phân pháp trong khoảng thời gian 1892-1895. Quá trình khám phá nầy cho thấy:
- Freud từ bỏ thuật thôi miên
- Khám phá kháng lực (resistance) và lý thuyết về sự dồn nén (repression)
- Thực tại tâm lý vô thức
- Khám phá dục tính
- Liên tưởng tự do
Từ đây Freud đã nhìn giấc mơ không phải là một triệu chứng bệnh hoạn mà là một hiện tượng của sinh hoạt tâm lý bình thường. Do đó "tâm phân pháp không còn phải là một khoa học tùy phụ của tâm lý học nữa mà là nền tảng của một khoa học tâm lý mới lạ và sâu xa hơn" Freud đi vào xứ mơ, cái xứ thật trong ta nhưng cũng thật xa xôi quái lạ, tăm tối đối với tia sáng yếu ớt của ý thức chúng ta. Hành trình của Freud là hành trình khảo cổ học đào bới những di tích còn vùi sâu dưới ba thước đất trong mộ phần ký ức...
"Nếu không lộng được Thiên thần,
Thì ta khuấy động mộ phần Diêm cung"


Trước Freud đã có những quan điểm lý thuyết về giấc mơ.
1/ Liên hệ về giấc mơ với trạng thái tỉnh thức
- Ý kiến của Burdach, Fitche, Trumpell cho rằng giấc mơ dù không đến từ cõi siêu nhiên, nhưng lại đưa giấc mơ vào một thế giới khác hơn thế giới quen thuộc của lúc tỉnh thức.
- Ý kiến của Haffner, Weygandt.. chủ trương có một liên hệ mật thiết giữa giấc mơ và đời sống tỉnh thức.
2/ Chất liệu trong giấc mơ và vấn đề ký ức trong giấc mơ
- Giấc mơ sử dụng chất liệu rút từ kinh nghiệm sống thực của người mơ, nhưng lúc tỉnh táo, ý thức không nhớ lại nổi những kinh nghiệm đã trải qua đó nên ý thức cho là xa lạ, kỳ quái.
- Chất liệu giấc mơ có thể là tái bản của những kinh nghiệm thuộc thời thơ ấu mà trong lúc tỉnh táo người mơ không hề nhớ hoặc sử dụng trong dòng ý nghĩ.
- Ký ức trong mơ là sự lựa chọn những chất liệu được tái tạo. Không giống lúc thức, giấc mơ nhớ lại những chi tiết vô nghĩa nhất, tầm phào nhất của kinh nghiệm sống.
3/ Kích thích tạo mơ: nguồn gốc của mơ.
- Kích thích cảm giác ngoại khởi. Khi ngủ ta không hoàn toàn đóng kín các đường cảm giác giao thông với ngoại giới. Sự tương đồng giữa một phần hay toàn phần giấc mơ với kích thích cảm giác đến từ ngoại giới như tiếng sấm rền làm mơ thấy giữa trận chiến khốc liệt...Nhưng tại sao kích thích chỉ xảy ra khoảnh khắc mà tạo được một giấc mơ dài với biết bao tình tiết? Và tại sao kích thích biến dạng trong giấc mơ? Theo Freud lý thuyết về ngộ giác và quyền lực (tâm trí lúc ngủ gục cũng nhận lầm những kích thích ngoại khởi) của cảm giác ngoại kích không đủ để cắt nghĩa hình thành giấc mơ.
- Kích thích cảm giác nội khởi. Ảnh tượng trong mơ có thể xuất sinh từ những cảm giác nội thân, đặc biệt thị giác và thính giác...John Muller gọi những cảm giác chủ quan đó là những ảo giác buồn ngủ.
- Kích thích của các cơ quan nội thân. Các cơ quan nội thân bị kích thích hay bệnh hoạn có thể làm phát sinh các giấc mơ biểu tượng những cơ quan đó, chẳng hạn yếu phổi làm mơ thấy ngột ngạt...
- Nguồn kích thích thuần tâm lý. Freud đi ngược lại các khoa học gia thời đại ông khi chứng minh nguồn gốc giấc mơ là thuần tâm lý.
4/ Tại sao quên giấc mơ sau khi thức. Có khi quên rất nhiều giấc mơ, có khi nhớ một giấc mơ gần như suốt đời. Strumpell nêu ra 5 lý do của sự quên:
- Nhiều ảnh tượng mơ mờ nhạt
- Giấc mơ chỉ xảy ra một lần
- Những ảnh tượng mơ rời rạc
- Ý thức tỉnh táo bị tràn ùa bởi cảm giác ngoại giới
- Nhiều người ít quan tâm đến giấc mơ của họ
5/ Những đặc điểm tâm lý của giấc mơ
- Fechner cho rằng diễn trường của giấc mơ khác diễn trường tâm lý lúc thức nên giấc mơ không phải là một tiếp nối của sinh hoạt ý tưởng tỉnh thức
- Sự suy yếu của ý chí và của lý trí trong giấc ngủ khiến cho giấc mơ trở nên lộn xộn, vô luân , phi luân
- Sự trôi vượt của khả năng tâm lý khác như ký ức, liên tưởng, hồi tưởng , tình cảm...
- Một số tác giả khác gán cho giấc mơ một hoạt động cao cấp biệt loại mà tâm lý lúc thức không có. Giấc mơ có khả năng giải phóng con người khỏi ngoại giới, giải thoát linh hồn khỏi xiềng xích cảm giác
- Freud ghi nhận sự kiện giấc mơ có khả năng tiếp nối và hoàn tất những hoạt động trí thức ban ngày.
6/ Ý nghĩa đạo đức trong giấc mơ. Có 2 ý kiến trái ngược: một ý kiến cho rằng giấc mơ không biết gì hết về những bó buộc đạo đức; một ý kiến quả quyết bản chất đạo đức vẫn hiện tồn trong giấc mơ.
7/ Liên hệ giữa giấc mơ với bệnh tâm trí.
- Theo De Sanctis "Vài giấc mơ là nguyên nhân quyết định của bệnh điên"
- Hagen mô tả chứng delirium như là sinh hoạt mơ không phải là do giấc ngủ mà là do bệnh hoạn gây ra

Thời thượng cổ có hai quan niệm đối lập nhau về giấc mơ:
- Quan niệm siêu nhiên coi giấc mơ là do tác tạo của thần và quỉ và có tính cách tiên tri cho định mệnh người mơ
- Quan niệm duy nhiên của Aristote coi giấc mơ thuộc bình diện thiên nhiên và là một hoạt động tâm lý đặc biệt có thể biến một cảm giác nhẹ thành mạnh và giúp cho y sĩ đóan được bệnh trạng cơ thể.
Thời Freud có thể chia ra 3 lý thuyết:
- Lý thuyết về vai trò toàn bộ tâm lý. Theo Deboeuf cho rằng toàn bộ hoạt động tâm lý lúc thức vẫn tiếp diễn trong mơ, nghĩa là chỉ cơ thể ngủ mà tâm hồn không ngủ
- Lý thuyết về vai trò một phần tâm lý. Trong mơ có sự giảm thiểu các hoạt động tâm lý. Giấc ngủ cũng làm tê liệt tâm hồn.
- Lý thuyết về những hoạt động tâm lý biệt loại. Tâm trí mơ có khả năng làm những hoạt động tâm lý chuyên biệt mà lúc thức nó không thực hiện được. Thí dụ cái nhà trong mơ tượng trưng cả thân thể...

Ý hướng tìm hiểu ý nghĩa của giấc mơ đã đưa đến 2 phương pháp giải minh có từ xưa:
- Phương pháp giải minh tượng trưng xé giấc mơ như một toàn thể, tượng trưng cho một nội dung khác có thể hiểu được (giấc mơ bảy con ngựa béo tượng trưng bảy năm được mùa, bảy con ngựa gầy tượng trưng bảy năm mất mùa). Theo Freud, người giải giấc mơ theo lối nầy phải có một trực giác siêu phàm, như vậy nó không có giá trị khoa học
- Phương pháp chìa khóa (symbolic interpretation) xét giấc mơ theo phần tử riêng rẽ hiểu như những bộ khóa hóc cần phải có những chìa khóa riêng mới mở được (nằm mơ thấy lửa tức là sắp có tiền). Theo Freud, phương pháp nầy coi giấc mơ như là một đống hỗn độn, như chùm khóa hóc vì mỗi tác giả sách giải mộng có những liên tưởng khác nhau.

Từ những kinh nghiệm trị liệu, Freud phân biệt trong dòng tâm lý con bệnh có hai động lực tác dụng lên nhau: động lực ý thức và động lực vô thức. Do đó giải minh giấc mơ cũng như giải minh một triệu chứng.
Nguyên tắc 1: Phân chia giấc mơ ra những thành phần - nguyên tắc nầy giống với phương pháp chìa khóa nói trên
Nguyên tắc 2: Liên tưởng tự do với mỗi thành phần - chính người nằm mơ liên tưởng tự do, chứ không phải người giải minh liên tưởng
Nguyên tắc 3: Tống hợp các chùm liên tưởng để tìm ra một mối nút chung cho toàn giấc mơ
Giải minh giấc mơ theo phương pháp trên của Freud là đặt nền tảng trên tiền đề nhị nguyên; dòng tâm lý có hai mặt: ý thức và vô thức. Freud quả quyết, giấc mơ là sự thỏa mãn của một ước muốn. Ước muốn nầy không ở trong chính giấc mơ mà ở trong ý mơ mà chỉ nhờ phương pháp giải minh của Freud mới tìm ra được. Có hai nội dung mơ:
- Nội dung biểu hiện (manifest dream content) hay là giấc mơ được mơ thấy. Giấc mơ là mặt nổi
- Nội dung tiềm ẩn (latent dream content) hay là ý mơ được liên tưởng lại ẩn dấu bên dưới. Ý mơ là mặt chìm. Một cô gái mơ thấy đứa cháu thứ hai chết mà không mảy may xúc động. Giấc mơ nầy che giấu ước muốn gặp lại người yêu, vì trong dịp đứa cháu thứ nhất chết, cô ta đã được cùng người yêu ngồi gác quan tài. Freud kết luận: "Giấc mơ là sự thỏa mãn (ngụy trang) của một ước muốn (bị truất bỏ, dồn nén)" .

Nội dung mơ gồm nhiều chất liệu tạo mơ:
- Kinh nghiệm sống tầm thường và mới xảy ra. Một cô gái mơ thấy đặt một cây đèn cầy vào giá, nhưng cây đèn cầy bị gãy khiến nó không đứng thẳng được. Bạn gái ở trường nói nàng vụng về, nhưng nàng trả lời rằng đó không phải là lỗi ở nàng. Freud giải minh: ngày hôm trước nàng có cắm đèn cầy thật, nhưng cây đèn nầy không gãy. Liên tưởng đưa đến ý nghĩa: cây đèn cầy tượng trưng dương vật, cây đèn cầy gãy tức là đàn ông bất lực, nếu vậy không phải lỗi ở nàng
- Kinh nghiệm ấu thời. Một người nằm mơ thấy ông thầy dạy kèm trước kia nằm cùng giường với vú em. Freud giải minh: Đây là cảnh thực xảy ra vào hồi người anh 6 tuổi và người em 3 tuổi. Hồi đó ông thầy và người vú em yêu nhau, khi nào họ làm tình, thường cho người anh uống bia, còn người em họ không quan tâm. Không ngờ người em biết hết và bây giờ nằm mơ thấy cảnh trên.
- Kích thích thể chất. Freud kể một giấc mơ của ông trong đó ông ngồi trên yên ngựa một cách thoải mái. Ông giải minh: mấy hôm nay ông bị mụt nhọt ở hậu môn, khi ngủ làm đau nhức, giấc mơ như một vỗ về
Với những giải minh về giấc mơ, Freud càng tin vào sự hiện hữu của những ước muốn bị dồn nén từ lâu và tìm sự thỏa mãn trong giấc mơ. Chẳng hạn, giấc mơ khỏa thân là phản ứng của thẩm cấp tâm lý thứ hai vì lực kiểm duyệt đã kết án việc cởi truồng trước người lạ; giấc mơ thấy người thân chết chỉ là mượn hình ảnh người thân chết để che giấu một ước muốn khác (trường hợp cô gái mơ thấy đứa cháu thứ hai chết) hoặc tố cáo ước muốn cho người thân chết, nhưng không phải ước muốn hiện tại mà là ước muốn trong ấu thời (vì trẻ con có tính ích kỷ)

Cách tạo thành giấc mơ cũng như cách tạo thành tranh đố vậy. Mơ là phiên dịch ý mơ thành giấc mơ theo 4 phương sách :
- Diễn trình cô đọng hóa. Trong giấc mơ, mỗi yếu tố là đại biểu cho nhiều ý mơ
- Diễn trình di chuyển . Những yếu tố tầm thường trong giấc mơ lại che giấu những ý mơ quan trọng
- Những cách thế biểu tượng trong mơ: nối kết luận lý (hai yếu tố mơ sát cạnh nhau biểu tượng mật thiết hai ý mơ), liên hệ nhân quả (giấc mơ chính biểu tượng mệnh đề chính, giấc mơ phụ biểu hiện mệnh đề phụ trong ý mơ), liên hệ ly tiếp (giấc mơ biểu tượng cả hai phần ly tiếp trong cùng một bối cảnh), liên hệ mâu thuẫn (yêu-thù, trong sạch - tội lỗi...), sự đồng dạng (biểu hiện trong mơ bằng một đơn vị thống nhất), biểu tượng nghịch đảo (xảy ra trái chiều nhau trong ý mơ và giấc mơ), độ sáng tối (độ sáng tối cũng biểu tượng một ý mơ), cách phủ quyết (trong ý mơ có sự chối bỏ thì giấc mơ biểu tượng bằng cảnh bất lực), ảnh tượng cụ thể (một ý nghĩ được biểu tượng bằng một ảnh tượng cụ thể).
- Tượng trưng trong mơ. Có những yếu tố mơ tượng trưng cho một sự vật mà nhiều người công nhận, như giấc mơ lửa bắt nguồn từ sự cấm đoán của cha mẹ, hoàng đế, nữ hoàng tượng trưng cha mẹ...

Đặc điểm của giấc mơ là kết quả của tác dụng hỗn hợp ba phương sách cô đọng hóa, di chuyển và biểu tượng
- Cảnh mơ là biểu tượng của từ ngữ trong ý mơ: một người mơ thấy mình trèo lên một ngọn núi từ đó có cái nhìn thật rộng rãi. Giải minh cho thấy y muốn đồng hóa mình với người anh hiện đang xuất bản một tờ tập san viết về Viễn Đông
- Số trong mơ biểu tượng sự đời người mơ. Một người đàn ông mơ thấy mình hỏi cô gái bao nhiêu tuổi, cô ta trả lời sinh năm 1882. Ông ta nói vậy em 28 tuổi. Giải minh: trong mơ có sự tính sai vì người đàn ông mơ vào năm 1898. Thực ra số 28 tuổi là tuổi của một nữ bệnh nhân mà ông ta gặp ở phòng bệnh và rất lưu ý đến nàng. Năm 1882 lại là năm ông ta cưới vợ.
- Tính cách phi lý của giấc mơ biểu tượng một ý mơ hữu lý. Freud mơ sau khi ông chết, cha ông tham dự vào sinh hoạt chánh trị, cha ông trông giống như Garibaldi và ông sung sướng thấy lời hứa nầy đã trở thành sự thực. Giải minh: giấc mơ có vẻ phi lý nhưng ước muốn của Freud là vẫn thấy cha xuất hiện vĩ đại dù trong lúc chết (cha là một cái gì vĩ đại)
- Tình cảm trong mơ. Trong phần lớn giấc mơ, tình cảm người mơ không tương ứng với nội dung ý tưởng của giấc mơ (lãnh đạm, bình tĩnh trước những cảnh khủng khiếp hoặc ngược lại...), cần phải tìm nội dung tiềm ẩn thì mới khám phá ra ý nghĩa của tình cảnh trái ngược

Phương cách thứ tự trong việc tạo thành giấc mơ là hợp lý hóa giấc mơ làm cho mất vẻ phi lý, vô trật tự của những yếu tố mơ, lấp đầy những khoảng trống làm cho giấc mơ xuất hiện có lớp lang, dễ hiểu. Nhưng chính cái dễ hiểu nầy làm cho người mơ hiểu sai hoặc không biết gì về ý nghĩa tiềm ẩn của giấc mơ, tác nhân của sự lừa phỉnh đó chính là lực kiểm duyệt. Ý mơ có sáng tạo, đó là những sáng tạo trong những cơn mơ mộng mà người ta có ngay trong lúc thức. Tóm lại, nằm mơ là chuyển hóa ý mơ thành giấc mơ: di chuyển giá trị tâm ý của mơ, biểu tượng bằng hình ảnh những ý mơ trừu tượng, cô đọng hóa nhiều ý mơ vào một đại biểu và khoác cho giấc mơ một vẻ hợp lý giả tạo - Giấc mơ là một thứ Tôn Tẩn giả điên vậy.
Bốn phương sách tạo thành giấc mơ nói trên cho ta ý niệm về tác động hỗ tương giữa những lực lượng tâm lý. Tuy mỗi lực lượng có một vị trí riêng, chức vụ riêng, nhưng sự hành xử chức vụ của mỗi lực lượng ảnh hưởng đến lực lượng khác, do đó đưa đến tương tác giữa những lực lượng. Vậy thì bộ máy tâm lý (cơ tâm) như một dụng cụ phức tạp, chúng ta gọi những bộ phận cấu tạo nầy là những thẩm cấp (instances) hay là những hệ thống (system). Mỗi bộ phận của cơ tâm là tâm hệ. Vậy ta có thể nói cơ tâm được kết thành bởi nhiều tâm hệ. Tất cả những hoạt động tâm lý của chúng ta diễn tiến từ kích thích nội hay ngoại và kết thúc bằng những kích động thần kinh. Một đầu cơ tâm là tâm hệ cảm tri giác và đầu kia là tâm hệ vận động. Diễn trình tâm lý thường chạy từ tâm hệ tri giác tới tâm hệ vận động như ta thấy trong mọi phản xạ: kích thích - đáp ứng. Khi qua tâm hệ tri giác, một tri giác để lại một dấu vết gọi là dấu vết ký ức. Tâm hệ ký ức là căn cứ của những liên kết giữa các tri giác. Cùng một kích thích do tâm hệ tri giác truyền đi có thể được lưu giữ nhiều tâm hệ khác nhau. Tâm hệ ký ức tự nó là vô thức, những dấu vết ký ức từ ấu thời đều vô thức. Trong tâm hệ tiền thức (preconscious) những diễn trình kích thích dễ dàng trở nên ý thức, tâm hệ vô thức (unconscious) nằm sau tiền thức những diễn trình ý thức chỉ đạt đến ý thức khi đã đi qua tiền thức và chịu một biến dạng nào đó. Còn ý thức (conscious) theo Freud chính là tri giác .

Giấc mơ diễn ra trong một hoạt cảnh với những ảnh tượng thị giác. Những ảnh tượng nầy che giấu những ý tưởng tiềm ẩn. Diễn trình tạo thành giấc mơ như vậy, từ kích thích tạo mơ không đi tới đầu vận động mà tới đầu cảm giác, chiều nầy đi ngược với chiều đi của tiến trình tâm lý lúc tỉnh thức; từ ảnh tượng tới ý tưởng. Đây là một diễn trình thoái hóa (regressive) đưa về những dấu vết ký ức của tâm hệ đầu tiên. Nhìn lại những giấc mơ đã giải minh, ta thấy ký ức ấu thời luôn luôn xuất hiện và những ảnh hưởng thị giác trong mơ ít nhiều có tính cách ấu thời. Ký ức ấu thời vẫn tồn tại và luôn luôn đòi tái hiện và không có cách nào bình thường cho sự tái hiện đó hơn là giấc mơ. Xét chung ta thấy có 3 đặc điểm trong diễn trình thoái hóa:
- Tính cách vị tướng: thoái hóa từ vị thế nầy sang vị thế kia, tức là tâm hệ ý thức sang tâm hệ tri giác
- Tính cách thời gian: thoái hóa từ thời hiện tại về thời xa xưa, tức là những kết thành tâm lý mới về những kết tthành tâm lý ấu thời
- Tính cách hình thái: thoái hóa từ những biểu tượng thông thường về những biểu tượng nguyên thủy
Động lực gây nên sự chuyển vận theo diễn trình thoái hóa để tạo nên giấc mơ là thỏa mãn ước muốn. Ước muốn tạo ra giấc mơ có 3 loại:
- Loại 1 thuộc tâm hệ tiền thức : Ước muốn dậy lên từ ban ngày nhưng không được thỏa mãn vì những trở ngại ngoại tại, ước muốn nầy còn luẩn quẩn trong đêm như một thứ khuynh hướng được thừa nhận
- Loại 2 thuộc tri giác nhưng bị đuổi vào tâm hệ vô thức: Ước muốn cũng dậy lên từ ban ngày nhưng bị chính chủ thể bác bỏ nên ẩn ức trong đêm như một thứ khuynh hướng bị dồn đuổi
-Loại 3 nằm trong tâm hệ vô thức không thể nào ra được trong lúc thức: Ước muốn không hề dậy lên ban ngày mà chỉ vào ban đêm mới nhoài mình lên khỏi đám ý mơ vốn bị dồn nén từ lâu
Giải minh nhiều giấc mơ sẽ cho thấy ước muốn ngụy trang giấc mơ bắt nguồn từ hệ vô thức mà ban ngày không sao ý thức được. Ước muốn từ ấu thời thuộc tâm hệ vô thức chính là lực chủ động tạo mơ.
Ngoài ra lực hỗ trợ của những ý nghĩ ban ngày cũng thường tái hiện trong mơ khi có được một ước muốn thuộc cõi vô thức móc nối mới có đà trồi lên . Kể cả những ấn tượng tầm thường của ban ngày xuất hiện trong mơ thật sự chúng cũng che giấu những ý mơ quan trọng tiềm ẩn. Ý mơ vô thức đã truyền dịch năng lượng của nó sang yếu tố mơ tầm thường để dễ dàng che mắt lực kiểm duyệt. Ước muốn có được là do nhu cầu đời sống đòi hỏi thỏa mãn, bùng lên từ thể xác một cách liên tục (đói làm hài nhi khóc...) Nhu cầu nội khởi nầy sẽ được dập tắt khi có được một kinh nghiệm thỏa mãn, nghĩa là trong đó ước muốn kết thúc bằng ảo giác. Đó là hoạt động tâm lý sơ cấp, một hoạt động thứ cấp sẽ đến ngăn cản diễn trình nầy không cho tiếp tục thỏa mãn bằng ảo giác mà quay hướng về ngoại giới để tìm một đối tượng thực sự thỏa mãn cho nhu cầu. Diễn trình sơ cấp có ngay từ đầu đời, hướng về một sự thiết định tri giác, trong khi diễn trình thứ cấp dần dần thành hình về sau nầy, hướng về sự thiết định tư tưởng. Hoạt động thích ứng nầy được điều động bởi hệ thống tiền thức, kiểm soát vận động có ý chí. Hoạt động thứ cấp là kết quả của sự suy nghĩ, chạy ngược chiều với diễn trình sơ cấp của ước muốn tìm thỏa mãn bằng ảo giác. Trong lúc tỉnh thức, lực kiểm duyệt đứng giữa vô thức và tiền thức đã cấm đoán diễn trình sơ cấp để cho hoạt động thứ cấp diễn xuất. Trong lúc ngủ, lực kiểm duyệt lơ là việc canh gác nên những kích động ước muốn xa xưa kia trong vô thức mò mẫm trở về. Người bị bệnh loạn tâm (psychosis) do lực kiểm duyệt quá suy yếu, những kích thích từ vô thức bùng lên, con bệnh chìm trong những ảo giác nói năng, chỉ chỏ huyên thuyên. Đó là cơn điên loạn trong đó diễn trình sơ cấp ngự trị. Có thể nói cơn điên là một cơn mơ trong lúc thức và cơn mơ là một con điên trong lúc ngủ.
Thời gian sửa soạn cho một giấc mơ hình thành ban đêm như vậy rất lâu và giấc mơ chỉ xảy ra chớp nhoáng. Nếu người mơ thức dậy thì chỉ để cho ý thức xua đuổi những rối loạn rồi sau đó ngủ lại, bỏ đi nguyên nhân nhiễu loạn. Giấc mơ giải tỏa kích thích của vô thức và đồng thời bằng hành động đánh thức nhẹ nhàng đã bảo toàn giấc ngủ của tiền thức.

Sự nghiên cứu giấc mơ của Freud cho thấy giấc mơ có những đặc điểm của những triệu chứng bệnh tâm lý (thoái hóa tri giác, ảnh tượng kết hợp kỳ quái, xuất diễn hỗn độn, vô nghĩa...) nhưng lại là kết quả của một diễn trình tâm lý bình thường. Trong ý mơ có tất cả những phẩm chất của một sinh hoạt tâm lý tỉnh thức, chúng không xuất sinh trong lúc ngủ mà đã có từ ban ngày nhưng không được ý thức để ý tới, dòng ý nghĩ nầy là dòng ý nghĩ tiền thức, vì bị bỏ rơi bởi năng lượng tiền thức nên nhận được năng lượng từ ước muốn vô thức. Ước muốn vô thức nầy bắt nguồn từ ấu thời và ở trong tình trạng bị dồn nén.
Cơ tâm nguyên thủy nỗ lực tránh sự kích thích. Có kích thích thì phải giải tỏa ngay bằng hành động. Thí dụ, lần đầu tiên cơ tâm cảm thấy dễ chịu do sự thỏa mãn kích thích dậy lên từ một nhu cầu. Lần thứ hai, những kích thích lại dậy lên làm cơ tâm thấy khó chịu nên phải vận động sao cho kích thích giảm đi. Đó là nguyên lai của ước muốn. Phân tâm các bệnh nhân tâm trí, Freud cho thấy chính những kích động ước muốn từ ấu thời đã chịu sự dồn nén trong thời kỳ tuổi thơ nằm trong vô thức.
Tâm lý học cổ điển cho tâm lý là ý thức. Freud bác bỏ điều nầy, nhưng ông phải thừa nhận suy diễn ra hiện hữu của những diễn trình vô thức qua hiệu quả của chúng trên ý thức. Ý thức không hay biết gì những sinh hoạt của vô thức, trừ khi tâm phân pháp dẫn dắt. Cõi vô thức có hai cấp độ: một cấp độ vô thức mà ý thức không thể nào đạt tới được, một cấp độ tiền thức mà kích thích có thể đạt tới ý thức. Ý thức là một cảm quan dùng để tri giác, không có khả năng lưu giữ dấu vết nên không có ký ức. Giấc mơ là một thứ hòa giải của vô thức và ý thức.
Giấc mơ diễn ra trên tấm màn ý thức, ý thức nhận biết nó mà không hiểu nó, bằng đường dây liên tưởng tự do, ý thức giải minh dần dần và lần mò chép được bản văn tiềm ẩn mà chính giấc mơ là một bản sao, nhưng bản sao nầy không được diễn bằng ngôn ngữ viết mà bằng ngôn ngữ ảnh tượng.
Hành trình giải minh giấc mơ đưa Freud tới trung tâm phát xuất ý nghĩa đích thực của mọi giấc mơ, chính là ước muốn ở vào thời tiền sử đối với ý thức hiện tượng. Kích thước của ý muốn nầy là kích thước hữu thể luận trên ba chiều:
- Ước muốn và thời gian: Ước muốn một lần phát khởi trong cơ tâm vẫn bất diệt dù bị những dồn nén cấm đoán
- Ước muốn và hữu thể: Ước muốn ở giữa hai trạng thái hữu thể; cái hiện có bị từ chối và cái phải có thì chưa có. Ước muốn là một biện chứng hữu thể hư vô.
- Ước muốn và tự do: Cơ cấu hữu thể hư vô của ước muốn đã nói lên ý hướng tự do của hiện sinh người.

Bằng phương pháp loại suy, Freud giải minh về giấc mơ dựa trên quan điểm nhị nguyên năng động vô thức - ý thức, rồi đi qua nhị nguyên khoái lạc - thực tại, rồi đến nhị nguyên bản năng của ngã - bản năng tình dục. Ý niệm nầy cũng được khai triển trên các bình diện khác như:
- Bình diện đời sống thường ngày. Đời sống thường ngày diễn ra với những sự việc rất tầm thường nhưng Freud coi những cái thường ấy như là bất thường, như một thứ bệnh hoạn nào đó. Sự chuyển vận tâm lý của chúng ta vào một hành vi có vẻ vô định nhưng thực sự nó được xác định bởi những lý do vượt khỏi ý thức. Sự quên tên, nói hớ hay làm trật đều do vô thức cố ý như thế. Một hôm ông chủ tịch Hạ viện Áo mở đầu phiên họp bằng câu: "... Tôi tuyên bố phiên họp bế mạc". Chữ nói hớ đó tố cáo một dòng ý nghĩ chìm dưới ý thức là ông ta không muốn họp phiên họp nầy
- Bình diện bản năng và dục tính.Quan niệm về một cơ cấu nhị nguyên năng động duy nhất chi phối sinh hoạt tâm lý bình thường và bất bình thường, ban ngày cũng như ban đêm. Freud tìm hiểu về một kích động lực nền tảng nằm dưới những diển trình vô thức và ý thức. Bản chất của mọi bản năng là lực đẩy, thôi thúc. Theo Freud có 2 nhóm bản năng nguyên thủy: nhóm bản năng ngã (ego instinct) hay bản năng tự bảo tồn và nhóm bản năng dục tính (Freud gọi là libido). Sự tương tranh của 2 nhóm nầy là căn rễ của những bệnh tâm thần là do những kích động lực libido bị đẩy lui bởi ngã và libido tìm lối ngụy trang qua vô thức. Gặp động lực từ những bản năng ngã, libido sẽ chịu nhiều biến thiên từ thụ động sang hoạt động, từ khách thể sang chủ thể, hoặc libido bị dồn nén vì trái với đạo đức hoặc sẽ được thăng hoa thành những giá trị đạo đức. Như vậy ngã là một bình chứa lớn của libido.
- Bình diện vũ trụ. Tất cả cái gì sống đều trở về trạng thái vô cơ, do đó cứu cánh mà đời sống hướng tới chính là cái chết. Từ đó Freud đưa ra cặp nhị nguyên: bản năng sống và bản năng chết. Trên bình diện tâm lý cá nhân thì bản năng sống là những kích động lực tình dục và bản năng chết là kích động lực của ngã. Cả hai nhóm bản năng xuất hiện và tác động cùng một lúc khi hiện tượng sống bắt đầu tương tự như lý thuyết âm dương của Trung Hoa.
- Bình diện đạo đức. Ý thức đạo đức hay lương tâm của người lớn phát nguyên từ siêu ngã được thành tạo từ ấu thời trong đó vai trò của người cha là nguồn gốc quyết định.

Jean Paul Sartre gọi tâm phân học của Freud là một tâm phân học thường nghiệm (psychanalyse empirique). Thay vào đó Sartre đề nghị một tâm phân học hiện sinh (psychanalyse existentielle). Tâm phân học hiện sinh dựa trên quan điểm nhất nguyên, ý thức hiện tượng của một hữu thể hiện tượng học, theo đó không có sự phân biệt bên trong hay bên ngoài của hữu thể, mọi xuất hiện của hiện hữu đều có giá trị như nhau, không còn thực tại tính của sự vật nữa mà là khách thể tính của hiện tượng. Sartre bác bỏ mọi ngoại lực có tác dụng xác định một biến cố tâm lý, không phải khoái lạc tới trước rồi ý thức mới tới sau hoặc ngược lại. Khoái lạc là hữu thể của ý thức về mình và ý thức về mình là định luật hiện hữu của khoái lạc.
Cách cắt nghĩa của Freud sai lầm chính những điểm chủ yếu của tâm phân học... Freud thường nói đến kháng lực của con bệnh, kháng lực đó từ chính ngã thức; mặc cảm đã biết cách ngụy trang để tránh né kiểm duyệt nhưng làm thế nào mà kiểm duyệt phân biệt được những động lực nào đáng bị dồn nén mà lại không ý thức được việc phân biệt chúng. Như vậy kiểm duyệt là một ngụy tín, do đó Sartre cho rằng Freud chẳng đem lại cái gì lợi ích khi đặt giữa vô thức và ý thức một ý thức ngụy tín. Thế thì ý thức vẫn ngự trị như là một nhất thể tâm lý.
Sartre bác định đề của Freud về sự hiện hữu của vô thức, đối với tâm phân học hiện sinh, sự kiện tâm lý cùng trương độ với ý thức. Như vậy ý thức là nền tảng của tâm phân học hiện sinh, Sartre vượt qua libido của Freud để tiến về cái mà ông cho là đối tượng bất khả giản lược của một trực giác hiển nhiên: Choix original (chọn lựa nguyên thủy), không có hành xử nào vô nghĩa vì mỗi hành xử đều vén mở toàn thể nhân vị tức là dự phóng nguyên thủy.
Tóm lại, Sartre và Freud đã đi hai chiều ngược nhau. Ở Sartre quan điểm nhất nguyên được thành hình trước rồi sau tâm phân học hiện sinh mới được thành hình, trái lại ở Freud quan điểm nhị nguyên chỉ dần dần được thành hình sau những nghiên cứu về các bệnh tâm trí, về những giấc mơ. Sarte giữ thái độ của một triết gia còn Freud luôn luôn giữ thái độ của nhà khoa học. Freud cho rằng các triết gia còn bảo thủ định đề ý thức là vì họ không hề thực nghiệm trên những chất liệu bệnh lý.

Vài nhận xét của người giới thiệu tập sách

Cho đến nay, lý thuyết của Freud còn nhiều tranh cải, nhưng Freud có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 20 vì đã mở ra một hướng đi mới và đặt nền tảng mới khi nghiên cứu về tâm lý con người.
Những nghiên cứu của tâm phân học sau nầy cho thấy lý thuyết của Freud không đủ và không thỏa đáng. Freud nêu vai trò tối quan trọng của libido trong đời sống con người. Bị ám ảnh bởi tình dục nên cách giải thích giấc mơ của ông liên quan khá nhiều với các bộ phận sinh dục. Tâm trí con người thường tự nhiên suy nghĩ về tình dục , nhưng nói con người đều mơ về tình dục là không thực tế. Nói chung trên 80% số người được hỏi mơ thấy bị treo hay bị săn đuổi. Lẽ nào bị treo lại là ước vọng vô thức của con người? Không thể đồng ý với ông rằng: ngôi nhà mặt tiền nếu bằng phẳng thì biểu tượng cơ thể nam, xù xì thì ứng với cơ thể phụ nữ; vật dụng dài như cành cây tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam, còn vật đóng như bao diêm thì cho bộ phận sinh dục nữ. Càng vô lý hơn nếu quan niệm khi mơ thấy leo cầu thang, lái xe, cưỡi ngựa, đi qua cầu, đó chính là lúc ta mong sinh hoạt tình dục.
Trong thập niên 1950, các nhà khoa học đã khám phá ra một loại đặc biệt của giấc ngủ, được gọi là REM (hay sự di chuyển nhanh của mắt) là chu kỳ giấc mơ thường xuất hiện. Ngủ không phải là ở trạng thái vô thức bởi vì tuy mắt không mở, tai không nghe…nhưng ý thức vẫn hoạt động nên con người vẫn biết cho nên nếu ai la lớn, hay đánh mạnh thì ý thức tác động khiến chúng ta thức giấc. Nhiều phát minh, sáng kiến, sáng tác... ra đời từ giấc mơ. Khi nghiên cứu về giấc mơ Freud đã cố ý hay vô tình quên đi hai loại mơ vốn có ảnh hưởng và tác động lớn lao đến đời sống con người. Đó là loại mơ xảy ra như một điềm báo trước, mơ về những sự kiện chưa từng xảy ra nhưng lại xảy ra trong tương lai, hiện nay giấc mơ về tương lai xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên ở các bạn trẻ, họ mơ thấy tương lai của mình, hay quá khứ trước đây mà họ đã quên. Một loại mơ thứ hai trong đó một số người với năng lực tâm linh đặc biệt có khả năng tiếp xúc với các cảnh giới khác (trường hợp người chết về báo mộng...). Để giải thích cho các trường hợp trên chưa có giả thuyết nào thuyết phục, và với Freud thì lại càng không có giải đáp thỏa đáng.
Freud xem vô thức là kho chứa những cảm xúc, những tình cảm, những tham muốn, những giận ghét v.v… bị “dồn nén”. Sai lầm đó xuất phát từ cách Freud thu thập bằng chứng thực tế không đầy đủ, phiến diện và không chính xác. Thực tế Freud chỉ tiến hành quan sát trên phạm vi đối tượng rất hẹp: những người loạn thần kinh thuộc tầng lớp thượng lưu ở Vienna có những lệch lạc về bản năng, về bản chất chống xã hội... Khoa học thần kinh không ủng hộ quan niệm giấc mơ là con đường chủ yếu để khám phá vô thức. Nói chung, những nhà tâm lý học trên thế giới ngày nay rất hồ nghi về trạng thái vô thức của tâm dựa theo định nghĩa của Freud.
Khoa học lý luận rằng vô thức đã có từ khi lọt lòng mẹ hay có thể từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Điều này rất phù hợp với Phật giáo vì đạo Phật chủ trương rằng tuy con người mới kết tụ vào trong noãn bào của người mẹ thì những ký ức, kinh nghiệm…của những đời quá khứ đã tồn tại trong tàng thức (hay A lại da thức). Có nhiều tác giả chỉ ra rằng học thuyết của Freud có nhiều điểm tương đồng với đạo Phật, nhưng cái vô thức trong tàng thức không những liên quan đến thuở ấu thơ mà lại còn dính líu đến những kiếp sống trước đó.
Cuối cùng xin trích dẫn lời nói sau đây của nhà tâm lý Parisi để kết thúc bài viết nầy: “Tôi không cố cãi rằng Freud đúng hay lý thuyết của ông đúng. Nếu buộc phải lựa chọn – đúng hay sai – tất nhiên ai cũng phải thừa nhận rằng Freud sai ở nhiều khía cạnh. Nhưng ông sai trong sự phong phú”.

Lê Tấn Tài
San Jose 25/10/2017


MỘNG ĐỜI và CHIÊM BAO

Trước khi ngủ, tôi tọa thiền tư duy hoặc nằm xem clip nhạc video thiền, hoặc đu ngoạn vào không gian 3 chiều bằng cách giải các cube khó (như tôi đã có đưa lên YouTube => videotranthe). Trong giấc ngủ, tôi chẳng chiêm bao mộng mị gì hết. Có chăng là những hình ảnh thấy trong video đã được chọn xem trước khi ngủ, hoặc trước khi ngủ tôi nằm trên giường chơi cube cho đến khi não bộ mệt thì tôi thiếp đi hồi nào không hay (một cách dỗ giấc ngủ). Trong giấc ngủ tôi thấy mình tiếp tục giải cube và sau khi thức giấc tôi lại tiếp tục chơi cube. Từ trải nghiệm nầy mà tôi tin rằng các vị thiền sư chân tu xưa có thể tự tạo cho mình giấc CHIÊM BAO theo ý muốn hoặc không mộng mị gì hết (trạng thái KHÔNG của TÂM). Phải chăng đây là cách minh chứng ĐẤNG ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU ở nơi mình về mặt tư tưởng mà ai cũng có thể thực hiện được theo chánh pháp của Đấng Giác Ngộ để chuẩn bị cho cuộc sống mới bên kia cửa tử theo chu kỳ cuối của kiếp sống, sinh lão bịnh tử mà Freud (1856-1939) không đề cập đến khi viết về CHIÊM BAO (Rêve). Tôi tự đặt câu hỏi: Không lẽ con người đã tự để cho mình là nạn nhân của giấc MỘNG ĐỜI từ kiếp nầy đến kiếp khác bởi dục vọng với sắc tướng vô thường trong khi tĩnh thức, rồi lại tiếp tục là nạn nhân may rủi của các giấc CHIÊM BAO (hên thì thấy mộng đẹp, xui thì thấy ác mộng !). Như vậy, việc tu tập nhằm cho mục đích gì? Không lẽ chỉ nhằm cho mục đích mượn đạo tạo đời để có kế mưu sinh về đời vật chất dưới danh nghĩa hoằng dương Phật pháp hơn là TỰ ĐỘ, ĐỘ THA ?

Trần Thế, T², pd. Huệ Trí
France, 28-10-2017