CÂY CỎ VÀ CON NGƯỜI



Thuở xưa, con người sống trong không gian đầy cây cỏ, từ đó hình thành mối liên hệ thân thiết giữa người và cây cỏ. Cây cỏ có đời sống riêng thầm kín, khó ai biết sự sống bên trong nó là gì, nhưng cây cỏ lại hiện thực trong văn học, tôn giáo, và hiện hữu ngay trong chính cuộc đời thực của chúng ta.
Người với cây không biết đã tương tác ra sao, nhưng rõ ràng người và cây biết nương nhau mà sống. Người dưỡng cây, cây dưỡng người. Dần dần giữa người và cây có mối giao tình đặc biệt. Một gia đình hạnh phúc, vườn nhà cây cỏ tươi tốt. Khi trong nhà có chuyện thương đau, lục đục bất hòa, cây cỏ xác xơ, héo úa vàng vỏ và lần hồi khô chết. Đó là lý do người xưa xem cây là linh vật...

Trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng có một bài dạy như sau: Đời xưa có chuyện anh em họ Điền, cha mẹ mất sớm, ba anh em ở với nhau rất hòa thuận. Đến khi họ có vợ thì muốn chia gia tài. Lúc ấy ở trước sân có một cây cổ thụ, xưa nay vẫn tươi tốt. Ba anh em định ngày hôm sau thì chặt xuống để chia ra mỗi người một phần. Sáng ngày hôm sau, người anh cả gọi hai em đến để đi chặt cây, thì thấy cây đã chết khô. Người anh cả mới ôm gốc cây khóc và nói: "Nào có vị gì cây này mà ta khóc đâu. Ta nghĩ ba anh em ta cùng một cha mẹ sinh ra, khác gì cây kia một gốc sinh ra bấy nhiêu cành và lá, rườm rà tốt tươi là dường nào! Chỉ vì hôm qua ba anh em ta định chặt nó xuống đề chia cho nhau, có lẽ nó không nỡ sống mà chịu phân ly, cho nên mới một đêm mà đã chết khô. Bởi thế cho nên ta động lòng thương mà khóc."
Dân gian Việt Nam, có tục thờ cây đa. Bên gốc đa to, thường có một cái miếu nhỏ, đặt bát hương, những chiếc bình vôi, để thờ cúng Thần Linh.
Ông bà chúng ta có câu tục ngữ: " Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá" để nói sự tàn phá những thứ vô tri vô giác như núi rừng, còn có tội nặng hơn là hành động đánh bắt cá, tức là hành động khai thác mang tính hủy diệt, đầu độc, phá hoại môi trường sống trên cạn và dưới nước, khiến cho nguồn lợi tự nhiên không thể tái sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và muôn loài.
Trong truyện Tam Quốc Chí có đoạn viết về Tào Tháo sai lính chặt một cây lê khổng lồ để lấy gỗ làm điện Kiến Thuỷ. Khi lính về báo tin, cây lê ấy có thần linh ngự trị nên cưa không đứt, búa bổ không vào thì Tào Tháo nhất định không tin. Tào Tháo liền dẫn vài trăm kỵ binh đến xem tận mắt cái cây đặc biệt ấy rồi nói: "Ta bình sinh trải khắp dưới gầm trời hơn bốn mươi năm nay, trên từ thiên tử, dưới đến thứ dân ai cũng phải sợ, yêu thần nào dám trái ý ta?" Thế rồi Tào Tháo rút kiếm chém vào thân cây. Không ngờ máu từ thân cây túa ra, bắn vào mặt Tào Tháo, và kể từ đấy Tào Tháo mắc bệnh đau đầu không sao chữa nổi. Không lâu sau, Tào Tháo chết. Câu chuyện tiểu thuyết nầy không hẳn là hoang đường mà tác giả có ý nói với chúng ta về mối quan hệ nhân quả giữa con người và cây cối.
Đặc biệt cây luôn có ý nghĩa cực kỳ thiêng liêng đối với các tôn giáo lớn trên thế giới. Theo truyền thuyết Ấn Độ, Mada trên đường về nhà đột nhiên trở dạ tại vườn Lâm Tì Ni và bà vịn vào cành cây rồi sinh ra thái tử Tất Đạt Đa. Có người cho rằng đây là cây sala, có hoa màu trắng, nhưng nhiều văn bản cổ khác lại bảo đấy là cây vô ưu, có hoa màu vàng đỏ. Nếu như cây nầy vẫn còn nhiều tranh cãi thì cây trong ngày đắc đạo của Đức Phật được thống nhất là cây bồ đề. Cây vô ưu, cây sala, cây bồ đề, có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh Phật giáo.

Khoa học thường nhắc đến Cleve Backster, người chế ra máy "Dò nói dối", tình cờ làm một cuộc thí nghiệm như sau: Ông chú ý đến một cây có lá to và dày trong một chậu cảnh, đã một tuần không được tưới nước, đất khô, thân cây cũng khô. Ông nẩy ra ý định:
- Thử cắm hai đầu dây của một điện kế (galvanometer) cực nhậy vào cái lá rồi tưới nước vào gốc cây. Nước dần dần lên thân và lá, nhưng cây kim điện kế vẫn đứng im.
Rồi Ông nảy ra một ý nghĩ khác:
- Thử đốt chiếc lá này xem sao? Ông chỉ mới có ý đốt chiếc lá tức thì kim điện kế bỗng nhẩy lên như bị điện giật. Ông tự hỏi, chẳng lẽ Ông nhìn lầm? Chẳng lẽ lá cây đọc được tư tưởng của Ông mà biểu lộ phản ứng sợ hãi?
Ông bèn thử lần thứ hai. Tay cầm hộp quẹt như sắp sửa đốt chiếc lá, nhưng Backster tự nhủ sẽ không đốt; thì điện kế cũng không nhúc nhích.
Lần thứ ba ông nhất định sẽ đốt chiếc lá. Lúc đó trong phòng lặng gió kim điện kế đột nhiên nhẩy mạnh.
Nhìn chiếc lá bị đốt một phần, Backster tình cờ mà biết được linh tính lá cây. Sự khám phá này làm Ông thích thú hơn là phát minh ra máy Dò Nói Dối hồi ba thập niên trước. Ông và các cộng sự nghiên cứu thêm 25 loại cây cỏ gồm nhiều loại lá, loại quả và loại củ. Cuối cùng Ông tuyên bố: “Cây cỏ có trực giác tâm linh”. Chúng không có mắt, tai, mũi, miệng; không có óc; không có thần kinh hệ... thì cái biết của chúng hẳn phải khác với cái biết của con người. Con người có giác quan nhưng không có trực giác tâm linh như chúng. Dù một bác sĩ tâm lý giỏi cũng không biết được ý định của một kẻ điên khùng sắp đốt nhà mình. Vì vậy, nếu như những cây cỏ xung quanh bạn biết bạn nghĩ gì thì hẳn nhiên “Cây cỏ có tình với nhau, có ân oán với người và chúng còn biết cảnh giác với những mối nguy hiểm đến gần”. Lạ lùng hơn, cây cỏ phản ứng không phải chỉ trước những mối nguy do con người tạo ra bằng ý định mà cả trước một mối nguy bất thường không tạo ra bằng ý định. Một con chó bất thần bước vào phòng, một người vốn ghét cây cỏ bước vào, cũng làm điện kế nhảy. Những cử động của một con nhện tiến đến cây cũng gây ra phản ứng cho cây.
Nhà thực vật học Schulltz (Đại học Missouri, Columbia) đã thực hiện một thí nghiệm đáng chú ý khác khi cho một con sâu ăn lá cây rồi quan sát và ghi lại những phản ứng của chiếc lá. Kết quả là những chiếc lá cây khi đó đều tiết ra một lượng tinh dầu gọi là "mustard oil = dầu mù tạt" nhiều hơn hẳn so với bình thường. Ông kết luận “tổ tiên chúng ta không hiểu lầm về sinh học cơ bản. Thực vật chiến đấu giành lãnh thổ, tìm kiếm thức ăn, trốn tránh kẻ săn mồi và cạm bẫy”.
Học giả Carolus Linnaeure (nhà thực vật học Thụy Điển) cũng nói: “Đất là bụng của thực vật, mạch dịch dưỡng là rễ, xương là thân, phổi là lá, quả tim là nhiệt, đây là lý do vì sao người xưa gọi thực vật là động vật lộn ngược”.
Kỹ sư Kirlian (Armenia - Nga) đã áp dụng từ trường của điện vào thuật chụp hình sinh thực vật (Bio Electrography). Một tấm ảnh chụp chiếc lá hiện ra như một thế giới điểm sáng. Chung quanh nó là hào quang (Corona). Những tia lửa nhỏ màu ngọc lam, màu da cam, phát ra từ trung tâm và đi xa theo những kinh xác định. Không phải chỉ lá mới có hào quang. Cây càng lớn, càng già, hào quang càng rực rở và Trường Sinh Lực (biofield) càng mạnh. Trường Sinh Lực chính là sức mạnh vô hình của thảo mộc. Có những tiều phu vừa đốn xong một đại thụ bỗng lăn đùng ra chết. Có thể người này đã chặt phải một linh mộc có trường sinh lực quá mạnh. Nhờ sự khám phá về năng lực sinh học và hào quang của thảo mộc, một số khoa học gia người Nga cho rằng, rau cỏ (vegetable) nào có hào quang càng sáng thì càng nhiều bổ dưỡng.
Trong khi đó khoa học gia Chamovitz (Mỹ) phản bác: “Tôi không nghĩ cây trồng thông minh. Tôi nghĩ cây trồng rất phức tạp”. Và Ông nói tiếp: “Sự phức tạp không nên nhầm lẫn với trí thông minh”.

Vấn đề “thực vật có nhận thức, hành vi, và cảm xúc không?” vẫn còn tranh cãi bất tận. Nhưng ở một góc độ nào đó, nó cũng khiến con người phải suy nghĩ về đời sống của nó. Tâm lý của con người được chia ra làm hai phần: ý thức và vô thức. Ý thức là bề mặt nổi nhỏ bé của cả một khối chìm vô thức to lớn. Hệ thần kinh vô thức điều khiển các hoạt động của nội tạng, làm cho tim đập, mạch nhảy, các tuyến tiết hormone một cách tự động. Ý thức tuy có vẻ linh hoạt, có thể suy nghĩ, lý luận, phân biệt và nhận biết, nhưng nó không thể biết trực tiếp như vô thức (trực giác). Thực vật thuộc về dạng vô thức.
Theo quan niệm Đông Phương, người và vạn vật là một (Vạn vật đồng nhất thể), hay nói cách khác, con người là một hiện thể hài hòa giữa xã hội và thiên nhiên, tạo nên trạng thái hài hòa tâm hồn. Sự hồn nhiên tươi tắn của cây cỏ nhắc con người không bỏ rơi khoảnh khắc nhiệm mầu của đời sống. Nhịp sống hiện đại xô đẩy con người vào vòng xoáy hỗn độn của xã hội khiến con người ngày càng rời xa thiên nhiên, nhưng thiên nhiên vẫn hiện hữu - con người tồn tại trong thiên nhiên, cùng với thiên nhiên. Thảm xanh cây cỏ có sức mạnh kỳ lạ làm mát, sống động và tươi tắn tâm hồn khô cằn của con người. Con người tách khỏi thiên nhiên thì sự thù hằn, sợ hãi, khủng hoảng, điên loạn, sẽ ập đến làm sụp đổ mọi giá trị nhân bản. Họp nhất Trời - Đất - Người là giữ sự hài hòa giữa người và cây cỏ, là giữ sự cân bằng nội tại (tiểu vũ trụ) với thiên nhiên (đại vũ trụ). Người có hồn thì chẳng lẽ cây cỏ vô tri. Tuy có nhiều quan điểm khác nhau trong tôn giáo, tín ngưỡng và khoa học, nhưng sự tồn tại của cây cỏ và xã hội loài người vẫn luôn là một hợp thể thống nhất.
Chúng ta hãy nâng niu từng chiếc lá, nhành cây, dành chút ít thì giờ để chăm sóc thảm cỏ và vườn tược, sức khỏe và tâm hồn chúng ta có thể nhờ đó mà tốt hơn. Phải chăng người xưa sống an vui, hạnh phúc vì biết hưởng thú Điền Viên?

Lê Tấn Tài