Bóng đè là gì?

Bóng đè là một hiện tượng rối loạn giấc ngủ, xuất hiện ở người khi ngủ, hoặc cảm thấy mình đã thức giấc nhưng không thể cử động. Nó xảy ra trong khoảng thời gian giữa hai trạng thái tỉnh và mê. Có thể mất vài giây hoặc vài phút trước khi tỉnh hẳn lại.
Hiện tượng bóng đè rất phổ biến, các chuyên gia ước tính đến 50% dân số bị tình trạng bóng đè ít nhất một lần trong đời, một số người cho biết họ thường xuyên bị bóng đè về đêm.
Theo BBC Future, hiện tượng bóng đè được ghi nhận từ thời xa xưa, ít nhất từ năm 400 TCN. Hiện tượng này được đề cập lần đầu tiên trong một quyển sách thời Trung Hoa cổ đại viết về giấc ngủ và giấc mơ . Sách này phân ra các dạng thức khác nhau của giấc mơ, và các nhà nghiên cứu đã xác định "Ác Mộng" (giấc mơ bất thần) có rất nhiều điểm tương đồng với hiện tượng bóng đè.
Có 3 dạng bóng đè :
- Một là "ảo giác đột nhập". Người bị bóng đè dạng này thường thấy có người lạ vào phòng mình, đi lại xung quanh hoặc ngồi ngay lên giường ngủ. Cảm giác sợ hãi khiến cơ thể họ tê cứng, khó thở, lúc tỉnh dậy mình mẩy mỏi nhừ - là hậu quả của những cơn co cơ .
-Hai là "ảo giác thăng bằng", có liên quan đến chứng rối loạn tiền đình. Người bị bóng đè dạng này thường thấy mình bị rơi xuống vực sâu, hoặc ngã từ trên những tòa nhà cao tầng xuống đất. Điều đặc biệt là khi rơi, khi ngã, họ không bao giờ thấy mình chạm đáy mà chỉ rơi lưng chừng là họ đã tỉnh giấc vì sợ! Lúc đó, người họ vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, chân tay co quắp, phải mất vài ba phút họ mới trấn tĩnh lại được.
-Ba là "ảo giác thực thể", là dạng phổ biến nhất phần lớn xuất hiện vào khoảng gần cuối giấc ngủ. Những người này bị bóng đè ở vùng ngực, bụng khiến họ như tê dại, không thở được.
Khi bị bóng đè, một phần não bộ vẫn hoạt động bình thường (trạng thái tỉnh) nhưng hệ thần kinh vận động không hoạt động khiến cơ thể không cử động được. Người bị bóng đè thường cố gắng cử động chân tay hay cất tiếng nói nhưng không thể được. Nhiều người mô tả rằng cơ thể họ như có vật gì rất nặng đè lên ngực mà họ không thể nào đẩy ra được. Khi bị bóng đè khoảng 5% bệnh nhân có ảo giác nhìn thấy những hình ảnh đáng sợ, khó thở, nghe thấy tiếng bước chân hay giọng nói. Một vài người thì lại thấy mình bị đẩy xuống giường, hoặc bị xô ngã. Bóng đè có thể diễn ra trong vài giây nhưng cũng có thể lâu hơn 30 phút. Sau khi kết thúc hiện tượng bóng đè họ sẽ cảm thấy rất mệt, hơi nhức đầu và toàn thân ra mồ hôi. Cũng có khi họ sẽ ngủ thiếp đi và không nhớ họ đã gặp hiện tượng bóng đè hôm qua. Cũng có khi sau khi tỉnh dậy, họ ngủ thiếp đi và lại bị bóng đè tiếp.

Các giả thuyết về bóng đè

* Yếu tố tâm lý
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bóng đè xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là:
- Do căng thẳng tâm lý, lo lắng hay stress do sức ép từ công việc, do đảo lộn chu trình của giấc ngủ, những yếu tố tâm lý này kích thích lên vỏ não, gây ra hiện tượng bóng đè.
- Do tư thế nằm ngủ, người để tay lên ngực khi ngủ sẽ gây khó khăn cho việc thở và dễ bị bóng đè. Cà phê và rượu cũng là tác nhân gây nên bóng đè. Cũng có khi bóng đè là dấu hiệu của một số bệnh tim mạch, nhưng những trường hợp này rất hiếm.
Hầu hết những người Đan Mạch tham gia khảo sát nói họ nghĩ bóng đè là do các yếu tố tâm lý, sự trục trặc của bộ não hoặc do nằm ngủ sai tư thế; trong khi người Ai Cập rất dễ tin bóng đè là do một thế lực siêu nhiên gây ra.

* Nằm mơ
Thực tế có người khẳng định bóng đè chỉ là một giấc mơ. Theo đó giấc mơ bóng đè tái hiện với những gì con người ghi nhận được trước khi chìm vào giấc ngủ như là nơi nằm ngủ, những vật xung quanh, những người bên cạnh, thời gian ngủ (đêm/ngày - ánh sáng - môi trường). Trong giấc mơ con người tin rằng mình đã thức, mắt đã mở và có thể nhìn thấy xung quanh, tin rằng mình đã thức nên cơ thể phải bắt đầu chuyển mình để ngồi dậy nhưng không thành. Khi tất cả hành động đều không được đáp ứng thì trạng thái nguy hiểm được khởi động, như các cơn ác mộng khác, tim đập nhanh hơn, mồ hôi toát ra. Tất nhiên, ác mộng sẽ kết thúc, thường là thức giấc, vì không phân được ranh giới giữa mơ và thật nên nhiều người đã đồng hóa giấc mơ với hiện thực mới dẫn đến hiểu nhầm lúc đó mình đã thức rồi.
Khi mơ, những cảm giác mà chúng ta trải qua trong cuộc sống hàng ngày có thể được biểu lộ ra một cách gián tiếp thông qua các biểu tượng mang tính chất “áp lực”, như mụ phù thuỷ, ma quỷ v.v… Theo giả thuyết này, đó là nguyên nhân vì sao người ta nhìn thấy ma quỷ khi bị bóng đè.
Khi mơ, hành động của chúng ta bị ràng buộc trong tưởng tượng. Cơ thể chúng ta có sẵn một cơ chế an toàn, giống như một cầu dao điện, nhanh chóng khóa các tín hiệu chuẩn bị cho não bộ không cho nó trở thành tín hiệu hành động. Cơ chế này bảo vệ chúng ta không hành động theo những gì xảy ra trong giấc mơ. Nhờ đó, khi bị một con quái vật đuổi theo trong mơ, chúng ta sẽ không bật dậy và chạy đâm đầu vào tường phòng ngủ, hay nói theo thuyết tiến hóa, là không trở nên điên khùng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng não bộ của chúng ta bị trục trặc nên có những sự bất thường như trạng thái mộng du (đi bộ trong lúc vẫn đang ngủ), trạng thái xảy ra khi sự tê liệt giảm đi quá nhanh.
Đôi khi tình trạng tê liệt vẫn tiếp tục sau khi đã tỉnh giấc. Điều này thường xảy ra khi sắp thức dậy hoặc khi sắp chìm vào giấc ngủ. Chúng ta có thể vẫn còn ý thức, mắt mở ra được, nhưng hoàn toàn không di chuyển được cơ thể.
Trong các thí nghiệm về hành vi của não bộ trên những con chuột đang ngủ, một nhóm nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đấu các điện cực trực tiếp vào phần hồi hải mã của não chuột. Ở cả chuột và người, hồi hải mã là một phần của bộ não, ngoài các chức năng khác, thì phần này đặc biệt liên quan đến cách chúng ta tạo ra ký ức về không gian vật lý. Điện cực cho phép các nhà nghiên cứu quan sát hoạt động thần kinh theo thời gian thực của các tế bào đặc thù trên hồi hải mã - và ghi nhận bất cứ khi nào các tế bào được kích hoạt. Khi chuột đã ngủ, các tế bào trong hồi hải mã sẽ bật sáng với hoạt động tìm đường trong mê cung. Kết quả cho thấy các chú chuột có lẽ đang tìm đường trong mê cung khi ngủ mơ, tập luyện lại một cách hiệu quả cách chúng đi như đã học trước khi ngủ.

* Rối loạn giấc ngủ
Hiện tượng bóng đè, có thể là một loại rối loạn giấc ngủ (parasomnia). Ngoài việc không thể cử động được, khoảng thời gian bị tê liệt khi tỉnh giấc này thường đi kèm với các ảo giác đa chiều. Kết quả là, những hình ảnh tưởng tượng trong giấc mơ có thể xâm nhập vào hiện thực khi chúng ta đã tỉnh giấc.
Nội dung của ảo giác thường có chủ đề liên quan với cảm giác tê liệt - tái hiện lại thành hình ảnh bị kẻ xâm nhập trên ghì chặt xuống khi đang ngủ.
Các nhà nghiên cứu nói rằng bóng đè xuất hiện khi một người thức giấc vào chu kỳ REM (cử động mắt nhanh) của giấc ngủ [Giấc ngủ có hai chu kỳ: NREM và REM trong đó REM chính là chu kỳ giấc mơ xuất hiện]. Trong giai đoạn giấc ngủ này, mọi người thường mơ, nhưng có người có lúc chân tay, cơ bắp của họ gần như bị tê liệt – đây có thể là một sự thích nghi của cơ thể giúp con người không hành động gì khi đang mơ.
Rất khó giải thích tại sao một số người trải qua cơn bóng đè lại cảm thấy như có ai đó đang đứng trong phòng họ, hoặc đang đè lên ngực họ.

* Ảo giác
Có một cách giải thích khác cho rằng bóng đè là ảo giác, khi một vùng não có sự xáo trộn nhất định. Jalal - GS. Đại học Harvard - nói: "Có lẽ, trong não của con người tồn tại hình ảnh về một khuôn mẫu, hình tượng nào đó". Những nghiên cứu trước đây đoán rằng vùng não đó có thể nằm ở một phần của thùy đỉnh – ở phía trên và giữa não. Có thể là trong khi bóng đè, thùy đỉnh kiểm soát tế bào thần kinh trong não ra lệnh cho chân tay di chuyển, nhưng thực tế chân tay lại không di chuyển, động đậy được, nên não bị xáo trộn, tạo ra ảo giác về hình ảnh một người nào đó, "một bóng đen đang đứng đầu giường".
Tiến sĩ Paul Broks - nhà tâm lý học thần kinh chia sẻ :
“Tôi quan sát cánh tay phải của mình và muốn nó cử động. Tôi ra lệnh cho nó cử động. Nhưng nó vẫn nằm im. Tôi cố gắng ngồi thẳng dậy hoặc lăn mình qua lại nhưng chẳng thể được. Tôi kinh hãi. Bên trong một cơn sợ hãi tột độ trào dâng, nhưng lớp vỏ cơ thể bên ngoài vẫn bất động. Tôi buông lỏng và từ bỏ nỗ lực, trong thâm tâm tràn ngập một trực giác rằng nếu tôi cố gắng hơn nữa tôi sẽ đột phá lớp vỏ này và bay ra bên ngoài …Bây giờ tôi nhận ra đây là hiện tượng “mơ tỉnh”, một trạng thái ảo giác bên trong vùng đất của giấc ngủ nơi tinh thần được đánh thức và trở nên tỉnh táo, nhưng cơ thể vẫn bị ràng buộc bởi trạng thái bóng đè – điểm giao nhau giữa cuộc sống trong mơ và hiện thực.”
Một số nhà khoa học chẳng hạn như David Morgan – chuyên gia phân tích và trị liệu tâm lý – tập trung vào việc diễn giải những trải nghiệm ảo giác khi bị bóng đè. Morgan cho rằng các ảo giác này có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc mang tính biểu tượng về cảm nhận của nạn nhân: “Con người thu thập các biểu tượng từ bất cứ nơi nào có thể … người lùn, mụ phù thuỷ – có lẽ từ chuyện cổ tích – mà tượng trưng cho một loại áp lực đè nặng lên bạn. Điều gì đó trong tâm trí ngăn cản bạn tự do.”
Ý kiến này có vẻ hấp dẫn và kích thích tò mò song lại rất khó kiểm chứng. Người ta cho rằng có thể mọi người có những trải nghiệm khác nhau về hiện tượng bóng đè là do những niềm tin văn hóa, tín ngưỡng khác nhau. Những nghiên cứu trước đây cho thấy một số niềm tin văn hóa có thể tác động đến cách con người cảm nhận các hiện tượng. Chẳng hạn, trong nghiên cứu năm 2013 xuất bản trên tạp chí Văn hóa, Y khoa và Tâm thần học, Jalal và đồng nghiệp của ông là Devon Hinton, đã nghiên cứu về hiện tượng bóng đè và mức độ căng thẳng mà những người ở hai xã hội khác nhau trải qua: Ai Cập và Đan Mạch. Họ phát hiện, so với những người Đan Mạch, người Ai Cập bị bóng đè nhiều hơn, và lo sợ bị chết nhiều hơn vì những cơn bóng đè. Hai ông kết luận rằng, những người có các niềm tin siêu nhiên thường trải qua nỗi sợ hãi lớn hơn và ám ảnh nhiều hơn trong khi bóng đè. Jalal nói một giải thích khoa học về bóng đè có thể giúp những người thường trải qua cảm giác sợ hãi hay căng thẳng bình tĩnh hơn, thay vì cho rằng đó là do các thế lực siêu nhiên gây ra.

* Nguyên nhân ma ám
Không thể không kể đến một số người cho rằng bóng đè có liên quan đến ma ám (ngay chữ "bóng đè" đã nói lên ý này). Có người cho rằng bóng đè là do "con mộc" (khi con chim bị thương đậu lên một cái cây, máu của con chim đó chảy lên cái cây đó, sau này người ta đốn cây này về xẻ gỗ làm giường thì chiếc giường đó có "con mộc"), nói như vậy thì chỉ khi ngủ giường gỗ hay vạc giường bằng gỗ mới bị bóng đè nhưng thực tế thì vẫn ghi nhận trường hợp bóng đè khi ngủ trên giường sắt, nệm, nền gạch...
Hai nhà nghiên cứu hiện tượng bóng đè Brian Sharpless và Karl Dograhmji đã thu thập 118 cách gọi khác nhau trên khắp thế giới về hiện tượng này: người Đức có cụm từ hexendrücken – bị phù thủy đè, và từ alpdrücken, bị tiên đè. Truyện cổ Na Uy có từ svartalfar – chỉ các vị tiên độc ác bắn người ta bằng những mũi tên gây tê liệt trước khi đậu lên ngực nạn nhân. Người Nhật có từ kanashibari, ám chỉ việc bị trói chặt một cách kỳ lạ bằng một sợi dây kim loại vô hình. Ở nhiều nơi tại Thụy Sĩ người ta kể về tchutch-muton, một bà tiên ác mộng xấu xa thường cải trang thành một con cừu đen. Người Kurd đề cập đến mottaka, một linh hồn ma quỷ bóp cổ người dân về đêm. Người Iran có cách nói bakhtak, ám chỉ một loại linh hồn jinn (cấp thấp hơn thiên thần trong Hồi giáo) ngồi lên ngực người đang ngủ.
Christopher French, giáo sư tâm lý học tại Goldsmiths, Khoa Nghiên cứu Tâm lý Dị thường của Đại học London, trong một cuộc họp được tổ chức đầu năm 2015 về đề tài "Dự án Nghiên cứu hiện tượng Bóng đè" (Sleep Paralysis Project) cho biết: “Các nạn nhân có thể không muốn nói về những trải nghiệm của họ, vì e sợ bị xa lánh hoặc chế nhạo là người “mất trí”. Điều này có thể khiến họ bị cô lập trong xã hội, thậm chí hôn nhân tan vỡ.”

* Thuyết đa vũ trụ
Một giả thuyết khác, dựa trên thuyết vũ trụ song song (hay đa vũ trụ), theo đó không gian vật chất 3 chiều mà chúng ta sinh sống không phải là không gian duy nhất. Có nhiều không gian khác, hay vũ trụ khác đồng thời tồn tại với không gian chúng ta. Chúng ta không thể sử dụng con mắt thường để quan sát, ghi nhận và tiếp cận những không gian này, mà chỉ có thể gián tiếp biết đến chúng trong một số trường hợp đặc thù, hoặc giả quan sát trực tiếp chúng nhưng dựa trên trải nghiệm chủ quan thay vì khách quan. Trên lý thuyết, sự tồn tại của vũ trụ song song là khả thi. Đây là tuyên bố của nhà vật lý nổi tiếng thế giới Stephen Hawking, và ông cho rằng hố đen chính là đường thông sang một vũ trụ khác...
Theo thuyết này, cái hình tượng “ma quỷ” trong hiện tượng của những người bị bóng đè không phải là một sinh vật có thực tồn tại trong không gian này, mà là một loài sinh vật trong không gian khác, hay vũ trụ khác, một vũ trụ song song, và giấc mơ chính là cầu nối với những thế giới này.

Kết luận

Những câu chuyện và truyền thuyết về hiện tượng bóng đè có mặt trên khắp thế giới. Qua nhiều thế kỷ, các triệu chứng của hiện tượng bóng đè đã được mô tả theo nhiều cách và thường được gán cho sự hiện diện của “ma quỷ”: con quỷ bóng đêm vô hình thời cổ đại, mụ phù thủy già và những kẻ bắt cóc ngoài hành tinh, vì bóng đè không chỉ nằm ở việc mất khả năng cử động, mà còn ở việc bắt gặp ma quỷ trong không gian xung quanh nạn nhân.
Trong truyện Tam Quốc, có đoạn mô tả Tào Tháo bị bóng đè vì giết quá nhiều người. Một bức tranh của họa sĩ người Ý vẽ từ cuối thế kỷ 14 cũng đã phác họa chi tiết cơ thể của một người bị bóng đè trong tư thế ưỡn cong người lên như muốn đẩy lùi một nhân vật vô hình nào đó. Thời đó, người ta tin rằng bóng đè là hiện tượng siêu nhiên, huyền bí, do thần thánh hoặc ma quỷ gây ra.
Để không bị bóng đè, việc đầu tiên là cần ngủ cho đủ giấc, phòng ngủ thoáng, không khí lưu thông tốt, tư thế nằm thoải mái, quần áo ngủ đủ rộng để máu lưu thông điều hòa, tránh tình trạng "ngày ngủ, đêm thức". Hạn chế uống trà pha đậm, cà phê trước khi ngủ vì chất cafein sẽ kích thích não bộ, ngăn chặn cơn buồn ngủ. Khi hàm lượng cafein giảm đi, người ta mới ngủ nhưng ngủ không sâu, nhất là ở "giai đoạn sau" của giấc ngủ. Không nên ăn quá no hoặc uống quá nhiều rượu, bia trước khi ngủ vì giấc ngủ trong trường hợp này thường bị não bộ bỏ qua giai đoạn "ngủ nhẹ" và "tiền ngủ sâu" (NREM) nên dễ bị bóng đè.