Cuộc sống của chúng ta tương tự như những giấc mơ, những vở kịch ảo tưởng, nó chỉ là những đoạn chấp nối mờ nhạt từ cảm giác này sang cảm giác khác, từ hoạt cảnh nầy sang hoạt cảnh khác, từ ngày này qua ngày kia, hay sự thỏa mãn không ngừng các ước muốn. Nhiều người nghĩ rằng hưởng thụ cuộc sống là sở hữu càng nhiều thứ vật chất như một chiếc xe, một căn nhà, một bức tranh...thì càng tốt. Nhưng chúng ta có bao giờ nhận rằng phần lớn thời gian chúng ta chỉ trải qua, mà không thực sự tận hưởng. Chúng ta chỉ sở hữu mà không hưởng thụ. Mọi thứ chúng ta không nhận ra chúng, mà chỉ nhìn thấy chúng như là những ảo ảnh. Chúng ta bị ảo giác. Và rốt cuộc, cả một cuộc sống của chúng ta chỉ là những ảo giác, nó không dựa trên thực tế mà là những ảo tưởng.
Ảo tưởng, ảo giác ảnh hưởng đến cuộc sống thực tại của chúng ta như thế nào? Chúng ta có hoàn toàn ý thức đầy đủ về sự vật qua những ý nghĩ và giác quan của chúng ta? Hiện tượng ảo giác nói chung, mà ảo giác thị giác là một ví dụ, làm chúng ta đôi khi phải tự hỏi: “Làm sao biết khi nào chúng ta đang bị ảo giác, khi nào đang cảm nhận thực tại?”
Thông thường ảo giác được mô tả như là cảm giác sai lầm, được tạo ra bởi tâm trí của chủ thể, có thể ảnh hưởng đến năm giác quan, khiến không nhận thức đúng sự thật. Mãnh lực của ảo giác có thể làm cho các hình ảnh tầm thường đang đứng yên trở nên xoay tít. Ví dụ, chủ thể có thể nghe một giọng nói, hoặc thấy một hình ảnh, mà không ai khác trong phòng có thể nghe thấy.
Con người được cho là sinh vật cao nhất trong giới động vật với một hệ thần kinh trung ương cực kỳ phát triển. Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo, bộ não của chúng ta đôi khi cũng bị đánh lừa bởi chính những gì nó tạo ra, khiến con người bị ảo giác.

Bản chất ảo giác

Giáo sư Daniel Simons, đại học Havard (Hoa Kỳ) có làm một thí nghiệm để chứng minh rằng thực tế chúng ta luôn bỏ sót những chi tiết nhất định.
Ông cho một người vờ đến hỏi đường một bà đang đi trên đường và bà nầy dừng lại trả lời, đột nhiên, hai người lạ khênh một cánh cửa đặt giữa hai người. Sau đó hai kẻ bất lịch sự kia vội vã khênh cửa đi. Bà nầy vẫn tiếp tục nói mà không nhận thấy một điều kỳ lạ đã xảy ra…
Ông khách hỏi: “Chị thấy có gì lạ không?”. Bà nhăn trán... cảm thấy có gì đó khác lạ nhưng lại không hiểu gì. Ông nầy hỏi tiếp: “Chị thử nhìn tôi kỹ hơn xem nào!” Bà nhìn rất sâu vào mắt người khách, rồi để ý tới giọng nói, tới áo quần người khách mặc… Hồi lâu, bà ta hét lên: "A!". Đứng trước mặt bà là một người đàn ông hoàn toàn khác chứ không phải người đã hỏi đường. Ông khách bèn giải thích cho bà biết rằng, anh ta là một trong hai người đàn ông khênh cánh cửa và đã tráo đổi vị trí với người khách hỏi đường trong thời gian ngắn ngủi khi họ dừng lại giữa hai người…
Simons đã tiến hành thí nghiệm này trên hàng trăm trường hợp khác nhau và kết quả thật kỳ lạ: Trên 50% các trường hợp, người chỉ đường vẫn tiếp tục nói chuyện với vị khách hỏi đường đã bị đánh tráo mà không nhận ra điều gì lạ, mặc dù hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau, từ hình dáng, giọng nói tới quần áo.
Simons lại làm một thí nghiệm khác. Ông cho mời 40 người đàn ông tới xem một trận bóng rổ và yêu cầu họ đếm tất cả các đường chuyền của hai đội. Những người đàn ông đều tập trung hết sức vào các pha chuyền bóng. Đột nhiên xuất hiện một con vượn chạy đi chạy lại qua sân bóng đến 5 giây đồng hồ. Sau đó, Simons đã hỏi tất cả 40 người đàn ông này về con vượn và họ đều trả lời là không nhìn thấy gì cả.
Hiện tượng nầy, có tên khoa học là “mù thoáng qua” (change-blindness). Cùng với các kết quả thí nghiệm khác, đầu những năm thập niên 90, hiện tượng này dẫn tới một giả thuyết gây nhiều tranh luận: "Cái chúng ta thực sự nhìn thấy ít hơn rất nhiều so với cái chúng ta tưởng rằng đã nhìn thấy". Điều nầy có nghĩa là, chúng ta luôn sống trong ảo giác do niềm tin tạo ra. Trong thí nghiệm trên, người chỉ đường luôn tin rằng mình đang nói chuyện với cùng một người hỏi đường, nên hoàn toàn không nhận thấy anh ta có sự thay đổi gì sau khi đã bị đánh tráo.
Simons giải thích: "Nếu chúng ta quan sát một khung cảnh với những hiện tượng xảy ra trong đó, thường chúng ta chỉ có thể nhận biết một số chi tiết nhất định. Những chi tiết này sẽ được bổ sung thêm nhờ khả năng nhớ lại hoặc do chúng ta tưởng tượng, để tạo một hình ảnh tổng quát về cái mà chúng ta đã nhìn được trong não bộ". Thường thì người ta không bao giờ nhìn thấy rừng xanh giữa đám cây cối rậm rạp. Điều nầy đôi khi rất nguy hiểm, phần lớn các tai nạn xe cộ đều có liên quan tới hiện tượng "mù thoáng qua". Trong thí nghiệm trên, những người đàn ông chúi mắt vào các quả bóng có thể so với người tài xế đang lái xe chạy trên đường và mải mê nghĩ về một chuyện gì đó, còn con vượn đóng vai người qua đường. Thế là xảy ra tai nạn!
Trong hệ thống ghi chép và lưu giữ hình ảnh, mắt đóng vai trò như một ống kính thu hình. Nó liên tục quét các hình ảnh để đưa vào trung tâm xử lý của não bộ. Tại đây, hình ảnh được phân tích rất nhanh. Các dữ liệu không quan trọng sẽ bị loại bỏ và chỉ có những chi tiết quan trọng nhất giúp con người ứng xử trong hoàn cảnh nhất định mới đọng lại trong não bộ.
Theo đó, hình ảnh lưu trữ trong não bộ lâu ngày sẽ chiếm quá nhiều bộ nhớ nên nó chỉ ghi lại những gì đã thay đổi và giả định rằng, tất cả những thứ khác vẫn giữ nguyên như vậy. Trong trường hợp này, ảo giác sẽ xảy ra khi chủ thể không nhận biết được sự tưởng tượng. Và với sự không nhận biết này, chủ thể và trí tưởng tượng biến mất. Chỉ còn lại ảo giác. Khi đó, chủ thể lạc lối không tìm thấy đường trong chính trí tưởng tượng của mình. Họ bị bẫy, mắc kẹt trong chính thế giới của mình tạo ra. Việc này không hiếm. Văn hào Shakespeare, nhà thiết kế Verner Panton... đều là những tài năng khi dùng sự tưởng tượng của mình để tạo thành những tác phẩm kiệt xuất.
Bản chất ảo giác có hai phần rõ rệt:
Phần 1 là những ảo ảnh do trí tưởng tượng hình thành trong tâm trí. Những người tự kỷ luôn có xu hướng này. Họ tự tạo một thế giới riêng của họ, và sống trong thế giới đó. Thế giới của họ sống động, chân thực, có nhân vật, có bối cảnh, có chiều sâu, có không gian thời gian, có câu chuyện, có nội dung tùy theo sức tưởng tượng của từng người.
Phần 2, ảo giác xuất hiện thuộc về chủ thể kém trí tưởng tượng. Chủ thể này vô tình hay cố ý đưa mình vào một hoàn cảnh đặc biệt. Và trong hoàn cảnh đặc biệt nầy ảo giác xuất hiện. Chẳng hạn, một người tu hành mong muốn có được thần thông để giúp đời hành đạo, hay ngược lại để có vị thế trên đường tu, thì đều là những mong ước. Mong ước đó khi rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt, sẽ xuất hiện ảo giác. Có thể những chứng ngộ người đó có là chân thực. Và cũng có thể những chứng ngộ đó là ảo giác. Ảo giác dễ xuất hiện ở người đột ngột rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh do thuốc gây mê, hoặc dùng chất gây nghiện. Người đói hay khát nước cháy cổ cũng rất dễ xuất hiện ảo giác (người trôi giạt trên biển thấy đất liền hoặc người lạc trong sa mạc thấy vũng nước...) Ảo giác trong trường hợp này, cũng vẫn là những ảo ảnh trong tâm trí. Nhưng không phải do trí tưởng tượng tạo nên. Nó bị cưỡng bức và làm sinh ra những "enzim phái sinh" đột xuất trong não, tạo ra những ảo ảnh hoặc có sẵn trong tâm trí, hoặc hình ảnh ở một tầng cõi khác mà thể vía (corps astral) đột ngột đi đến.

Hiện tượng ký ức ảo giác

Đôi lúc, trong một môi trường, một khung cảnh mới, chưa từng biết trước hoặc không nhớ rõ lúc nào, chúng ta cảm thấy quen thuộc như đã từng thấy, từng trải qua trong trí nhớ. Đây có thể là những trải nghiệm của một cảm giác chắc chắn đã từng chứng kiến hay đã sống qua, mặc dù không thể biết các trường hợp linh cảm ấy đã xảy ra lúc nào. Émile Boirac - nhà nghiên cứu tâm linh học người Pháp - gọi hiện tượng nầy là "Déjà vu" (đã nhìn thấy hay còn gọi là ký ức ảo giác).
Ký ức ảo giác là một cảm giác rất quen thuộc, rất "lạ" và "huyền bí", thường xảy ra trong giấc mơ, và cả trong thực tại, mà chủ thể đoan chắc rằng hình ảnh này "đã xảy ra" trong quá khứ. Hiện tượng này rất phổ biến cả người lớn lẫn trẻ em. Gần đây, các nhà nghiên cứu tìm ra được cách tạo cảm giác này bằng cách dùng thôi miên.
Theo các nhà nghiên cứu khoa học, ký ức ảo giác không phải là một điều "nhận biết trước" hoặc là "dự đoán trước", mà là một tật dị thường của bộ não nhớ giữ cho ta một ấn tượng mà ký ức "đang được nhớ lại" (Phật giáo gọi hiện tuợng nầy là "nhớ lại kiếp trước").
Một ý kiến khác cho rằng, trong quá trình sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày, bộ não con người có khả năng tự sắp xếp, liên kết và phân tách các sự kiện, từ đó tạo ra những hình ảnh, âm thanh, sự kiện, có khả năng xảy ra trong tương lai và ghi vào vùng trí nhớ, điều này gần giống với tiên tri. Khả năng tự sắp xếp và liên kết này của não được hình thành và rèn luyện trong quá trình con người suy nghĩ và suy đoán có chủ ý (chẳng hạn cá cược một điều gì đó). Vì thế, khi bắt gặp một trong những sự việc mà bộ não đã phân tích đúng (có thể có một số trường hợp sai) thì lúc đó chúng ta sẽ có cảm giác "hình như" mình đã bắt gặp hoặc đã từng ở vào tình huống đó trong quá khứ.

Bệnh ảo giác

Bệnh ảo giác đôi khi còn gọi là chứng ảo giác giác quan (Sensory hallucination), trong đó giác quan bị rối loạn, người trong cuộc tưởng như mình nghe, thấy, cảm thấy những việc mà thực tế không có thật. Chính những ảo giác này làm họ lo lắng, sợ hãi và tìm cách đối phó hoặc chạy trốn. Thậm chí có người còn nghe thấy giọng nói hoặc người vô hình ở ngay trong thân xác của bản thân họ, điều khiển họ làm những việc nguy hiểm như tấn công người khác, có người còn cảm thấy đang bay bổng rơi xuống vực sâu.
Trước tiên những người mắc phải căn bệnh này thường đi kèm chứng sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ, bị mù hoặc bị điếc, mắc phải những căn bệnh trầm trọng khác liên quan đến não bộ, đặc biệt là khối u não, gan thận bị suy yếu không làm được chức năng vốn có, bị trúng độc, bị nhiễm trùng, bị bệnh tim mạch, bị chấn thương, hoặc bị rối loạn tâm lý... Ngoài ra còn có những lý do tâm thần làm cho bệnh tình gia tăng, ví dụ như: ảo giác thấy người thân qua đời, nay hiện về khuyên nhủ; nghiện thuốc kích thích, rượu bia cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh.
Chứng ảo giác thị giác nhìn thấy những hình ảnh không có. Người bệnh có thể thấy một người không ở trong phòng hoặc đèn nhấp nháy mà người khác không nhìn thấy. Chứng nầy thường là do ngộ độc rượu, ma túy, cocain, do mắc bệnh sa sút trí tuệ thể nhẹ Alzheimer…
Chứng ảo giác thính giác thường là nghe những âm thanh mà không ai nghe thấy. Các âm thanh có thể là tiếng động giống như người đi trên mái nhà, hay là những tiếng đập hoặc gõ nhẹ, có thể là một tiếng nói duy nhất hoặc nhiều tiếng nói, hoặc tiếng la hét. Những tiếng nói nầy thường làm cho bệnh nhân khó chịu, buồn bực dẫn đến suy luận cho rằng người khác nói xấu mình, chỉ trích mình, hoặc nói lời độc ác.... Tiếng nói cũng có thể ra lệnh cho người bệnh gây hại cho bản thân hoặc cho người khác. Nếu như người bệnh có người thân vừa qua đời thì có thể nghe thấy giọng nói của người thân trong một thời điểm hoặc một thời gian ngắn hay có thể nhìn thấy thoáng qua hình ảnh của người vừa khuất. Thông thường, loại ảo giác nầy biến mất khi nỗi đau mất mát của người bệnh giảm đi.
Chứng ảo giác vị giác, khứu giác là căn bệnh sai lệch về mùi vị, người bệnh có thể ngửi thấy một mùi khó chịu khi thức dậy vào giữa đêm hoặc cảm thấy cơ thể của mình có mùi hôi.
Ảo giác xúc giác thường xuất hiện ở nhóm người nghiện ma túy. Đôi khi người bệnh cảm thấy những bộ phận trong cơ thể chuyển động hay có những con vật gì đó đang di chuyển trong người.
Những người mắc bệnh ảo giác dễ sợ hãi, kích động, lo âu, thậm chí hoang tưởng nên rất nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy không nên để họ sống cô đơn, một mình. Bệnh ảo giác ở người già là căn bệnh liên quan đến hệ thần kinh, một số giác quan của con người bị rối loạn làm cho người bệnh rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Nhẹ thì ảo mộng, suy giảm thị lực, mê sảng, suy giảm trí nhớ. Nặng thì thấy những ánh hào quang, ngất xỉu, đau nửa đầu và ảo tưởng liên tục. Những người này cần được quan tâm chăm sóc về mọi mặt, kể cả ăn uống, thuốc thang cho đến những tình huống cần được cấp cứu.

Ảo giác và ảo tưởng

Chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa bệnh ảo giác và bệnh ảo tưởng.
Phần lớn chúng ta quen thuộc với ảo giác. Nhưng ảo giác thì hoàn toàn xa lạ, chúng dường như không phải do chúng ta tạo ra, ở ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, và hình như đến từ bên ngoài, nhưng chúng giống như nhận thức thực của chính chúng ta. Ngoài ảo giác, chúng ta còn sống với thế giới tưởng tượng nữa, thế giới bên trong của chính mình, tiếc thay đa số là ảo tưởng. Chúng ta sống với chúng suốt cả cuộc đời.
Ảo tưởng là căn bệnh thường gặp ở nhóm người mắc bệnh rối loạn tâm thần đi đôi với căn bệnh ảo giác. Tuy nhiên, chứng ảo tưởng này không phải là dạng bệnh rối loạn ảo giác mà nó liên quan đến trí óc, tâm trí cũng như quá trình suy nghĩ của người bệnh. Trong tâm thần phân liệt hoang tưởng, ảo tưởng phổ biến là thấy mình đang bị hại. Cũng có thể có ảo tưởng - tin mình có thể bay, hoặc mình là người đang nổi tiếng hay có mối quan hệ với một người nổi tiếng... Ảo tưởng có thể dẫn đến bạo lực, nếu tin rằng mình phải hành động tự vệ chống lại những người muốn làm hại mình.
Có biết bao ảo tưởng trong cuộc sống của chúng ta: Ảo tưởng một tương lai sáng lạn hoặc một tương lai đen tối, ảo tưởng về hạnh phúc... Tất cả chúng ta đang cố gắng chạy theo những ảo tưởng vô căn cứ, đòi hỏi sự hoàn hảo, toàn thiện. Ảo tưởng là trạng thái mê lầm làm cho chúng ta không thấy rõ sự vận hành của cuộc sống, không biết rõ những gì đang xảy ra trong hiện tại và cũng có thể nói chúng ta đã không sáng suốt để nhận rõ được chính mình.
Tâm trí sống trong ảo tưởng luôn luôn bị khốn khổ, bởi vì chúng ta không thể hoàn thành được những gì mà chúng ta mong ước. Nếu chúng ta hi vọng trong ảo tưởng thì phải bám víu vào ảo ảnh. Khoảnh khắc đạt tới chỗ hi vọng, ảo ảnh sẽ biến mất, chúng ta lại thất vọng hoàn toàn. Từ thất vọng chúng ta lại hi vọng, lại tạo ra ảo tưởng. Và vòng lẩn quẩn tiếp tục. Chúng ta cứ đi từ thất vọng sang ảo tưởng, từ ảo tưởng sang thất vọng, ở trong căng thẳng thường xuyên giữa thất vọng và hi vọng. Cuộc sống của chúng ta trở thành một chuỗi căng thẳng, không hiện hữu, không sống thật với chính mình, dù thế nào đi nữa ảo tưởng vẫn là ảo tưởng, hoàn toàn không có thật. Những ảo tưởng này bám sâu vào tiềm thức và ngự trị trong một cái tâm loạn động, cho dù chúng ta có hiểu về mặt lý thuyết là “vô ngã” thì cái ta vi tế và ảo tưởng vẫn cứ hiện hữu một cách âm thầm và sai xử ta khi đối mặt với cuộc sống. Tự lừa gạt bản thân sẽ dẫn tới tự hủy diệt bản thân.

Ảo giác dòng thời gian

Theo hiểu biết thông thường, thời gian chỉ là chiếc đồng hồ, gõ nhịp tíc tắc. Người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã ngày xưa, chế ra đồng hồ mặt trời, đồng hồ nước, đồng hồ cát... để đo thời gian. Đồng hồ cơ khí vận hành bằng vật liệu nặng xuất hiện lần đầu tại Bedfordshire (Anh) năm 1283. Nhưng khái niệm thời gian không đơn giản như vậy, ngày nay người ta còn phân biệt nhiều loại thời gian.
Thời gian sinh học là thời gian biểu cho những hoạt động hằng ngày của mỗi người. Chúng định rõ thời điểm nào trong ngày chúng ta nên dành cho việc ăn uống, làm việc hay ngủ nghỉ…(ví dụ: 11 giờ đêm, cơ thể cần nghỉ ngơi và chúng ta thường buồn ngủ, giờ đi ngủ nầy có thể sớm hoặc trễ tùy từng người, từng mùa và thời tiết). Tất cả các sinh vật sống đều có các chu kỳ hoạt động hằng ngày được biết đến dưới tên "nhịp điệu thường nhật". Các nhịp điệu này được điều khiển bởi một hệ thống kiểm giờ bên trong hay còn gọi là đồng hồ sinh học, quan trọng nhất là nhịp ngày đêm. Ở thực vật, nhịp sinh học truyền tín hiệu khi nào thì chúng tăng trưởng. Ở người, nhịp sinh học giúp điều hòa các thay đổi về huyết áp, thân nhiệt và sự tỉnh táo vốn thay đổi tùy thời gian trong ngày.
Thời gian tâm lý là thời gian do sự suy tưởng của con người mà hình thành.Thời gian tâm lý có tính chủ quan, lúc nhanh, lúc chậm. Khi hai người yêu ở gần nhau thì thời gian như ngừng lại, nếu phải chờ đợi nhau thì một giờ dường như một tháng… Đối với người bị ngục tù thì “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” (chỉ một ngày đêm thôi nhưng dài như đến ngàn năm). Nếu nghĩ sâu hơn, thời gian tâm lý có thể gây đau khổ triền miên cho con người, bởi vì người ta thường không sống an nhiên trong hiện tại mà cứ sống mải mê trong quá khứ hoặc chìm đắm trong vọng tưởng tương lai.
Ý niệm thời gian còn phụ thuộc vào chiều kích văn hóa và xã hội. Người Tây Phương khi dự tiệc đi sớm 10-15 phút, người Việt thường đi trễ khoảng 1 giờ.
Thời gian còn biết bao bí ẩn đang chờ được khám phá. Từ xưa đến nay các triết gia và các nhà vật lý không ngừng suy nghĩ về "thời gian". Thuyết thời gian thay đổi từ cơ học cổ điển Newton đến thuyết tương đối Einstein rồi thuyết lượng tử. Triết gia Craig Callender trình bày một cách nhìn mới mẻ: Thời gian chỉ là một phương thức thuận tiện để đo đạc các quá trình trong vũ trụ.Thời gian không tồn tại độc lập. Thời gian được ví như tiền tệ vốn chỉ là một phương tiện giao dịch, thuận tiện hơn phương thức trao đổi trực tiếp bằng hiện vật.
Platon gọi “Thời gian là một hình ảnh chuyển động của vĩnh cửu.” Chuỗi thời gian là chuỗi nối tiếp giữa: hiện có, đang tiếp cận và chưa có. Ví dụ: Khi chúng ta đọc được một nửa cuốn sách, phần trước của cuốn sách là quá khứ, trang đang xem là hiện tại, những trang còn lại là tương lai. Chúng ta có cảm giác thời gian đang trôi khi đọc sách. Nhưng giả sử một người đến được quá khứ của chính họ thì quá khứ trở thành hiện tại (nơi họ đang sống). Tương tự, nếu họ tới được tương lai thì tương lai của họ cũng trở thành hiện tại. Vậy, cho dù đi tới đâu thì nơi người đến sẽ trở thành hiện tại. Quá khứ và tương lai không hề tồn tại. Cái tồn tại duy nhất trong cuộc sống chỉ là hiện tại mà thôi!
Chúng ta có xu hướng tin rằng vận mệnh thì không cố định và tất cả thời gian đã qua đều bị trôi vào quên lãng, nhưng liệu sự chuyển vận đó có thể chỉ là một ảo giác? Julian Barbour - nhà vật lý người Anh - giải thích rằng trong một chiều không gian đặc thù, thời gian đơn giản là không tồn tại. “Nếu bạn cố gắng đặt bàn tay của mình lên thời gian, nó sẽ luôn luôn trôi qua các ngón tay của bạn”. Do đó người ta không thể nắm giữ được thời gian. Đây không phải là một giả thuyết mới, nhưng chưa được phổ biến như thuyết tương đối của Einstein.
Chúng ta nhận thức rằng thời gian là một quá trình quen thuộc, trôi từ quá khứ tới tương lai. Barbour đưa ra một ý tưởng ngược lại là sự không liên tục của thời gian, ông đưa ra thuyết một vũ trụ được tạo ra bởi nhiều điểm mà ông gọi là “bây giờ” (Nows). Nhưng những cái “bây giờ” đó không phải là những thời điểm thoáng qua đến từ quá khứ và sẽ chết trong tương lai; một “bây giờ” chỉ là một trong hàng triệu “bây giờ” đang tồn tại trong không gian vô tận của vũ trụ gồm một chiều không gian đặc thù không thể định vị được, mỗi cái lại có liên quan với những cái khác một cách tinh vi, nhưng không có cái nào nổi bật hơn cái lân cận. Chúng đều tồn tại cùng một lúc. Trong một không gian vũ trụ, tương lai của chúng ta đã có ở đó, được sắp đặt, và mỗi giây trong quá khứ của chúng ta cũng hiện hữu, không phải như ký ức, mà là một sự hiện hữu sống động.
Albert Einstein giải thích thời gian thực tại có liên quan tới mỗi vật thể trong vũ trụ, và thời gian là một “chủ thể” không tách biệt với không gian. Thời gian trên thế giới này được qui định một cách ngẫu nhiên do tiếng tíc tắc của đồng hồ, chứ đồng hồ hoàn toàn không có khả năng đo được thời gian. Einstein nói: “Những người như chúng ta, những kẻ tin vào vật lý học, biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai chỉ là một ảo tưởng cố chấp dai dẳng”.
Trên cơ sở đó Einstein chứng minh thời gian tuyến tính (linear time) chỉ là ảo giác của con người và thay thế nó bằng khái niệm không thời gian bốn chiều (Continuous for dimensional space time). Theo quan niệm này, thời gian kết hợp với không gian thành một liên thể bốn chiều thống nhất, và sự thống nhất đó được mở rộng sang phạm trù vật chất qua hệ thức vật lý căn bản nổi tiếng E = MC2. Hệ thức này giải thích vật chất vốn chỉ là năng lượng ẩn trong khối lượng, và nó là dạng thức tồn tại chủ yếu trong thế giới hiện tượng. Chính sự tồn tại và vận động của nó đã tạo nên những đặc tính của không gian và thời gian. Như vậy, không gian định hình bởi vật, và thời gian định tính bởi sự liên kết mật thiết với vật chất và không gian, theo nghĩa tương tác nhân duyên, tức là sự hiện hữu của vật này là điều kiện tồn tại cho vật kia, nếu vật này không còn thì vật kia cũng biến mất. Những điều tưởng như trừu tượng và khó hiểu nói trên, đã được Einstein minh định rất rõ trong một câu trả lời thật súc tích về thuyết tương đối của ông: “Trước đây người ta thường cho rằng; nếu bỗng dưng toàn thể vật chất vũ trụ biến mất thì vẫn còn lại không gian và thời gian. Điều này không đúng với lý thuyết tương đối, bởi nó đã chứng minh rằng; nếu vật chất trong vũ trụ không còn thì không gian và thời gian cũng biến mất”...
“Tất cả mọi chúng ta đều đã bị lừa, bản chất đích thực của thế giới không phải như chúng ta tưởng, những gì mà chúng ta vẫn cho là ổn định, là bất biến, tuyệt đối, thật ra chỉ có giá trị tương đối trong phạm vi nhỏ hẹp của đời sống hằng ngày mà thôi. Xét về căn bản, chúng chẳng có gì là bền vững và ổn định mà hoàn toàn hư ngụy. Vật chất hư ngụy, không gian hư ngụy, và thời gian, cái tưởng như tuyệt đối, cũng chỉ là hư ngụy nốt”!
Thiền sư Đạo Nguyên cũng nói về bản chất bất động của thời gian:
“Hầu hết mọi người tin rằng thời gian đã trôi qua; trong thực tế nó ở đâu vẫn nguyên đó. Cái ý niệm về sự trôi qua này, có thể gọi là thời gian, nhưng đó là một ý niệm không đúng, bởi vì người ta chỉ coi như nó đi qua, mà không hiểu được rằng, nó ở chỗ nào vẫn nguyên ở chỗ ấy”.
Trước A. Einstein gần 2000 năm, thiền sư Long Thọ đã thấu hiểu tính tương đối của thời gian, và coi đặc điểm tuyến tính của thời gian chỉ là ảo giác nơi con người.
Các nhà vật lý lượng tử hiện đại cũng cho rằng, trước Big Bang, thời gian chưa trôi và một giây tương ứng với vĩnh hằng. Đúng như tinh thần Hoa Nghiêm: Trong một sát na bao gồm toàn thể thời gian từ vô thuỷ đến vô chung. Không gian, thời gian, số lượng vật chất đều là ảo, không phải thật. Sự phân chia ba thời, quá khứ, hiện tại, tương lai, chỉ là thói quen của tâm thức, không phải chân lý. Tất cả mọi dữ liệu đều chứa trong một tàng thức vô cùng rộng lớn gọi là A-lại-da thức (Alaya). Tàng thức đó bị hạn chế, che khuất bớt một phần, mới có điều kiện cho ảo hóa phát sinh. Ảo hóa cuối cùng tạo ra cuộc sống đời thường của chúng ta, có không gian, thời gian và số lượng vật chất. Sự che khuất, sự hạn chế, vô minh, là nguyên lý của ảo hóa, cũng là nguyên lý của cuộc sống, từ đó mới có sinh diệt, quá khứ, hiện tại, tương lai. Như vậy vô minh tất yếu phải trở thành điều kiện bắt buộc của cuộc sống. Không có vô minh thì không có sinh diệt, không có đời sống. Do đó bậc thánh trí giác ngộ cũng phải vận dụng vô minh, thì mới tiếp cận được với chúng sinh.

Thiền và ảo tưởng

Đôi lúc trong cuộc sống chúng ta rất khó phân biệt hư thực như thế nào. Chúng ta không có khả năng nhìn thấy cái trật tự toàn diện và không có khả năng kết hợp hài hòa những yếu tố tương phản trong cuộc sống. Chúng ta nhìn bằng mắt, nhưng cũng nhìn bằng não. Và nhìn bằng não thường được gọi là tưởng tượng.
Kiến thức mà khoa học hiện đang thủ đắc là do phân tích những sự kiện bên ngoài của vũ trụ, nhưng không cho chúng ta nắm bắt được sự hoạt động của cơ thể ở bên trong từng tế bào. Nói một cách khác, các diễn biến trong thân thể đều vô hình đối với chúng ta. Chúng ta có thể nhận thấy từng khoảnh khắc nhưng không thấy được toàn bộ vấn đề. Khi ý thức bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, tình trạng xa lánh trần thế, tự cô lập, bám víu vào một kinh nghiệm quá khứ hoặc mong đợi một kết quả sắp đến, những ảo tưởng thường xãy ra khi người đó tin lầm rằng mình có thể thấy hoặc nghe một cái gì đó đang xảy ra, nhưng thật tế chỉ ở trong tưởng tượng của mình.
Tuy nhiên, ngay cả những người khỏe mạnh cũng cảm nghiệm ảo giác. Mỗi người đều có khả năng có ảo giác khi mơ, ngay cả khi tỉnh táo, hoặc người ta cũng có thể rơi vào ảo giác trong những trạng thái tập trung sâu sắc, gợi cảm, hào hứng, sợ hãi, mê ly, hay căng thẳng.
Sinh hoạt thường ngày làm con người bị kích thích ở những mức độ khác nhau, dễ gây rối loạn thần kinh, dẫn đến rối loạn hoạt động nội tiết và hoạt động miễn nhiễm. Ngược lại, quá trình hạ thấp sóng não, giảm chuyển hoá và giảm tiêu hao năng lượng của thiền là quá trình chủ động làm cho bộ não được nghỉ ngơi, phục hồi khả năng tự điều chỉnh, tự hoàn thiện, qua đó cải thiện các chức năng sinh lý của cơ thể và nâng cao khả năng chống lại những sự quấy nhiểu của môi trường bên ngoài. Thiền chuyển sự chú ý của chúng ta vào hiện tại. Giảm bớt những cảm xúc tiêu cực, không cho ảo giác, ảo tưởng xuất hiện... Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt căng thẳng gây ra. Thiền hướng sự chú tâm vào tâm thức và thân xác mình. Trí tuệ hiện ra từ một sự chú tâm liên tục trong bất cứ một tư thế thiền nào. Sự luyện tập phải khởi sự ngay từ buổi sáng khi mới thức dậy và tiếp tục cho đến khi đi ngủ. Luôn an trú trong hiện tại. Không nên nghĩ rằng con đường còn quá dài hay điểm đến vẫn chưa thấy được. Đến một lúc nào đó tâm thức sẽ đạt được sự thăng bằng tự nhiên của nó và việc luyện tập của chúng ta sẽ diễn tiến một cách tự động. Tất cả mọi rối loạn tự chúng sinh ra và cũng tự biến mất.

Lê Tấn Tài