Thiền sư
TrầnThế



Ðiều kiện ắt có và đủ để được xem là thiền sư là gì? Là biết ngồi yên ngậm miệng? Nếu vậy, những ai thích ngồi yên ngậm miệng đều là thiền sư. Là sự quảng cáo rầm rộ qua chữ nghĩa và hình ảnh? Nếu vậy, các tài tử, ca sĩ nổi danh cũng là thiền sư. Là sự nói năng chậm rãi như các bác sĩ tâm lý? Nếu vậy, các bác sĩ tâm lý cũng là thiền sư. Là ý tưởng muốn lãnh đạo quần chúng? Nếu vậy, những chính trị gia cũng là thiền sư. Là sự học cao hiểu rộng? Nếu vậy, tất cả những người học cao hiểu rộng là thiền sư. Là viết được nhiều sách? Nếu vậy, tất cả các nhà văn đều là thiền sư? Là sự giữ giới về ăn mặc? Nếu vậy, tất cả những ai giữ giới này đều là thiền sư. Là sự tán dương danh Phật (Bụt) với nhiều người khác? Nếu vậy, tất cả các phật tử đều là thiền sư. Là sự hiền lành dễ thương do xuất gia? Nếu vậy, tất cả những tu sĩ xuất gia của tất cả các tôn giáo đều là thiền sư. Là sự nhân danh tình thương bằng lời nói thay cho lao động phục dịch? Nếu vậy, những ai lao động phục dịch thế lời nhân danh tình thương thì họ không phải là thiền sư ?
Danh từ thiền sư không phải chỉ mới được biết nhờ qua quảng cáo ở thời mạc pháp. Nó đã xuất hiện trong ngôn ngữ loài người kể từ khi con người biết quay lưng với mọi hệ lụy trần thế ngay từ trong tư tưởng. Phải chăng đây là ‘điều kiện ắt có và đủ’ để được xem là thiền sư.
Vị thiền sư thứ nhất tiêu biểu cho ‘điều kiện ắt có và đủ’ này là thái tử Tất Ðạt Ða, con của Tịnh Phạn vương với 49 ngày ngồi dưới cội Bồ Ðề sau khi bỏ cung vàng điện ngọc. Vị kế tiếp được biết đến nhiều nhất là Bồ Ðề Ðạt Ma (?-528) với 9 năm ngồi đối diện vách (cửu niên diện bích). Lương Võ Ðế là vị vua của Trung Quốc, bậc lãnh đạp tối cao của Phật giáo ở cùng thời với Bồ Ðề Ðạt Ma, vua hỏi thiền sư: ‘trước mặt trẩm là ai?’ Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời: ‘không biết’ thay vì trả lời: ‘là thầy, là thiền sư, là hòa thượng, là thượng tọa, là phật tử, là thứ dân v.v.’
Cuộc đối thoại giữa Bồ Đề Đạt Ma và vua Lương Võ Đế là một trong những chuyện thiền đặc sắc nhất được ghi trong 3 cuốn của nhà văn người Nhật D.T.Suzuki. Đây là bộ sách ghi lại lịch sử thiền tông và cốt tủy thiền xuyên qua các giai thoại giữa các thiền tổ. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng và tái bản nhiều lần.. Bản việt ngữ mang tựa THIỀN LUẬN do dịch giả Tuệ Sĩ và Trúc Thiên chuyển ngữ.
Những chuyện sau đây được trích từ THIỀN LUẬN nầy hầu góp phần cho việc ôn cố tri tân. Dựa vào xưa để thấy nay xem có gì mới lạ, thiền nay có bị lạc hướng với thiền xưa không, hay là xưa và nay đều có vị trí độc lập, không thể so sánh được.
Thiền là gì mà khi xưa Thần Quang phải chặt cánh tay sau khi chờ đợi quá lâu ngoài trời tuyết giá để được Bồ Ðề Ðạt Ma lưu tâm và chọn cho pháp danh Hụê Khả (486-593), mà trong thiền sử có chuyện như sau:
Ðêm kia, Thần Quang đứng dầm mình trong tuyết chờ Ðạt Ma để ý đến khi tuyết rơi đầm đìa chôn vùi ông đến đầu gối. Bấy giờ, sư mới quay đầu lại hỏi: «Ông muốn cầu gì?» Quang bi khốc bạch:
«Ngưỡng mong hòa thượng từ bi mở cửa cam lộ, rộng độ chúng sanh.» Sư nói:
«Diệu đạo vô thượng của chư Phật phải nhiều kiếp tinh cần, khó làm làm được, khó nhịn nhịn được, hàng đức nhỏ trí cùn, lòng đầy khinh mạn, há có thể chịu nổi nhọc nhằn lao khổ cầu pháp chân thừa sao?»
Quang nghe quở bèn rút dao bén đoạn lìa cánh tay trái đưa lên trước mặt Sư. Sư biết gặp được pháp khí, bèn nói:
«Chư Phật lúc phát tâm cầu đạo vì pháp bỏ thân, nay ông chặt tay trước mặt tôi, vậy muốn cầu gì?» Nói xong, Sư bèn đổi tên Thần Quang ra Huệ Khả.
Khả bạch: Pháp ấn của chư Phật, có thể nghe được chăng?
Sư nói: Pháp ấn của chư Phật không thể nhờ vào người khác.
Khả bạch: Nhưng tâm con không an, thỉnh Sư làm cho tâm con an.
Sư nói: Ðưa tâm ngươi đây ta an cho.
Khả bạch: Con kiếm mãi mà chẳng thấy tâm đâu cả.
Sư nói: Thế là ta đã an cái tâm ngươi rồi đó.
Thiền là gì mà khi xưa kẻ gánh củi đi bán như lục tổ Hụê Năng (638-713) đã làm rạng danh thiền sử qua chuyện sau:
Ngày kia, ngũ tổ Hoằng Nhẫn (601-674) báo cáo vị nào có thể tỏ ra đạt lí đạo, Tổ sẽ truyền áo pháp cho mà làm tổ thứ sáu. Thần Tú (tịch năm 706) là người học cao nhất trong bọn, và nhuần nhã nhất về việc đạo, và cố nhiên được đồ chúng coi như xứng đáng nhất hưởng vinh dự ấy, bèn làm một bài kệ trình chỗ hiểu biết, và biên nơi vách bên chái nhà chùa. Kệ rằng:
Thân là bồ đề cội.
Tâm như gương sáng đài.
Giờ giờ siêng phủi quét.
Chớ để nhuốm trần ai.
Ai đọc qua cũng khoái trá, và thầm nghĩ thế nào tác giả cũng lãnh được phần thưởng xứng đáng. Nhưng sáng hôm sau, vừa thức giấc, đồ chúng rất đỗi ngạc nhiên thấy một bài kệ khác viết bên cạnh, như sau:
Bồ đề vốn không cội.
Gương sáng cũng không đài.
Nguyên chẳng có một vật.
Sao gọi phủi trần ai.
Tác giả của bài kệ sau là một cư sĩ quen lo tạp dịch dưới bếp, suốt ngày chỉ biết bửa củi, giã gạo cho chùa. Diện mạo ông ta quá tầm thường đến không mấy ai để ý nên bấy giờ toàn thể đồ chúng rất đỗi sửng sốt chứng kiến cuộc thách đố ấy nhắm vào một uy quyền đã được thừa nhận. Nhưng ngũ tổ thấy ở ông tăng không tham vọng ấy một pháp khí có thể thống lãnh tăng chúng sau này, và nhất định truyền áo pháp cho ông. Nhưng tổ có ý lo, vì hầu hết môn đồ của Tổ đều chưa đủ huệ nhãn để nhận ra ánh trực giác thâm diệu trong những hàng chữ trên của người bửa củi giã gạo là Huệ Năng, nên nếu công bố vinh dự đắc pháp ấy lên e nguy hại đến tánh mạng người thọ pháp. Nên Tổ ngầm bảo Huệ Năng đúng canh ba, khi đồ chúng ngủ yên, vào tịnh thất dạy việc. Thế rồi Tổ trao lại áo pháp cho Huệ Năng làm tín vật chứng tỏ cái bằng cớ đắc pháp vô thượng, và báo trước hậu vận của đạo thiền sẽ rực rỡ hơn bao giờ hết. Tổ còn dặn Huệ Năng chớ vội nói pháp, hãy tạm mai danh ẩn tích nơi rừng núi chờ đến thời sẽ công khai xuất hiện và hoằng dương. Tổ còn nói cái áo pháp truyền lại từ tổ Ðạt Ma làm tín vật sau này đừng truyền xuống nữa, vì từ đó Thiền sẽ được thế gian công nhận, không cần phải dùng áo tiêu biểu cho tín tâm (ngạn ngữ tây phương : l’habit ne fait pas le moine = mầu áo không làm nên thầy tu). Ngay trong đêm ấy Huệ Năng từ giã Tổ.
Thiền là gì mà khi xưa Lâm Tế ( ?-867) la hét vung gậy trước thính chúng thay vì nói năng nhỏ nhẹ, như đã ghi trong thiền sử sau đây:
Ðịnh thượng tọa hỏi Lâm Tế: «Thế nào là đại í của pháp Phật?». Tế bước xuống thiền sàn, nắm lấy thượng tọa, xáng cho một bạt tai, rồi xô ra. Ðịnh đứng khựng. Ông tăng đứng bên nhắc: «Ðịnh thượng tọa, sao không lạy hòa thượng đi?» Ðịnh toan lạy thì ngay lúc ấy hốt nhiên đại ngộ.
Nhân nói đến thiền sư Lâm Tế, tôi nhớ đến kỷ niệm vào năm 1969 tôi thường vào nghiên cứu kinh điển, triết học Phật giáo (phần nhiều của dịch giả Thích Thiện Hoa và Thích Minh Châu) và tịnh tọa trong cổ tự Giác Viên ở Phú Lâm Saigon, được biết đây là ngôi cổ tự thuộc dòng thiền Lâm Tế chánh tông. Vị sư trụ trì thời đó là đại lão hoà thượng Thích Thiện Phú (1905-1995). Một đời, một đạo thường gặp nhau dưới một mái chùa xưa, lâu ngày thành quen. Tôi quy y tam bảo với vị chủ trì và có pháp danh Huệ Trí từ đó.
Thiền là gì mà khi xưa Tăng Xán (?-606) chỉ nói vài câu thay vì nói dài dòng, đã làm cho Ðạo Tín (580-651) liễu ngộ ‘trói buộc là giải thoát’ như đối thoại sau:
Ðạo Tín bạch: Cúi xin Hòa Thượng từ bi chỉ cho đệ tử con đường giải thoát.
Tăng Xán hỏi: Ai trói ngươi?
Ðạo Tín bạch: Không ai trói hết.
Tăng Xán nói: Vậy sao còn cầu giải thoát?
Tín phát đại ngộ ngay dưới lời nói, bỏ công chín năm khổ cầu.
Ðặc biệt hơn nữa, thiền là gì mà trong thế giới thiền ngôn lại có câu ‘phùng Phật sát Phật (Bụt)= gặp Phật giết Phật (Bụt)’. Theo chỗ tôi hiểu, đây là thiền ngôn có năng lực đánh tan ý đồ của những người khéo lạm dụng danh từ để tạo sự cuồng tín cho những ai chưa am tường phật giáo. Ðấy cũng là chỗ đặc thù của Phật giáo mà các tôn giáo khác không có. Phật giáo tồn tại nhờ bình đẳng tánh trí và không chấp trước về danh từ qua câu nói này. Sự không chấp trước được xem là cây đao GIÁC NGỘ của Phật giáo đốn ngã tận gốc sự cuồng tín dựa vào hư tự, và cũng là sự hấp dẫn giới trí thức tây phương đến với Phật giáo, mở đường cho sự tiến hóa chung của nhân loại THẤY TÔN GIÁO TRONG KHÔNG TÔN GIÁO và ngược lại = SẮC TỨC THỊ KHÔNG, KHÔNG TỨC THỊ SẮC. Nói về Phật giáo Việt Nam tức là nói đến kinh điển Phật giáo được dịch từ Phạn ngữ hay Hán ngữ của các cao tăng như Kim Cang, Viên Giác, Lăng Nghiêm, Duy Thức Luận, Trung Bộ Kinh, Trường Bộ Kinh, Ðại Bát Niết Bàn Kinh, Lăng Già Tâm Ấn, Pháp Bảo Ðàn Kinh, Duy Ma Cật, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Hiền Ngu v.v và những lời đối đáp của các vị thiền sư xưa. Những lời đối đáp đó đôi khi cộc lốc khiến những ai còn nhiều chấp trước về danh từ, còn cần nghe những lời ru ngủ về mặt tâm lý, còn đi tìm phật, tìm trời ngoài tâm thì khó lãnh hội được lý nghĩa của thiền ngôn xưa, thí dụ:
chuyện 1:.
Nghiêm Dương tôn giã ở Tân Hưng, có thầy tăng hỏi:
«Phật là gi?»
«Cục đất.»
«Pháp là gì?»
«Ðất lăn.»
«Tăng là gì?»
«Ăn cháo ăn cơm.»
chuyện 2 .
Ngày kia, Sư Bách Trượng Niết Bàn gọi một thầy đến nói: «Thầy với tôi ra cày ruộng xong tôi nói cho nghe đại nghĩa của Pháp Phật.» Cày xong, thầy ta đến thỉnh giáo; sư dang đôi tay không nói gì.
chuyện 3.
Ngày kia, có ông đạo hỏi thiền sư Mục Châu, một cao tăng ở hậu bán thế kỷ IX: «Suốt ngày mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi mặc áo ăn cơm?». Sư đáp: «Mặc áo ăn cơm». Thầy kia trả lời không hiểu. Sư đáp: «không hiểu thì mặc áo ăn cơm.»
Tóm lại, thiền sư là ai? Nếu không phải là những người tự cho mình là thiền sư, hoặc được người khác bái thành sư, và nhờ vào ngu ngơ mà ngộ được thiền như chuyện một chú tiểu thành khẩn thỉnh Triệu Châu dạy thiền:
Châu hỏi:
- Chú ăn cháo chưa?
- Ăn cháo rồi.
- Rửa chén đi.
Cái gọi là thiền rốt cục cũng chỉ là mọi sinh họat hằng ngày. Qua đấy mà thấy ra một cái gì đó không hề thay đổi đã có sẵn và bị giấu kín bởi vọng tưởng. Người thấy ra cái ấy chính là thiền sư vậy.