Đông Hồ
mua áo



"Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi,
Em đâu còn áo mặc đi chơi.
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ,
Đành gởi anh mua chiếc mới thôi!

- Hàng bông mai biếc màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài ?

- Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!"


* Đông Hồ sinh năm Bính Ngọ (1906) tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên. Họ Lâm, nhũ danh là Kỳ Phác (bộ ngọc), hộ tịch chép là Tấn Phác (Biện Hoà Tấn Phác), ông bác đặt tiểu tự là Quốc Tỉ (truyền gốc ngọc tỉ) sau đổi là Trác Chi (Hữu phác ngọc, nghi sử ngọc nhân điêu trác chí). Vì tổ tiên mấy đời đều ở ven Đông Hồ ấn nguyệt, một thắng cảnh trong Hà Tiên thập cảnh, nên khi bắt đầu làm thơ đã lấy hiệu Đông Hồ. Nổi tiếng từ năm 1923 đến năm 1933, viết cho tạp chí Nam Phong viết văn nhiều hơn làm thơ. Năm 1935, chủ trương tuần báo Sống, xuất bản ở Sài Gòn. Năm 1953, giám đốc Nhân Loại tập san là cơ quan của nhà xuất bản Bốn Phương và nhà Sách Yiểm Yểm thư trang sáng lập từ năm 1950 ở Sài Gòn . Thành tích văn hóa đáng chú ý là từ năm 1926 đến năm 1934 mở nhà nghĩa học trên bờ Đông Hồ lấy tên là "Trí Đức học xá", chủ trương chuyên dạy bằng tiếng Việt, cổ động khuyến khích cho học trò và bè bạn tin tưởng ở tương lai Việt ngữ. Đã xuất bản: Thơ Đông Hồ (Nam Ký thư quán Hà Nội - 1932), Cô Gái Xuân ( thơ -Vị Giang văn khố Nam Định - 1935), Hà Tiên thập cảnh (Bốn Phương Sài Gòn - 1960), Trinh Trắng thơ (Bốn Phương - 1961).